PARIS, ngày 5.10.2010 (QUÊ MẸ) – Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mông Cổ đã chủ trì Hội nghị Dân chủ Châu Á tại Ulaanbaatar từ ngày 28 đến 30.9.2010. Ban Thường vụ Quốc tế Phi chính phủ thuộc Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ tổ chức cuộc hội nghị này để thảo luận và tìm các phương án Á châu thích nghi cho tiến trình dân chủ trong khu vực đệ trình Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ tại cuộc họp cấp Bộ trưởng vào năm 2011. Từ 13 nước Á châu 35 đại biểu các tổ chức Phi chính phủ đã về thủ đô Ulaabaatar tham dự.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại hội trường Bộ Ngoại giao Mông Cổ sau khi Hội nghị bế mạc
|
Ông Võ Văn Ái thành viên Ban Thường vụ Quốc tế và đại diện Việt Nam tham dự hội nghị trên các lĩnh vực : Điểm duyệt tình hình trong khu vực, Vai trò các xã hội dân sự trong việc cải cách Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ, Hỗ tương và bảo vệ xã hội dân sự, Bình đẳng giới tính và Quyền phụ nữ, Tìm phương thắng vượt nghèo khó, phát triển và dân chủ, Hợp tác trong khu vực, và Giáo dục dân chủ.
Sau hai ngày trao đổi, thảo luận, Hội nghị đã đúc kết thành 8 đề án yêu cầu Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ LHQ quan tâm và hỗ trợ cho tiến trình dân chủ hóa Á châu.
Hội nghị đã rất quan tâm về sự kiện Thái Lan và Việt Nam lạm quyền trong việc ngăn cấm ông Võ Văn Ái và bà Penelope Faulkner đến Bangkok họp báo công bố bản Báo cáo mới về tình trạng đàn áp nhân quyền tại Việt Nam vào giai đoạn Việt Nam làm chủ tịch luân phiên ASEAN.
Một làn cộng phẫn dấy lên trong công luận thế giới khi hay tin Hà Nội áp lực Thái Lan ngăn cấm ông Võ Văn Ái và bà Penelope Faulkner đến Bangkok họp báo tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc tế của Thái Lan hôm 13.9.2010. Cuộc ngăn chận xẩy ra trước đó ba ngày.
Vào ngày chủ nhật khi bản Thông cáo báo chí chung của hai tổ chức nhân quyền quốc tế loan tải vào trưa ngày 12.9.2010, Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền và Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, thì coi như tất cả các hãng thông tấn lớn, AFP, AP, Reuters, DPA, các hãng truyền thanh, truyền hình cũng như báo chí trên năm châu đều đánh đi bản tin phẫn nộ sự liên kết độc tài và vi phạm Tuyên Ngôn LHQ Bảo Vệ Người Đấu Tranh Bảo Vệ Nhân Quyền của Thái Lan và Việt Nam cộng sản.
Ngay chính báo chí Thái Lan cũng không dung tha sự sai lầm trong chính sách nhân quyền và đối ngoại của chính phủ nước mình. Hai tờ báo lớn nhất của Thái Lan có số phát hành hàng trăm nghìn bản mỗi ngày là Bangkok Post và The Nation đã loan tin chi tiết và viết bài xã luận, bình luận nói lên sự kiện “làm nhơ nuốc bộ mặt nhân quyền” hay “đạo đức giả” của nước mình.
Những tổ chức nhân quyền, dân chủ quốc tế cũng lên án hành động bóp nghẹt tự do ngôn luận của Thái Lan dưới sức ép độc tài của Hà Nội, như Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (International Federation of Human Rights), Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (Vietnam Committee on Human Rights), Human Rights Watch (Tổ chức Hoa Kỳ Theo dõi Nhân quyền), World Forum for Democratisation in Asia (Diễn Đàn Dân chủ hóa Á châu), World Movement For Democracy (Phong trào Dân chủ Thế giới), The Nongovernmental International Steering Committee of the Community of Democraties (Ban Thường vụ Quốc tế Phi chính phủ của Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ), Committee To Protect Journalists (Ủy ban Bảo vệ Ký giả), v.v…
Chúng tôi xin dịch một số bài tiêu biểu dưới đây cống hiến bạn đọc để thấy khi một nhà nước hành xử theo cung cách độc tài và không chính nghĩa, tất sẽ bị lương tri nhân loại lên án.
Số ra ngày 29.9.2010
Bình luận của Pavin Chachavalpongpun, nhà Ngoại giao, tác giả sách “Reinventing Thailand : Thaksin and his Foreign Policy”
Vào lúc Bộ Ngọai giao Thái Lan lấy làm hãnh diện cho việc đại biểu nước mình được làm Chủ tịch luân phiên Hội đồng Nhân quyền LHQ, thì Thái Lan vẫn tiếp tục vi phạm nhân quyền và kìm hãm tự do ngôn luận.
Tháng sáu năm nay, Sisahak Phuangketkeow, Đại sứ Thái Lan tại Genève được đa số tuyệt đối bầu vào ghế lãnh đạo Hội đồng Nhân quyền LHQ, một tháng sau khi chính quyền Abhisit Vejjajiva ra lệnh tàn sát những người biểu tình áo đỏ, đưa tới kết quả 90 người bị giết và trên 1000 người bị thương.
Một chuỗi sự kiện dấy lên lời tra vấn nghiêm trọng, LHQ có thực quan tâm đến tình trạng nhân quyền ở Thái Lan và nói rộng ra trên toàn thế giới.
Chắc hẵn ông Sihasak phải nỗ lực rất nhiều để tẩy xóa chính sách nhân quyền đang gây tranh cãi. Mới vài tuần lễ qua, Bộ Ngoại giao cưỡng bức Câu lạc bộ Báo chí Quốc tế của Thái Lan hủy bỏ cuộc họp báo về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam.
Sự kiện đã được Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền và Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam cộng tác tổ chức. Một cuộc họp báo như thế nếu được phép thực hiện sẽ làm gia tăng uy tín cho nước ta cũng như cho vị trí ông chủ tịch Hội đồng Nhân quyền LHQ.
Thế nhưng chính quyền Thái lại thấy có lợi trong việc ngăn cấm cuộc họp báo hơn là đề cao nhân quyền. Báo chí địa phương lên án quyết định của Bộ Ngoại giao, xem như đây là bước thoái bộ thực sự trên bình diện thảo luận nhân quyền và tranh luận trong khu vực. Hơn thế, ở vai vế chủ tịch Hội đồng nhân quyền LHQ, lẽ ra Thái Lan phải thực hiện những chi mình rao truyền, đặc biệt ngay trên đất nước mình. Lẽ ra Thái Lan phải lên tiếng bênh vực nhân quyền trong các nước ASEAN nói chung. Ấy là chưa nói việc Thái Lan, là thành viên sáng lập ASEAN, và trước đây từng hậu thuẫn mạnh mẽ cho việc thiết lập Ủy hội Nhân quyền Liên chính phủ ASEAN.
Không lâu lắm sau khi Đảng Dân chủ thành lập nội các, tôi viết bài cầu mong giới lãnh đạo vạch hướng đối ngoại mới, Sau bao năm nền ngoại giao Thái bị lạm quyền trong tay cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, tôi đã ngây thơ nghĩ rằng chính quyền dân chủ sẽ đem lại điều được quảng cáo là “đối ngoại theo quy tắc đạo đức” và tái khẳng định sự quan hệ với dân chủ và nhân quyền.
Từ 1997 đến 2001, chính quyền dân chủ lên lớp Miến Điện cần phải lo bảo vệ quyền dân. Lúc đó ngài Bộ trưởng Surin Pitsuwan xướng xuất một nền ngoại giao “can thiệp linh động” để thăng tiến quyền Thái Lan nói lên mối quan tâm của mình về những chi xẩy ra trong những nước láng giềng động chạm đến Thái Lan.
Nhưng đây là chuyện lừa bịp quá khứ. Hôm nay, nhân quyền bị lạm dụng tại Thái Lan và chính quyền còn sợ những nước láng giềng của mình khai thác cùng thứ luận lý “can thiệp linh động” để xâm phạm nội bộ Thái Lan.
Là bộ phận hành xử nền ngoại giao ngăn chận, Bộ Ngoại giao sợ mất lòng Việt Nam, cho nên đã đóng cửa chận đứng các tổ chức nhân quyền.
Chuyện xấu đi khi chiếu luật tội phạm sử dụng vi tính bắt giam Chiranuch Premchaiporn, chủ nhiệm thông tin trên mạng. Cô Chiranuch bị bắt vì “tội” cho đăng tải trên Trang nhà của cô những bài mà có người báo cho cảnh sát là “xâm phạm an ninh quốc gia”. Theo tin cho biết những bài này do những độc giả của Prachatai.com viết gửi tới mà bà không biết xuất xứ. Cô Chiranuch tuyên bố cô không thể cấm độc giả đưa ý kiến họ lên trang nhà, nhưng cảnh sát thì lại bảo cô có quyền rút các bài ấy xuống, là điều cô chẳng chịu làm, theo cảnh sát.
