KRAKOW, ngày 4.7.2010 (QUÊ MẸ) – Chính phủ Ba Lan đã tổ chức Hội nghị Cấp cao của Cộng động các Quốc gia Dân chủ tại thành phố Krakow, Ba Lan, để kỷ niệm 10 năm Cộng đồng ra đời từ ngày 2 đến 4.7.2010. Khoảng 600 đại biểu tham dự hội nghị, bao gồm 78 Phái đoàn các Ngoại trưởng thuộc các quốc gia dân chủ trong số 111 quốc gia thành viên, các vị cựu thủ tướng, các tổ chức Phi Chính phủ, các nhà hoạt động dân chủ, dân biều quốc hội, các tổ chức thanh niên, chuyên gia, nhà báo. Ông Võ Văn Ái được mời tham dự trong tư cách Ủy viên đại biểu cho Việt Nam trong Ban Thường vụ Quốc tế về Tiến trình các tổ chức Phi Chính phủ trong Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ (International Steering Committee – The Nongovernmental Process of the Community of Democracies), và Chủ tịch Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt Nam.
Nhân dịp này, trưa ngày thứ bảy 3.7 Ngoại trưởng Hoa kỳ, Hillary Clinton, mời tiếp riêng ông Võ Văn Ái, đại biểu Việt Nam cùng với 8 đại biểu các nước A Phú Hãn, Ai Cập, Nam Phi, Nga, Iran, Tunisie và Trung quốc.
Trên một giờ đồng hồ Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton và ông Michael Posner, Thứ trưởng Ngoại giao, Đặc trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động đã chăm chú lắng nghe tình hình phi dân chủ và vi phạm nhân quyền trầm trọng tại các nước nói trên và chia sẻ mối quan tâm sâu sắc. Bà Ngoại trưởng cũng như ông Thứ trưởng nhấn mạnh việc quan tâm của Hoa Kỳ trên vấn đề bảo vệ các xã hội dân sự, phát huy dân chủ, đặc biệt mong mỏi sự đóng góp ý kiến cùng đề xuất trong tương lai của 9 đại biểu các quốc gia có mặt.
Ông Võ Văn Ái hỏi thăm việc Ngoại trưởng sẽ đến Việt Nam trong những ngày gần đây và được bà xác nhận. Ông Ái liền yêu cầu bà quan tâm tới sự thiếu vắng các Xã hội dân sự tại Việt Nam, vì Nhà nước độc đảng không cho phép sự ra đời và hoạt động của các tổ chức Phi chính phủ (NGO) và các xã hội Dân sự (civil society). Có chăng chỉ là các tổ chức gọi là Phi chính phủ nhưng hiện hữu để phục vụ cho Đảng Cộng sản (thuật ngữ quốc tế gọi là GONGO). Tất cả các xã hội dân sự đều phải nằm dưới ô dù của Mặt trận Tổ quốc là ngoại vi của Đảng Cộng sản. Nghị định 88 quy định việc lập hội nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ và điều động của Đảng. Cho phép hay không là quyết định của Đảng, người dân không có quyền tự do lập hội. Khi hội được phép ra đời thì Đảng chọn lọc và điều động người vào ban chấp hành.
Ông Ái cho bà Hillary Clinton biết rằng tại Việt Nam ngày nay những xã hội dân sự thực sự và còn tồn tại chính là các tôn giáo, Phật giáo, Công giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, Tin Lành… như trường hợp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất do Hòa thượng Thích Quảng Độ lãnh đạo 35 năm qua không ngừng đấu tranh cho tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ. Ông Ái kêu gọi bà Ngoại trưởng hãy quan tâm đến vấn đề đặc thù của tôn giáo trong trường hợp Việt Nam.
Ông Ái nhắc nhở việc các nước Tây phương, đặc biệt Hoa Kỳ, bỏ ra hàng triệu Mỹ kim cho chiến lược cải tổ pháp lý tại Việt Nam. Xin bà Ngoại trưởng hãy áp lực để có những bộ luật mới bảo vệ các Xã hội dân sự cũng như bảo vệ người lao động. Mặt khác, xin Hoa Kỳ trong những cuộc găp gỡ tại những Thượng đỉnh Âu Á sắp tới tại Hà Nội yêu sách cho sự ra đời tại Việt Nam một tờ báo độc lập thoát ly sự kiểm soát của Đảng Cộng sản để cho các xã hội dân sự có tiếng nói và dân chủ được phát huy.
Bà Hillary Clinton đã đáp “Tôi sẽ lo các việc này – I will do !”
Cuộc gặp gỡ xẩy ra trong vòng thân mật, thông cảm, quan tâm và chia sẻ.
Nói về Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ, thì 10 năm trước nhiều Thủ tướng, Ngoại trưởng thuộc nhiều quốc gia Âu Mỹ Á, như cố Thủ tướng Ba Lan Bronislaw Geremek, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Madeleine Albright, v.v… họp nhau tại thủ đô Warsaw, Ba Lan và cho ra đời tổ chức có tên Cộng động các Quốc gia Dân chủ (Community of Democracies) nhằm thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa toàn cầu qua “Tuyên Ngôn Varsovie”.
Kể từ năm 2002, các quốc gia dân chủ nhận thấy rằng muốn đẩy mạnh tiến trình dân chủ hóa toàn cầu thì cần có sự trợ lực của các tổ chức Phi Chính phủ, nên tại hội nghị lần thứ hai ở thủ đô Hán Thành, Nam Hàn, 196 tổ chức Phi Chính phủ được mời tham dự. Tuy nhiên tại đây, hai thành phần Chính phủ và Phi chính phủ họp riêng. Đến ngày kết thúc thì Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ mới gặp gỡ đại diện các tổ chức Phi Chính phủ để trao đổi, đồng thời đưa ra “Kế họach Hành động cho Dân chủ”.
Sang năm 2005, Hội nghị lần thứ 3 tổ chức tại Nam Mỹ ở thủ đô Santiago nước Chí Lợi với tiêu đề “Cùng nhau hợp tác cho Dân chủ”. Ðặc điểm của Hội nghị lần 3 là các tổ chức Phi chính phủ không còn họp riêng, mà được trực tiếp tham dự với các phái đoàn chính phủ để trao đổi và thảo luận các vấn nạn nóng bỏng gây trở lực cho tiến trình dân chủ trên thế giới. 40 tổ chức Phi chính phủ được mời tham dự, chọn lọc từ 196 tổ chức tham gia Hội nghị lần 2 ở Seoul năm 2002. Cũng từ hội nghị lần thứ 3 tại Santiago, Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ cho ra đời cơ cấu mới gọi là Tiến trình các tổ chức Phi Chính phủ trong Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ và bầu ra Ban Thường vụ quốc tế (International Steering Committee – The Nongovernmental Process of the Community of Democracies). Ông Võ Văn Ái đại diện cho Việt Nam được bầu vào Ban Thường vụ quốc tế. 21 quốc gia trong toàn thế giới có đại biểu trong Ban Thường vụ Quốc tế này.
Tại Krakaw, Ba Lan, Ban Thường vụ Quốc tế của Tiến trình Phi chính phủ thuộc Cộng đồng Các Quốc gia Dân chủ đã họp phiên tiền hội nghị hôm 1.7.2010 để thảo luận tình hình dân chủ tại các châu lục và đưa ra những đề xuất cho Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ trong các cuộc gặp gỡ nội bộ với các Ngoại trưởng.
Tại cuộc họp này, ông Võ Văn Ái được mời tham luận về tình hình ở Đông Nam Á. Ông Ái đề cập đến cơ cấu ASEAN của 10 quốc gia Đông Nam Á. Đặc biệt là sự ra đời lần đầu năm ngoái một cơ cấu mới gọi là Ủy hội Nhân quyền Liên chính phủ (ASEAN Intergovernmental Commission on Human Rights – AICHR). Tuy nhiên điều quan trọng điều hành cơ cấu mới này vẫn là vai trò của vị Chủ tịch luân phiên. Năm nay, Việt Nam đóng vai trò ấy, là điều không may cho tình hình nhân quyền và dân chủ tại Đông Nam Á nói chung, Việt Nam nói riêng. Chủ tịch luân phiên năm ngoái là Thái Lan còn tỏ thái độ muốn đối thoại với các xã hội dân sự.
Ngày nay tại Việt Nam không có một xã hội dân sự độc lập nào được tồn tại. Nghị định 88 về việc lập hội cho thấy mọi tổ chức Phi chính phủ hay Xã hội dân sự đều do Đảng Cộng sản kiểm soát, cho phép ra đời hay không với sự đặt để thành viên điều hành hội. Mọi xã hội dân sự đều nằm dưới ô dù của Mặt trận Tổ quốc là cơ cấu ngoại vi của Đảng. Vì vậy nếu có cài gọi là Phi Chính phủ (NGO) hay Xã hội dân sự (civil society) tại Việt Nam, Trung quốc, Bắc Hàn, Miến Điện, thì đây chỉ là những tổ chức của Nhà nước (GONGO) chứ không là NGO).
Do đó, ông Võ Văn Ái đưa ra 3 đề nghị yêu cầu sự quan tâm của Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ :
1. Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ gửi những chuyên gia tiếp cận Ủy hội Nhân quyền Liên chính phủ Đông Nam Á để trao đổi và thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa và nhân quyền tại Châu Á ;
2. Thúc đẩy các quốc gia thành viên đến tham dự những Thượng đỉnh Á châu trong năm nay như Thượng đỉnh lần hai Hoa Kỳ và ASEAN tại Hà Nội, Thượng định Á Âu ASEM, hay Thượng đỉnh Đông Á… để yêu sách các quốc gia độc tài, quân phiệt như Việt Nam, Lào, Miến Điện cho ra đời một tờ báo độc lập như cử chỉ thiện chí của bước đầu dân chủ hóa ;
3. Riêng tại Hội đồng Nhân quyền LHQ, Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ cần quan tâm tới thể thức Kiểm điểm Thường kỳ toàn diện (UPR) nhằm ngăn chận các nước độc tài lợi dụng các kỳ kiểm điểm này tuyên truyền cho chế độ thay vì báo cáo tình hình nhân quyển tại nước mình. Với sự hỗ trợ của “Nhóm Ngưu tầm ngưu (Like-minded Group) hay Trục Độc tài (gọi là Axis of Sovereignty) liên kết và bảo vệ nhau giữa các nước độc tài, quân phiệt để bóp họng các tiếng nói nhân quyền của các tổ chức Phi chính phủ. Tháng 5 năm ngoái nhân kỳ Kiểm điểm Thường ký toàn diện, Việt Nam đã vận động các nước thuộc khối Á châu ghi danh lấy hết giờ phát biểu“ca tụng Hà Nội” thay vì khuyến cáo những vi phạm nhân quyền trầm trọng. Đề nghị Tổ hợp Dân chủ LHQ (UN Democracy Caucus) kết hợp hoạt động cho với tiến trình Kiểm điểm Thường kỳ toàn diện được hữu hiệu và không thiên vị.
Phái đoàn Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt Nam cũng tham gia tích cực trong nhiều Tổ hội thảo (Working group) như Tổ hội thảo về Bảo vệ các Xã hội dân sự và đưa ra một số đề xuất cho trường hợp Việt Nam.