Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Tin PTTPGQT / Hôm qua, trên 50 Tăng Ni biểu tình tại Hà Nội đòi hỏi cho Công lý và Nhân quyền Việt Nam, đòi hỏi minh bạch hóa Vụ án giết Tăng, giam cầm, tra tấn chư Tăng và Phật tử tại Bắc Giang suốt 3 năm qua

Hôm qua, trên 50 Tăng Ni biểu tình tại Hà Nội đòi hỏi cho Công lý và Nhân quyền Việt Nam, đòi hỏi minh bạch hóa Vụ án giết Tăng, giam cầm, tra tấn chư Tăng và Phật tử tại Bắc Giang suốt 3 năm qua

Download PDF

PARIS, ngày 7.7.2006 (PTTPGQT) – Trên 50 Tăng Ni thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, mặc áo nâu sồng, xuống đường biểu tình tại Hà Nội hôm qua thứ năm 6.7.2006, phản đối việc tra tấn đến chết Hòa thượng Thích Đức Chính, 70 tuổi, và kết án oan từ 3 năm đến 9 năm tù cho 3 Đại đức và 5 Cư sĩ Phật giáo.

Đây là lần đầu tiên tại thủ đô có một cuộc biểu tình của Phật giáo với trên 50 Tăng Ni phản đối nền pháp lý phi pháp và vô nhân đạo của Nhà cầm quyền Hà Nội.

Cuộc biểu tình tổ chức trước Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao tại Hà Nội. Đại đức Thích Tâm Thương, 33 tuổi, cho các hãng thông tấn quốc tế tại Hà Nội biết rằng “Nhà cầm quyền đã bắt oan, giam cầm, tra tấn chúng tôi gồm 4 Tăng sĩ và 5 Cư sĩ. Trong tù, Hòa thượng Thích Đức Chính bị tra tấn đến chết đầu năm 2004. Tám người chúng tôi bị tra tấn bằng đủ cách. Tôi bị treo ngược rồi người ta đánh vào ngực, vào bụng, và cả vào bộ phận sinh dục. Cư sĩ Phạm Mạnh Hùng, 38 tuổi, cho xem vết sẹo ở cổ tay sau những lần bị treo ngược. Cư sĩ Dương Phúc Thịnh nói rằng : “Người ta tra tấn chúng tôi để mớm cung và bức cung bắt chúng tôi nhận tội mà chúng tôi không hề phạm”.

Đoàn biểu tình đòi hỏi “Công lý và Nhân quyền cho dân Việt”.

Từ vụ trộm vật cổ ở Bắc giang trở thành vụ giết và bỏ tù Sư oan và Dân oan

Nguyên do là trong thời gian 2001 đến 2003 có 7 vụ trộm 27 pho tượng Phật và từ khí (đồ thờ cúng) tại các chùa trên địa bàn hai tỉnh Bắc Giang và Hà Tây. Cuối năm 2003, công an tỉnh Bắc Giang bắt tạm giam 9 bị cáo, gồm 4 Tăng sĩ và 5 Cư sĩ Phật giáo, đưa về trại giam Kế, tỉnh Bắc Giang. Ở đây công an tra tấn dã man, dùng đủ thứ nhục hình để mớm cung và ép cung, buộc các bị can phải nhận tội và khai báo không đúng sự thật dù chẳng đưa ra được bằng cớ hay chứng liệu nào.

Không chịu nỗi nhục hình, Hòa thượng Thích Đức Chính, thế danh Phan Hữu Hường, 70 tuổi, viên tịch đầu năm 2004 tại trại giam Xá, tỉnh Bắc Giang. Năm 2005, tám người còn lại bị kết án :

Đại đức Thích Đạo Sơn phản cung và tố cáo trước tòa
Đại đức Thích Đạo Sơn phản cung và tố cáo trước tòa

– Đại đức Thích Đạo Sơn, thế danh Nguyễn Quý Đoan, 26 tuổi, 9 năm tù
– Đại đức Thích Nguyên Kiên, thế danh Dương Văn Trung, 44 tuổi, 3 năm tù rưởi
– Đại đức Thích Tâm Thương, thế danh Lê Văn Thương, 8 năm tù
– Cư sĩ Phạm Mạnh Hùng, 38 tuổi, 8 năm tù
– Cư sĩ Dương Phúc Thịnh, 36 tuổi, 8 năm tù
– Cư sĩ Tạ Minh Đăng, 48 tuổi, 7 năm rưởi tù
– Cư sĩ Lê Ngọc Lân, tức Lê Ngọc Hòa, 47 tuổi, 3 năm tù
– Nữ Cư sĩ Nguyễn Thúy Lan, 55 tuổi, 9 tháng tù

Vụ án bất công gây sôi nổi dư luận quần chúng tỉnh Bắc Giang và Hà Tây, cũng như báo chí trong nước. Trong 3 năm ròng, 1400 hộ ở hai thôn nơi có hai ngôi chùa Phương Quế và Vĩnh Lộc do Đại đức Thích Nguyên Kiên làm trụ trì đứng lên đòi hỏi công lý cho Đại đức.

Mẹ của Đại đức là Bà Nguyễn Thị Tám, 81 tuổi, Mẹ Liệt sĩ, đứng đơn khiếu kiện ngày 2.6.2006. Bà Tám viết :

Bà mẹ liệt sỹ Nguyễn Thị Tám, cùng 4 Phật tử kêu oan cho Đại đức Thích Nguyên Kiên. Mẹ Tám cầm tấm biểu ngữ : “Người dân Việt Nam sống dưới chế độ XHCN bị mất Nhân quyền nghiêm trọng”
Bà mẹ liệt sỹ Nguyễn Thị Tám, cùng 4 Phật tử kêu oan cho Đại đức Thích Nguyên Kiên. Mẹ Tám cầm tấm biểu ngữ : “Người dân Việt Nam sống dưới chế độ XHCN bị mất Nhân quyền nghiêm trọng”

“Ngành luật pháp tỉnh Bắc Giang lại lộng hành ngang ngược hành hạ đánh đập những người dân chẳng khác gì loài súc vật mà thực tế con trai tôi là đại đức Thích Nguyên Kiên (tức Dương Văn Trung) phải chịu những trận mưa đòn tra tấn dã man, tàn ác hơn thời đế quốc thực dân”.

Bà Tám cho biết thân thế con bà như sau :

“Con tôi đã tu hành xuất gia tại hai chùa Phương Quế và Vĩnh Lộc và đã được 1400 hộ dân của hai thôn đứng lên đi đòi lại sự công bằng cho con tôi gần 3 năm nay mà vẫn chưa hề được một sự chỉ đạo của một cấp nào có trách nhiệm. (…) Nhà sư Thích Nguyên Kiên đã được thụ giới Tỷ Khiêu ngày 25/9/1993 và đã tốt nghiệp Trường Cơ bản Phật học Hà Tây, niên khóa 1991 – 1996, trước khi bị bắt là Sư ông Đại Đức trụ trì tại Chùa Phương Quế, tỉnh Hà Tây.

 Chư Tăng và Phật tử 2 thôn Phương Quế và Vĩnh Lộc đến dự phiên toà để hậu thuẫn 8 bị cáo Phật giáo, đang cơm nắm muối vừng ăn trưa tại toà án
Chư Tăng và Phật tử 2 thôn Phương Quế và Vĩnh Lộc đến dự phiên toà để hậu thuẫn 8 bị cáo Phật giáo, đang cơm nắm muối vừng ăn trưa tại toà án

“(…) Phật tử chúng tôi vốn một lòng yêu kính Đại Đức nên đã có mặt rất đông tại phiên toà sơ thẩm ngày 12/01/2006 của Toà án Nhân dân tỉnh Bắc Giang. Trong phiên tòa, chúng tôi được chứng kiến tận mắt và nghe tận tai Đại Đức khai rất rõ ràng về việc đã bị điều tra viên dùng nhục hình, ép cung như bị lột trần truồng, đánh dùng hai gậy vuốt vào dương vật tóe máu tươi để xem còn trinh không, trói giật cánh khuỷu, đập đầu vào tường và treo ngược người lên. Các bị cáo khác thì đều phẫn nộ tố cáo là bị điều tra viên đánh đòn âm gây đau đớn bên trong cơ thể, thậm chí bị treo ngược từ ngày hôm trước đến ngày hôm sau, rồi bắt ký bản cung với nội dung không đúng sự thật. (…) Riêng Đại Đức Thích Nguyên Kiên vẫn một mực kêu oan và khẩn thiết kêu cứu vì điều kiện giam giữ khắc nghiệt nên ông đã bị đau thận nặng, sức khoẻ suy sụp, trọng lượng giảm mất hơn 20kg so với trước khi bị bắt nhưng không được cơ quan điều tra, trại giam và Viện Kiểm Sát tỉnh Bắc Giang cho đi điều trị. (…) Vào thời điểm xảy ra vụ án như cáo trạng nêu, Đại Đức đang tập trung đi Kết hạ tại Trường Hạ ở chùa Hội Xá để học tập từ rằm tháng năm đến rằm tháng tám dưới sự giám sát của Duy na Trường hạ, hàng ngày điểm danh và theo dõi kỷ luật, tình hình học tập, vì vậy, ông không thể có mặt nhiều lần để bàn bạc với bọn trộm cắp và chờ chúng mang đồ trộm cắp đến”.

Trước sự phản đối kiên trì suốt ba năm của đồng bào Phật tử Bắc Giang và Hà Tây, nên Tòa án Nhân dân tỉnh Bắc Giang phải đưa vụ án có tên “Vụ trộm cổ vật ở Bắc Giang” ra xử lại hôm 19.6 và kéo dài cho đến ngày 28.6.2006. Qua 10 ngày xét xử, các Kiểm sát viên của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bắc Giang giữ quyền Công tố vẫn tiếp tục kết tội 8 bị cáo như cũ. Mặc dù khi ra trước tòa, 8 bị cáo của vụ án đều phủ nhận lời khai nhận tội của họ tại cơ quan điều tra, đồng thời tố cáo đã bị điều tra viên và kiểm sát viên mớm cung, bức cung, nhục hình, khiến họ phải nhận tội trước đây.

Luật sư Nguyễn Việt Hùng thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội đã tận tình biện hộ đưa ra nhiều nhân chứng và nhiều sự kiện bác bỏ sự kết tội phi pháp của Tòa án Nhân dân Bắc Giang. Ví dụ đưa nhân chứng Vũ Thị Yến ở Xóm Công, xã Mạo Điền, Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, và một số nhân dân tại đây chứng nhận rằng ngày 23.7.2003 Đại đức Thích Đạo Sơn đến nhà khâm liệm, nhập áo quan và làm lễ táng cho chồng chị Yến, không thể nào “đi ăn trộm tại chùa Vĩnh Nghiêm, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang như cáo trạng cáo buộc”. Vật chứng của vụ án cũng có vấn đề bất minh và tiền hậu bất nhất. Như chiếc kìm gỉ do một nông dân nhặt được và nộp cho công an 2 ngày trước khi “vụ trộm” xẩy ra, không thể xem như tang vật ; 5 bao tải dứa, theo cáo trạng, là 5 bao tải bị cáo để lại hiện trường đã bọc 5 tượng Phật, nhưng thấy động nên để lại tại chùa Bến, xã Mỹ Hà, Lạng Giang, Bắc Giang, đêm 1.7.2003. Nhưng nghiên cứu kỹ hồ sơ trước sau không giống nhau, như chỉ có 2 tượng Phật được hoàn trả mà không hề có 5 tượng như biên bản ghi, nên không thể xem như vật chứng. Cũng như các tượng Phật hoàn trả không được cơ quan khoa học giảo nghiệm niên đại để biết thực hư, đánh tráo.

Với nhiều tình tiết éo le khác cho thấy vụ xử hoàn toàn phi pháp, chưa kể sự kiện dùng nhục hình tra tấn chư Tăng và Phật tử. Nên sau 10 ngày xét xử, hôm 28.6.2006 Tòa án Nhân dân đã tuyên bố 8 bị cáo vô tội và trả tự do tức khắc cho họ.

Tám bị cáo cùng với trên 50 Tăng Ni đã biểu tình trước Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao tại Hà Nội hôm qua thứ năm 6.7.2006 đòi hỏi cho Công lý và Nhân quyền cho dân Việt.

Với những vụ đàn áp, hành hung các tôn giáo, tra tấn Tăng Ni Phật tử như sự vụ nói trên hay đối với 13 Ban Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại miền Trung và miền Nam, hiện tiếp diễn với cường độ gia tăng, không chắc gì Nhà cầm quyền Hà Nội có thể xin rút tên ra khỏi Danh sách các quốc gia đàn áp tôn giáo cần đặc biệt quan tâm (CPC, Countries of Particular Concern) mà Chính phủ Hoa Kỳ liệt kê cùng với 8 quốc gia khác trên thế giới 2 năm vừa qua, 2004 – 2005.



Unicode


VNI


VIQR

Check Also

Bài 1: Cơ sở Quê Mẹ và Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế trả lời chung về âm mưu phá hoại cuộc đấu tranh cho Nhân quyền và Tự do Tôn giáo của hai Dư Luận viên Thục Vũ — Ý Dân

  PARIS, ngày 9 tháng Giêng năm 2019 (PTTPGQT & VCHR) — Thời gian qua, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *