PARIS – Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế ghi chú : Trong chương trình Tết của Đài Á châu Tự do phát về Việt Nam hôm giao thừa 28.1.2006, Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đã gửi lời Chúc Xuân đến chư Tôn đức Tăng Ni, Phật tử cùng đồng bào các giới trong và ngoài nước.
Nhân dịp này, Hòa thượng trình bày đại quan tình hình Giáo hội trong năm vừa qua và giải thích đường hướng của Giáo hội trước tình hình mới. Trong bối cảnh công luận thế giới ngày càng quan tâm đến tự do tôn giáo tại Việt Nam, Nhà cầm quyền Hà Nội đã phải thay đổi chiến thuật đàn áp. Nhất là từ khi Quốc hội Hoa Kỳ và Quốc hội Châu Âu ra Quyết nghị hậu thuẫn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tiếp đến Chính phủ Hoa Kỳ liệt kê Việt Nam vào danh sách các quốc gia đàn áp tôn giáo cần đặc biệt quan tâm (CPC, Countries of Particular Concern) qua hai năm 2004, 2005.
Dù nhu cầu hội nhập cộng đồng quốc tế, đặc biệt nỗ lực xin gia nhập Tổ chức thương mại quốc tế (WTO), nhưng Hà Nội vẫn chưa chịu chấm dứt chính sách đàn áp tôn giáo đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Trái lại, đường lối đàn áp vẫn tiếp tục thông qua chính sách 3 bước tấn công và 1 bước nhượng bộ.
Ba bước tấn công là ba mũi giáp công của Hà Nội : Mũi thứ nhất, giữ nguyên tình trạng quản chế khắt khe đối với hai nhà lãnh đạo tối cao của Giáo hội, Đức Đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang và Hòa thượng Thích Quảng Độ, nhằm tê liệt sinh hoạt Giáo hội ; mũi thứ hai thông qua bọn đặc tình (tình báo tôn giáo đặc biệt) ở trong và ngoài nước viết bài đưa lên Internet hoặc qua các Trang nhà của chúng bôi nhọ hàng giáo phẩm giáo hội, gây hoang mang dư luận, gây tranh chấp giữa các tôn giáo ; mũi thứ ba là tiêm chích những luận điểm mê hoặc gây chia rẽ, ly gián và phân hóa nội bộ Phật giáo.
Ba mũi giáp công là ba bước tiến kích hòng làm tan rã đại khối quần chúng Phật giáo. Nhưng trên mặt trận tuyên truyền nhằm đánh lừa công luận thế giới, thì Nhà cầm quyền Hà Nội làm một bước nhảy lùi trong cái gọi là “nhượng bộ” Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, mà Hòa thưọng Thích Quảng Độ trình bày sơ lược qua cuộc phỏng vấn trên Đài Á châu Tự do. Bước nhượng bộ này được khai triển theo chủ trương “bắn tẻ” trong năm 2005 :
1. Đề nghị với các vị Sư yêu thích “Văn hóa thuần túy”, “Tu hành thuần túy”, “Từ thiện xã hội thuần túy” rằng Nhà nước sẽ công nhận phục hồi danh xưng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, với điều kiện họ chịu làm cuộc “tiểu đảo chánh” gạt Đức Tăng thống Thích Huyền Quang và Hòa thượng Thích Quảng Độ ra khỏi mọi chức vụ lãnh đạo hiện nay. Cho nên gần đây trong một thiểu số người nổi lên những “phê phán” bất kính đối với nhị vị Hòa thượng. Họ huyên truyền rằng hai Hòa thưọng “lập trường quá cứng rắn”,”không biết thỏa hiệp để lợi dụng thời cơ” làm “cản bước tiến của Giáo hội” ! Luận điểm ngây thơ và thiển cận của thiểu số này là Cộng sản đang gặp thế yếu cần thỏa hiệp, ta nên bắt tay với Giáo hội Nhà nước, đợi đủ lông đủ cánh sẽ lật ngược thế cờ. Thiểu số này ở đâu và làm gì suốt ba mươi năm qua, là thời gian nhị vị Hòa thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ kiên cường, bất khuất đấu tranh bảo vệ và giữ vững lập trường của một Giáo hội dân lập và truyền thống ? Trí tuệ họ thô thiển đến độ không thấy rõ việc trước mắt, là do áp lực quốc tế hậu thuẫn Giáo hội mà Hà Nội phải chồn tay, nhưng vẫn chưa từ bỏ chính sách tiêu diệt Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Công tác tuyên truyền “phục hồi” Giáo hội theo kiểu trên chỉ nhắm đẻ ra một Giáo hội Phật giáo Nhà nước số 2, sau Giáo hội Nhà nước số 1 năm 1981, mà thôi.
