Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Tin UBBVQLNVN / Hội nghị Dân chủ Á châu họp tại Manila tố cáo chính quyền Việt Nam độc đoán, lên tiếng ủng hộ tiến trình Dân chủ hóa Việt Nam và công cuộc cứu trợ Dân oan khiếu kiện của Hòa thượng Thích Quảng Độ

Hội nghị Dân chủ Á châu họp tại Manila tố cáo chính quyền Việt Nam độc đoán, lên tiếng ủng hộ tiến trình Dân chủ hóa Việt Nam và công cuộc cứu trợ Dân oan khiếu kiện của Hòa thượng Thích Quảng Độ

Download PDF

MANILA, ngày 22.9.2007 (QUÊ MẸ) – Một trăm đại biểu thuộc 20 quốc gia Châu Á đã về thủ đô Manila, Phi Luật Tân, tham dự Hội nghị lần thứ nhì của “Diễn Đàn Thế giới Dân chủ hóa Á châu” từ ngày 19 đến 21.9.

“Diễn đàn Thế giới Dân chủ hóa Á châu” ra đời năm 2005, là một liên minh của 5 tổ chức, gồm có : Ðài loan Dân chủ Cơ kim hội do ông Lâm Văn Trình làm chủ tịch, Á châu Cải cách Dân chủ Liên minh ở Singapore do ông Chee Soon Juan làm chủ tịch, Ðông Nam Á Quốc hiệp Thế đại Võng lạc, Miến Ðiện, do chị Deborah Stothard làm chủ tịch, Quốc tế Ðối thoại Xướng nghị Tổ chức ở Phi Luật Tân do ông Augusto P. Miclat làm chủ tịch và Diễn đàn Dân chủ Á châu do ông Võ Văn Ái làm chủ tịch. Hiện nay Diễn đàn Thế giới Dân chủ hóa Á châu có 20 quốc gia thành viên tại Châu Á.

Thượng Nghị sĩ Quốc hội Phi Luật Tân, ông Benigno S. Aquino III, Cựu Thủ tướng Mã Lai, Tiến sĩ Anwar Ibrahim, cùng với năm vị Chủ tịch trong Ban Thường vụ thuộc năm tổ chức liên minh sáng lập Diễn đàn Thế giới Dân chủ hóa Á châu, ông Lâm Văn Trình, ông Võ Văn Ái, ông Augusto P. Miclat, bà Deborah Stothard và bà Zanaa Jurmed chủ trì cuộc họp báo bế mạc hội nghị vào chiều ngày 21.9 để công bố bản “Tuyên ngôn Manila” và “Khung hành động cho hai năm 2007-2009”. Hai văn kiện được toàn thể các đại biểu thuộc 20 quốc gia Châu Á đồng thanh thông qua trước đó. Ðây là thành quả hết sức quan trọng sau 3 ngày hội nghị.

Bản “Tuyên ngôn Manila của Diễn Ðàn Thế giới Dân chủ hóa Á châu” đưa ra những nhận định về hiện trạng thiếu dân chủ và phi dân chủ tại Châu Á, đề cao các giá trị phổ quát và những nguyên tắc lập thành dân chủ, cũng như kêu gọi hành động bằng những sách lược cụ thể và thích nghi. Bản Tuyên ngôn liệt Việt Nam vào danh sách các quốc gia độc đoán tại Châu Á như Trung quốc, Miến Điện, Lào, Tây Tạng, v.v…

“Khung hành động cho hai năm 2007-2009” đề xuất một chương trình hoạt động cụ thể tại 20 quốc gia Châu Á, (Bhutan, Miến Ðiện, Trung quốc, Lào, Bắc Triều tiên, Tây Tạng, Việt Nam, Cam Bốt, Hồng Kong, Mã Lai, Nepal, Pakistan, Singapore, Bangladesh, Indonesia, Mông cổ, Phi Luật Tân, Sri Lanka, Thái Lan và Timor-Leste).

Riêng phần Việt Nam, thì hội nghị nhất tâm hậu thuẫn 6 tiêu điểm chiến lược thực thi cho 2 năm tới :

1. Vận động trả tự do cho nhị vị Hòa thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Ðộ, 350 đồng bào Thượng cũng như tất cả những tù nhân vì lương thức bị bắt giam vì biểu tỏ ôn hòa đòi hỏi dân chủ và nhân quyền ;

2. Ủng hộ và phát huy “Lời kêu gọi cho Dân chủ Việt Nam” của Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, một chương trình 8 điểm nhằm chuyển hóa dân chủ tại Việt Nam mà cũng là hội điểm kết hợp các thành phần chính trị và tôn giáo của dân tộc đấu tranh cho dân chủ, đặc biệt đòi hỏi cho tự do ngôn luận và báo chí ;

3. Tiếp tục vận động trong khu vực đòi hủy bỏ các sắc luật hạn chế tự do, đặc biệt là Pháp lệnh số 44 về “quản chế hành chính” cho phép giam giữ các nhà ly khai không thông qua tòa án hoặc đưa vào các nhà thương điên (như dưới thời Liên Xô cũ) ;

4. Chuẩn bị ấn hành “Bạch thư về cải cách luật pháp” để thông tin các chính phủ, các nhà tài trợ hầu thông qua họ áp lực cho việc cải cách luật pháp tại Việt Nam phải tuân thủ các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế ;

5. Mở chiến dịch vận động hậu thuẫn Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ trong công cuộc cứu trợ Dân oan khiếu kiện, một phong trào nông dân phản đối nhà cầm quyền cướp đất. Cuộc vận động này nhằm bảo vệ mọi cuộc bắt bớ có thể xẩy ra bất cứ lúc nào đối với Hòa thượng Thích Quảng Độ đồng thời áp lực nhà cầm quyền Việt Nam giải quyết việc đàn áp quần chúng nông dân ; và

6. Vận động cho giới quan sát quốc tế có thể đến điều tra nhân quyền tại các vùng đồng bào Thượng cư ngụ để giải quyết việc cưỡng chiếm đất đai hoặc đàn áp những người Thượng theo Thiên chúa giáo tại gia.

