Quá trình nhân quyền Việt Nam sẽ được xem xét tỉ mỉ vào ngày mai tại Hội đồng Nhân quyền LHQ. Hà Nội mong mỏi được Hội đồng, gồm có những thành viên như Cuba và Saudi Arabia, sẽ tẩy sạch bộ mặt mờ ám của mình. Các quốc gia yêu chuộng tự do phải ngăn chặn không cho việc này xẩy ra.
Bản phúc trình của Việt Nam gửi tới Hội đồng Nhân quyền LHQ chuẩn bị cho cuộc kiểm điểm đã vẽ ra sự tán dương bức chân dung tự họa của nhà nước Cộng sản như một “nhà nước pháp quyền của dân, vì dân và cho dân”. Nhưng con người vắng mặt trong luận cứ Việt Nam về nhân quyền . Bản phúc trình ca ngợi ổn định chính trị trên mọi quyền chính trị. Nhân quyền “thiêng liêng nhất” mà bản phúc trình tuyên cáo, là quyền độc lập do người Cộng sản thu đạt dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh. Đồng thời yêu sách cho Việt Nam một ngoại lệ đối với những luật tắc của nhân quyền phổ quát.
Nếu muốn cho cuộc kiểm điểm của LHQ về nhân quyền Việt Nam được hiệu quả, thì phải xem xét từ thực tại trong nước. Ở Việt Nam ngày nay, tất cả mọi tiếng nói của các xã hội dân sự độc lập đều bị đàn áp. Trong cuộc đàn áp đám biểu tình ôn hòa hồi tháng 9.2008 truy bức những người ly khai sử dụng Internet, ký giả, nhà hoạt động công đoàn và lãnh đạo tôn giáo, nhiều người đã bị bắt. Đa số bị cấm cố với tội danh mơ hồ vi phạm “an ninh quốc gia” theo bộ Luật Hình sự. Bộ luật này hàm chứa những tội phạm phi lý (Kafkaesque) như “phá hoại chính sách đoàn kết”, “gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo” hoặc “lợi dụng tự do dân chủ xâm phạm quyền lợi tổ quốc”. Vì thế, các luật sư như Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân bị kết án tù 4 năm và 3 năm chỉ vì họ tổ chức những khóa học nhân quyền.
Chính quyền kiểm soát truyền thông và báo chí, tự do bị khóa miệng bằng một mớ luật lệ kiểm duyệt. Trong năm 2008, hai ký giả bị bắt vì phơi phong vụ tham nhũng tầy trời dính líu tới các viên chức cao cấp trong chính quyền. Một ký giả bị kết án 2 năm tù (nhưng sau đã được trả tự do). Người kia bị quản thúc. Một số ký giả khác bị trừng phạt hay sa thải. Những đội “Cyber-công an” kiểm duyệt Internet, và một nghị định về Blogs ban hành tháng 12.2008 cấm đoán mọi phê bình Đảng hay Nhà nước.
Các hạn chế về tự do tôn giáo bao trùm khắp mọi nơi. Tôn giáo lớn nhất là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, thành viên của giáo hội này bị sách nhiễu hay cầm tù. Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, người lãnh đạo giáo hội, được đề cử giải Nobel Hòa bình năm 2009, vẫn còn bị giam cầm suốt 27 năm. Sự đàn áp tự do tôn giáo của Hà Nội khiến cho mấy năm qua Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo trên Thế giới đề nghị đặt Việt Nam vào lại trong danh sách “các quốc gia đàn áp tôn giáo cần quan tâm đặc biệt” (CPC). Bắt bớ tùy tiện, tra tấn, kiểm soát hộ khẩu, bán dâm và chính sách cưỡng bức phá thai là những vấn đề cần được khai thông tại cuộc kiểm điểm Việt Nam ngày mai.
Để tránh bị phê phán, Việt Nam vận động các bạn hữu của họ chiếm lĩnh cuộc hội thảo bằng những lời ca tụng, và cậy nhờ sự chứng thực của các đồng minh trong vùng, cũng như các thành viên trong “Trục Cực quyền” (Axis of Sovereignty), một nhóm thành viên LHQ trong số này có Trung quốc, Cuba, Nga, Sudan và Iran. Vì chỉ có 45 quốc gia thành viên có thể phát biểu tại hội trường, theo thứ tự ai ghi danh trước nói trước, Việt Nam đã nài nỉ các nước bạn làm đuôi ghi danh từ 6 giờ sáng để bảo đảm được phát biểu trước các quốc gia khác.
Thay vì nhường quyền đăng đàn cho các quốc gia độc đoán, các chính phủ dân chủ từ Đông sang Tây hãy nắm lấy cơ hội này để đưa ra những khuyến cáo cụ thể cho sự cải tiến nhân quyền Việt Nam. Đây là con đường duy nhất để bảo đảm rằng quy trình Kiểm điểm Thường kỳ Toàn diện của LHQ sẽ giúp đỡ cho việc thăng tiến nhân quyền, thay vì sử dụng kiểm điểm để “bao che” cho chế độ không bị trừng phạt ở Hà Nội.
Võ Văn Ái
Ông Ái là Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam
và Phát ngôn nhân của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
This post is also available in: English