2. Mời các vị Sư yêu thích “Văn hóa thuần túy”, “Tu hành thuần túy”, “Từ thiện xã hội thuần túy” tham gia giảng dạy tại các trường Phật học, các công tác từ thiện xã hội của Giáo hội Nhà nước. Thật là miếng mồi ngon cho người tu hành có lòng từ bi nhưng quên kết hợp với trí tuệ, làm cho giới này tự thị và lý luận suông, rằng ta có theo Nhà nước đâu ? ta có làm chính trị đâu ? ta rắp tâm đào tạo Tăng tài tương lai kia mà ! Thế nhưng trí nhớ nông cạn làm họ quên rằng một vài vị giáo phẩm đã từng suy nghĩ như thế vào năm 1981, khi rời bỏ con thuyền Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất để bước sang chiếc xuồng Phật giáo Nhà nước. Hai mươi lăm năm đủ dài để có thể tổng kết khách quan về vận mệnh và tiền đồ Phật giáo Việt Nam sau 25 năm nhuốm đỏ ấy.
Đào tạo Tăng tài, nhưng khi Tăng sinh tốt nghiệp thì không có cơ sở hoạt động truyền pháp, vì chính sách của nhà nước Cộng sản ngăn cấm phát triển khối lượng quần chúng Phật tử. Cán bộ tôn giáo vận cao cấp, ông Đỗ Trung Hiếu lật tẩy trong tài liệu “Thống nhất Phật giáo” rằng : “Nội dung đề án (thống nhất Phật giáo năm 1981, PTTPGQT chú) là biến hoàn toàn Phật giáo Việt Nam thành một hội đoàn quần chúng (tức trở lại Dụ số 10 dưới thời thực dân Pháp, PTTPGQT chú). Còn thấp hơn hội đoàn , vì chỉ có Tăng, Ni, không có Phật tử ; chỉ có tổ chức bên trên không có tổ chức bên dưới, tên gọi là Hội Phật giáo Việt Nam (…) Nội dung hoạt động là lo việc cúng bái chùa chiền, không có hoạt động gì liên quan tới quần chúng và xã hội (…) Lấy chùa làm cơ sở chứ không phải lấy quần chúng Phật tử làm đơn vị của tổ chức Giáo hội”.
Đánh giá việc “đào tạo Tăng tài” do Ban tôn giáo chính phủ điều hành thông qua Giáo hội Phật giáo Nhà nước, Hòa thượng Thích Từ Mãn, Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (tức Giáo hội Nhà nước) phê phán trên mặt báo Giác Ngộ (tức báo của Giáo hội Nhà nước) rằng : “Hiện nay, tôi thấy chùa được xây dựng quá nhiều, trong khi học viện và tu viện thì chỉ có một vài nơi. (…) Về phía thế hệ Tăng Ni sinh, có thể nói sự phát triển đó giống hệt như một cây non, phát triển nhanh quá độ đến nỗi vỏ của thân cây phải nứt ra. Ở đây, tôi muốn nói đến vấn đề phẩm hạnh của Tăng Ni sinh và chất lượng giáo dục Tăng Ni. Họ có học nhưng thiếu tu. Chính điều ấy đã tạo ra quá nhiều vấn đề và hiện tượng tiêu cực trong giáo đoàn. Tôi nghĩ rằng, thà để họ là một người Phật tử chắp tay lạy Phật còn tốt hơn là để họ trở thành tu sĩ thiếu phẩm hạnh”.
Vì sao vậy ? Vì Nhà nước Cộng sản dùng Phật giáo như gian hàng đối ngoại nhằm phô trương tuyên truyền cho chế độ, hơn là phát huy bản chất đức hạnh của một tôn giáo. Ấy thế mà luận điểm tuyên truyền ăn xổi trên đây đang thu hút một thiểu số chư Tăng, đưa họ vào cảnh trạng “con cá trong lừ đỏ hoe con mắt, con cá ngoài lừ lúc lắc muốn vô” !
Do đó, lời Chúc Xuân và giải thích của Hòa thượng Thích Quảng Độ là lời cảnh giác nghiêm trọng giới Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước trên bước đường hoằng hóa chánh pháp trong năm Bính Tuất 2006. Dưới đây là nguyên văn trả lời phỏng vấn của Hòa thượng Thích Quảng Độ.
Đài Á châu Tự do : Nhân dịp chào đón Xuân Bính Tuất, phái viên Ỷ Lan của ban Việt ngữ chúng tôi đã được Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất dành cho một cuộc phỏng vấn đặc biệt. Trước tiên mời quý vị nghe lời Chúc Xuân của Hòa Thượng.
HT Thích Quảng Độ : Nhân dịp bước sang năm mới, truyền thống cũng như phong tục tập quán, văn hóa của dân tộc Việt Nam : Năm mới là ai cũng mong có những ngày tháng sắp tới được gặp mọi sự may mắn trong cuộc sống hàng ngày, bớt được những phiền não, những khổ đau chẳng hạn. Ai cũng mong mỏi được hạnh phúc, sung sướng. Đó là tâm lý nói chung, không những dân tộc Việt Nam mà dân tộc nào trên thế giới cũng thế, mong mỏi đến năm mới có những thay đổi, có những dịp may mắn đến với mình.
Riêng với Việt Nam, với dân tộc Việt Nam, trong tình trạng từ bao nhiêu năm nay, thật sự ra thì chưa bao giờ có được một năm mới như ý hết. Thành ra cái đó hình như người ta cũng đã chuẩn bị tinh thần, chuẩn bị tâm lý sẵn sàng để năm mới đến thì nó cũng chỉ thay đổi gọi là năm này sang năm khác thôi, chứ cuộc sống cũng như những vấn đề của cá nhân, gia đình, đất nước có lẽ nó cũng chỉ là nguyên trạng thế thôi. Tuy nhiên, người ta cũng phải cố gắng hy vọng, sống trong hy vọng thế thôi.
Nhưng tôi mong rằng năm mới tới đây thì cũng sẽ có một vài cái gì khác hơn mọi năm. Ai cũng mong thế, nhưng nó có đến hay không là chuyện khác. Cho nên tôi chỉ có lời kính chúc, mong mỏi mọi người ai cũng được yên vui, hạnh phúc. Đó là lời chúc tụng đầu năm mới.
Ỷ Lan : Xin Hòa Thượng hoan hỉ cho biết tổng quát tình hình Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất năm vừa qua và dự trù năm mới của Giáo hội.
HT Thích Quảng Độ : Thưa cô Ỷ Lan và thưa quý vị thính giả, như quý vị đã biết, cũng như tôi vừa đọc trong bản Thông điệp Xuân vừa rồi. Trong năm ngoái các công tác Phật sự tuy cũng gặp rất nhiều khó khăn, trở lực đến từ mọi phía, nhưng Giáo hội cũng đã cố gắng vượt qua và nỗ lực vận động thành lập được 10 ban Đại diện ở miền Trung cũng như miền Nam. Mặc dầu đã bị nhiều sức ép, bắt buộc phải giải tán hay phải ngưng hoạt động. Thế nhưng đến nay vẫn vượt qua được, và 10 ban Đại diện vẫn còn đứng vững. Đó là những nỗ lực từ năm ngoái.
Năm tới đây, nói chung một cách tổng quát, thì cũng cứ tiếp tục để củng cố lại các ban Đại diện, củng cố cho vững chắc ban Đại diện đã được thành lập và tiếp tục vận động thành lập các ban Đại diện mới, đó là chương trình năm tới. Tuy nhiên, trước mắt thì những công việc của Giáo hội liên tục từ 30 năm qua cho đến bây giờ, và có lẽ cũng vẫn còn tiếp tục chịu đựng và cố gắng vượt qua những khó khăn trước mắt, mà có thể vẫn còn nhiều, nếu tình hình nói chung không có gì biến chuyển mới.
Nhưng tôi hy vọng rằng ở đời, như Phật nói vô thường, không có cái gì cứ đứng vững mãi đâu, cuối cùng cũng phải có thay đổi. Đó là mong mỏi của Hội đồng Lưỡng Viện. Có lẽ là các Giáo hội Hải ngoại cũng nhằm mục đích đó, cho nên cứ phải tiếp tục chuẩn bị sẵn sàng để đương đầu với những khó khăn trước mắt.
Nhân tiện dịp này, liên quan đến riêng đối với Giáo hội thì tôi cũng có mấy lời chân thành để kêu gọi Tăng Ni và đồng bào Phật tử trong và ngoài nước thông cảm cho, và hết lòng làm như thế nào như trong bản Thông điệp đã nói, kết hợp cho chặt chẽ để đối phó với mọi khó khăn trước mắt.
Gần đây có một vài dư luận mới tôi cũng cần phải nói để quý vị thông cảm. Nhất là các vị Tăng Ni, Phật tử ở nước ngoài, sống tha hương cũng đã lâu cho nên không biết được tình hình thực tế ở trong nước nó diễn biến như thế nào, có cái không được hiểu rõ lắm. Sau biến cố Lương Sơn năm 2003, trước hết vì sức ép của quốc tế, rõ nét nhất là Quốc hội Hoa Kỳ và Quốc hội Âu Châu đã ủng hộ Giáo hội và yêu cầu nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cho Giáo hội sinh hoạt lại bình thường. Trên nền tảng pháp lý thì coi như thừa nhận pháp lý của Giáo hội. Như vậy là họ biết rằng bây giờ vấn đề sinh hoạt pháp lý của Giáo hội nó thành vấn đề có dư luận quốc tế quan tâm, do đó Nhà nước nghĩ rằng kéo dài mãi không có lợi nhất là trong khi họ muốn hòa nhập quốc tế được dễ dàng. Đặc biệt là tháng 9 năm 2004 thì Việt Nam bị đặt vào danh sách các quốc gia cần đặc biệt quan tâm, tức là Country of Particular Concern. Họ đưa ra một chiêu bài có thể nói rằng là làm yên lòng quốc tế để cho công việc dự định để họ gia nhập WTO được trôi chảy. Họ đưa ra một chiêu bài như thế này, họ sẵn sàng cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được sinh hoạt bình thường pháp lý, với điều kiện là không có Đức Tăng Thống Thích Huyền Quang và tôi, Quảng Ðộ. Họ bắn tin như thế, và đây dĩ nhiên là các sư (đến bắn tin) chứ không phải là người ngoài. Tôi nghe thì cũng biết như thế thôi.
Nhưng tôi nghĩ rằng nếu thực hiện, thì Nhà nước họ để chữ “thống nhất” để có thể đánh lừa được quốc tế, là đấy, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được sinh hoạt bình thường như các giáo phái khác. Nhưng nếu không có Đức Tăng Thống và tôi thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cũng chỉ là Giáo hội (Nhà nước) số 2 để thừa hành những gì Nhà nước muốn mình làm cho họ thôi. Đó là dư luận thứ nhất.
Sau đó thì họ thấy rằng phản ứng cũng không có lợi gì, cho nên họ đưa ra một chiêu bài khác, lại cũng một vị sư đến nói với tôi. (Vị này) Trực tiếp nói với tôi là đạo Phật là đạo tùy duyên, mà hình như tôi cũng được biết ở hải ngoại cũng có, không nhiều đâu, nhưng cũng có một vài vị Cư sĩ cũng như chư Tăng cũng hiểu thế. Tức cho rằng ở nhà Giáo hội cứng ngắt quá, thành ra mình đã bỏ lỡ nhiều cơ hội, giờ phải tùy thời, đạo Phật là đạo tùy duyên. Thế thì thỏa hiệp với Giáo hội của Nhà nước để mình làm việc, cho được việc của mình. Phải lựa thời, thời đại như thế thì mình phải thích ứng để dần dần mình có năng lực để tự đứng vững được, thì mình sẽ có thái độ khác chẳng hạn. Đại ý như thế. Nhưng tôi nghĩ rằng, nếu mình từ chối thì người ta cho mình là cứng ngắt, không biết uyển chuyển. Cho nên tôi có trả lời rằng là chúng tôi cũng mong được như thế, nhưng thật sự mình phải nắm được cái gì cơ bản mà mình vẫn tồn tại thì mình mới có thể tùy duyên được. Chẳng hạn bây giờ muốn làm như thế, thì có thể Giáo hội của Nhà nước cũng phải được đặt ra ngoài Mặt trận Tổ quốc mới được. Lúc đó ngồi lại nó mới dễ. Chứ còn nếu một đoàn thể (nằm) trong Mặt trận làm về chính trị, mà Giáo hội thì không làm chính trị…. Đó là một cách tôi trả lời để xem thái độ họ thế nào. Nhưng tôi tin chắc rằng không bao giờ có chuyện như thế.