Ân xá Quốc tế đã nhanh chóng tung chiến dịch đòi trả tự do cho cô, nói lên không gian chật hẹp của tự do ngôn luận trong vương quốc.
Ân xá Quốc tế kêu gọi các giới áp lực chính quyền Abhisit Vejjajiva trả tự do tức khắc cho cô Chiranuch và giải tỏa mọi lời buộc tội cô, công bố danh sách những điều buộc tội, và bãi bỏ kiểm duyệt các trang nhà theo luật phạm tội sử dụng máy vi tính 2007.
Tổ chức Phi chính phủ Global Voices Advocacy cho biết có hơn 113.000 trang nhà bị phong tỏa tại Thái Lan.
Trước tình trạng như thế, làm sao ông Sihasak có thể hòa hợp nhiệm vụ ông như một người lãnh đạo Hội đồng Nhân quyền LHQ.
Một số nhà ngoại giao Thái đã có tiền lệ khi giải thích cái gọi là “đối ngoại theo quy tắc đạo đức”.
Tháng 10 năm 2008, Kittiphong Na Ramong, Đại sứ Thái ở Hà Nội, thách thức những chỉ thị gửi từ Bộ Ngoại giao về cách làm sao “giải thích cho người nước ngoài” về “tai nạn chết người” xẩy ra hôm 7.10,2008 khi cảnh sát bị cho là dùng bạo lực chống những người biểu tình PAD.
Ông Pittiphong ghi trong giác thư gửi về Bangkok rằng : “Giải thích điều không thật chỉ làm hạ giá hình ảnh Bộ Ngoại giao. Là điều sẽ làm hại lâu dài và tác động mạnh nền ngoại giao Thái. Lòng tin cậy và tín nhiệm là phẩm giá cho Bộ Ngoại giao. Thiếu nó, nền ngoại giao của chúng ta sẽ phải đối diện với muôn nghìn khó khăn cho quyền lợi dân tộc”.
Đúng quá, ông Kittiphong ơi.
Ông Sihasak nên noi bước ông Kittiphong và hãy chấm dứt trình diễn bộ mặt giả dối của chính quyền làm như là Thái Lan yêu mến lắm nhân quyền và dân chủ, khi trong thực tế thì không ngừng vi phạm nhân quyền trên xứ sở.
Nếu không chịu xác định lại, thì cuối cùng, đạo đức giả sẽ được chấp nhận làm từ ngữ trong thế giới ngoại giao Thái.
Xã luận trên nhật báo The Nation số ra ngày 14.9.2010. Cùng với nhật báo The Bangkok Post là hai tờ báo lớn nhất của Thái Lan có số phát hành hằng trăm nghìn bản mỗi ngày.
Chính phủ đột ngột ngăn cấm cuộc họp báo là không thực hiện mục tiêu của ASEAN thăng tiến cuộc thảo luận nhân quyền.
Kỷ lục nhân quyền Thái Lan sẽ bị quốc tế xem xét tỉ mỉ tuần này, bởi vì Bộ Ngoại giao vừa áp lực Câu lạc bộ Báo chí Quốc tế của Thái Lan hủy bỏ cuộc họp báo về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam.
Sự kiện đã được tổ chức cùng với Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền và Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam. Qua bao thập niên, hai tổ chức này đã theo dõi những những vi phạm nhân quyền và lạm quyền tại Việt Nam.
Đây là hành xử thất thường của Bộ Ngoại giao Thái Lan vốn đã rất nhạy cảm về tình trạng nhân quyền trong nước mình. Lần đầu tiên chính quyền liên minh do thủ tướng Abhistsit Vejjajiva lãnh đạo đã lấy một quyết định như thế. Và đây là trở lực cho việc thảo luận nhân quyền và tranh luận trong vùng.
Trên phương diện chính thức, Thái Lan nhất quán đề cao mục tiêu cao quý cho việc bảo vệ và thăng tiến nhân quyền tại nước mình cũng như trong vùng. Nhưng khi đi vào thực tế, thì ngược lại.
Hiện tại Thái Lan đang ngồi ghế Chủ tịch luân phiên Hội đồng Nhân quyền LHQ, và như thế, Thái Lan phải hành xử những chi Thái Lan rao truyền, đặc biệt tại nước mình. Đúng vậy, lẽ ra Thái Lan phải lên tiếng nhiều hơn về tình trạng nhân quyền trong các quốc gia thuộc Hiệp hội Đông Nam Á, nói chung.
Đã đến lúc chúng ta phải thẳng thắn với bè bạn trong các quốc gia ASEAN, nếu không chúng ta sẽ gây tác hại tại LHQ cũng như tại các nước trong khu vực. Với các nước ASEAN, chúng ta phải khuyến khích cuộc đối thoại thường kỳ trên lĩnh vực nhân quyền và quản lý tốt quốc gia. Thái Lan cùng với thành viên Indonesia là hai biểu tượng tốt đẹp trong vùng cần được nêu gương. Trong những năm vừa qua, hai nước chấp nhận việc mở rộng các cuộc điều tra đối với những lạm quyền và bắt đầu mở ra các cuộc thảo luận về các vi phạm nhân quyền.
Thái Lan và Indonesia đang cộng tác cần cù để chấm dứt thứ văn hóa không trừng phạt – ăn sâu thâm căn cố đế trong hầu hết các quốc gia Đông Nam Á.
Điều cần nhớ, rằng các quốc gia thành viên ASEAN là những quốc gia nằm trong hệ thống LHQ và đã tham gia ký kết những công ước nhân quyền cơ bản. Các quốc gia này phải đệ trình các báo cáo thông qua cơ chế gọi là Kiểm điểm Thường kỳ Toàn diện (UPR, Universal Periodic Review).
Vai trò thăng tiến nhân quyền trong tổ chức ASEAN của Việt Nam còn quan trọng hơn nữa, vì Việt Nam đang làm Chủ tịch luân phiên năm nay. Việt Nam cũng là nước tối huệ quốc về doanh thương và đầu tư của Hoa Kỳ, và đang tăng trưởng kinh tế quan hệ với Tây phương.
Tuy nhiên, xét từ sự đầu tư tràn ngập của Tây phương trong những năm vừa qua, thì sự tôn trọng nhân quyền không được quan tâm so với sự tăng trưởng đầu tư tại Việt Nam. Đúng vậy, một trong những tài sản đáng kể nhất của Hà Nội là sự ổn định chính trị cố hữu, và sự bóp nghẹt những tiếng nói bất đồng chính kiến hay những hành động có thể phá vỡ các hoạt động buôn bán. Trong nghĩa này, tỉ số hấp dẫn đầu tư của Thái Lan rất thấp, vì sự ổn định chính trị hạ tới đất sâu.
Trong những cuộc họp ASEAN gần đây, Hà Nội đã lập lại rằng mục tiêu của các quốc gia thành viên là thăng tiến và bảo vệ nhân quyền như được quy định trong Hiến chương mới của ASEAN.
Sắp tới đây, Thái Lan phải giải thích cho Việt Nam biết một cuộc họp báo trên vấn đề nhân quyền của các nước ASEAN – căn cứ theo những sự kiện rút từ các phúc trình của nhà nước và những loan tải trên báo chí – cần phải được thừa nhận.
Bangkok đã hoàn thành tốt công tác khi thuyết phục Hà Nội, điều quan trọng là sự hiện hữu của các tổ chức dân sự cơ bản của ASEAN tham gia vào tiến trình quyết đoán của ASEAN. Những nỗ lực chung như thế phải được khuyến khích và không được nhận thức như những hành động xen lấn vào nội bộ các quốc gia thành viên khác.
Các nhà lãnh đạo ASEAN đã đồng ý với nhau vào năm 2015, ASEAN trở thành cộng đồng độc đáo về kinh tế, với 600 triệu dân cùng chia sẻ các tiêu chuẩn giá trị và văn hóa, kể cả trên lĩnh vực nhân quyền và dân chủ.
Tuy nhiên, những hành động vừa qua của nhà cầm quyền Việt Nam trên lãnh thổ Thái Lan chẳng là điềm lành chút nào cho mục tiêu ấy.
Burning Issue
CHUYỆN NÓNG BỎNG
do ký giả Supalak Ganjanakhundee viết trên nhật báo The Nation phát hành ngày 16.9.2010. Cùng với nhật báo The Bangkok Post là hai tờ báo lớn nhất của Thái Lan có số phát hành hàng trăm nghìn bản mỗi ngày.
Bộ Ngoại giao Thái được coi như người thành thạo việc tự bắn vào chân mình khi liên quan tới nhân quyền. Chuyện mới nhất khi Thái Lan cấm các nhà hoạt động nhân quyền có trụ sở ở Paris mở cuộc họp báo tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc tế của Thái Lan để làm vui lòng Việt Nam – một hành động gây thương tổn tiếng tăm của Thái Lan trên trường quốc tế.
Thái Lan đã nỗ lực rất nhiều để được làm thành viên trong Hội đồng Nhân quyền LHQ năm nay. Cuối cùng Đại sứ Sihasak Phuangketkeow đã đưa Thái lan lên chức Chủ tịch Hội đồng – một vinh dự cho xứ sở của một chính quyền đàn áp gây chết cho gần 100 người trong một cuộc biểu tình chính trị giữa trung tâm thủ đô.
Thái Lan, Chủ tịch một cơ cấu LHQ, được giả định như nhà vô địch bảo vệ và thăng tiến những nhân quyền cơ bản cho công dân Thái Lan và những ai đến viếng hay làm việc trên xứ sở tự do này.
Tiếc thay, ông Thủ tướng và ông Bộ trưởng Ngoại giao vốn được Tây phương đào tạo chỉ đãi bôi trên ý niệm nhân quyền.
Bộ Ngoại giao dùng quyền hành mình để hủy bỏ cuộc họp báo sẽ được tổ chức hôm thứ hai do Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền và Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam chủ trì.
Ông Võ Văn Ái và bà Penelope Faulkner, Chủ tịch và Phó chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam bị khước từ chiếu khán nhập cảnh Thái Lan, là nơi họ sẽ công bố bản báo cáo của họ “Từ Viễn mơ đến Thực tế : Nhân quyền Việt Nam dưới quyền chủ tọa của ASEAN”.
Trước ngày lên đường sang Bangkok, ông Ái được Sứ quán Thái Lan điện thoại cho biết dù đã được cấp chiếu khán vào Thái Lan, ông sẽ bị cấm nhập cảnh theo lời yêu cầu của Việt Nam.
Tương tự như vậy, khi đến phi trường Charles De Gaulle ở Paris, bà Faulkner không được lên máy bay vì [hãng hàng không cho biết] bà sẽ bị chận tại phi trường Bangkok.
Thế là cuộc họp báo và bản báo cáo tự động bị hủy bỏ.
Sau đó, Bộ Ngoại giao Thái gửi một bức thư lố bịch cho Câu lạc bộ Báo chí Quốc tế tại Bangkok, nói rằng “vào lúc mà Chính phủ Vương quốc Thái Lan gắn kết với điều đại quan trọng về những nguyên tắc cho tự do ngôn luận cùng những tư tưởng khác biệt, thì Thái Lan cũng có quan điểm cố hữu không cho phép những tổ chức hay cá nhân sử dụng Thái Lan như đất phát xuất các hành động có hại cho các quốc gia khác”.
Thật có phần đạo đức giả khi nói rằng họ tôn trọng tự do ngôn luận, đồng thời với việc cắm que ngáng họng người ta. Ngoài ra, sự nhận xét của Bộ Ngoại giao trên cái gọi là “có hại” là điều rất đáng ngờ.
Có thể chấp nhận việc Thái Lan không cho bất cứ ai dùng đất nước mình làm hại một nước láng giềng, nhưng một bản báo cáo thu tập những hồ sơ nhân quyền thì không thể được xem như một hành động có hại.
Thực tế, bản báo cáo này sẽ đem lại nhiều hữu ích cho Việt Nam, vì bản báo cáo mang lại nhiều khuyến thỉnh về phương cách cải tiến nhân quyền, lưỡng lợi cho Việt Nam cũng như cho vai trò chủ tịch ASEAN, ông Võ Văn Ái nói như vậy.
Thay vì chận đứng bản báo cáo nhân quyền, lẽ ra Bộ Ngoại giao Thái phải tận dụng tài ngoại giao khôn khéo để giải thích cho Hà Nội biết rằng ASEAN cũng có cơ cấu nhân quyền cho chính ASEAN, đó là Ủy hội Nhân quyền Liên chính phủ ASEAN – và trong vị trí Chủ tịch, Việt Nam phải chiếu cố đến mọi tiếng nói nhân quyền của các tổ chức Phi chính phủ.
Nếu Thái Lan đã làm như thế, mọi phe phái từ Thái Lan, Việt Nam đến ASEAN sẽ ngon lành biết bao.
Con đường thực hiện nhân quyền độc nhất là mở rộng tâm trí cho giới cầm quyền về những điều họ không muốn nghe.
Nhật báo Phố Wall xuất bản ở New York (The Wall Street Journal) có ấn bản 2 triệu số mỗi ngày viết bài xã luận :
Với một chính quyền cho tới nay chưa chịu xử phạt ai vì tội giết hàng chục người biểu tình cho dân chủ, thối thoát cuộc bầu cử và bịt họng truyền thông đối lập, thì cách thông tin trên báo chí hay nhất là chẳng thông tin gì cả. Đây là điều khiến Thái Lan lấy quyết định cắt giảm tự do ngôn luận tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc tế lớn nhất là một ngẫu nhiên kỳ lạ.
