LOS ANGELES, ngày 12.10.2009 (PTTPGQT) – Đại hội Khoáng đại kỳ 4 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ đã kết thúc thành công viên mãn tại lễ Hiệp kỵ và bế mạc ở chùa Điều Ngự, thành phố Westminster, bang California, Hoa Kỳ chiều chủ nhật 11.10.2009.
Đại hội Khoáng đại kỳ 4 khai mạc ngày 9.10.2009 và tiến hành trong 3 ngày 9, 10, 11.10.09 tại chùa Diệu Pháp, thành phố San Gabriel, California, và bế mạc tại trụ sở Giáo hội ở chùa Điều Ngự, thành phố Westminster, California, với sự hiện diện đông đảo của quý vị Dân cử Hoa Kỳ, nhân sĩ, trí thức, đại diện các tổ chức, đảng phái, cộng đồng và các cơ quan truyền thông báo chí.
300 đại biểu gồm chư Tôn đức Tăng Ni và nam nữ Cư sĩ Phật giáo thuộc 96 đơn vị Giáo hội tại các Hội đồng, các Tổng vụ, các Miền, các đơn vị trên toàn quốc Hoa Kỳ, Canada, Âu châu và Úc châu, vân tập về phó hội trong không khí cởi mở, phấn chấn và lạc quan thông qua sáu khoáng đại trên các chủ đề quan yếu như nghe báo cáo Phật sự Giáo hội kể từ sau Giáo chỉ số 9, khai triển “Lời Kêu gọi Không dùng hàng hóa Trung quốc” của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, phương hướng hành động cho mục tiêu giải trừ Quốc nạn, Pháp nạn, và đào luyện nhân sự đối ứng với nhu cầu hoằng hóa độ sinh trước tình hình mới.
Qua Diễn văn khai mạc Đại hội ở chùa Diệu Pháp, Đức Phó Tăng thống Thích Hộ Giác và cũng là Chủ tịch Hội đồng Điều hành Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ, nhấn mạnh các điều trọng yếu như sau :
“Đại Hội Khoáng Đại IV nầy là đại hội khoáng đại đầu tiên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ sau Giáo chỉ số 9. Đại hội cần triển khai Phật sự đáp ứng được những yêu cầu của Hội Đồng Lưỡng Viện trong hoàn cảnh nhiều thử thách ngoại tại cũng như nội tại hiện nay. (…) Ngay từ những giờ phút ban đầu khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ được thành lập đã gánh vác trọng trách là đơn vị chủ lực của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trong giai đoạn vận động giải trừ pháp nạn và quốc nạn. Ban đầu là vậy bây giờ vẫn vậy.
“Tôn chỉ hành hoạt của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất là không đặt sự tồn tại của giáo hội ra ngoài sự hưng vong của đất nước. Con đường đó không thể không có khổ nạn, hiểm nguy. Giáo hội đã trở thành đối tượng đánh phá của những thế lực vô minh bạo tàn. Những phân hóa, xáo trộn là điều tất nhiên phải có. Chúng ta cần nhìn vấn đề với thái độ tĩnh táo và hiểu biết. Phải vượt lên trên tinh thần phe phái, bè nhóm mà nhìn vào đại cuộc. Tất cả những tranh chấp đều mang tính nhất thời. Hướng đi lâu dài của chúng ta là tận dụng những gì có được trong hoàn cảnh hiện nay để cứu nước, giữ đạo trong cơn quốc nạn và pháp nạn. (…)Đất nước đang đứng trước họa xâm lăng mà nghĩ là an bình thịnh trị ; Phật giáo đang bị khai thác làm công cụ cho chế độ đương quyền mà nghĩ là nhà nước ủng hộ Phật giáo ; nội bộ giáo hội bị phân hóa để biến tướng mà nghĩ là đang bình chân như vại. Những cái nhìn như vậy cũng tai hại như chính những nguyên nhân tạo nên pháp nạn và quốc nạn hiện nay”.
Kết luận, Đức Phó Tăng thống Thích Hộ Giác lạc quan trước sự phát triển của Giáo hội khi ngài nói : “Sau giáo chỉ số 9, mặc dù có nhiều trở lực mới nhưng phải ghi nhận rằng sự dấn thân của hàng cư sĩ đối với Phật sự gia tăng rất nhiều so với trước đây. Chúng ta không ngây thơ để không thấy những khó khăn của mình nhưng cũng không bi quan tiêu cực để không nhận ra những thắng duyên”.
Sau đạo từ của Đức Phó Tăng thống, Thượng tọa Tổng thư ký Thích Viên Lý, Trưởng Ban Tổ chức Đại hội, thay mặt Giáo hội đọc Diễn văn Chào mừng. Thượng tọa liên hệ công trình của Đại hội với tình hình bi thảm của đất nước như sau :
“Việt Nam của chúng ta đang là một tử địa. Dân tộc Việt Nam vẫn sống trong lầm than, độc tài, bất công và bạo lực. Bất công, bạo lực và độc tài là một tội ác. Là một Phật tử, với tâm từ bi, tất nhiên chúng ta không chỉ lên án bạo lực, bất công mà còn nỗ lực hành động để chận đứng mọi bất công và bạo lực.
“Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Đức cố Tăng thống Thích Huyền Quang và Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Xử lý Thường vụ Viện Tăng thống kiêm Viện trưởng Viện Hóa Đạo, đã và đang không ngừng thi triển Đại bi tâm nhằm chuyển hóa mọi vô minh, bất thiện. Tiếng nói của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là tiếng nói của lương tâm, tiếng nói của hòa bình và hy vọng”.
Sau 3 ngày làm việc, báo cáo Phật sự, thảo bàn những đề tài nóng bỏng của quê hương và đạo pháp để cùng tìm phương giải quyết. Đại hội kết thúc trong tinh thần phấn khởi, tin tưởng và quyết tâm phát huy con đường bồ tát đạo trong những năm tháng tới mà các công tác chính yếu được đề ra qua Quyết Nghị 9 điểm sau đây :
của Ðại hội Khoáng đại kỳ IV
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ
Ðại hội Khoáng đại kỳ IV Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ tổ chức tại Chùa Diệu Pháp ở thành phố San Gabriel, bang California, Hoa Kỳ, qua ba ngày 9, 10, 11.10.2009, và bế mạc tại trụ sở Giáo hội ở chùa Điều Ngự, thành phố Westminster, bang California, đã thể hiện sâu xa tinh thần dấn thân bồ tát đạo với ý thức phát huy Giáo hội trên bước ngoặt mới trong công cuộc giải trừ Quốc nạn và Pháp nạn.
300 đại biểu gồm chư Tôn đức Tăng Ni và nam nữ Cư sĩ Phật giáo thuộc 96 đơn vị Giáo hội tại các Hội đồng, các Tổng vụ, các Miền, các đơn vị trên toàn quốc Hoa Kỳ, Canada, Âu châu và Úc châu, vân tập về phó hội trong không khí cởi mở, phấn chấn và lạc quan thông qua sáu khoáng đại trên các chủ đề quan yếu như khai triển “Lời Kêu gọi Không dùng hàng hóa Trung quốc” của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, phương hướng hành động cho mục tiêu giải trừ Quốc nạn, Pháp nạn, và đào luyện nhân sự đối ứng với nhu cầu hoằng hóa độ sinh trước tình hình mới.
Ðại hội trích lời Thông điệp của Đức cố Tăng thống Thích Huyền Quang viết hai tháng trước khi Ngài viên tịch làm châm ngôn cảnh sách cho giai kỳ mới của Giáo hội :
« Phật giáo là sự đối diện chứ không quay lưng với xã hội, Phật giáo dấn thân vào nơi tham tàn, loạn tưởng của xã hội để tịnh độ hoá nhân gian. (…) Việc giải thoát giác ngộ không thể xây dựng trên sự nghèo đói và thiếu tự do. Nay lại thêm chuyện lãnh thổ bị xâm lấn khiến lòng người ưu tư khắc khoải. Hai quần đảo Hoàng sa và Trường sa đang trong cơn hấp hối, mà các nhà lãnh đạo đất nước làm ngơ. Không như thuở trước, dưới các triều Đinh, Lê, rồi Lý, Trần, Lê, từ vua quan, bậc Cao tăng và Phật tử cho đến toàn dân đều một lòng giữ nước. Vì giữ nước mới có đất nuôi dân. Vì giữ dân nên thăng hoa tinh thần và đạo lý làm nên văn hiến nước nhà.
« Người Phật tử bồi đắp tâm linh bao nhiêu cho tiến trình giải thoát giác ngộ, thì càng bảo vệ lãnh thổ bấy nhiêu cho chủ quyền của nòi giống tự do thoát ly nô lệ.
« Chánh pháp không thể nở hoa nơi giang sơn nô lệ, chúng sinh không thể an lạc nơi áp bức, đói nghèo. Bản hoài xuất thế của chư Phật là xuất hiện nơi trần thế để cứu độ muôn loài ».
Đồng thời Đại hội trang nghiêm thừa tiếp lời nhắn nhủ ghi trong Đạo Từ của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Xử lý Viện Tăng thống kiêm Viện trưởng Viện Hoa Đạo, như phương hướng hành động cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ trong những năm tháng tới :
« Độc tài chính trị chỉ phù du một thời, nhưng đạo Giải thoát Giác ngộ là của muôn đời. Trước cảnh tha hóa suy tàn của đạo đức dân tộc ngày nay, Giáo hội cần chuẩn bị nhân sự từ giới xuất trần đến giới tại gia để đảm lãnh đời sống tinh thần cũng như xã hội của dân tộc. Bảy mươi năm tàn phá khốc liệt con người và xã hội của chủ nghĩa Cộng sản tại Liên xô và Đông Âu cũ bi thảm như thế nào, thì sự trạng này cũng kinh khiếp như thế ấy tại Việt Nam. Phật giáo cần chuẩn bị đối diện với một đất nước điêu linh, một xã hội loạn lạc, một dân tộc vong tính trong những năm tháng tới. Cho nên chính sách nhân sự đối ứng với tình hình nguy biến cần được ưu tiên đặt ra và thực hiện ngay từ bây giờ. (…) Giáo hội cần chư vị Trưởng lão hãy đem kinh nghiệm sẵn có của mình chỉ đạo, giúp đỡ cho thế hệ hậu bối cách điều hành Giáo Hội. Đồng thời với việc khuyến thỉnh giới Cư sĩ tại gia nhận lấy trọng trách Phật hóa xã hội trên tất cả mọi lĩnh vực của đời sống quốc gia nhằm ngăn ngừa những pháp nạn nối tiếp trong tương lai ».
1. Chín mươi sáu phái đoàn tham gia Đại hội hoan nghênh và ký tên ủng hộ « Lời Kêu gọi Không dùng hàng hóa Trung quốc » của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ ;
1.1. Những người ký tên hậu thuẫn không những không mua hay dùng hàng hóa Trung quốc mà còn kêu gọi tẩy chay hàng Trung quốc, cho tới khi nhà cầm quyền Bắc Kinh từ bỏ chủ trương xâm lăng lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam ;
1.2.Khi trở về địa phuơng các đơn vị Giáo hội sẽ tiếp tục phong trào lấy chữ ký hậu thuẫn Lời Kêu gọi, tiếp cận chính giới và báo chí Hoa Kỳ nhằm gia tăng sự hậu thuẫn quốc tế ;
2. Cấp tốc thực hiện 4 đề án Phật sựsau đây :
2.1. Phát huy hoạt động trên ba địa bàn chủ lực của Giáo hội tại Bắc California, Nam California và Houston, Texas ;
2.2. Phát triển cơ sở hạ tầng là các Khuôn hội địa phươngtrong cuộc tập họp và đoàn ngũ hóa quần chúng Phật giáo ;
2.3. Kết hợp với Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế mở những cuộc vận động quốc tế qua các trung tâm quyền lực, quốc hội, diễn đàn LHQ và các hội nghị thế giới ;
2.4. Tổ chức các Đại hội chuyên đề, như hoằng pháp, truyền thông, cư sĩ, văn hóa, v.v…
3. Tổ chức Đại học Hè để đào luyện nhân sự cho các ban ngành sinh hoạt của Giáo hội trong cộng đồng Phật giáo cũng như cộng đồng hải ngoại. Đặc biệt trên hai lĩnh vực truyền thông và vận động quốc tế ;
4. Tập họp giới trẻ qua sự thành lập các tổ chức Thanh niên Phật tử, Sinh viên Phật tử, Chuyên gia Phật tử, và kiện toàn tổ chức Gia Đình Phật tử, Hướng đạo Phật tử của Giáo hội ;
5. Chuẩn bị phát hành một tờ nhật báo Phật giáo ;
6. Thiết lập diễn đàn Paltalk Phật giáo và E.mail Network Phật giáo ;
7. Lập Qũy tương tế phù trợ cho các đơn vị địa phương của Giáo hội vừa mới thiết lập nhưng còn gặp khó khăn ;
8. Tài trợ Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế bằng sự đóng góp tùy hỉ của các cơ sở Giáo hội hoặc tổ chức các bữa cơm gây qũy.
9. Đại lễ Phật Đản Phật lịch 2554 của Giáo hội sẽ được tổ chức tại chùa Điều Ngự, thành phố Westminster, California, vào ngày 23.5.2010 ; và Đại hội Thường niên của Giáo hội sẽ được tổ chức vào các ngày 9 và 10.10.2010 tại chùa Giác Quang, thành phố Oklahoma City, bang Oklahoma.
thành phố Westminster, bang California, Hoa Kỳ, ngày 11.10.2009
Sau đây là toàn văn Đạo Từ của Đạo lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Xử lý Thường vụ Viện Tăng thống kiêm Viện trưởng Viện Hóa Đạo được thu băng gửi tới Đại hội :
VIỆN HÓA ĐẠO
Thanh Minh Thiền Viện, 90 Trần Huy Liệu, Phường 15, Quận Phú Nhuận, TP Saigon
Phật lịch 2553 |
Số : Số 08/VTT/ĐT/TT
|
của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ gửi Đại hội Khoáng đại kỳ IV
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính thưa Quí Liệt vị Tôn túc Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni
cùng toàn thể Phật tử tham dự Đại hội.
Nhân danh Viện Tăng Thống và Hội đồng Lưỡng viện, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, tôi ngỏ lời hân hoan chào đón Đại hội Khoáng đại kỳ IV của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ – Văn phòng II Viện Hóa Đạo, tổ chức vào các ngày 9, 10, 11 tháng 10 năm 2009 tại trụ sở Giáo hội ở Chùa Điều Ngự, thành phố Westminster, bang California, Hoa Kỳ. Cầu chúc chư liệt vị sức khỏe, an vui và Đại hội thành công viên mãn.
Xin Đại hội thay mặt tôi gửi lời tri ân đến các đoàn thể, đảng phái, diễn đàn, tổ chức, cộng đồng, cùng các cơ quan báo chí, truyền thông đã không ngừng giúp đỡ loan tin, hậu thuẫn cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất nơi quê nhà. Đặc biệt gần đây đã quyết tâm ủng hộ mạnh mẽ Lời Kêu Gọi Tháng 5 Bất tuân Dân sự – Biểu tình Tại gia của Hội đồng Lưỡng Viện công bố vào hạ tuần tháng 3 vừa qua.
Tôi xin ngỏ lời tuyên dương công đức của chư Liệt vị Giáo phẩm cao cấp, trung cấp, chư Tăng Ni cùng Cư sĩ Thiện tri thức, Phật tử các giới đã xiển dương Chánh Pháp ở Hải ngoại ngày càng rực rỡ và hoàn thành những công tác vận động quốc tế to lớn, hiệu quả, làm vang xa tiếng nói chính nghĩa của Giáo hội và nhân dân thầm lặng trong nước.
Đây cũng là dịp Đại hội hồi tưởng công ơn sâu dày của Đức Cố Đệ Tứ Tăng thống Thích Huyền Quang, và phát nguyện tiếp tục đi theo con đường Ngài đã vạch, mặc dù còn rất nhiều chông gai chờ đón phía trước. Tưởng nhớ Ngài như bóng cây đại thụ che mát, như người thuyền trưởng vững tay chèo lái con thuyền Giáo hội vượt qua bao cơn sóng gió, bảo táp giữa trùng khơi. Ngài đã hy hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp bảo vệ chánh nghĩa của Dân tộc và Đạo pháp, đòi hỏi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo Hội Phật giáo Việt nam Thống Nhất qua bao gian lao tủi nhục, tù tội, lưu đày như Ngài đã từng nói : “Sống không nhà, chết không mồ, đi không đường, tù không tội” !