Cho nên bây giờ đây người ta mới nói rằng Đức Tăng Thống và tôi là quá cứng ngắt, mà làm thế thì thiệt cho Giáo hội thôi. Tôi có trả lời rằng, thực sự ra thì bây giờ Giáo hội chả có gì cả. Nhưng bây giờ làm thế nào, vấn đề quan trọng nhất đối với Giáo hội, là làm thế nào để tồn tại đã. Vấn đề tồn tại được một cách độc lập, mình có chủ quyền của mình thì bấy giờ có mở ra trường học hay làm những cơ sở từ thiện xã hội này khác, và nếu nhà nước họ đồng ý cho làm, thì nó cũng có lợi. Nhưng nếu mình không có chủ quyền, mình không độc lập được thì cũng làm theo ý muốn người ta, thì nó cũng chẳng có cái lợi gì cho Phật pháp hay cho Giáo hội.
Bây giờ quan trọng nhất là làm thế nào để tồn tại và giữ được chủ quyền của mình. Đó là đường lối trước mắt. Ðã 30 năm nay, Giáo hội đã cố gắng theo đuổi nó, chứ không phải là tôi cực đoan hay cứng ngắt. Cũng muốn thích ứng đấy, thế nhưng nó phải có cơ bản gì để mình bảo đảm được sự thích ứng ấy, nó mới có lợi thực sự cho Giáo hội, mà nói rộng ra nữa là có lợi cho đồng bào Phật tử nói riêng và của dân tộc nói chung.
Cho nên bây giờ nhiều người cũng hiểu lầm. Tôi chỉ mong rằng ở (nước) ngoài, quý vị hiểu cho là đường lối ở trong (nước) cũng chỉ nhằm đến làm sao mình giữ được truyền thống, vừa là tôn giáo, vừa là văn hóa, vừa là phong tục tập quán của đất nước. Chứ không có gì mà đi ngược lại cái đó để gây khó khăn cho việc thích ứng, hòa đồng với xã hội đâu.
Nhân dịp này, đầu năm mới thì tôi cũng xin nói để quý vị rõ ở ngoài đó, và cũng nhờ Phòng Thông tin Phật Giáo Quốc Tế, nhờ Đạo hữu Giám đốc, nếu có dịp nói được ý kiến của tôi rộng ra cho mọi người hiểu như thế để đừng hiểu lằm rằng, là vừa rồi có sự thay đổi. Chẳng hạn có thay đổi gì thì cũng nhằm mục đích đó mà thôi, chứ không có mục đích nào khác.
Hôm nay nhân tiện cũng sắp bước sang năm mới, đến năm mới này, thì tôi cũng mong rằng trong hay ngoài đều nhất trí như trong bản Thông điệp Xuân đã nói, kết hợp với nhau cho chặt chẽ. Một đường thì Nhà nước nhắm phá cho được sự đoàn kết chặt chẽ của mình để lái Giáo hội đi một hướng khác, có lợi cho Nhà nước, mà chẳng có lợi cho Phật tử, Tăng Ni, nói về lâu về dài.
Nhân tiện năm mới thì tôi cũng cầu chúc toàn thể Tăng Ni, Phật tử trong cũng như ngoài nước luôn luôn được an lạc, vui vẻ và được mọi sự như ý và góp phần vào công việc của cả Giáo hội và Dân tộc.
Muốn đạt được cái như tôi vừa nói, Giáo hội hết mọi hoạn nạn và được bình an, thì vấn đề tiên quyết là phải có Dân chủ, Nhân quyền ở Việt Nam phải được tôn trọng và được thực hiện, lúc đó Giáo hội mới thật sự hết nạn. Nếu không, thì khi nào mà đất nước chưa thỏa mãn các vấn đề tự do, dân chủ thì Giáo hội còn gặp nạn. Cái đó mình còn phải đương đầu.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Ỷ Lan : Xin cảm ơn Hòa Thượng.