Ba ngày hội nghị cũng như cuộc họp báo kết thúc đã được các báo chí tại thủ đô Manila tường thuật trang trọng, đặc biệt trên các nhật báo Manila Bulletin (The Nation’s leading newspaper), Business Mirror, The Star, v.v…

Hội nghị lần thứ nhì của “Diễn Đàn Thế giới Dân chủ hóa Á châu” tập trung vào ba tổ hội thảo mà nội dung thấy rõ là sự tiến hành công cuộc dân chủ hóa tại các quốc gia Châu Á tùy theo mức độ chính trị nơi các quốc gia này : Thứ nhất là “Hỗ trợ dân chủ hóa trong các xã hội còn đóng kín” như tại các nước Trung quốc, Miến Điện, Bắc Hàn, Việt Nam, Lào và Tây Tạng. Thứ hai là “Hỗ trợ dân chủ hóa tại các quốc gia chuyển tiếp”, như Cam Bốt, Bangladesh, Hồng Kông, Mã Lai, Népal, Pakistan, Singapore và Thái Lan. Thứ ba là “Hỗ trợ gia cố dân chủ” tại Nam Dương, Mông Cổ, Phi Luật Tân, Sri Lanka và Timor Leste.

Điều đặc biệt là hội nghị kỳ này các đại biểu rất quan tâm đến vấn đề Việt Nam. Không như hai năm trước đây, một số đại biểu còn rất mù mờ.

Hội nghị khai mạc với Lời kêu gọi cho dân chủ của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ trong một băng hình sống động về các hình ảnh vi phạm nhân quyền hay đời sống khốn khó của đại đa só quần chúng tại Việt Nam. Sự đóng góp của Phái đoàn Việt Nam rất tích cực. Ông Võ Văn Ái tham gia bằng ba tham luận. Tham luận thứ nhất trong ngày khai mạc là “Vai trò của Diễn đàn Thế giới Dân chủ hóa Á châu trong công cuộc dân chủ hóa toàn cầu”, tham luận thứ hai trình bày “Trường hợp Việt Nam” tại Tổ hội thảo về “Hỗ trợ dân chủ hóa trong các xã hội còn đóng kín”. Và tham luận thứ ba nói về “Phương cách bảo vệ các xã hội dân sự”. Chị Ỷ Lan giới thiệu văn bản “Khung hành động cho hai năm 2007-2009” vào phiên họp kết thúc để lấy ý kiến thông qua.

Thượng tọa Thích Viên Lý và Thượng tọa Thích Giác Đẳng đại diện Văn phòng II Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, được hội nghị mời tham dự cùng với các nhà lãnh đạo tôn giáo khác cầu nguyện cho Hòa bình.

Ngày bế mạc, 21.9, cũng là Ngày Hòa bình Quốc tế, nên hội nghị lấy sáng kiến tổ chức lễ Cầu nguyện cho Hòa bình Thế giới rất trang nghiêm và cảm động. Lần lượt lên sân khấu đọc các lời Cầu nguyện theo nghi thức tôn giáo khác nhau là chư vị : Thượng tọa Nichigyo và Đại đức Dim Chetta thuộc hệ phái Tứ phương Tăng Nhật bản, Thượng tọa Thích Viên Lý cầu nguyện Tiêu tai Cát tường theo hệ thống Bắc tông, Thượng tọa Thích Giác Đẳng đọc lời cầu nguyện theo hệ thống Nam tông, Tổng Giám mục Efraim M. Tendoro ban Đạo từ Hòa bình theo tinh thần Thiên Chúa, Sister Cres Lucero thuộc Dòng Franciscans nói lời huynh đệ yêu thương bốn bể, Giáo sĩ Hồi giáo Ustadz Mahmod Adilao ban lời thuyết giảng Hòa bình.

Ngoài việc tham gia Hội nghị, Phái đoàn Việt Nam cũng vận động các đại biểu phó hội ký tên vào kiến nghị thư của Cơ sở Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt Nam gửi các quốc gia tham dự Đại hội đồng LHQ yêu cầu không bỏ phiếu cho ứng viên Việt Nam Cộng sản bao lâu nước này chưa tuân thủ các điều kiện LHQ quy định trên lĩnh vực an ninh và nhân quyền. Kiến nghị đã được đại biểu 20 quốc gia Châu Á ký tên hậu thuẫn. Từ Phi Luật Tân, ông Võ Văn Ái sẽ bay sang LHQ ở Nữu Ứơc tham dự cuộc họp với Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ tại LHQ đồng thời tiếp tục cuộc vận động này.

Check Also

VCHR và FIDH vạch trần những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Việt Nam trước cuộc xem xét Báo cáo định kỳ của Việt Nam về Công ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc về các quyền dân sự và chính trị

PARIS, ngày 5 tháng 1 năm 2024 (VCHR) – Trong Báo cáo chung gửi Ủy …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *