Bài phỏng vấn của Phóng viên Ỷ Lan, Đài Á châu Tự do, về sự kiện nói trên đã được phát sóng về Việt Nam ngày 26.12.2008. Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế xin chép lại nguyên văn như sau :
Thưa quý thính giả, hai Dân biểu của Quốc Hội Châu Âu được Việt Nam mời sang quan sát tình hình tôn giáo, nhân quyền ở Việt Nam, nhưng bất ngờ khi họ đến Thái Lan (1) , đột nhiên phía Việt Nam yêu cầu hai người đừng vào Việt Nam vì lý do an ninh bản thân của hai người. Thông tín viên Ỷ Lan của Đài Á châu Tự do đã phỏng vấn Dân biểu Marco Pannella, một trong hai nhà Dân cử Châu Âu. Ông cho biết Việt Nam ngăn chặn có thể vì hai Dân biểu dự tính đi thăm Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ, Đệ Ngũ Tăng Thống Gíao hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Ỷ Lan có dịp phỏng vấn vị Hoà thượng lãnh đạo Giáo hội bị nhà nước cấm sinh hoạt này, về cảm nghĩ của Ngài trước sự kịên vừa nói.
Ỷ Lan : Kính bạch Đại Lão Hoà Thượng Thích Quảng Độ, hôm qua Đại biểu Quốc Hội Châu Âu là ông Marco Panella và Thượng Nghị Sĩ Quốc Hội Ý Marco Perduca trên đường đến thăm Quốc Hội Việt Nam ở Hà Nội, mong muốn ghé Sài Gòn viếng thăm Hoà Thượng tại Thanh Minh Thiền Viện, nhưng hai vị đã bị cấm vào Việt Nam. Kính xin Hoà Thượng cho biết cảm tưởng về vụ này ?
Hòa thượng Thích Quảng Độ : Cách đó mấy hôm tôi có được nghe bài phỏng vấn của cô Ỷ Lan trên Đài Á Châu Tự Do thì có biết sơ sơ về cái việc phái đoàn Hà Nội sang tiếp xúc với Quốc Hội Liên Âu để bàn về các vấn đề kinh tế, trong đó có vấn đề nhân quyền. Về vấn đề nhân quyền, phái đoàn Việt Nam có hứa với Quốc Hội Châu Âu rằng nhân quyền là những giá trị chung nhưng sự áp dụng nhân quyền tuỳ thuộc mức độ kinh tế của dân chúng. Đối với dân chúng nghèo họ không quan tâm sự tự do ngôn luận mà quan tâm về ăn uống, đói no.
Đấy là quan niệm của chính phủ Hà Nội về nhân quyền như thế đấy. Tóm lại là bây giờ nhân dân Việt Nam không ai quan tâm đến nhân quyền cả. Miếng ăn là quan trọng nhất. Nhưng rồi họ còn đi thêm một bước nữa là họ nói, và họ khoe ở Việt Nam có nguyên tắc buộc những người đi mô tô phải mang mũ bảo hộ, mà những quốc gia khác không có quốc gia nào có quy chế đó. Đấy là vĩ đại quá, quá vĩ đại !
Còn về dân chủ thì họ cho rằng quan niệm dân chủ ở Việt Nam là cộng đồng, cá nhân phải khế hợp với cộng đồng. Cái điểm này có lẽ họ chủ quan, tức là họ quan niệm dân chủ là tập trung. Tập trung ở đây tức là tập trung vào tay cái đảng Cộng sản. Chỉ dân chủ với đảng Cộng sản mà thôi. Quần chúng thì dưới quyền chỉ huy của đảng Cộng sản. Mà đảng Cộng sản bảo ngồi thì phải ngồi, được cho đi thì đi, chứ không có cưỡng lại được.
Đấy là cái quan niệm dân chủ của họ, của Xã hội Chủ nghĩa là như vậy, thì ai ai cũng đã biết rồi, biết từ lâu rồi, mấy chục năm nay rồi.
Thế nhưng tôi không ngờ phái đoàn Hà Nội đến các nước Châu Âu là nơi người ta tôn trọng tự do, nhân quyền, dân chủ mà lại nói như thế, thì không biết họ có ngượng không ? Nhất là khi mà Quốc Hội Châu Âu người ta ngỏ ý… rồi thì phái đoàn Hà Nội còn trách Quốc Hội Châu Âu là vì Quốc Hội Châu Âu không có thông tin, không được thông tin đầy đủ cho nên cứ lên án Việt Nam vi phạm nhân quyền. Nhân tiện họ lại mời các dân biểu Quốc Hôi Châu Âu đến Việt Nam thăm để thấy tận mắt, chẳng hạn như thế, thì họ có hứa, cho nên Quốc Hội Châu Âu có quyết định sang. Rồi bây giờ họ sang để thực sự nhìn thấy tận mắt, chứng kiến cho biết tình hình dân chủ, nhân quyền ở đây như thế nào. Và vì Phái đoàn Hà Nội mời cho nên họ mới đi. Họ cử hai người đó đi cho biết. Nhưng đến Cao Miên thì họ bị chặn. Tòa Đại sứ thì visa cho vào, nhưng ra phi trường thì bị chặn.
Như vậy không biết cái cung cách làm việc của Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa đối với quốc tế ra sao. Nhưng đối với quốc tế mà họ còn như thế thì tôi cũng buồn và xấu hổ nữa. Bởi chính họ mời người ta đến thì người ta mới đến. Nhưng mà mời đến rồi thì lại không cho người ta vào.
Mời họ đến thăm nhà mình, họ đến cửa ngỏ nhà mình lại không cho vào. Chưa đến cửa ngỏ đã chặn rồi thì cái lời hứa của họ như vậy còn có giá trị gì, cái lời mời còn có giá trị gì ?
Đấy, tôi xấu hổ ở chỗ đó. Mà tôi đã nghe vắn tắt trong cái bản tin gì đó mà tôi nghe hai ông bị chặn không cho vào, thì tôi vừa buồn lòng vừa xấu hổ. Xấu hổ cho cả dân tộc phải sống dưới một chế độ ăn nói bất nhất như thế.
Từ đó tôi nghĩ rằng chính họ đến thấy tận mắt như thế, họ chứng kiến thực sự như thế họ mới thông cảm cho 85 triệu dân Việt Nam đang sống như thế nào, trong hoàn cảnh nào. Dân chủ, nhân quyền không quan trọng, chỉ cần có miếng ăn thôi ! Ngoài miếng ăn không cần gì nữa. Gía trị con người chỉ có thế thôi ! Nhân phẩm chỉ có thế thôi ! Thành ra con người biến thành con heo, con trâu, con bò, không hơn không kém.
Còn cái mũ bảo hộ ở đây thì có là cái gì đâu mà họ đi khoe khắp thế giới. Họ còn nói không nước nào có cái quy chế đó. Thành ra họ cứ quanh quẩn trong cái xó nhà Việt Nam chứ không đi đâu à ? Nói mà không giữ lời hứa thì đối với dân họ như thế nào ? Đối với dân họ thì coi dân rất thấp, coi dân như cỏ rác vậy thôi. Cái đó là tôi buồn. Buồn mà xấu hổ nữa. Xấu hổ phải sống dưới chế độ khổ sở như thế.
Ỷ Lan : Nhân thể, kính xin Hoà Thượng hoan hỉ cho biết tình hình của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trong năm nay có gì phấn khởi hơn các năm trước không, bạch Hoà Thượng ?
HT. Thích Quảng Độ : Không có gì phấn khởi, trái lại còn có sự buồn thảm về sự viên tịch của Đức Cố Đệ Tứ Tăng Thống, là một sự trống vắng, một khoảng trống rất lớn mà không có gì có thể bù đắp vào được. Nhưng vừa rồi thì biến cố đó là biến cố quan trọng nhất, trọng đại nhất đối với Giáo Hội.
Thế còn về mặt xã hội thì các Ban đại diện các nơi, từ trung ương đến địa phương cứ tiếp tục bị đàn áp. Vừa rồi đây, cách đây một tuần thì Viện đã ra thông tư yêu cầu các địa phương báo cáo về trung ương những Phật sự và công việc của Giáo Hội từng địa phương như thế nào, thành quả và bị đàn áp ra sao, khuyết điểm gì thì xin báo về trung ương để trung ương biết tình hình các nơi như thế nào. Có lẽ chỉ vài tuần nữa sẽ có những bản báo cáo như thế thì đầy đủ hơn.
Hôm nay tôi chỉ nói sơ là về tổng quát chưa có gì thay đổi. Vẫn thế thôi.
Tôi phải nói thật rằng là chừng nào mà chế độ Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam còn như thế này thì xã hội không có hy vọng gì mà được sinh hoạt bình thường đâu. Họ cũng đàn áp như bao năm qua.
Họ dùng đủ cách, hết cách này đến cách khác để mà làm thế nào xoá sổ, xoá sạch cái danh nghĩa của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trên đất nước Việt Nam. Thì ngay bây giờ họ lại có đường lối mới nữa. Vừa rồi những nhóm này nhóm kia chẳng hạn, như đã biết… như đã biết đấy (2). Rất là buồn, đau buồn !
Nhưng chưa hết đâu, còn nhiều, mà gần tới đây cái biện pháp họ áp dụng còn trầm trọng hơn. Như những sự kiện xảy ra vừa rồi đấy, năm ngoái đây. Cho nên rằng là chúng tôi ở nhà đây nói chung là phải chờ đợi những cái tai hoạ đến với mình nhiều hơn là chờ đợi cái hanh thông đến với mình. Vì thế cho nên cứ sẵn sàng. Chuẩn bị tinh thần để đón nhận, để đương đầu. Thế thôi.
Cho nên trước khi tiễn đưa Đức Đệ Tứ Tăng Thống đến nơi an nghỉ cuối cùng, chúng tôi nói rồi : Chúng tôi sẽ tiếp tục con đường đi của Ngài, nhưng mà đã biết trước còn rất nhiều khó khăn, còn rất nhiều chông gai, nhưng sẵn sàng vượt qua. Còn hơi thở thì vẫn cứ phải tiếp tục. Đó là cái chí nguyện của Giáo Hội.
Ỷ Lan : Xin cảm ơn Đại Lão Hoà Thượng Thích Quảng Độ.