PARIS, ngày 12.4.2006 (PTTPGQT) – Ban Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Thừa thiên – Huế vừa gửi đến Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế bài phân tích của Huynh trưởng Lê Công Cầu về quá trình cùng tính chất hợp pháp của lá cờ Năm sắc của Phật giáo. Hiện nay, lá cờ này không được nhà cầm quyền Cộng sản công nhận. Một khi Đảng và Nhà nước CHXHCNVN không công nhận, thì Giáo hội Phật giáo Nhà nước cũng theo đuôi hủy báng lá cờ ấy. Dù trong nội bộ của Giáo hội này, qua mấy kỳ Đại hội toàn quốc, nhiều chư Tăng và Phật tử đòi hỏi công nhận Cờ Phật giáo, nhưng Đảng vẫn bỏ qua không giải quyết, các vị chức sắc Giáo hội chịu phép im thin thít.
Tại Đại hội kỳ 5 của Giáo hội Nhà nước tổ chức năm 2002, khi các đại biểu phía Nam chất vấn vấn đề cờ, thì ông Trưởng ban Tôn giáo thời bấy giờ, ông Lê Quang Vịnh, phủ nhận lá cờ Phật giáo với những luận cứ nông cạn về lịch sử Phật giáo thế giới, lại bị hạn chế trong niềm cố tín Đỏ. Vì vậy, anh Lê Công Cầu, Phật tử Huế và là Huynh trưởng Gia Đình Phật tử Việt Nam viết bức thư thông tỏ gửi ông Lê Quang Vịnh. Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế xin đăng nguyên văn tư liệu dưới đây làm cơ sở nghiên cứu và hiểu biết về Lá Cờ Hào quang của Đức Phật.
Lời giới thiệu :
§ – Phật Đản năm 1963 cờ Phật Giáo bị triệt hạ mở màn cho cuộc tranh đấu đòi tự do và bình đẳûng Tôn giáo tại Việt Nam. Nhiều Tăng Ni và Phật tử đã hy sinh để bảo vệ đạo Pháp.
§ – Năm 2002 nhân Đại hội kỳ 5 của Giáo hội Nhà nước, phóng viên báo Giác Ngộ có phỏng vấn Ông Lê Quang Vịnh (Trưởng ban tôn giáo lúc bấy giờ) là tại sao cả 5 kỳ đại hội Phật Giáo Việt Nam đều không treo cờ Phật giáo Việt Nam. Ông Vịnh đã thẳng thừng phủ nhận Lá Cờ Phật Giáo Việt Nam.
§ – Nhân sự kiện nầy Huynh trưởng Lê Công Cầu có bài phân tích chỉ ra những sai lầm của Ông Vịnh và nhà nước Cọng Sản Việt Nam về pháp lý cũng như nhận thức đối với lá cờ Phật giáo.
§ – Nhân mùa Phật Đản, PL 2550 do yêu cầu của nhiều Huynh trưởng và Phật tử trong cũng như ngoài nước, chúng tôi xin đăng lại bài phân tích nầy. Xem là một tư liệu đóng góp vào công cuộc đấu tranh cho nhân quyền và tự do của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất suốt 30 năm qua và để các Phật tử xa gần nhìn lại vấn đề một cách khách quan và cụ thể.
PL. 2549 – Huế, ngày 10 tháng 04 năm 2006
LÀ BIỂU TƯỢNG HỢP PHÁP CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM
Kính gởi :
Ông Lê Quang Vịnh,
Trưởng Ban Tôn Giáo Chính Phủ Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
Người gởi : Lê Công Cầu, Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam
Kính thưa Ông,
Theo hiểu biết của tôi thì Ban Tôn Giáo Chính Phủ có nhiệm vụ chỉ đạo các Tôn giáo phải phục vụ mục đích của Đảng và tham mưu cho Chính quyền về các chính sách Tôn giáo, nhưng qua bài trả lời phỏng vấn lập lờ của Ông về Lá Cờ Phật Giáo đăng trong báo Giác Ngộ, số 150 đã gây khá nhiều bất bình trong hàng ngũ Tăng, Tín đồ Phật giáo nói riêng và quần chúng khắp nơi nói chung.
Mùa Phật Đản sắp đến, với nỗi bức xúc của một Phật tử tôi nghĩ nên có một cái nhìn nghiêm túc về Lá Cờ Phật Giáo, nên tôi viết bản tham luận này trong tinh thần dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, mong Ông nghiên cứu kỹ vì tiếng nói của Ông gắn liền với chính sách Tôn giáo của Đảng và Chính Phủ Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Bài phát biểu của Ông chứa đựng 3 điểm sai lầm cơ bản như sau :
1/ Ông nói Lá cờ năm sắc chỉ là biểu trưng của cái gọi là Hội Liên Hữu Phật giáo Thế giới là một sai lầm.
2/ Ông nói ngày trước Hội Thống nhất Phật giáo Việt Nam của ta không tham gia, bây giờ cũng không tham gia là thêm một sai lầm.
3/ Ông nói chưa có yêu cầu phải coi đó là Đạo kỳ Phật giáo là thêm một sai lầm nữa.
Từ 3 điểm sai lầm cơ bản ấy đã dẫn đến những hiểu biết sai lầm về pháp lý và sai lầm về ý thức đối với Lá Cờ Phật Giáo của Ông cũng như của Đảng Cộng Sản Việt Nam mà tôi xin dẫn chứng sau đây :
1. Sai lầm thứ nhất : PHẢI HIỂU RẰNG CỜ NĂM SẮC CỦA HỘI LIÊN HỮU PHẬT GIÁO THẾ GIỚI CŨNG LÀ LÁ CỜ HỢP PHÁP CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM
Thưa ông, trong thập niên 1930, trên bước đường chấn hưng Phật giáo, cứ mỗi miền đất nước được thành lập một Giáo Hội của giới Tăng già gắn liền với một Giáo hội của giới Cư sĩ.
Các Giáo hội này đã đại diện cho Tăng Tín Đồ Phật giáo toàn quốc tham dự Đại hội Thống nhất Phật giáo Việt Nam từ ngày 6 tháng 5 đến ngày 9 tháng 5 năm 1951 tại chùa Từ Đàm, Huế. Trong đó :
– Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt và Hội Việt Nam Phật Giáo của miền Bắc do Thiền Sư Mật Ứng và Thiền Sư Trí Hải dẫn đầu.
– Giáo Hội Tăng Già Trung Việt và Hội Việt Nam Phật Học của Miền Trung do Thiền Sư Tịnh Khiết và Thiền Sư Trí Quang dẫn đầu.
– Giáo Hội Tăng Già Nam Việt và Hội Phật Học Nam Việt của miền Nam do Thiền Sư Đạt Thanh và Thiền Sư Thiện Hòa dẫn đầu.
Sáu Giáo Hội trên đây đã nhất trí thành lập Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam và suy tôn Thiền Sư Thích Tịnh Khiết làm Hội Chủ. Tại Đại Hội này Lá Cờ Năm Sắc của Hội Liên Hữu Phật Giáo Thế Giới được công nhận là lá cờ của Phật Giáo Việt Nam. Sau đó vào ngày 7 tháng 9 năm 1952 Đại Hội Tăng Già Toàn Quốc được triệu tập tại chùa Quán Sứ Hà Nội, Thiền Sư Tuệ Tạng được suy tôn làm Thượng Thủ, Lá Cờ Phật Giáo cũng đã được thiết trí một cách long trọng nói lên ý chí và nguyện vọng của Phật Giáo Việt Nam. Vì vậy Lá Cờ Năm Sắc đã trở thành Lá Cờ hợp pháp của Phật Giáo Việt Nam, cho nên khi Ông nói “Chỉ là biểu trưng của cái gọi là Hội Liên Hữu Phật Giáo” thì rất là sai lầm.
2. Sai lầm thứ hai : PHẢI HIỂU RẰNG HỘI THỐNG NHẤT PHẬT GIÁO VIỆT NAM KHÔNG PHẢI LÀ MỘT GIÁO HỘI ĐẠI DIỆN CHO TOÀN THỂ TĂNG TÍN ĐỒ PHẬT GIÁO VIỆT NAM
Ông nói rằng : “Lá Cờ Năm sắc chỉ là biểu trưng của cái gọi là Hội Liên Hữu Thế Giới, ngày trước Hội Phật Giáo Thống Nhất Việt Nam của ta không tham gia, bây giờ cũng không tham gia” là thêm một sai lầm nữa.
Thưa Ông, với tư cách là Trưởng Ban Tôn Giáo, xin Ông hãy đọc lịch sử Phật giáo Việt Nam cận đại để biết rằng : Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam được thành lập năm 1951 tại chùa Từ Đàm là đại diện hợp pháp cho toàn thể tăng tín đồ Phật giáo trên toàn quốc. Năm 1954 đất nước bị phân chia. Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam vẫn được duy trì tại miền Nam. Trong Tổng Hội ấy có sự góp mặt của Phật giáo miền Bắc di cư, cho nên nó vẫn đầy đủ sắc thái toàn diện như thuở ban đầu. Tại miền Bắc, dưới chế độ Cọng Sản, do yêu cầu của Đảng và Nhà Nước, Hội Phật Giáo Thống Nhất Việt Nam ra đời năm 1958 do Hòa Thượng Trí Độ làm Hội Chủ. Giáo Hội này có mục đích là hướng các hoạt động Phật Giáo đi theo đường lối của Đảng và Nhà nước và nhằm loại trừ ảnh hưởng của Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt và Hội Việt Nam Phật Giáo còn lại trên đất Bắc. Đây là một Giáo hội có tính chất thời cuộc và địa phương, là công cụ của Đảng nó không đại diện cho Phật giáo đồ toàn quốc, nó cũng không phải là kế thừa của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam và cũng không phải là tiền thân của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Giáo hội Nhà nước) hiện nay. Ngày nay nhà nước luôn hô hào đổi mới để hòa nhập vào cộng đồng thế giới thì tại sao lại bắt Phật giáo phải đi theo con đường cũ của một Giáo hội địa phương miền Bắc có tính chất công cụ của Đảng và nhất là Giáo hội ấy ngày nay cũng không còn nữa.
3. Sai lầm thứ ba : PHẢI HIỂU RẰNG PHẬT GIÁO VIỆT NAM LÀ MỘT SÁNG LẬP VIÊN CỦA HỘI LIÊN HỮU PHẬT GIÁO THẾ GIỚI
Thưa Ông, năm 1950, Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt đã cử Thiền Sư Tố Liên tham dự Hội nghị thành lập Hội Liên Hữu Phật Giáo Thế Giới (World Fellowship of Buddhism) tại Colombo, Thủ đô Tích Lan, từ ngày 26 tháng 5 đến ngày 27 tháng 6 năm 1950. Sau đó Đại Hội Phật Giáo Toàn Quốc tại Từ Đàm, Huế năm 1951 và Đại Hội Tăng Già Toàn Quốc tại chùa Quán Sứ, Hà Nội năm 1952 đã công nhận sự kiện nói trên và Việt Nam đã trở thành sáng lập viên của Hội Liên Hữu Phật Giáo Thế Giới, Văn phòng trung tâm địa phương được đặt tại chùa Quán Sứ, Hà Nội. Hơn nữa, Hội Liên Hữu Phật Giáo Thế Giới là một tổ chức Phi Chính phủ được Hiến chương Liên hiệp quốc thừa nhận. Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là thành viên của Liên Hiệp Quốc thì phải tuân hành bản Hiến Chương ấy, mà đã tuân hành Hiến Chương Liên Hiệp Quốc tức là đã góp phần vào việc công nhận Hội Liên Hữu Phật Giáo Thế Giới rồi. Do đó Phật Giáo Việt Nam trước đây cũng như bây giờ vẫn được xem là một sáng lập viên của Hội Liên Hữu Phật Giáo Thế Giới chứ không thể nói là trước nay không tham gia bây giờ cũng không tham gia như Ông nói được.
4. Sai lầm thứ tư : PHẢI HIỂU RẰNG CỜ PHẬT GIÁO LÀ LÁ CỜ TRUYỀN THỐNG, LÁ CỜ ẤY ĐÃ HỢP PHÁP NÊN KHÔNG CẦN CÓ MỘT SỰ CÔNG NHẬN NÀO NỮA
Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay (Giáo hội Nhà nước) vẫn thường xưng là Giáo hội Kế thừa, Nếu đúng kế thừa thì kế thừa cái gì : Đó là kế thừa cái gia sản vật chất và gia sản tinh thần của các Giáo Hội tiền nhiệm đã để lại. Trong cái gia sản tinh thần ấy có một tài sản thiêng liêng là Lá Cờ Phật giáo, vậy Lá Cờ ấy đã mang tính truyền thừa thì nó đương nhiên là hợp pháp, nó không cần sự công nhận của một Chính Quyền hay một Chế Độ nào nữa, nhưng ngược lại nếu một Chính quyền hay một Chế độ nào không công nhận nó thì hành động ấy đồng nghĩa với việc vi phạm tự do Tôn giáo, chẳng khác gì việc triệt hạ Cờ Phật Giáo năm 1963 của Chính Quyền Ngô Đình Diệm.
1. Sai lầm thứ nhất : TRÁCH NHIỆM CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HIỆN NAY (GIÁO HỘI NHÀ NƯỚC) ĐỐI VỚI LÁ CỜ PHẬT GIÁO
Như tôi đã nói ở trên Cờ Phật giáo là một tài sản thiêng liêng trong gia sản kế thừa của Phật giáo cho nên nó là một Lá Cờ hợp pháp và khi Đảng và Chính quyền thừa nhận Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay tức là đã thừa nhận Lá Cờ Phật giáo ấy rồi. Việc duy trì lá cờ Phật giáo là một phần trách nhiệm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, không treo Cờ Phật giáo trong năm kỳ Đại hội là một sự phủ nhận truyền thống (PTTPGQT nhấn mạnh). Có nhiều vị nghĩ rằng Lá Cờ ấy là của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cho nên không treo. Nhà nước biết thế nhưng đã làm lơ chứ nếu treo thì Chính quyền cũng chẳng nói gì được. Bằng chứng là trong các lễ lượt của Phật giáo cờ năm sắc vẫn được treo như cũ dù bị hạn chế và nhất là trong tang lễ của Cố Đại Lão Hòa Thượng Đệ Nhất Pháp Chủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thích Đức Nhuận, đại kỳ Phật giáo được treo tại chùa Quán Sứ, đã dẫn đầu đoàn rước trong ngày nhập tháp tại Thủ đô Hà Nội bởi vì nó là Lá Cờ truyền thống của Phật giáo Việt Nam chứ nó không còn là của riêng của một Giáo hội nào nữa. Giáo hội nào không tôn trọng cờ Phật giáo là đi ngược lại với ý chí và nguyện vọng của Phật giáo đồ toàn quốc.
2. Sai lầm thứ hai : TRÁCH NHIỆM CỦA CHƯ VỊ LÃNH ĐẠO GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM ĐỐI VỚI LÁ CỜ PHẬT GIÁO
Đa số chư vị lãnh đạo trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay đã từng là thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trước đây. Qúy Ngài đã ly khai Giáo hội Thống nhất để tham gia Giáo hội Nhà nước. Nhưng xin đừng quên rằng quý Ngài đã từng tham gia tranh đấu để bảo vệ Lá Cờ Phật giáo, đã từng nỗ lực xây dựng ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đã từng hoạt động dưới Lá Cờ ấy, trong lòng Giáo hội ấy bao nhiêu năm tháng hào hùng đã qua, đáng ra chư vị phải bảo vệ thành quả vẻ vang ấy, thế nhưng hiện tại Giáo hội ấy sống chết cũng mặc, Lá Cờ ấy treo hay không treo cũng kệ, xem như không liên quan gì đến mình. Ngày nay chư vị cho rằng mình hoạt động trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tiếp tục trách nhiệm duy trì chánh pháp thì xin đừng quên trong trách nhiệm ấy có trách nhiệm DUY TRÌ LÁ CỜ PHẬT GIÁO mà chư vị đã cùng Phật giáo đồ toàn quốc hy sinh để bảo vệ, xin đừng quên.
3. Sai lầm thứ ba : TRÁCH NHIỆM CỦA ĐẢNG VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM ĐỐI VỚI LÁ CỜ PHẬT GIÁO
Trong cuộc tranh đấu của Phật giáo năm 1963 thuở ấy chúng tôi còn là học sinh thường lén lút mở đài Hà Nội ra nghe và đã nhiều lần nghe trên đài tuyên bố : “Đảng và Chính Phủ Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cực lực lên án chính sách kỳ thị tôn giáo của ngụy quyền Ngô Đình Diệm, chính sách kỳ thị ấy và nhất là việc triệt hạ Cờ Phật giáo là một tội ác trời không dung đất không tha”.
Lời tuyên bố ấy nay chắc vẫn còn giá trị vì đó là quan điểm là lập trường của Đảng và Chính phủ chứ chẳng phải là những lời nói đùa, xin Đảng hãy nhớ lấy.
4. Sai lầm thứ tư : TRÁCH NHIỆM CỦA BẢN THÂN ÔNG TRƯỞNG BAN TÔN GIÁO LÊ QUANG VỊNH ĐỐI VỚI LÁ CỜ PHẬT GIÁO
Thưa Ông, trước năm 1975, trong các cuộc đấu tranh đòi hỏi hòa bình, tự do dân chủ, công bằng xã hội trong đó có đấu tranh cho 5 Nguyện vọng của Phật giáo và hủy bỏ lệnh triệt hạ Cờ Phật giáo. Các cuộc đấu tranh ấy Ông đều có tham gia trong hàng ngũ sinh viên, học sinh, trí thức, hình ảnh và tên tuổi giáo sư Lê Quang Vịnh cùng các nhà trí thức khác là niềm tin cho hàng ngũ học sinh, sinh viên thời ấy noi theo. Vậy mà ngày nay Ông lại nói : “Lá Cờ Năm Sắc chỉ là biểu trưng của cái gọi là Hội Liên Hữu Phật Giáo, chưa thấy có yêu cầu phải coi đó là đạo kỳ của Phật giáo”. Nói như thế nghĩa là lâu nay ông không xem đó là Cờ của Phật giáo Việt Nam vậy thì nó là cái gì mà Phật tử phải đổ máu để đấu tranh bảo vệ nó và chính Ông cũng tham gia đấu tranh để bảo vệ nó, mong Ông thận trọng để đừng mang tiếng xu phụ thời thế mà quên mất quá khứ của mình…
Kính thưa Ông,
Có hai điều quan trọng tôi xin nêu lên để Ông rõ :
Trước hết, lá cờ năm sắc là cờ của Phật giáo Tích Lan, năm 1950 lá cờ ấy trở thành cờ Phật giáo Thế giới và năm 1951 được công nhận là cờ Phật giáo Việt Nam. Lá cờ ấy tượng trưng cho ánh sáng chánh Pháp của Đạo Phật. Là người Phật tử ai cũng biết rằng : Khi Đức Phật thuyết kinh Ngài thường phóng hào quang năm sắc xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng, nhắc nhở cho đại chúng năm điều căn bản trên bước đường tu tập gọi là Ngũ Căn gồm có : lòng tin mạnh mẽ vào chánh Pháp (Tín căn), nỗ lực tu hành theo chánh Pháp (Tấn căn), luôn luôn nhớ đến chánh Pháp (Niệm căn), chú tâm tu hành theo chánh Pháp (Định căn) và dùng lý trí sáng suốt để tu tập theo chánh Pháp (Huệ căn). Sự phát tâm tu trì ấy tạo nên sức mạnh cho Ngũ Căn nói trên gọi là Ngũ Lực (Tín lực, Tấn lực, Niệm lực, Định lực và Huệ lực). Nói cho dễ hiểu, Ngũ Căn là năm cánh tay vươn tới để hái quả giải thoát, Ngũ lực là sức mạnh của năm cánh tay ấy. Tay ai mạnh thì hái quả được nhanh hơn. Đó là ý nghĩa năm sắc của lá cờ. Còn sắc tổng hợp là nói lên sự gắn bó của Ngũ căn và Ngũ lực không tách rời nhau, màu tổng hợp còn biểu thị cho sự đoàn kết của tín đồ Phật giáo nói riêng và sự đoàn kết của Phật giáo với nhân quần và xã hội nói chung.
Sau nữa, lá cờ Phật giáo không những chỉ là biểu tượng của Phật giáo Việt Nam mà nó đã gắn liền với dân tộc Việt Nam trong nửa thế kỷ vừa qua. Phật tử Việt Nam đã một lần đem máu xương và nước mắt để bảo vệ Lá Cờ ấy. Lá Cờ ấy đã xoa dịu bao nỗi đau thương tàn khốc của lửa đạn chiến tranh, đã an ủi cho những mất mát, chia ly trong thiên tai bão lụt, đã là niềm tin, niềm cổ vũ hào hùng cho những phong trào đòi hỏi hòa bình tự do của dân tộc. Lá Cờ ấy lại còn là một nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam mà ai ai trong chúng ta cũng phải có trách nhiệm bảo vệ đừng để mất đi hình ảnh cao quý mà từ thành thị đến nông thôn, từ miền biển xanh cát trắng đến những vùng núi non hiểm trở đâu đâu cũng đã in đậm năm sắc của Từ Bi và Bình Đẳng. Xin cầu nguyện để quá khứ không lặp lại một lần nữa.
Kính chào Ông Trưởng Ban Tôn giáo.
Lê Công Cầu
Huynh Trưởng GĐPT Việt Nam
Văn bản đính kèm để làm tư liệu :
– Văn kiện công nhận Cờ Phật Giáo Việt Nam của Thủ Tướng Trần Văn Hữu ký ngày 11-01-1952.
– Công điện của Phủ Tổng Thống Ngô Đình Diệm không cho treo Cờ Phật Giáo tại các tự viện và tư gia ký ngày 06-05-1963 và bút phê KHÔNG THỂ TUÂN HÀNH của Thượng Tọa Thích Trí Quang, Chánh Hội Trưởng Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam Tại Trung Phần ngày 07-05-1963.
– “Cờ Phật Giáo Quốc Tế Không Thể Bị Triệt Hạ” Hình ảnh cuộc đấu tranh năm 1963, trích trong tập “Trước Cơn Sóng Gió”.