Home / Tài liệu / Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất;? và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam khác nhau chỗ nào ?

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất;? và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam khác nhau chỗ nào ?

Download PDF

PARIS, ngày 15.11.2010 (PTTPGQT) – Thượng tọa Thích Viên Định, Phó Viện trưởng kiêm Tổng Thư ký Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, có bài viết phân tích sự khác biệt từ nội dung đến hình thức giữa Giáo hội dân lập và lịch sử gọi là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và Giáo hội công cụ do Đảng Cộng sản thiết lập năm 1981 có tên Giáo hội Phật giáo Việt Nam mà quần chúng thường gọi là Giáo hội Nhà nước hay Giáo hội Quốc doanh.

Xin mời bạn đọc vào xem nguyên văn bài viết ấy sau đây :


Trong các cuộc thẩm vấn những thành viên thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Công an thường hỏi một cách căng thẳng và thách thức rằng : “Tại sao đi theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) mà không chọn Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) ?” Đây là cuộc áp đảo chính trị lớn. Bài này chúng tôi phân tích cho rõ trắng đen.

Chủ thuyết Vô thần Mác-Lê Nin chủ trương tiêu diệt tôn giáo vì xem tôn giáo là thuốc phiện. Nếu không tiêu diệt được thì tìm cách kiểm soát để lợi dụng làm công cụ cho Đảng Cộng sản theo phương châm của Lê-Nin : “Đảng phải thông qua tôn giáo để tập hợp quần chúng”.

Năm 1980, Ông Nguyễn Văn Linh, Thành Uỷ Sài Gòn đã nói tại cuộc họp đủ mặt các vị Giáo Phẩm các Giáo Hội và Hội Đoàn Phật Giáo rằng : “Phải thống nhất Phật giáo để làm chỗ dựa vững chắc cho Đảng CSVN”.

Năm 1981, sau 6 năm đàn áp, tù tội, khủng bố, đe doạ… Cộng sản đã mua chuộc, dụ dỗ, khuất phục được một số chư Tăng trong hàng lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) tham gia vào việc thành lập Giáo hội mới của nhà nước gọi là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (GHPGVN). Ngoài một số vị đã vượt biển ra nước ngoài và cố Hoà thượng Thích Thiện Minh bị tra tấn đến chết trong tù, chỉ còn hai Hoà thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ là chống đối đến cùng, không chịu đem GHPGVNTN, một Giáo hội dân lập truyền thống, sáp nhập vào Giáo Hội tân lập của nhà nước, nên hai Ngài bị Nhà cầm quyền CS bắt đưa đi lưu đày về nguyên quán, một vị ở miền Trung hẻo lánh, một vị ở miền Bắc xa xôi.

Tại sao nhị vị Hoà thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ lại chống đối quyết liệt việc sáp nhập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất truyền thống vào Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam của nhà nước đến như vậy ?

Trong Tuyên Cáo Giải Trừ Quốc nạn và Pháp Nạn ngày 20.11.1993, Đại Lão Hoà thượng Thích Huyền Quang đã viết : “Với mục tiêu đàn áp tôn giáo nói chung, giải thể GHPGVNTN nói riêng, khởi phát sau ngày 30.4.1975 không thành. Năm 1981, Nhà cầm quyền Cộng sản đã thay đổi chiến lược bằng cách tạo dựng một Giáo hội công cụ tay sai để dùng người Phật giáo đánh phá Phật giáo theo chính sách chia để trị”.

Và trong bức thư gửi Nhà cầm quyền Hà Nội, nói về “Sáu điều sai trái của Nhà cầm quyền Cộng sản và 5 điều xác định của GHPGVNTN”, Đại Lão Hoà thượng Thích Huyền Quang cũng khẳng định rằng :

“Giáo Hội chúng tôi không muốn cho Giáo Hội của mình biến thành chiếc ghế để Đảng Cộng Sản Việt Nam ngồi lên cho vững. Như lời ông Nguyễn Văn Linh tuyên bố tại cuộc họp với chúng tôi hai ngày 12 và 13.2.1980. Chúng tôi xem lời tuyên bố đó là sự xúc phạm tôn giáo thiêng liêng của chúng tôi. Khinh rẽ Giáo Hội chúng tôi, vì xem Giáo Hội như chiếc ghế sử dụng tạm thời cho Đảng”.

Khái quát về GHPGVN, trong “Chín điểm yêu sách” của Đại Lão Hoà thượng Thích Huyền Quang, gửi Nhà cầm quyền Cộng sản Hà Nội, lúc còn bị lưu đày ở Quảng Ngãi, Ngài nhận định rằng :

“Cuối năm 1981, một tổ chức mang tên “Giáo hội Phật giáo Việt Nam” được Nhà nước dựng lên tại Hà nội. Chính quyền đã dùng Giáo hội Nhà nước chụp lên đầu Giáo hội chúng tôi. Tuy Giáo hội Nhà nước này được thông qua một Đại hội, nhưng đại hội đó đã do Nhà nước chỉ đạo, sắp đặt tất cả, chứ không phải một Đại hội do chư vị Cao Tăng, Tăng Ni, Phật tử bầu lên theo truyền thống Phật giáo Việt Nam. Cho nên chúng tôi khằng định Giáo hội Nhà nước là một Giáo hội chính trị, thời đại, công cụ của chế độ hiện tại và đã bỏ rơi quần chúng Phật tử. Một Giáo hội như vậy không đủ tư cách để hưởng sự truyền thừa chính thống của Phật giáo Việt Nam. Giáo hội ấy chỉ là hậu thân của (các tổ chức tuyên truyền trước kia từng được gọi là) “Phật giáo Liên Lạc” và “Phật giáo Yêu nước”.

Lược qua những trích dẫn và ghi nhận trên, đã thấy có sự khác biệt giữa hai Giáo Hội, khác biệt từ mục đích đến hình thành, từ nội dung đến hình thức.

I – Mục đích và hình thành GHPGVNTN :
1 – Sự hình thành GHPGVNTN :

Đại Lão Hoà thượng Thích Huyền Quang đã nêu tổng quát sự hình thành GHPGVNTN trong Bản Tuyên Cáo của Quyền Viện Trưởng Viện Hoá Đạo ngày 20.11.1993 :

“GHPGVNTN trong thực tế Việt Nam, kế thừa nền Phật giáo dân tộc từ 20 thế kỷ qua, đại diện cho 80% quần chúng Việt Nam. Trên pháp lý, GHPGVNTN đã thống hợp sáu tập đoàn Tăng, Ni và Cư sĩ đại diện khắp ba miền Bắc, Trung, Nam tại đại hội toàn quốc ở chùa Từ Đàm Huế ngày 6.5.1951, thành lập “Tổng hội Phật giáo Việt nam”, tiền thân của GHPGVNTN. Gọi là Tổng hội vì dưới thời Pháp thuộc, Dụ số 10 cấm nền Phật giáo dân tộc không được dùng danh xưng Giáo Hội, trên pháp lý chỉ được hiện hữu như một hiệp hội. Tuy nhiên cuộc tranh đấu bảo vệ Chánh pháp và yêu sách tự do tôn giáo của Phật giáo đồ khởi phát từ tháng 5 năm 1963 đã thành công huỷ bỏ Dụ số 10, phục hồi danh xưng và hoạt động cổ truyền của Giáo hội, tức GHPGVNTN, tại đại hội Phật giáo đầu năm 1964…”

2 – Mục đích và lập trường của GHPGVNTN :

– Lời Mở đầu bản Hiến Chương GHPGVNTN xác định rằng :

“Công bố lý-tưởng hòa-bình của giáo-lý Ðức Phật, các tông phái Phật-giáo, Bắc Tông và Nam Tông tại Việt-Nam, thực-hiện nguyện-vọng thống-nhất thực-sự đã hoài-bão từ lâu để phục-vụ nhân-loại và dân-tộc : đó là lập-trường thuần nhất của Giáo-Hội Phật-Giáo Việt-Nam Thống-Nhất.

Giáo-Hội Phật-Giáo Việt-Nam Thống-Nhất không đặt sự tồn tại của mình nơi nguyên vị cá biệt, mà đặt sự tồn tại ấy trong sự tồn tại của nhân loại và dân tộc.

Quan niệm thống nhất Phật Giáo Việt Nam được thể hiện theo chủ trương điều hợp, nghĩa là giáo lý, giới luật và nếp sống của các tông phái, cũng như của hai giới tăng sĩ và cư sĩ, chẳng những được tôn trọng mà còn phải nỗ lực phát triển trong sự kết hợp có chỉ đạo. Chính đó là sắc thái đặc biệt của nền Phật Giáo Thống Nhất tại Việt Nam.”

– Điều thứ 4 Hiến Chương cũng ghi rõ : “Giáo Hội Phật Giáo Việt nam Thống Nhất được thành lập với mục đích phục vụ Nhân Loại và Dân Tộc bằng cách Hoằng Dương Chánh Pháp”. Đó chính là lý tưởng, “Thượng cầu Phật đạo, hạ hoá chúng sanh”, đem giáo lý giác ngộ, giải thoát truyền bá đến với mọi người trong tận hang cùng ngỏ hẻm.

II – Mục đích và hình thành GHPGVN :
1 – Sự hình thành GHPGVN được ông Đỗ Trung Hiéu nêu rõ trong tập tài liệu “Thống nhất Phật Giáo” (do Phòng Thông Tin Phật giáo Quốc tế tại Paris ấn hành) :

“Thực sự đại biểu là giữa Phật giáo của ta và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN). Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam đều là đại biểu dự Ðại hội, trong đó đại biểu của ta đa số (tức Ðảng Cộng sản). Chín tổ chức và hệ phái Phật giáo, GHPGVNTN là một, còn lại tám với những danh nghĩa khác nhau, nhưng tất cả đều hoặc là ta hoặc là chịu sự lãnh đạo của Ðảng (…). Cuộc thống nhất Phật giáo lần này, bên ngoài do các Hòa thượng gánh vác, nhưng bên trong bàn tay Ðảng Cộng sản Việt Nam xuyên suốt quá trình thống nhất để nắm và biến tướng Phật giáo Việt Nam trở thành một tổ chức bù nhìn của Ðảng”.

Ông Hiếu còn cho biết Ban Dân vận Trung ương chỉ thị khống chế Phật Giáo như sau :

“Nội dung đề án (thống nhất) là biến hoàn toàn Phật giáo Việt Nam thành một hội đoàn quần chúng. Còn thấp hơn hội đoàn, vì chỉ có Tăng, Ni, không có Phật tử ; chỉ có tổ chức bên trên không có tổ chức bên dưới, tên gọi là Hội Phật giáo Việt Nam (…)Nội dung hoạt động là lo việc cúng bái chùa chiền, không có hoạt động gì liên quan tới quần chúng và xã hội (…) Lấy chùa làm cơ sở chứ không phải lấy quần chúng Phật tử làm đơn vị của tổ chức Giáo hội.

2 – Mục đích của GHPGVN là kiểm soát và hướng dẫn chư Tăng theo sự lãnh đạo của Đảng, như lời xác nhận của ông Đổ Trung Hiếu :

“Dưới chế độ chuyên chính vô sản tất cả các tổ chức và cá nhân nhất nhất đều phải tuân thủ sự lãnh đạo chỉ đạo của đảng một cách cụ thể chi ly. Trong tôn giáo lại càng chặt chẽ kỷ lưỡng hơn nhiều”.

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam lấy khẩu hiệu : “Đạo Pháp – Dân tộc – Xã Hội Chủ Nghĩa” làm phương châm, dùng chư Tăng làm bình phong để trang hoàng và làm công cụ tuyên truyền cho chế độ. Nhà cầm quyền Cộng sản còn sử dụng Cơ chế Giáo Hội, Pháp lệnh tôn giáo để kiểm soát và cô lập làm cho chư Tăng xa lìa và bỏ rơi quần chúng.

Để quản lý chặt chẽ, GHPGVN nằm trong Mặt Trận Tổ Quốc, một tổ chức ngoại vi, công cụ của Đảng Cộng sản. Vì là thành viên, nên tiếng nói của GHPGVN phải thông qua cơ quan chủ quản là Mặt Trận Tổ Quốc, nhưng Mặt Trận Tổ Quốc lại do Đảng lãnh đạo. Do đó, GHPGVN không có tiếng nói riêng của mình. Tờ báo Giác Ngộ cũng là tờ báo của Đảng CS, mặc dù mang hình thức Phật giáo, nhưng thực chất chỉ là công cụ tuyên truyền cho Đảng.

Trong khi cả thế giới đều lên án Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam chà đạp nhân quyền, đàn áp tự do tôn giáo, thì GHPGVN lại im lặng, không ngó ngàng gì đến niềm ước mơ được tự do, dân chủ, nhân quyền của dân tộc mà còn làm ngược lại.

Theo sự chỉ đạo của Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam, ngày 03.12.2003 tại chùa Phổ Quang, Phú Nhuận, nhân khai mở Đại Giới Đàn, một đại lễ thiêng liêng trong Phật giáo, GHPGVN (Nhà nước) đã lợi dụng, lấy chữ ký của Giới tử, biến Giới Đàn thành cuộc mít tin phản đối Nghị Quyết 427 của Hạ viện Hoa Kỳ ngày 19.11.2003 và Nghị Quyết của Nghị viện Âu châu ngày 20.11.2003, cả hai Nghị quyết đều lên án Nhà cầm quyền Cộng sản đàn áp nhân quyền và GHPGVNTN.

III – Các tên thường gọi theo mục đích và nguyên nhân hình thành :
1 – Giáo hội chính thống và Giáo hội chính thức :

– Theo Lời Ngỏ của bản Hiến Chương, GHPGVNTN được thành lập “Trên cơ sở tự nguyện, tổng hợp các hệ phái Nam Bắc Tông, Việt Miên, Hoa Tông để hình thành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất năm 1964 để đoàn kết, để bảo vệ lẫn nhau trước những âm mưu chia rẽ, áp bức của các thế lực chính trị phi dân tộc chứ không do các chế độ cầm quyền dựng lên để sai sử”. GHPGVNTN đã kế thừa lịch sử truyền thống 2000 năm của Phật giáo Việt Nam, do chư vị Trưởng Lão Đại Tăng, cao Tăng, danh Tăng và Phật tử lập thành, chứ không do một thế lực chính trị thế tục nào lập ra. Nên GHPGVNTN là “Giáo hội chính thống”.

– GHPGVN do Nhà cầm quyền Cộng sản áp đặt dựng lên năm 1981, tại chùa Quán Sứ Hà Nội, là thành viên của Mặt Trận Tổ Quốc, một tổ chức ngoại vi của đảng Cộng sản. Nên, trên mặt pháp lý, GHPGVN được gọi là “Giáo hội chính thức”.

2 – Giáo Hội Truyền thống và Giáo Hội Tân lập :

– GHPGVNTN được truyền thừa từ ngàn xưa của chư Tổ mà vị Tăng Thống đầu tiên là Ngài Khuông Việt tức Thiền sư Ngô Chân Lưu thời Tiền Lê, nên gọi là Giáo Hội Truyền Thống.

– GHPGVN mới được Nhà cầm quyền Cộng sản thành lập năm 1981, nên gọi là Giáo Hội Tân lập.

3 – Giáo Hội Dân tộc và Giáo Hội Nhà nước :

– GHPGVNTN do chư Tăng và Phật tử cùng nhau tự nguyện dựng lên, vì vậy, GHPGVNTN là “Giáo hội Dân tộc”.

– GHPGVN do Nhà cầm quyền cộng sản dựng lên, là thành viên của Mặt Trận Tổ Quốc, một tổ chức chính trị ngoại vi của Đảng CS, nên GHPGVN là “Giáo Hội Nhà nước” (quần chúng thường gọi nôm na là Giáo Hội Quốc Doanh).

4 – Giáo Hội thuần tuý và Giáo hội chính trị :

– GHPGVNTN chỉ hoạt động thuần tuý tôn giáo, đem giáo lý giải thoát, giác ngộ đến cho chúng sanh. Chư Tăng không baơ giờ đảm nhận chức vị gì của thế gian. Nên GHPGVNTN là Giáo hội Thuần tuý.

– GHPGVN là thành viên của Mặt Trận Tổ Quốc, một tổ chức chính trị. GHPGVN đưa người ra tranh cử các chức vị thế gian như Hội Đồng Nhân Dân, Dân biểu quốc hội…Nên GHPGVN là Giáo Hội chính trị.

5 – Giáo Hội và Hiệp hội :

GHPGVNTN được thành lập sau cuộc tranh đấu thành công năm 1963, hủy bỏ được Dụ số 10 thời Pháp thuộc. Dụ số 10 của Thực dân Pháp chỉ công nhận Thiên Chúa giáo là Giáo Hội, các tôn giáo khác chỉ là Hiệp hội. GHPGVNTN đã là Giáo Hội, độc lập hoàn toàn với các tổ chức khác.

GHPGVN thuộc qui chế Hiệp Hội, không độc lập, vì là thành viên của Mặt Trận Tổ Quốc, chịu mọi sự chi phối, điều khiển của tổ chức chính trị này. Trong tiếng Việt, viết là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam cho dễ coi, chứ trong bản tiếng Anh thì viết là “Vietnam Association for Buddhism” tức là Hội Phật Giáo Việt Nam. Chữ Association chỉ là Hội. Đúng với mục đích ban đầu của Ban Dân Vận : “Nội dung đề án là biến hoàn toàn Phật giáo Việt Nam thành một hội đoàn quần chúng. Còn thấp hơn hội đoàn vì chỉ có tăng ni không có Phật tử, chỉ có tổ chức bên trên không có tổ chức bên dưới, tên gọi là Hội Phật giáo Việt Nam (HPGVN).

Sau khi một số thành viên lãnh đạo GHPGVNTN rời bỏ con thuyền Giáo Hội để bước sang thuyền khác, đau đớn về việc này, Hoà Thượng Thích Đức Nhuận, Cố Vấn Viện Hoá Đạo, GHPGVNTN, than rằng : “Ðau xót biết bao, khi Phật giáo Việt nam từ con lạch nhỏ vùng thoát ra được biển khơi, thì nay quí Hòa-thượng lại tự bước vào nước vũng ao tù” (trích thư của cố Hòa thượng Thích Ðức-Nhuận).

IV – Pháp lý, Địa vị, Cơ sở :
1 – GHPGVNTN :

“Pháp lý là gì ? Ở đây và hiện nay, pháp lý chỉ là mảnh giấy được viết và cấp phát cho một tổ chức tân lập để hỗ trợ những mục tiêu riêng tư, cục bộ phi Phật giáo. Trái lại, Giáo hội ta có mặt trên dải đất này đã 2000 năm rồi. Đinh, Lê, Lý, Trần đã chấp nhận Phật giáo. Do đó, mà những khẩu hiệu như thế này đã vang lên ở Đại Hội bất thường của GHPGVNTN sau năm 1975 tại Hội trường Ấn Quang ở Sài gòn… :

– “Pháp lý của Giáo Hội là 2000 năm dựng Văn mở Đạo trên đất nước Việt Nam này !

– “Địa vị của Giáo Hội là 80% dân chúng già, trẻ, lớn, bé !

– “Cơ sở của Giáo Hội là nông thôn, thành thị, cao nguyên và hải đảo !”

2 – GHPGVN :

– Pháp lý của GHPGVN là giấy công nhận của Nhà nước Cộng sản Việt Nam do Thủ Tướng Phạm Văn Đồng ký, kèm với bản “lý lịch”, viết về quá trình thành lập GHPGVN của ông Đỗ Trung Hiếu bí danh Mười Anh.

– Địa vị của GHPGVN là thành viên đứng trong tổ chức chính trị Mặt Trận Tổ Quốc.

– Cơ sở của GHPGVN là các Tự Viện, Tịnh Xá, Tịnh Thất, Niệm Phật Đường, đã chiếm đoạt của GHPGVNTN chứ GHPGVN không có gì cả.

V – Hệ thống tổ chức :

– Theo Hiến Chương GHPGVNTN, Điều 6, Chương Thứ Tư, “Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất là một trong những Quốc Gia Phật Giáo sáng lập và là trung tâm điểm địa phương của Phật Giáo Thế Giới”. Hệ thống tổ chức gồm có : Trung Ương và các Tỉnh, Thành, Thị Xã, Quận, Huyện, Xã, Phường, Thôn, Khóm, Khuôn hội, Vức hội ở các địa phương. GHPGVNTN lấy quần chúng Phật tử làm cơ sở. Mỗi đơn vị đều có Ban Đại Diện hành chánh hợp pháp.

– Hệ thống GHPGVN của Nhà nước chỉ có 2 cấp Trung Ương và Tỉnh, không có Quận, Huyện, Xã, Thôn, Khuôn, Vức. Sau này có thành lập thêm Quận hội, nhưng chỉ như Ban liên lạc giữa các chùa với Tỉnh hội mà thôi. Toàn bộ hệ thống tổ chức như “HÌNH THÁP – LỘN NGƯỢC, chỉ có tổ chức bên trên, không có tổ chức bên dưới”(trích Đỗ Trung Hiếu). GHPGVN lấy Tự Viện, Tịnh Xá, Tịnh Thất, Niệm Phật Đường làm cơ sở. Tại địa phương chỉ có Ban Hộ Tự tức là Ban giữ chùa mà thôi.

VI – Nhân sự và phạm vi hoạt động :
1 -Về Nhân Sự :

– GHPGVNTN được thành lập từ những tổ chức địa phương tiến đến cả nước, từ những Hội đoàn riêng biệt tiến đến thống nhất cả nước. Nơi nào có tín đồ Phật giáo, nơi đó có tổ chức Giáo hội. Tất cả nhân sự, chức vụ đều do chư Tăng, Ni và Phật tử hội ý thỉnh cử mà không bị bất cứ áp lực nào từ bên ngoài.

Hiện nay, GHPGVNTN vừa mới phục hoạt, vẫn đang bị Cộng sản tìm đủ cách đánh phá. Trong nước thì không hội họp được. Ngay cả các chi nhánh Giáo hội ở hải ngoại cũng bị đánh phá dữ dội như “Tài Liệu Mật” của Bộ Công An ghi rõ :

– “Đề nghị Ban Việt kiều liên lạc với các cộng đồng Phật giáo ở nước ngoài, để tổ chức tập hợp lực lượng phân hoá cô lập bọn phản động”.

– “Đề nghị Ban Bí thư tổ chức họp các ngành : dân vận, tôn giáo, nội vụ, ngoại giao, Việt kiều để thống nhất tình hình và chương trình hành động chung đối với Phật giáo”. (trích tập Hồi ký “Sự thật về việc thống nhất Phật giáo của Đỗ Trung Hiếu”)

Với tình hình và hoàn cảnh hiện nay, GHPGVNTN phải uyển chuyển trong nguyên tắc điều hành nhân sự cốt làm sao để bảo toàn sự tồn tại của Giáo Hội.

– GHPGVN là thành viên của Mặt Trận Tổ Quốc, nên vấn đề nhân sự phải chịu sự chi phối, điều hành của tổ chức chính trị này. Ngoài ra còn phải qua sự thanh lọc của Công an, Ban Tôn giáo và cuối cùng là Uỷ Ban Nhân Dân. Nhân sự GHPGVN từ cấp trung ương cho đến địa phương đều do Nhà cầm quyền lựa chọn.

Trả lời thắc mắc của một vị Tăng : “Tại sao có vị mới xuất gia, có thê tử, đạo hạnh chưa cao, lại được giữ chức vị cao cấp trong Ban Trị sự Giáo Hội Tỉnh như vậy ?” Một vị chức sự trong một Ban Trị Sự Giáo Hội Tỉnh nói rằng : “Ban Tôn giáo sắp xếp tất cả chứ mình (chư Tăng) đâu có quyền gì !” Thật vậy, Tài Liệu Mật của Bộ Công An, có chỉ thị rằng : “Công an các địa phương cần chủ động tính toán đưa một số đặc tình tham gia vào các thành phần lãnh đạo Giáo hội các cấp”. Nhà cầm quyền Cộng sản kiểm soát tất cả các thành phần nhân sự, từ vị Trụ Trì các Tự viện, cho đến Chức sự trong Giáo hội các cấp, từ Tăng sinh đến Giáo Thọ, Ban Giám Hiệu các Trường Phật học, từ Giới tử đến Thập Sư các Giới Đàn đều phải qua sự kiểm soát, chọn lọc bắt đầu từ Công an qua Mặt Trận Tổ Quốc đến Ban Tôn giáo và cuối cùng là Uỷ Ban Nhân Dân.

Ngay cả việc tấn phong Thượng toạ, Hoà thượng là việc cao quí trong Giáo Hội, cũng phải qua sự duyệt xét của Nhà cầm quyền các cấp, biến việc thiêng liêng này thành việc mua danh, bán tước, đút lót, xin xỏ, gây ra nhiều chuyện buồn cười. Tại Sài gòn, chư Tăng đã kể chuyện về một vị Thượng toạ tuổi gần 80, theo thể lệ của GHPGVN, muốn được tấn phong lên Hoà thượng, phải làm đơn xin từ cấp Địa phương lên đến Trung ương mới được (riêng tấn phong Thượng toạ thì Uỷ Ban Nhân Dân Tỉnh, hoặc Thành Phố chấp thuận là được). Ngài đem đủ giấy tờ, nào là Khai sanh, Lý lịch, Căn cước ra phường xin xác nhận. Anh cán bộ Công an Phường, tuổi chừng 25-27, chỉ đáng cháu nội vị Thượng toạ, đã đặt bút phê một câu thấm thía khó quên : “Thầy này còn mê tín dị đoan, nhưng địa phương đồng ý cho lên Hoà thượng, hứa sẽ giáo dục sau !”

Ở miền Trung, lại xảy ra một trường hợp khác. Có một vị Thượng toạ đem giấy tờ hồ sơ xin tấn phong Hoà thượng ra Xã, Huyện xác nhận xong, rồi đem thẳng vào Văn Phòng II tại Sài gòn, nhờ người quen thông qua, để chuyển lên Trung ương mà không qua sự phê duyệt của Uỷ Ban Nhân Dân Tỉnh, vì sợ Tỉnh không chấp thuận. Khi Trung Ương đã ký duyệt xong, chuyển về, thì Tỉnh lại không chịu công nhận, vì cho rằng vị Thượng toạ này đã qua mặt Uỷ Ban Nhân Dân Tỉnh, gây ra chuyện dở khóc dở cười, Hoà thượng cũng được mà Thượng toạ cũng xong.

Ở miền Nam, chư Tăng lại kể chuyện công an xét lý lịch tấn phong dễ hay khó tuỳ theo “thành tích”. Có một vị, tu hành không suông sẻ, có thời gian ra đời, nhưng vì được xét có “thành tích tốt”, nên khi làm đơn xin tấn phong Thượng toạ thì Công an bỏ qua chuyện ấy. Nhưng về sau, vị này đã có những lời phát biểu trái ý Nhà cầm quyền, nên khi làm đơn xin tấn phong lên Hoà thượng, bị moi lại chuyện cũ, Công an phê là : “Có thời gian gián đoạn”, nên không được xét cho tấn phong lên Hoà thượng.

Nhận định về nhân sự lãnh đạo trong GHPGVN, Bản Tự Thuật của Đức Tăng Thống, Đại Lão Hoà thượng Thích Huyền Quang, có đoạn : “Giáo Hội Nhà nước ngày nay còn thua kém Giáo Hội Tăng già thời 1930. Tăng già lúc đó có tổ chức, có chọn lọc. Thành phần Tăng sĩ của Giáo Hội Nhà nước hiện nay đa phần là các vị có thê noa, giới luật không tu trì, đạo hạnh suy thoái…Tệ nạn cửa quyền, tham nhũng, bê tha trong các cấp Giáo Hội Nhà nước cũng giống hệt như các cấp trong Chính quyền hiện tại…” (Trích Bản Tự Thuật của Hoà thượng Thích Huyền Quang trong sách “Một Đời Vì Đạo Vì Dân”, do NXB Quê Mẹ tại Paris ấn hành.).

2 – Về hoạt động :

– GHPGVNTN được thành lập với mục đích phụng sự cho nhân loại và dân tộc. Nên chỉ trong 10 năm từ 1964-1975, bên trong, Giáo hội đã đào tạo chư Tăng, bên ngoài hỗ trợ cho xã hội rất nhiều về các mặt văn hoá, giáo dục, từ thiện xã hội, y tế như : khai mở nhiều Phật Học Viện, thành lập Viện Đại Học Vạn Hạnh, tạo dựng hàng trăm Trường Bồ Đề, hàng chục Cô ký nhi viện, Trường Mẫu giáo, ra báo chí, làm nhà in…để truyền bá giáo lý đến với quần chúng nhằm đưa dân tộc, xã hội đến cuộc sống giải thoát, an vui.

– GHPGVN của Nhà nước 30 năm nay chỉ hoạt động giới hạn trong việc trùng tu tự viện và giáo dục Tăng sinh, không hề tham gia vào các phương diện văn hoá, giáo dục, xã hội trong dân chúng. Nên không có trường học, không nhà in, không báo chí… Nói chung chỉ lo cho chư Tăng mà không lo cho Phật tử. Chỉ lo sửa chùa, không lo phục vụ xã hội.

Về vấn đề này, Đức Tăng Thống, Đại Lão Hoà thượng Thích Huyền Quang, lúc còn bị lưu đày ở Quảng Ngãi, trong Bản Tự Thuật (trong sách “Một Đời Vì Đạo Vì Dân”, do NXB Quê Mẹ tại Paris ấn hành), Ngài có nhận định rằng :

“Giáo hội Nhà nước chỉ biết có Tăng đồ, bỏ rơi thê thảm hàng chục triệu tín đồ cư sĩ ở hạ tâng thôn xã toàn quốc. Khiến họ bơ vơ không nơi nương tựa. Nếu bị khó khăn gì về tín ngưỡng thì Giáo hội đó không biết đến, không can thiệp ! Thậm chí ở Quảng Ngãi, chùa bị đốt mà Giáo hội Nhà nước chẳng phản ứng gì cả. Tín đồ đau khổ thế nào Giáo hội Nhà nước cũng chẳng biết, chẳng quan tâm ! Đất đai của chùa bị chiếm dụng, Giáo hội cũng chẳng can thiệp. Thậm chí chùa lớn của Phật giáo Quảng Ngãi bị chính quyền chiếm dụng làm trường Đảng, mà Giáo hội cũng không một lần chất vấn, đòi hỏi. Hằng 4 năm cho ra trường độ 100 Tăng sinh tốt nghiệp cao cấp Phật học, nhưng Giáo hội cũng chẳng lo điều động đi giảng đạo các nơi. Vì Giáo hội Nhà nước đâu có quần chúng để thực hiện việc này”.

VII – Tổng kết :

Tóm lại, Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đánh phá Phật giáo bằng cách dùng : “các Chỉ thị của Đảng, Nghị quyết của chính phủ, sự điều động của Ban Dân vận, Mặt trận hay Công an theo sách lược “vừa đánh vừa kéo”. “Vừa đánh” là sử dụng trấn áp, khủng bố, bắt, giết, quản chế… ; “Vừa kéo” là dụ dỗ bằng món mồi lợi dưỡng hay hăm doạ. “Vừa đánh” là bức tử Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, một Giáo hội dân lập và truyền thống có quá trình lịch sử hai nghìn năm. “Vừa kéo” bằng cách thiết lập tập đoàn công cụ gọi là Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, mà nhân dân gọi tắt là Phật giáo Nhà nước hay Phật giáo Quốc doanh.” (trích Nhận định của Phòng Thông Tin Phật giáo Quốc tế).

Dù vậy, Nhà cầm quyền cũng không vừa lòng về Giáo hội này, như nhận định trong Tài Liệu Mật :

“Số cao Tăng Phật giáo Ấn Quang tham gia Giáo hội Phật giáo hiện nay (HT Thích Trí Tịnh, HT Thích Thiện Siêu, HT Thích Minh Châu, TT Thích Trí Quảng…). Nói chung họ có tư tưởng, thái độ tốt, nhưng có nhiều tâm trạng khác nhau. Trước đây, họ không có vị trí ảnh hưởng trong Phật giáo Ấn Quang. Hiện nay là lãnh đạo Giáo hội mới nên nằm trong thế e ngại không dám đấu tranh, nên không phát huy được vai trò lãnh đạo của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, không đủ uy tín và tầm cở để tập hợp Giáo hội đấu tranh nên ngày càng dựa vào Nhà nước, do đó uy tín càng bị giảm. “Đề nghị Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ xem xét lại thực chất cơ cấu tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay đã thật sự đại diện cho toàn thể Phật giáo Việt Nam chưa ?”