Điều mỉa mai là ông Võ Văn Ái và bà Penelope Faulkner có văn phòng ở Paris chẳng có ý định đề cập vấn đề Thái Lan. Trái lại họ giữ chỗ tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc tế của Thái Lan để công bố bản báo cáo của họ về tình trạng vi phạm nhân quyền ở một nước láng giềng là Việt Nam. Câu lạc bộ này từng đón tiếp Đức Dalai Lama, cựu Thủ tướng Mã Lai Anwar Ibrahim và những nhà đấu tranh cho dân chủ Miến Điện trong số những người khác. Cuộc họp báo đã được Câu lạc bộ thông báo từ nhiều tuần lễ trước.
Thế mà khi bà Faulkner đáp chuyến bay hôm chủ nhật, bà được cho biết cơ quan nhập cư Thái ngăn cản chuyến đi của bà. Vài ngày trước đó ông Võ Văn Ái được thông báo cấm nhập cảnh. Chính quyền Thái không muốn Câu lạc bộ “là nơi phát xuất những hành động có phương hại các nước bạn”, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Thái cho chúng tôi biết như thế qua một điện thư vào tuần lễ này.
Sự lạm quyền của Hà Nội hiển nhiên làm xấu hổ cho một quốc gia đang phấn đấu để gia nhập nền kinh tế toàn cầu, dù rằng thật khó hiểu việc một bản báo cáo của một tổ chức Phi chính phủ lại có thể “phá hoại” toàn bộ đất nước. Chế độ đã có một quá trình dài giam hãm những nhà bất đồng chính kiến và nghiêm cấm phát biểu chính kiến – một thành tích ngày càng xấu trong những tháng vừa qua vào lúc Đảng chuẩn bị Đại hội lần thứ 11 vào tháng giêng.
Đường hướng chính sách của Thái Lan cũng sai lầm. Chính quyền Abhisit Vejjajiva đang muốn phô trương bộ mặt tốt đẹp bằng cách cho quân đội đàn áp những nhà đòi hỏi dân chủ. Nhưng chẳng có một cam kết vững chãi nào cho cuộc bầu cử sắp tới, cũng như tháo gỡ tình trạng khẩn trương tại các tỉnh phía bắc hay đông bắc.
Trong lúc đó, có những dấu hiệu một phần trong phong trào đòi hỏi dân chủ của những người “áo đỏ” đang sẵn sàng chiến đấu. Tuần trước cảnh sát tìm thấy ba quả bom không nổ ở Bangkok, và những người áo đỏ biểu tình vào dịp cuối tuần ở đấy để kỷ niệm những người bị giết hồi tháng 5.
Các nhà lãnh đạo Thái càng từ khước dân chủ bao nhiêu, thì dân chúng càng yêu sách dân chủ bấy nhiêu.
Bà Sophie Richarson, Quyền giám đốc Á châu của tổ chức “Theo dõi Nhân quyền” (Human Rights Watch) tổ chức nhân quyền lớn nhất Hoa Kỳ, tuyên bố trên nhật báo Bangkok Post số ra ngày 13.9 rằng :
“Sự can thiệp của Thái Lan đã phản bội lại tiếng tăm của nước Thái như trung tâm nhân quyền trong khu vực. Hai đại biểu của hai Tổ chức Nhân quyền được thế giới kính trọng đã chọn Thái Lan vì Thái Lan nổi tiếng về quyền tự do ngôn luận trong khu vực. Nhưng hành xử của nhà cầm quyền Thái Lan đã phản bội danh tiếng của chính họ”.
13.9.2010 – Diễn Đàn Dân Chủ Hóa Á Châu vô cùng quan ngại sự kiện chính quyền Thái Lan từ khước nhập cảnh hai thành viên sáng lập Diễn Đàn Dân Chủ Hóa Á Châu, ông Võ Văn Ái và bà Penelope Faulkner. Chúng tôi tin rằng hành động đến từ sự can thiệp của nhà cầm quyền Việt Nam không chỉ hợp thức hóa sự đàn áp mà các nhà dân chủ và nhân quyền bị cam chịu tại Việt Nam, mà còn là biểu tượng trọng đại cho sự tụt hậu trong tiến trình dân chủ hóa và sự thăng tiến nhân quyền trong khu vực Đông Nam Á.
Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam có trụ sở tại Paris đã được Sứ quán Vương quốc Thái Lan tại Paris cấp chiếu khán nhập cảnh. Nhưng trước ngày lên đường sang Bangkok, Sứ quán thông báo chiếu khán bị hủy vì Việt Nam áp lực Bộ Ngoại giao Thái chống sự có mặt của ông Ái tại cuộc họp báo để công bố bản báo cáo mới có tên “Từ Viễn mơ đến Thực tế : Nhân quyền Việt Nam dưới quyền chủ tọa ASEAN” tại cơ quan truyền thông ở Bangkok. Ông Võ Văn Ái và bà Penelope Faulkner, Chủ tịch và Phó chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam dự tính trình bày tại cuộc họp báo này. Viên chức Thái cho biết ông Ái sẽ bị chận tại phi trường Bangkok, còn bà Faulkner thì bị cấm không cho lên máy bay tại phi trường Paris.
Quyết định của nhà đương cục Thái là một vi phạm hiển nhiên Tuyên ngôn LHQ Bảo Vệ Người Đấu Tranh Bảo Vệ Nhân Quyền, đặc biệt được quy định rằng “Mỗi người, tự cá nhân mình hay liên hợp với những người khác, đều có quyền xuất bản, thông báo cho người khác hay phổ biến tự do mọi ý kiến, mọi thông tin và mọi kiến thức về các quyền con người và các tự do căn bản” (Điều 6, tiết b) ; và rằng “Mỗi người, tự cá nhân mình hay liên hợp với những người khác, đều có quyền tham gia các hoạt động hòa bình để đấu tranh chống mọi vi phạm nhân quyền và các tự do căn bản” (Điều 12).
Chiếu theo Tuyên ngôn này, nhà cầm quyền Thái phải lấy “mọi biện pháp cần thiết” đảm bảo công cuộc Bảo Vệ Những Người Đấu Tranh Cho Nhân Quyền chống lại mọi đe dọa, trả thù, áp lực hay mọi hành động tùy tiện theo đúng sự hành xử chính đáng các quyền được nêu trên đây.
Vì lý do dẫn thượng, Diễn Đàn Dân Chủ Hóa Á Châu thúc giục chính quyền Thái xét lại việc từ khước ông Ái và bà Faulkner đến Bangkok và cấp lại chiếu khán cho ông Ái ; một hành xử như thế sẽ là thông điệp tổng thể cho giá trị phổ quát những nhân quyền cơ bản được công nhận, tái hồi, và quan trọng hơn nữa là nhân quyền vẫn còn được bảo vệ tại Thái Lan.
Diễn Đàn Dân Chủ Hóa Á Châu cực kỳ bất đồng và phản đối những nỗ lực của nhà cầm quyền Việt Nam nhằm cấm chỉ dân chủ và nhân quyền.
Việt Nam sử dụng áp lực ngoại giao đàn áp sự phát biểu nhân quyền của ông Võ Văn Ái là không khôn ngoan và không thể nào chấp nhận. Đây là cuộc đàn áp công trình chuyển tiếp dân chủ cho chế độ. Diễn Đàn Dân Chủ Hóa Á Châu sẵn sàng tham gia và hợp tác trong sự hỗ tương tối cao nhằm chống lại sự bất công của những thái độ độc đoán.
DÂN CHỦ BÁO ĐỘNG – 14.9.2010
Tuần vừa qua, lãnh đạo Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Ngưới Việt Nam và cũng là thành viên Phong trào Dân chủ Thế giới, ông Võ Văn Ái và bà Penelope Faulkner bị cấm nhập cảnh Thái Lan để mở cuộc họp báo với Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam. Dù ông Võ Văn Ái đã được cấp chiếu khán, nhưng một ngày trước khi lên đường, Sứ quán Thái thông báo yêu cầu ông đừng đến Thái Lan. Sau đó hãng hàng không ngăn cản bà Faulkner đáp chuyến bay theo yêu cầu chính phủ Thái không cho bà nhập cảnh.
Ông Võ Văn Ái và bà Faulkner dự tính trình bày bản báo cáo “Từ Viễn mơ đến Thực tế : Nhân quyền Việt Nam dưới quyền chủ tọa ASEAN” tại cuộc họp báo. Bản báo cáo này được hai tổ chức Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền và Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam thực hiện, nêu rõ những vi phạm nhân quyền tiếp diễn trong thời gian Việt nam làm chủ tịch luân phiên ASEAN.
Đồng thời với việc nhà cầm quyền Thái cấm nhập cảnh hôm 12.9, Câu lạc bộ Báo chí Quốc tế của Thái Lan thông báo việc hủy bỏ cuộc họp báo do Bộ Ngoại giao áp lực. Ủy ban Bảo vệ Quyền Lảm Người Việt Nam và Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền thì cho biết việc ngăn cấm và hủy bỏ cuộc họp báo đến từ ảnh hưởng của Việt Nam trong vùng, và nhà cầm quyền Việt Nam bất dung mọi thảo luận trên lĩnh vực nhân quyền. Theo đài VOA Hoa Kỳ, Thái Lan đang bị công luận quốc tế cũng như quốc nội phê phán cắt giảm tự do báo chí trong năm nay.
Ban Thường vụ Quốc tế Phi chính phủ của Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ
Washington, 16.9.2010 – Ban Thường vụ Quốc tế Phi chính phủ của Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ (Nongovernmental International Steering Committee of the Community of Democraties) ngạc nhiên trước sự kiện vừa xẩy ra trong việc đe dọa việc làm của hai nhà hoạt động nổi danh và là thành viên trong Ban Thường vụ chúng tôi, ông Võ Văn Ái, người Việt Nam và ông Sameer Jarrah, người Jordan. Hai nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền nổi danh này, dấn thân ôn hòa cho lý tưởng dân chủ, đã bị hai chính quyền khác nhau nhưng củng ngăn chận họ hôm 12.9. Cả hai việc này minh họa cho nhu cầu các chính quyền dân chủ trong thế giới phải lên tiếng hỗ tương cho hai nhà hoạt động dân chủ.
Trong sự kiện thứ nhất, ông Võ Văn Ái và bà Penelope Faulkner, Chủ tịch và Phó chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam bị cấm nhập cảnh Thái Lan để trình bày bản báo cáo có tên “Từ Viễn mơ đến Thực tế : Nhân quyền Việt Nam dưới quyền chủ tọa ASEAN”. Dù đã được cấp chiếu khán vào Thái Lan, nhưng hôm 12.9 họ không được lấy chuyến bay đi Bangkok, đồng thời cuộc họp báo cũng bị hủy. Sứ quán Vương quốc Thái Lan ở Paris cho ông Võ Văn Ái biết lý do đến từ sự yêu cầu của chính phủ Việt Nam hiện đang giữ chức chủ tịch luân phiên ASEAN. Bà Souhayr Belhassen, Chủ tịch Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền cho biết rằng việc xảy ra này : “minh họa cho sự kiện chẳng những không thể thảo luận tình trạng nhân quyền với Việt Nam tại Việt Nam, mà ngay cả tại các nước láng giềng của Việt Nam”.
Một số báo chí, hãng thông tấn, truyền thông trên năm châu loan tải sự vụ Bangkok
|
Sự kiện thứ hai, là thành viên của Ban Thường vụ Tiến trình Phi chính phủ trong Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ cũng xẩy ra hôm 12.9, khi Sameer Jarrah, Giám đốc Freedom House vùng Trung Đông và Bắc Mỹ, cùng vợ bị hải quan chính quyền Ai Cập câu lưu tại phi trường Cairo 15 tiếng đồng hồ. Suốt thời gian này họ không được cho ăn uống, và đặc biệt bất chấp tình trạng sức khỏe khi không cho phép Sameer Jarrah bồi bổ thuốc men sau kỳ mỗ thận hồi tháng 8 vừa qua. Chẳng có giải thích nào cho việc câu lưu này, cuối cùng họ bị bắt buộc trở về Jordan không cho nhập cảnh Ai Cập.
Việc những quốc gia phi dân chủ như Việt Nam và Ai Cập sử dụng biện pháp bóp nghẹt tiếng nói của những nhà hoạt động dân chủ không phải chuyện mới mẻ hay gây ngạc nhiên gì cho ai. Thật đáng tiếc, những hành xử như thế càng xác định thêm tính cách vô lịch sự và không xứng đáng trong vai trò tham gia hay lãnh đạo các cơ cấu quốc tế vốn đòi hỏi sự hậu thuẫn cho dân chủ và nhân quyền.
Thái Lan đồng lõa vi phạm nhân quyền theo đòi hỏi của một nước láng giềng phi dân chủ, là điều thật đáng lo và cũng là dấu chỉ cho thấy sự lạm dụng quyền lực ở vai trò lãnh đạo của các chính quyền này.
Ban Thường vụ Tiến trình Phi chính phủ trong Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ kêu gọi các chính phủ dân chủ lên án những hành vi như thế và khước từ mọi áp lực để phải chấp nhận cho các quốc gia này nắm quyền lãnh đạo trong các tổ chức như Hội đồng Nhân quyền LHQ hay các tổ chức trong khu vực.
Đặc biệt Ban Thường vụ Tiến trình Phi chính phủ trong Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ kêu gọi Ban Điều hành Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ quan tâm về những vi phạm nhân quyền cơ bản tại các quốc gia thành viên khi đạt thư mời tham gia Hội nghị cấp Bộ trưởng của Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ năm 2011 ở thủ đô Vinius, Lithuania.