WASHINGTON DC, ngày 20.9.2016 (UBBVQLNVN) – Dưới chủ đề “Tự do Tôn giáo tại Việt Nam : Mối an ninh quan trọng cho khu vực và toàn cầu”, Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam với sự bảo trợ của Trung tâm Tự do Tôn giáo Hudson Institute đã thành công tổ chức hôm 12-9 vừa qua cuộc Hội luận về Tự do Tôn giáo tại Việt Nam, ngay vào lúc nhà cầm quyền Cộng sản sắp thông qua “Luật Tôn giáo hay Tín ngưỡng” chiếu theo Dự thảo cuối cùng ngày 1-9-2016. Một Luật Tôn giáo ngày càng bóp nghẹt tự do tôn giáo và kiểm soát chặt chẽ qua cơ chế Đăng ký hà khắc.
Các diễn giả thyết trình
Nhiều nhà ngoại giao, học giả và nhân sĩ đã có tham luật sâu sát với ý nghĩa thực của Tự do Tôn giáo, như ông Elliott Abrams, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ đặc trách Nhân quyền, nguyên Cố Vấn Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc, Bà Kristina Arriaga, Ủy viên Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo Trên Thế giới (US Commission on International Relious Freedom), Bà Nina Shea, Giám đốc Trung tâm Tự do Tôn giáo của Hudson Institute, ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam.
Về phần nhân chứng các tôn giáo bị bách hại tại Việt Nam có ông Võ Trần Nhật nói về trường hợp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), Bà Sara Colm, cựu Chuyên gia Đông Nam Á của Tổ chức Human Rights Watch, trình bày về Các Giáo hội độc lập Người Thượng Tây Nguyên”, Ông Tong C. Vang, nêu lên trường hợp Dân tộc Hmong ở Việt Nam”, Đại đức Kim Muol, và Ông Prak Sereivuth, Liên đoàn Khmer Kampuchea-Krom, hợp chung vào đề tài Phật giáo Khmer Krom – Tôn giáo và Văn hóa bị hăm dọa.
Để có một ý niệm tổng quan về cuộc Hội luận này, xin mời độc giả vào xem bản tường trình của ký giả Hoà Ái của Đài Á châu Tự do qua Video theo Link sau đây :
Người tham dự
Hội trường Hudson Institute chật người tham dự. Nhiều tổ chức lớn tại Hoa Thịnh Đốn như Freedom House, US Commission on International Religious Freedom, Quỹ Quốc gia Tài trợ Dân chủ, Sáng hội Nhân quyền, Quỹ J, Hubbard, Inc, Trung tâm Hồi giáo và Tự do Tôn giáo, cũng như đại diện Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, v.v… Cơ quan truyền thông có Đài Á châu Tự do, Đài Phát thanh Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đặc phái viên Nhật báo Wenhui ở Thượng Hải, v.v…
Về phía người Việt có mặt một số nhân sĩ vùng Hoa Thịnh Đốn, và nhiều vị Tăng và Ni, như Hoà thượng Thích Huyền Việt, Thượng toạ Thích Trí Quảng, Thượng toạ Thích Trí Tịnh, đặc biệt là 50 đại biểu các đơn vị GHPGVNTN cùng các Huynh trưởng Gia Đình Phật tử đến từ California, Dallas, Houston, Florida, Port Arthur, Hawaii, v.v… cũng như Bác sĩ Trần Quốc Hưng và phu nhân Diệu Linh thuộc Hội Tâm thần học Dallas…
Lời chào mừng và giới thiệu của Bà Nina Shea, Giám đốc Hudson Institute
Mở đầu cuộc Hội luận, Bà Nina Shea, Giám đốc Trung tâm Tự do Tôn giáo của Hudson Institute, giới thiệu ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, người sẽ khai mạc cuộc Hội luận với mấy Nhận xét khai quang. Bà nói :
“Thật hân hạnh cho tôi được hợp tác cùng với Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam tổ chức cho sự kiện quan trọng tại Viện Hudson hôm nay. Cũng là niềm hân hạnh lớn được tiếp đón ông Võ Văn Ái, người sáng lập và là Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam. Thực ra, từ 30 năm trước, Võ Văn Ái và Penelope Faulkner, Phó chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, chúng tôi đã biết nhau từ khi tôi thành lập Trung tâm Tự do Tôn giáo tại Hoa Thịnh Đốn để phúc trình thảm trạng đàn áp tự do tôn giáo tại Việt Nam.
“Thật đúng thời hiệu cho sự kiện quan trọng hôm nay, bởi vì quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đang dược gắn bó, và cũng vì trong những tháng tới, Việt Nam sẽ thông qua “Luật Tôn giáo và Tín ngưỡng”. Đây là lúc quan trọng nhất để thảo luận cho mục tiêu tôn giáo.
“Tôi thừa hiểu ai ai cũng đều biết Võ Văn Ái. Song tôi muốn có vài lời giới thiệu về Võ Văn Ái với báo chí có mặt hôm nay, ông là một người bảo vệ nhân quyền vô song, một nhà văn và nhà thơ. Ông bị bỏ tù từ năm 11 tuổi vì tham gia cuộc kháng chiến giành độc lập cho Việt Nam. Ông tham gia đấu tranh cho dân chủ và tự do tôn giáo suốt cuộc đời ông. Từ năm 1964, ông hoạt động tích cực cho phong trào bất bạo động Phật giáo kêu gọi dân chủ và hoà bình. Từ năm 1975, ông thu tập hồ sơ chế độ Cộng sản vi phạm nhân quyền, và công bố đầu tiên bản đồ Trại Cải tạo, với số lượng ước tính Tám trăm nghìn tù cải tạo. Thực tế còn nhiều hơn thế, trên Hai triệu tù nhân đã bị giam giữ trong các trại này, mà thế giới lúc ấy chẳng ai biết tới. Võ Văn Ái là người duy nhất mang lại thông tin thực tế ấy. Năm 1978, Võ Văn Ái tung chiến dịch đưa Tàu cứu trợ ra Biển Đông vớt Người Vượt Biển. Ông cũng đã thường xuyên điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ, tại LHQ, cũng như Quốc hội Châu Âu.
“Xin chào mừng và mời Võ Văn Ái lên diễn đàn…”.
Diễn văn khai mạc của ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam
Toàn văn bài Diễn văn Khai mạc của ông Võ Văn Ái đã được dịch từ Anh văn và đăng tải trên Thông cáo Báo chí phát hành hôm 12-9 tuần trước. Những điều quan trọng dung chứa trong lời phát biểu khai mạc này, là : Nhắc lại mối tình bằng hữu chiến đấu cho dân chủ và tự do tôn giáo với ông Elliott Abrams từ năm 1985, và bà Nina Shea từ thập niên 90, khi ông Ái phát động vụ kiện hy hữu nhà cầm quyền Hà Nội vi phạm Nhân quyền trầm trọng trên các lĩnh vực xã hội, kinh tế, chính trị, văn hoá và tôn giáo, dày 500 trang, tại LHQ ở Nữu Ước, kèm theo bản đồ Trại Cải tạo lần đầu tiên được vẽ, ghi chú gần 200 địa điểm Trại Cải tạo trên toàn quốc nơi giam giữ hàng triệu quân cán chính VNCH. Thời ấy, Đại sứ quán Cộng sản ở Paris công bố con số tù nhân “ba mươi nghìn người”, Đảng Cộng sản Pháp sau chuyến thăm Việt Nam đưa ra con số “50 nghìn tù nhân”. Trong khi Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người công bố ít nhất “800 nghìn tù nhân Trại Cải tạo” (năm 1978, ông Phạm Văn Đồng trả lời phỏng vấn ký giả Paris Match, Jean Claude Labbé, tiết lộ “đã trả tự do cho hơn 2 triệu tù nhân”) . Nhờ sự hoạt động không mệt mỏi của Elliott Abrams và Nina Shea mà “Quốc hội Hoa Kỳ thông qua Đạo luật Tự do tôn giáo trên Thế giới vào năm 1998. Gợi hứng từ đạo luật này, Quốc hội Châu Âu đã thông qua “Chỉ đạo bảo vệ và thăng tiến tự do tôn giáo trên thế giới”, và gần đây đã chỉ định một Phái viên đặc mệnh Tự do tôn giáo đến các quốc gia có liên hệ ngoại giao với Liên Âu”.
Ông Ái còn nhấn mạnh sự kiện “Tuy thế, vào lúc các quốc gia dùng chính sách dân chủ chính đạo để thăng tiến tự do tôn giáo, thì Việt Nam sử dụng các đạo luật để ngăn chận thay vì bảo vệ tự do tôn giáo.
“Sắp tới đây, Việt Nam sẽ thông qua Luật Tôn giáo hay Tín ngưỡng nhằm pháp-lý-hóa công tác xâm phạm nội bộ tôn giáo của nhà nước bằng cơ chế đăng ký hà khắc để kiểm soát. Các tổ chức tôn giáo như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Người Thượng Tin Lành, hay Phật giáo Khmer Krom không thể, hoặc không muốn đăng ký, sẽ bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Cơ chế đăng ký hoàn toàn trái chống với những nguyên tắc của tự do tôn giáo, vì ông Heiner Bielefeldt, Báo cáo viên LHQ đặc nhiệm Tự do tôn giáo, tuyên bố sau chuyến đi điều tra Việt Nam năm 2014, rằng : “Cơ chế đăng ký có thể là một đề nghị của Nhà nước, nhưng không thể là sự cưỡng bách pháp lý”.
“Tự do tôn giáo cũng như nhân quyền là hoạt kính (vec-tơ) cho sự an ninh toàn cầu hay trong khu vực, đồng thời cũng là chủ đề của cuộc Hội luận hôm nay”.
Về quan điểm tự do tôn giáo, ông Ái đã đi đầu từ lâu trong công luận, khi tuyên bố Tự do Tôn giáo là Mẹ của Tất cả Tự do. Ông phát biểu :
“Tôi muốn kết thúc mấy lời nhận xét khai mạc của tôi về ý nghĩ mà tôi cưu mang từ bốn mươi năm qua. Đó là, Quyền Tự do tôn giáo vốn đã bị hiểu lầm rộng rãi. Thật sai lầm khi nghĩ rằng quyền tự do này giành cho những ai tin vào Thượng đế. Thực ra, định nghĩa về tự do tôn giáo của LHQ bao quát hơn nhiều, vì nó bao hàm cho bất cứ ai trên trái đất. Tự do tư tưởng, Tự do lương tâm, Tự do tôn giáo hay tín ngưỡng, là MẸ CỦA TẤT CẢ TỰ DO – vì nó là nòng cốt cho cá tính của bất cứ ai. Nó là khuôn mẫu cho mọi hình thái tư tưởng và hành động của chúng ta, dù bạn là ai, bạn cư xử như thế nào trong xã hội. Hôm nay ở đây, chúng ta sẽ nghiên cứu mọi phương tiện để thăng tiến và bảo vệ tự do tôn giáo, nhằm phát triển nền văn hóa dân sinh về tính khoan dung và lòng từ bi, hầu đặt nền móng cho hòa bình bền vững trong vùng Á châu cũng như trên thế giới”.
Bài tham luận của Ông Elliott Abrams, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ đặc trách Nhân quyền, nguyên Cố vấn Hội đồng an ninh Quốc gia Toà Bạch Ốc
Sau phần khai mạc, bà Nina Shea điều hợp Phần một cuộc Hội luận và mời ông Elliott Abrams đọc bài tham luận. Là nhân vật dấn thân cho nhân quyền và tự do tôn giáo trong chính quyền Hoa Kỳ, ở vai vế Thứ trưởng Ngoại giao rồi Cố vấn Hội đồng An ninh toà Bạch Ốc, bài nói của ông mang những nhận định chiến lược cho tự do tôn giáo đích thực. Ông nói :
“Thật là hân hạnh lớn cho tôi được có mặt hôm nay, và vui mừng biết bao khi gặp lại Võ Văn Ái, người bạn mà tôi đã gặp gỡ từ 30 năm trước.
“Vì sao tự do tôn giáo quan trọng, tại Việt Nam hay bất cứ đâu ?
“Câu trả lời thường lệ, mà Võ Văn Ái rất có lý khi đề cập, là tự do lương tâm và tôn giáo, hay tự do tư tưởng, là nền tảng cho tất cả mọi thứ tự do khác — ví như tự do ngôn luận hay hội họp, và tự do chính trị nói chung. Tôi nghĩ thật là như thế. Tuy nhiên có một cách trả lời khác mà tôi muốn đề cập.
“Điều mà câu hỏi về tự do tôn giáo thắp sáng chúng ta là thể cách mà bất cứ chính quyền nào dự kiến cho nhân dân nước họ. Một chế độ không cho phép tự do tư tưởng và tín ngưỡng hay thờ phụng, là một chính quyền không công nhận dân chúng như những công dân, mà chỉ xem như những kẻ cung cấp lao động — để dùng thuật ngữ đã xưa cũ, là kẻ vô sản. Chính quyền đó chỉ nhìn người dân như kẻ phù động trong guồng máy, như người máy, mà việc làm chỉ là lao tác, chỉ được thành hình khi lắp ráp xong, và chỉ biết tụng ca chế độ khi được lệnh. Còn tư tưởng — tự do tư tưởng, tự do lương tâm, tự do tôn giáo — chỉ làm cản trở các chỉ tiêu của chính quyền, Trong chế độ Cộng sản, cá nhân chẳng có quyền gì, tất cả quyền hạn nằm trong tay Đảng.
“Hãy nhớ lại lời Trotsky nói tại Đại hội Đảng lần thứ XIII năm 1924 :
“Sự phân tích cuối cùng cho thấy Đảng luôn luôn đúng, vì Đảng là công cụ vô song của lịch sử được trao tặng cho giai cấp vô sản một giải pháp cho mọi vấn nạn nền tảng… Tôi biết rằng chẳng ai có lý hơn Đảng. Người ta chỉ có lý với Đảng, thông qua Đảng…”.
“Cho nên chỉ có Đảng mới có quyền cho phép ta biết suy nghĩ. Ai đây mang tín ngưỡng riêng tư ngoài Đảng, tin rằng có một nguyên nhân hay giá trị, hay một Tồn thể trên Đảng, là một tội ác.
“Tổng thống Georges W. Bush đã từng giải thích cho Hồ Cẩm Đào rằng sự sợ hãi tôn giáo của Đảng Cộng sản Trung quốc là sai lầm. Vì sự sợ hãi này khó thực hiện và tác động xấu cho quốc gia. Tổng Thống lý luận với Hồ Cẩm Đào rằng, các nước lớn thường gặp nhiều vấn nạn xã hội, và chính các nhóm tôn giáo giải quyết các vấn nạn này một cách thành công và ít tổn phí hơn là chính quyền. Tổng thống nêu ra hàng chục nghìn bệnh viện, trường học, trẻ mồ côi, viện dưỡng lão, mà tất cả đã do các nhóm tôn giáo phục vụ tại Hoa Kỳ. Xã hội Trung quốc của ngài sẽ an toàn và thịnh vượng hơn, nếu ngài cho phép các nhóm tôn giáo được tự do hành động. Bằng cách đó, các nhóm tôn giáo sẽ không có hành động chính trị hay tổ chức đảng chính trị để giành quyền lực.
“Đây là một sự thật : xã hội Trung quốc sẽ có thể giàu có hơn. Nhưng theo lối suy nghĩ của Hồ Cẩm Đào, thì quá nguy hiểm, dù rằng các nhóm tôn giáo chẳng bao giờ làm chính trị. Vì sao ? Vì các nhóm tôn giáo nhìn rõ cá thể con người với niềm tự do và hạnh phúc, sự vận hành của cộng đồng trong tự do và hoà điệu, như đích chính của hoạt động xã hội. Cứ thế mà nhà nước hiện hữu để phục vụ nhân dân, cá nhân cũng như tập thể, và để bảo vệ các quyền của họ, để họ tự dẫn dắt họ cùng gia đình phù hợp theo những quan điểm cá nhân, Thượng đế, cũng như bản thân cuộc sống.
“Đây là một quan niệm khủng khiếp đối với một vị lãnh đạo Cộng sản, người chỉ thấy tôn giáo như một thách thức quan điểm Đảng về quan điểm lịch sử, bản thân, và cộng đồng. Đây chính là sự sợ hãi vĩ mô, mà ta thấy qua phúc trình trong chuyến viếng thăm Việt Nam gần đây của Giáo sư Mary Ann Glendon của Đại hoc Havard và Linh mục Thomas Reese, cả hai là thành viên của Uỷ hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo trên Thế giới.
“Các viên chức chính quyền trở nên khó chịu khi thấy vị mục sư ở địa phương được tín nhiệm và quyền thế hơn các viên chức nhà nước hay cán bộ đảng. Ví dụ, như khi các viên chức bắt các đám biểu tình phải giải tán về nhà, dân chúng cứ phớt lờ ; nhưng khi các mục sư bảo họ “về đi” thì họ liền răm rắp nghe theo”.
“Đấy là vì vị mục sư ở địa phương có quyền thế đạo đức và sự hợp pháp, trong khi đảng và viên chức chính quyền không có các thứ ấy. Đó là điều mà chính quyền sợ hãi. Bởi vì vậy mà “Luật Tôn giáo và tín ngưỡng” mới — như Võ Văn Ái rất có lý khi đề cập — đặt trọng tâm vào sự kiểm soát và giới hạn tín ngưỡng cùng tôn giáo. Cũng là lý do vì sao mà Ban Tôn giáo Chính phủ thống thuộc Bộ Nội vụ. Nhưng điều mà các viên chức Đảng không nghĩ ra, là họ thiếu vắng quyền lực đạo đức và tính hợp pháp đặc biệt vì họ không cho người công dân quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng.
“Câu chuyện tự do tôn giáo tại Việt Nam phản chiếu qua các thức đó, và đương nhiên lãnh đạo Đảng Cộng sản bám víu vào quan điểm Lenin về vai trò chính trị của đảng, ngay cả vào lúc họ từ bỏ lý thuyết kinh tế Mác xít. Nói tới tôn giáo, là họ dẹp bỏ các cơ sở tôn giáo độc lập để tìm cách hình thành các giáo hội quốc doanh thay thế.
“Tôi rất vui mừng hiện diện hôm nay, vì đây chính là lúc mà chúng ta cần thảo luận về tự do tôn giáo — một mặt, chúng ta sắp có chính quyền mới tại Hoa Thịnh Đốn, mặt khác thể chế tại Việt Nam đang tìm kiếm đồng minh trong lúc này, hầu tìm cách chống trả Trung quốc trước sự đe doạ chủ quyền. Tổng Thống Obama đã dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận bán vũ khí cho Việt Nam trong chuyên viếng thăm hồi tháng 5 vừa qua. Câu hỏi đặt ra, là Hoa Kỳ sẽ sử dụng mối quan hệ gần gũi để giới lãnh đạo Việt Nam thăng tiến tự do tôn giáo — hay sẽ quên vấn nạn tôn giáo để tiếp tục thứ thuật ngữ trong chính trị gọi là thực tế chính trị / realpolitik ?
Giáo sư Glendon và Linh mục Reese nhận xét rằng có một số tiến bộ về tự do tôn giáo kể từ ngày Cộng sản nắm quyền năm 1975, là điều chứng tỏ chút hy vọng họ có thể cải thiện. Hai vị cũng cho biết rằng “điều thấy rõ là viên chức Việt Nam muốn có quan hệ tốt với Hoa Kỳ”. Và những chi đang xẩy ra tại Việt Nam sẽ có tác động cho tự do tôn giáo tại Đông Nam Á.
“Điều rắc rối với sự khẳng định thiếu minh chứng của những chính sách gọi là thực tế chính trị / realpolitik vốn chẳng thực tế chút nào.
“Chúng ta muốn tăng cường cho ai sự độc lập và sức mạnh ? Cho nhân dân Việt Nam ? hay cho Dảng và chế độ ? Chúng ta yêu sách Việt Nam áp dụng Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, mà Việt Nam ký kết, hay chúng ta làm ngơ trước sự phụ thuộc này ?
“Thực tế chúng ta biết rằng áp lực Hoa Kỳ có thể tác động — giảm thiểu những cuộc đàn áp, cách hành xử côn đồ, cho phép mở rộng không gian cho các nhóm tôn giáo. Chắc chắn là thành tựu — nhưng chỉ khi nào Chính phủ Hoa Kỳ ra tay áp lực và minh bạch cho biết sự cải thiện quan hệ tuỳ thuộc vào sự thay đổi này. Chế độ Việt Nam sẽ nghiên cứu một cách kỹ lưỡng. Và họ sẽ rút tỉa về mức độ quan tâm của chúng ta.
“Chúng ta phải quan tâm, vì lý do nguyên tắc : vì chúng ta tin vào tự do lương tâm, tự do tư tưởng, tự do tôn giáo. Nhưng chúng ta cũng phải quan tâm nếu chúng ta mong thấy Việt Nam phát triển đến một xã hội bền vững như một đồng minh dài hạn của Hoa Kỳ. Chúng ta phải thúc đẩy chế độ chấm dứt sợ hãi nhân dân họ, chấm dứt việc xem các hành động dân sự như một đe doạ. Chúng ta phải cho chế độ Việt Nam thấy rằng sự phát triển xã hội hoà điệu hơn, khi để cho nhân dân có quyền tự do tôn giáo. Và chúng ta phải cho họ thấy rằng chỉ có một con đường để nắm bắt quyền thế đạo đức và tính hợp pháp bằng cách để cho nhân dân Việt Nam có nhiều tự do hơn.
“Đương nhiên chính quyền Việt Nam sẽ phản chống, vì họ muốn có vũ khí, muốn có đầu tư và sự bảo vệ của Hoa Kỳ, nhưng chẳng chịu giảm thiểu sự kiểm soát xã hội, chẳng chịu thay đổi niềm tin rằng chỉ có Đảng mới có quyền cho phép người khác được suy nghĩ, chẳng chịu đặt lòng tin cậy vào nhân dân Việt Nam, chẳng chịu cho phép quyền tự do tôn giáo.
“Vì thế, lối ra tuỳ thuộc phần lớn vào chính chúng ta ở Hoa Kỳ. Nếu chúng ta bỏ rơi nhân dân Việt Nam, Đảng sẽ không cho dân thêm một tí quyền nào. Nếu chúng ta tạo áp lực, và kiên định với nguyên tắc của chúng ta, để đưa ra những yêu sách khả thể, chúng ta khá biết 40 năm qua Việt Nam sẽ đổi thay — dù nhỏ nhoi đến đâu, nhưng đương nhiên họ sẽ phải đổi thay. Sự biến đổi độc lập ở đây hiển nhiên không đến từ chính quyền Việt Nam, là điều chúng ta thừa biết. Sự biến đổi độc lập nằm trong tay Hoa Kỳ. Chúng ta sẽ có sức mạnh trong cá tính và niềm tin để tranh đấu cho tự do tôn giáo tại Việt Nam chăng ?
“Bằng cách cùng chung hành động như hôm nay, chúng ta sẽ có lời đáp cho câu hỏi là VÂNG, ĐÚNG NHƯ THẾ / YES ! Đây chính là mục tiêu của chúng ta trong năm nay dưới một Chính quyền mới của Hoa Kỳ.
Elliott Abrams
Bài tham luận của Bà Kristina Arriaga, Ủy viên Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo Trên Thế giới.
Tiếp theo ông Elliott Abrams, bà Nina Shea giới thiệu diễn giả Kristina Arriaga, Ủy viên Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo Trên Thế giới. Bà phát biểu như sau :
“Tôi tự thấy nhỏ nhoi khi có mặt hôm nay, trước một thính phòng có đông đảo người Việt. Biết bao người trong thế giới nghĩ rằng mọi sự bắt đầu từ thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Nhưng họ không đúng đâu. Bởi vì mọi sự khởi từ mọi người trong quý liệt vị. Xin hãy nhớ cho rẳng, kể cả những ngày tăm tối nhất, tất cả đều tuỳ thuộc vào quý vị, chứ không vào Chính quyền Hoa Kỳ đâu, hiển nhiên cũng chả đến từ chính quyền Việt Nam. Chính sự dũng cảm của quý vị sẽ lảm thay đổi Việt Nam.
“Tôi người gốc Cuba. Thân phụ tôi chạy trốn chế độ Fidel Castro và cưới mẹ tôi là một phụ nữ Đức bị tù đày trong trại tập trung Đức quốc xã. Như thế tôi lớn lên với niềm tự do chảy trong huyết quản.
“Tôi muốn thổ lộ rằng, chúng ta đang có lợi khí hơn chính quyền Việt Nam. Mặc dù họ có súng ống, có mọi quyền đàn áp — vì chúng ta có Chính nghĩa ! Tự do Tôn giáo đến với ta khi ta sinh ra, cho bất cứ ai trong chúng ta. Tự do Tôn giáo trói buộc vào phẩm giá con người mà chẳng ai có thể tách rời. Ngay cả lúc chúng ta bị giam tù, bị tra tấn, chẳng có chính quyền nào có thể động tới trái tim và đầu óc chúng ta.
“Ngày nay là lúc gây áp lực lên Việt Nam. Chúng ta có một cơ hội độc nhất cho sự lay chuyển, đó là thời điểm chúng ta thay đổi chính quyền mới. Chúng ta phải gây áp lực lên chính quyền mới, và đến lượt chính quyền mới sẽ tạo áp lực lên Việt Nam. Chính quyền mới của Hoa Kỳ nói cho Việt Nam biết rằng, nếu Việt Nam muốn hoà nhập vào cộng đồng thế giới, thì Việt Nam phải để cho các tôn giáo có quyền tự do hoạt động, mà đây không phải là quà tặng của chính quyền. Các quyền tự do không tuỳ thuộc trong tay chính quyền, cho nên chính quyền không có quyền trao tặng hay cướp đoạt.
“Chúng ta cần nhắc nhở cho thế giới biết rằng Việt Nam đã không cư xử ngay thẳng với tôn giáo. Chúng ta cần nhắc nhở cho thế giới về nhu cầu lố bịch và bó buộc đăng ký tôn giáo tại Việt Nam, đang muốn là quốc gia hiện đại, đang tìm cách áp đặt.
“Chúng ta cũng cần nhắc nhở cho thế giới biết tới tình trạng những tù nhân vì lương thức mà tôi tin chắc quý liệt vị đều biết. Như trường hợp Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ, người lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ; Mục sư Nguyễn Công Chính, đang bị 11 năm tù giam, và vợ ông là bà Trần Thị Hồng bị bắt đi làm việc nhiều lần chỉ vì bà tìm cách gặp Đại sứ Hoa Kỳ Lưu động David Saperstein ; rồi những Tăng sĩ Phật giáo Khmer Krom ; Luật sư Nhân quyền Thiên chúa giáo Nguyễn Văn Đài ; Blogger Công giáo Nguyễn Hữu Vinh. Chúng ta phải nêu tên tuổi họ ra, chiếu lên ánh sáng của sự thật — chúng ta không được quên họ !
“Thực tại khắc nghiệt đứng từ quan điểm tự do tôn giáo trên thế giới, là Việt Nam không tôn trọng nghĩa vụ của mình. Cuộc Hội luận hôm nay nhằm giải quyết những điều chúng ta có thể làm trong tương lai sắp tới.
“Trước hết, chúng ta hãy khởi sự yêu cầu Hoa Kỳ đặt Việt Nam trở lại danh sách CPC (Country of Particular Concern / Danh sách các quốc gia đàn áp tôn giáo cần đặc biệt quan tâm). Và chính phủ Hoa Kỳ cần nêu rõ tên họ các tù nhân vì lương thức. Không thể nào tha thứ việc các viên chức Hoa Kỳ thăm viếng những quốc gia như Việt Nam, Trung quốc, hay đất nước Cuba của tôi, mà không chịu nêu lên tên tuổi những tù nhân này. Chúng ta sẽ bắt những người này chịu trách nhiệm cho việc che giấu tên tuổi những tù nhân vì lương thức”.
Kristina Arriaga
Còn nữa, xin đón xem các bài tham luận tiếp trong Thông cáo báo chí sắp tới.