PARIS, ngày 2.7.2007 (PTTPGQT) – Sáng nay, thứ hai 2.7.2007, ông Kjell Storløkken Đại sứ Na Uy tại Hà Nội và ông Fredrik Steen, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Na Uy đặc trách Chính trị và Kinh tế, đến vấn an Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tại Thanh Minh Thiền viện ở Saigon.
Cuộc thăm viếng và trao đổi xẩy ra trong vòng một tiếng rưởi đồng hồ, từ 9 giờ sáng đến 10 giờ 30. Sau đó qua điện đàm, Hòa thượng đã cho ông Võ Văn Ái biết nội dung cuộc gặp gỡ và trao đổi như sau :
Thoạt tiên Hòa thượng Thích Quảng Độ trình bày sơ lược về lịch sử Phật giáo Việt Nam, đặc biệt nhấn mạnh sinh thế Phật giáo trên các lĩnh vực tôn giáo, văn hóa, giáo dục, từ thiện xã hội trước năm 1975 và tình hình Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị nhà cầm quyền Cộng sản đàn áp, không cho hoạt động kể từ sau ngày 30.4.1975.
Trong cuộc trao đổi nói trên, có lúc ông Đại sứ Na Uy đưa ra câu hỏi mà cũng là mong cầu của ông được thấy Phật giáo Việt Nam thống nhất, chứ không như hiện trạng có hai Giáo hội tranh chấp ngày nay. Ông thỉnh ý Hòa thượng làm sao thực hiện việc thống nhất.
Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ giải thích tính phức tạp của vấn đề trước hiện tình chính trị và đưa ra phương án bốn điểm để thực hiện :
Hòa thượng cho biết Phật giáo không bao giờ tự phân đôi. Sự kiện phân đôi Giáo hội luôn luôn đến từ những thế lực chính trị nhằm khống chế Phật giáo, và biến tướng giáo lý từ bi, cứu khổ của Đạo Phật thành công cụ chính trị giai đoạn cho chế độ. Hòa thượng đưa ra hai ví dụ điển hình dưới chế độ Cộng sản Việt Nam.
Hiệp định Genève năm 1954 chia cắt Việt Nam thành hai thể chế chính trị. Năm 1955 Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do ông Hồ Chính Minh cầm đầu về tiếp quản Hà Nội, thì hai năm sau Tổng hội Phật giáo Việt Nam, tiền thân của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (1), bị giải thể. Nhà nước Cộng sản cho ra đời “Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam” làm công cụ chính trị cho Đảng. Sau ngày Cộng sản xâm chiếm toàn quốc năm 1975, thì chủ trương đối với Phật giáo miền Bắc trước kia liền được áp dụng tại miền Nam. Năm 1955, nhà cầm quyền Cộng sản bỏ ra 2 năm để tiêu diệt Tổng hội Phật giáo Việt Nam, thì sau năm 1975, nhà cầm quyền Cộng sản bỏ ra 6 năm để giải thể Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất khi cho thành lập một Giáo hội Phật giáo công cụ vào năm 1981, tức cái gọi là Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày nay.
Hòa thượng Thích Quảng Độ cũng giải thích cho Đại sứ Na Uy hiểu rằng, công cuộc đàn áp nhằm tiêu diệt tôn giáo nói chung và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất nói riêng, diễn ra trên hai phương án. Một mặt đàn áp, khủng bố, vu khống, miệt thị, bắt bớ, giam tù và quản chế, nếu không là thảm sát, hàng giáo phẩm Phật giáo. Mặt khác đem lợi danh, thoa vuốt, hoặc đe dọa, khủng bố, lôi kéo một số Tăng sĩ làm tay sai cho nhà cầm quyền trong việc chính trị hóa Phật giáo, thông qua các tổ chức Phật giáo Nhà nước để kiểm soát quần chúng Phật tử.
Hiện nay, ở thời điểm cần hội nhập cộng đồng thế giới trên lĩnh vực kinh tế và chính trị, nhà cầm quyền Cộng sản không thể khủng bố trắng bằng những cuộc thảm sát hay bắt bớ đại quy mô như trước. Nên nhà cầm quyền Hà Nội làm cho quần chúng sợ hãi và dư luận quốc tế e dè, bằng thủ thuật vu cáo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất “làm chính trị”, “âm mưu lật đổ chính quyền”, v.v… Mặt khác, thổi kèn đánh trống cho chủ trương “thống nhất hai Giáo hội”. Thực tế nhằm thanh toán sự hiện hữu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, lập lại mô thức Giáo hội Phật giáo Nhà nước của năm 1981. Vì nếu thực tâm, nhà cầm quyền Cộng sản hãy để cho Phật giáo toàn quyền lo chuyện nội bộ của mình. Do đó, Hòa thượng Thích Quảng Độ tuyên bố lập trường thống nhất Phật giáo Việt Nam của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất như sau :
“Giáo hội chúng tôi luôn chủ trương hòa hợp trên cơ sở bình đẳng và đồng đẳng. Không chấp nhận chính trị hóa tôn giáo. Bốn điều kiện cơ bản và bất khả phân để thống nhất Phật giáo Việt Nam là :
“Thứ nhất, CHXHCNVN phải phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ;
“Thứ hai, hoàn trả Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tất cả các cơ sở chùa viện, văn hóa, giáo dục, từ thiện mà Nhà nước chiếm dụng sau năm 1975. Bước đầu, hoàn trả ngay cho Giáo hội hai cơ sở chính yếu là Việt Nam Quốc tự và Trung tâm Văn hóa Quảng Đức để Giáo hội có cơ ngơi đặt trụ sở cho Viện Tăng thống và Viện Hóa Đạo ;
“Thứ ba, đưa Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Đảng và Nhà nước thiết lập năm 1981 ra khỏi Mặt trận Tổ quốc ; và
“Thứ tư, làm sáng tỏ cái chết của Cố Hòa thượng Thích Thiện Minh năm 1978”.
Ý chí thống nhất Phật giáo để phục vụ dân tộc và kiến thiết đất nước thông qua lập trường 4 điểm nói trên đã được Giáo hội đề đạt qua công văn hay công khai tuyên bố qua các cuộc phỏng vấn trên các cơ quan truyền thông, báo, đài quốc tế.
(1) Theo sử liệu, Tăng đoàn Phật giáo thống nhất thành giáo hội từ thời Đinh. Đại Việt Sử ký toàn thư, Kỷ Nhà Đinh viết “năm Tân Mùi (Tây lịch 971), Tống Khai Bảo năm thứ 4, vua quy định cấp bậc văn võ, tăng đạo. Tăng thống Ngô Chân Lưu được ban hiệu là Khuông Việt Đại sư, Trương Ma Ni làm Tăng lục”. Tăng thống là chức triều Đinh phong cho người đứng đầu và lãnh đạo giáo đoàn Phật giáo, Tăng lục là chức quan trông coi Phật giáo dưới Tăng thống. Dưới thời Pháp thuộc, văn hóa và đạo lý Việt bị suy đồi, nên vào những năm 20 đầu thế kỷ XX, các bậc Cao tăng và Cư sĩ đứng lên Chấn hưng Phật giáo Việt Nam. Nhờ vậy, năm 1931, Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học ra đời tại Saigon, rồi Hội An Nam Phật học ở Huế (1932) và Hội Phật giáo Bắc Kỳ ở Hà Nội (1934), v.v… Ngày 6.5.1951, 6 tập đoàn Tăng Ni và Cư sĩ ba miền Bắc Nam Trung họp Hội nghị Phật giáo Toàn quốc ở Huế và cho ra đời Tổng hội Phật giáo Việt Nam. Nguyên do dưới thời Pháp thuộc, Dụ số 10 không công nhận Phật giáo như một giáo hội và buộc phải sinh hoạt theo quy chế hội đoàn. Sau cuộc tranh đấu cho tự do tín ngưỡng của Phật giáo thành công năm 1963, sang năm 1964 Dụ số 10 mới bị hủy bỏ, nên từ đây Phật giáo mới có danh xưng Giáo hội, gọi là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế chú).