Mặc dù Ngài không còn ở với chúng ta, nhưng bức Thông điệp Phật Đản Ngài viết hai tháng trước khi Ngài ra đi, là lời cảnh sách mà chúng ta cần khắc cốt ghi tâm :
« Phật giáo là sự đối diện chứ không quay lưng với xã hội, Phật giáo dấn thân vào nơi tham tàn, loạn tưởng của xã hội để tịnh độ hoá nhân gian. (…) Việc giải thoát giác ngộ không thể xây dựng trên sự nghèo đói và thiếu tự do. Nay lại thêm chuyện lãnh thổ bị xâm lấn khiến lòng người ưu tư khắc khoải. Hai quần đảo Hoàng sa và Trường sa đang trong cơn hấp hối, mà các nhà lãnh đạo đất nước làm ngơ. Không như thuở trước, dưới các triều Đinh, Lê, rồi Lý, Trần, Lê, từ vua quan, bậc Cao tăng và Phật tử cho đến toàn dân đều một lòng giữ nước. Vì giữ nước mới có đất nuôi dân. Vì giữ dân nên thăng hoa tinh thần và đạo lý làm nên văn hiến nước nhà.
« Người Phật tử bồi đắp tâm linh bao nhiêu cho tiến trình giải thoát giác ngộ, thì càng bảo vệ lãnh thổ bấy nhiêu cho chủ quyền của nòi giống tự do thoát ly nô lệ.
« Chánh pháp không thể nở hoa nơi giang sơn nô lệ, chúng sinh không thể an lạc nơi áp bức, đói nghèo. Bản hoài xuất thế của chư Phật là xuất hiện nơi trần thế để cứu độ muôn loài ».
Ngoài việc Phật sự hải ngoại cần bàn thảo, chấn chỉnh, phát huy tại Đại hội Khoáng đại kỳ IV này, tôi nhắc nhở Đại hội hãy đặc biệt quan tâm đến tiền đồ của Giáo hội cho những năm tháng tới. Độc tài chính trị chỉ phù du một thời, nhưng đạo Giải thoát Giác ngộ là của muôn đời. Trước cảnh tha hóa suy tàn của đạo đức dân tộc ngày nay, Giáo hội cần chuẩn bị nhân sự từ giới xuất trần đến giới tại gia để đảm lãnh đời sống tinh thần cũng như xã hội của dân tộc. Bảy mươi năm tàn phá khốc liệt con người và xã hội của chủ nghĩa Cộng sản tại Liên xô và Đông Âu cũ bi thảm như thế nào, thì sự trạng này cũng kinh khiếp như thế ấy tại Việt Nam. Phật giáo cần chuẩn bị đối diện với một đất nước điêu linh, một xã hội loạn lạc, một dân tộc vong tính trong những năm tháng tới. Cho nên chính sách nhân sự đối ứng với tình hình nguy biến cần được ưu tiên đặt ra và thực hiện ngay từ bây giờ. Tức ngoài các tôn túc Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức lãnh đạo tinh thần, Giáo hội cần chư vị Trưởng lão hãy đem kinh nghiệm sẵn có của mình chỉ đạo, giúp đỡ cho thế hệ hậu bối cách điều hành Giáo Hội Đồng thời với việc khuyến thỉnh giới Cư sĩ tại gia nhận lấy trọng trách Phật hóa xã hội trên tất cả mọi lĩnh vực của đời sống quốc gia nhằm ngăn ngừa những pháp nạn nối tiếp trong tương lai.
Cầu nguyện cho Đại hội noi gương Đức Phật, chư Bồ tát, chư lịch đại Tổ sư, đem từng hơi thở và thân tâm trang trải cho đạo Phật trường tồn trên đất nước Việt Nam và trên toàn thế giới.
Xử lý Viện Tăng thống
kiêm Viện trưởng Viện Hóa Đạo, GHPGVNTN
(ấn ký)
Sa môn Thích Quảng Độ