Vì bị khống chế, bị áp lực, bị mua chuộc hoặc vì cầu an, nên một số chư Tăng trở nên thụ động. Nếu chủ trương, tự tu, tự độ, không nghĩ đến độ tha, chỉ lo cho chư Tăng, không lo cho Phật tử, chỉ chú trọng chùa chiền, không màng đến xã hội, thì Phật tử lấy đâu mà nương tựa, dân tộc biết đâu để trông chờ. Vì bịt mắt bưng tai, không nghe tiếng dân oan kêu than dậy đất, tiếng rên siết của dân tộc bị áp bức, đoạ đày. Không thấy người dân bị cướp mất tự do, tước đoạt dân chủ, chà đạp nhân quyền. Không thấy tổ quốc đang bị Bắc phương xâm lăng lấn chiếm. Đau xót về thái độ mũ ni che tai này, Hoà thượng Thích Quảng Độ đã làm bài thơ Liên ngâm dại khôn (trích tập Thơ Tù do NXB Quê Mẹ ở Paris ấn hành) :

Đêm ngày tôi dạy cái thằng tôi
Đạo pháp suy vi : bởi lẽ trời
Thấy kẻ phá chùa : khoanh tay đứng
Nhìn người đập tượng : nhắm mắt ngồi
Bắt bớ Tăng Ni : thây mẹ nó
Giam cầm Phật tử : mặc cha đời
Miễn được yên thân là khôn đấy
Can chi ặm oẹ để thiệt thòi.

Truyền thống Phật giáo Việt Nam luôn gắn bó, không xa lìa dân tộc : “Phật giáo Việt Nam luôn hoà nhập, thăng trầm theo vận mạng của dân tộc. Thiền sư Việt nam luôn ghi nhớ Giới Luật là mạng mạch của đạo pháp, nhưng các Ngài cũng không quên Độ sanh là sự nghiệp của chư Tăng. Với tinh thần Bồ Tát Đạo, “vô ngã vị tha”, các Thiền sư không chỉ cầu giải thoát cho riêng mình mà thờ ơ với xã hội. Các Ngài luôn tâm nguyện giải thoát mọi sự đau khổ cho đời. Các Thiền sư, khi thì làm ông chèo đò, khi thì đi sứ, lúc xông pha chiến trận, muôn hình vạn trạng, nhưng khi xong việc, các ngài đều quay về nơi chốn tòng lâm, không nhận chức tước của thế gian, giữ vững truyền thống :“Sa môn bất bái vương giả”…” (trích “Nhân một ngàn năm Thăng Long, nghĩ đến Đạo pháp và Dân tộc” của TVĐ do Phòng Thông Tin Phật giáo Quốc tế ấn hành).

Sáu mươi lăm năm qua, Cộng sản đã theo chủ thuyết vô thần Mác-Lênin, đấu tranh giai cấp, củng cố nền cai trị độc tài của Đảng cộng sản, không dung hoà với các thành phần dân tộc khác, là phá hoại sự đoàn kết dân tộc. Năm 1981, Cộng sản lập Giáo hội Nhà nước, thành viên của Mặt trận Tổ Quốc, một tổ chức ngoại vi công cụ của đảng Cộng sản, để chống lại Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất dân lập truyền thống, là phá hoại nội bộ Phật giáo. Từ năm 1992, sau 10 năm triệt phá làm cho GHPGVNTN bị tê liệt, vẫn còn chưa đủ, Cộng sản lại tiếp tục tìm cách đánh phá để tiêu diệt cho bằng được mới thôi. Tài liệu tuyệt mật của Bộ Công an đã chỉ thị hai biện pháp tấn công cơ bản :

– “Phân hoá cao hàng ngũ giáo sĩ, tranh thủ số có xu hướng tiến bộ, lôi kéo số lưng chừng ; răn đe những biểu tuợng có biểu hiện tiêu cực ; đối với số cực đoan chống đối phải cắt đứt tay chân, lấy giáo luật, pháp luật đấu tranh, không cho chúng co cụm đánh phá ta”.

– “Củng cố nòng cốt, cốt cán của ta đặt biệt là trong tăng tín đồ Phật giáo, thúc đẩy cách mạng trong vùng giáo”.

Phá hoại nội bộ Phật giáo, phá hoại đoàn kết dân tộc, thì đến bao giờ, Tổ quốc Việt Nam mới hùng mạnh, tự chủ, tự cường để sánh vai cùng các dân tộc văn minh khác trên thế giới ?

Thích Viên Định

Check Also

Bản Hiến chương GHPGVNTN tu chỉnh lần cuối ngày 4 tháng 12 năm 2015

  HIẾN CHƯƠNG GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT Bản tu chỉnh thông …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *