Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Tin UBBVQLNVN / Đài VOA phỏng vấn ông Võ Văn Ái về Sách lược An ninh Quốc gia Hoa Kỳ của Tổng thống Obama

Đài VOA phỏng vấn ông Võ Văn Ái về Sách lược An ninh Quốc gia Hoa Kỳ của Tổng thống Obama

Download PDF

PARIS, ngày 10.6.2010 (QUÊ MẸ) – Trong chương trình Đài VOA phát thanh về Việt Nam tối chủ nhật 6.6.2010, ký giả Duy Ái phỏng vấn ông Vỡ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, về Sách lược An ninh Quốc gia Hoa Kỳ do Tổng thống Obama công bố vào hạ tuần tháng 5 vừa qua.

Bài phỏng vấn cũng được đăng tải trên Trang nhà Đài VOA theo số tham chiếu :

Chúng tôi xin in lại dưới đây bài đăng trên Trang nhà VOA cống hiến bạn đọc một quan điểm nhân quyền Việt Nam của chúng tôi, với một số chú giải.

Sách lược An ninh Quốc gia Mỹ và Công cuộc Tranh đấu cho Nhân quyền Việt Nam

Hạ tuần tháng 5 vừa qua, chính phủ của Tổng thống Obama đã công bố sách lược mới về an ninh quốc gia, trong đó có đề cập tới vấn đề giao tiếp với các chính quyền phi dân chủ. Văn kiện dài 52 trang này cho biết Washington sẽ áp dụng một phương pháp song hành để một mặt là hối thúc chính phủ các nước độc tài cải thiện nhân quyền và mặt khác là hỗ trợ cho những thành phần đối lập ôn hòa ở các nước đó. Theo sách lược mới, khi nào đề nghị của Hoa Kỳ bị bác bỏ thì Washington sẽ dùng “hoạt động ngoại giao công khai và riêng tư” cùng với những biện pháp khích lệ và chế tài để tìm cách thay đổi những cách hành xử có tính chất đàn áp.

Một số các nhân vật tranh đấu nhân quyền quốc tế cho rằng từ khi lên nhậm chức, TT Obama đã cố tình hạ giảm tầm quan trọng của việc thúc đẩy cho dân chủ và nhân quyền.

Một số các nhà quan sát, như bình luận gia Jackson Diehl của tờ Washington Post, cho rằng sách lược mới của Tổng thống Obama xem nhẹ vấn đề nhân quyền. Một số các nhân vật tranh đấu nhân quyền quốc tế cũng cho rằng từ khi lên nhậm chức hồi năm ngoái, Tổng thống Obama đã cố tình hạ giảm tầm quan trọng, nếu không muốn nói là làm ngơ, đối với việc thúc đẩy cho dân chủ và nhân quyền. Ban Việt ngữ đài VOA đã tiếp xúc với ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Quyền làm người Việt Nam, và được ông cho biết một số ý kiến như sau về vấn đề này :

Tổng thống Obama, hình Associted Press
Tổng thống Obama, hình Associted Press

VOA : Xin chào Giáo sư Võ Văn Ái. Xin ông vui lòng cho thính giả của đài VOA được biết ông nghĩ gì về lời chỉ trích cho rằng chương trình nghị sự về nhân quyền chỉ đóng một vai trò thứ yếu trong sách lược mới của chính phủ Hoa Kỳ về an ninh quốc gia ?

Võ Văn Ái : Cám ơn quí đài đã nghĩ đến chúng tôi. Chúng tôi thấy rằng lời phê phán này đúng và quan trọng bởi vì trong tài liệu “Sách lược An ninh quốc gia Hoa Kỳ” của Tổng thống Obama dài 52 trang, nhưng mà tôi nhận thấy rằng chữ Nhân quyền chỉ hiện ra 31 lần trong 28,046 chữ. Sự kiện mà nó xuất hiện hai lần hay 31 lần không quan trọng cho bằng là chúng tôi thấy ở phần Nghị trình thế giới không có một đề án hay sách lược thăng tiến nhân quyền hoặc giải quyết nạn chuyên chế độc tài. Dù rằng trong phần dẫn nhập Tổng thống Obama có nhắc tới “các quyền cơ bản”“nhân phẩm”. Nhưng trong suốt 52 trang sách lược, không có một chương nào nói tới lĩnh vực nhân quyền, hay là thăng tiến dân chủ hay các quyền tự do. Chỉ có một chương về “Các giá trị” (Values). Ở chương này Tổng thống tuyên bố “Chúng tôi công nhận các nền văn hóa và truyền thống khác nhau đem lại cho đời sống những giá trị qua những cung cách khác nhau” (We recognise that different cultures and traditions give life to these values in distinct way). Ðọc câu này chúng tôi nhớ tới luận điểm “Ngoại lệ nhân quyền Châu Á” của Bắc Kinh, Hà Nội và ông cựu thủ tướng Mã Lai Mahathir hồi thập niên 1990. Bởi vì câu này chắc chắn sẽ làm vừa lòng Hà Nội, bởi chúng ta nhớ rằng mỗi khi công luận quốc tế phê phán các vi phạm nhân quyền tại Việt Nam thì lần nào cũng vậy, như tại cuộc Kiểm điểm thường kỳ toàn diện tại LHQ năm ngoái, thì các quan chức Hà Nội liền đáp : “Việt Nam có quan điểm nhân quyền riêng biệt, Hoa Kỳ không nên áp đặt vào chính tình Việt Nam”.

Ở chương “Quan hệ với các quốc gia không – dân chủ”, tôi thấy rằng Tổng thống Obama chủ trương chính sách “tiếp cận hàng hai” (dual-track approach). Đây là chính sách chúng tôi thấy các nước Âu Mỹ thực hiện kể từ ngày bỏ cấm vận Việt Nam. Nghĩa là vừa khuyến khích chính quyền Việt Nam tôn trọng nhân quyền vừa ủng hộ các phong trào đối lập ôn hòa. Tổng thống nói “Khi những sự khuyến khích của chúng tôi bị bác bỏ, thì Hoa Thịnh Đốn sẽ sử dụng đường lối “công khai hay ngoại giao kín đáo” và “khuyến khích hay khiếu tố (incentives and disincentives)”. Thực tế thì tôi thấy rằng đường lối nhân quyền này của các nước Âu Mỹ, cả khuyến khích, cả ủng hộ đều còn rất ấp úng và có phần nhún nhường (1).

VOA : Một số người cho rằng trong hơn một năm lên nắm quyền lãnh đạo nước Mỹ, Tổng thống Obama đã hạ giảm tầm quan trọng, nếu không muốn nói là làm ngơ, đối với việc thúc đẩy cho dân chủ và nhân quyền. Theo ông, đây có phải là một nhận định xác đáng hay không ?

Võ Văn Ái : Tôi thấy nhận định này rất xác đáng. Và đồng thới nó là một mối quan ngại thiết yếu cho các phong trào đấu tranh cho dân chủ trong thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng.

Nhất là Tổng thống Obama có thể đến Hà Nội vào tháng 10 tới đây để tham dự Thượng đỉnh Đông Á, nếu như Hoa Kỳ từ đây tới đó chấp nhận làm thành viên Thượng đỉnh Đông Á, là tổ chức ra đời 5 năm qua bao gồm 10 quốc gia Đông Nam Á, kể cả Trung quốc, Nhật Bản, Nam Hàn, Ấn Độ, Úc Đại Lợi và New Zealand.

Tôi nhận thấy rằng tháng 11 năm 2006, Tổng thống Bush đến Hà Nội tham dự thượng đỉnh APEC 5, và đã tặng Hà Nội món quà hi hữu là rút tên Việt Nam ra khỏi danh sách CPC, danh sách những quốc gia đàn áp tôn giáo cần đặc biệt quan tâm. Điều này đã giúp cho Hà Nội thẳng tay đàn áp các tôn giáo tại Việt Nam mà nạn nhân chính yếu là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Bây giờ đến lượt Tổng thống Obama lại đến Việt Nam khi chưa có một câu tuyên bố hay quyết tâm gì bảo vệ cho nhân quyền và dân chủ, sẽ là một cú vớt vát thứ hai triển hạn chế độ độc tài Cộng sản trước bao khổ ách điêu linh của 86 triệu dân Việt đang khao khát tự do, dân chủ. Tôi nhớ đến một câu của ông cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt trước khi qua đời đã nói rằng “Ngày 30 tháng tư năm 1975 có hàng triệu người vui thì cũng có hàng triệu người buồn”. Ông ấy nói nhẹ thôi, chứ thực tế là có hàng triệu người chết thảm trong các Trại cải tạo, vùng Kinh tế mới và trên đại dương khi vượt biển tìm tự do.

Tôi nhớ lại trong sách “The Mighty and the Almighty, Reflections on America, God and World Affairs,” (Những Kẻ mạnh và đấng Tối cao, Suy nghĩ về Hoa Kỳ, Thượng đế và Việc Thế giới) xuất bản năm 2006, Bà cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Madeleine Albright viết về sự sai lầm của Hoa Kỳ tại Việt Nam do xem nhẹ vai trò tôn giáo. Bà viết : “Ngay lúc khởi đầu mục tiêu chống Cộng đã bị suy yếu vì chính quyền Saigon đàn áp Phật giáo, mà Phật giáo là cơ sở không cộng sản lớn nhất tại Việt Nam (…) Chúng ta không thu phục được trái tim và lòng người dân Việt. (…) Rồi khi [Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam] bọn phản chiến ăn mừng. Nhưng những kẻ biết suy nghĩ trong họ đã cảnh tỉnh khi thấy các chính quyền tham nhũng thân Tây phương ở Miền Nam và Cam Bốt bị lật đổ, thì một chế độ độc tài toàn trị áp đặt lên Miền Nam và để cho Pol Pot tạo ra những cánh đồng thảm sát. Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam gây ra thảm nạn cho hàng triệu Người Vượt biển và sọ người chồng chất thành núi”.

Đây là thực tại của những phong trào đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam, cho nên chúng tôi kỳ vọng sự hiểu biết, thông cảm và dấn thân của Tổng thống Obama trong chính sách mới sẽ không vấp vào bánh xe đổ trước đây 35 năm.

VOA : Theo ông, phương cách tiến hành hoạt động đối ngoại của chính quyền Tổng thống Obama hiện nay có ảnh hưởng gì đối với những nỗ lực tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền Việt Nam hay không ? Phải chăng việc Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục chống lại yêu cầu đòi đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC đã làm cho giới tranh đấu cho nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam cảm thấy nản lòng ?

Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ
Quyền làm Người Việt Nam
Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ
Quyền làm Người Việt Nam

Võ Văn Ái : Không riêng gì tại Việt Nam mà cho toàn thế giới. Bởi vì Hoa Kỳ, theo tôi nghĩ và tin, là một mẫu mực dân chủ, Hoa Kỳ lại là siêu cường độc nhất trong thế giới. Đương nhiên chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ tùy thuộc vào quyền lợi của quốc gia và nhân dân Hoa Kỳ. Ðây là trường hợp của đa số các nước Âu Mỹ Á hiện nay chỉ chú trọng tới quyền lợi kinh tế cho nước họ, nên xem các quốc gia đối tác như thị trường, mặc sự lầm than và mất tự do của đại khối nhân dân. Tuy nhiên Hoa Kỳ có lý tưởng tự do và dân chủ từ thời lập quốc. Hoa Kỳ có nghĩa vụ quốc tế đối với các dân tộc bị chế độ độc tài, quân phiệt thống trị.

Hiển nhiên là không ai chối cãi chính sách đối ngoại là thương thảo với các chính quyền đương nhiệm. Hiển nhiên, đây là luật chung cho các quốc gia dân chủ và văn minh. Nhưng đối với các chính quyền độc tài chuyên chế, thì Hoa Kỳ còn có một đối tác tương lai quan trọng là đại khối nhân dân của quốc gia ấy. Các chính quyền độc tài như Hà Nội, họ đã có dư thừa đủ mọi thứ quyền cơ bản, họ còn có thêm quyền sinh sát, quyền đàn áp, quyền bỏ tù bất cứ ai chẳng cần xét xử, thì Hoa Kỳ có bổn phận hỗ trợ và đem lại các quyền cơ bản cho đại đa số nhân dân Việt Nam, là đối tác tương lai của Hoa Kỳ.

Nếu nhân dân có đủ các quyền tự do cơ bản do LHQ công nhận và bảo đảm, thì tất nhiên đây sẽ là lực lượng hùng hậu nhất để chận đứng nạn bạo động và khủng bố ở cấp quốc gia. Chính khối nhân dân đang bị giày xéo vì chủ nghĩa độc tài toàn trị tại các nước Á Châu mới là đối tác thực hữu của Hoa Kỳ trong tương lai.

Tại Việt Nam hôm nay, tôi thấy rằng vấn nạn nhân quyền và dân chủ là vấn nạn lớn, nhưng còn thêm một đại vấn nạn khác. Ðó là nạn xâm lấn của Bắc phương trên biển và trên đất. Chủ nghĩa bành trướng của Trung quốc đang thực hiện bằng Quyền lực nhuyễn (Soft power) thông qua chính sách văn hóa, tậu đất canh tác nước ngoài và di dân nhằm xâm thực các quốc gia Phi châu, Nam Mỹ, Miến Điện, Lào, Cam Bốt và Việt Nam (2).

Đây chính là mối lo của địa cầu trước nạn xâm lăng mới hóa trang bằng văn hóa và di dân. Cho nên kỳ vọng của các nhà tranh đấu dân chủ trong thế giới, đặc biệt là Việt Nam, rất trông đợi vào chính sách nhân quyền và dân chủ của Hoa Kỳ, không bằng lời nói, diễn văn mà bằng hành động thực tiễn của Quyền Can Thiệp vào các quốc gia độc tài và quân phiệt.

Về câu hỏi của ông về danh sách CPC, tôi thấy Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo trên Thế giới, là cơ quan nghiên cứu và điều tra thực trạng tôn giáo trong thế giới, sau bao lần đến Việt Nam điều tra, thấy rõ thực trạng đàn áp tôn giáo ngày càng tinh vi tại đây. Nên liên tiếp mấy năm qua đề xuất Tổng thống đặt Việt Nam trở lại trong danh sách đàn áp tôn giá cần quan tâm đặc biệt, tức là danh sách CPC. Thế nhưng, một số vị trong Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn còn làm ngơ hay ngăn cản. Tôi e sợ rằng Hoa Kỳ đang mắc lại sai lầm “xem nhẹ vai trò tôn giáo” tại Việt Nam, mà bà cựu Ngoại trưởng Madeleine Albright phê phán trong sách bà mà tôi trích dẫn lúc nãy.

VOA : Xin cám ơn giáo sư Võ Văn Ái đã dành thời giờ cho chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn này.


Chú giải của tác giả :

(1) Trong cuộc họp báo hôm 27.5.10 tại Hoa Thịnh Đốn, để giải thích chiến lược này, Ngoại trưởng Hillary Rodham Clinton nhắc tới chiến lược 3 chữ D của Hoa Kỳ : Defense, Diplomacy và Development, tức Quốc phòng, Ngoại giao và Phát triển. Nhưng bà đã không đề cập tới chữ D thứ tư rất quan trọng cho nhân loại ngày nay, là Democracy – Dân chủ.

Giáo sư Amartya Sen, Giải Nobel Kinh tế, nhận định rằng : “Lịch sử từng chứng minh phát triển kinh tế và dân chủ tương quan nhau và cùng nhau củng cố. Phát triển là tự do, và tự do chỉ hiện hữu nơi nào những thuận lợi kinh tế, tự do chính trị, tiện nghi xã hội, sự minh bạch được bảo đảm và an ninh được giữ gìn, tất cả đó phải được ngang đồng bảo đảm”.

Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ năm 1776, cuộc Cách mạng Vinh quang ở Anh quốc năm 1688, và cuộc Cách mạng Pháp năm 1789 là những bằng chứng hùng hồn của hiệu quả cải tổ chính trị tại các nước Âu Mỹ đem lại nền dân chủ đích thực. Chứ không lấy phát triển kinh tế làm đầu như luận điểm của Hà Nội và Bắc Kinh, bất chấp việc cải tổ chính trị, dân chủ hóa xã hội.

(2) Cuộc di dân người Hán vào Tây Tạng, trên nửa triệu công nhân đã được gửi tới Châu Phi, trên ba trăm nghìn ở Nam Mỹ, gần một triệu ở Nga, hàng chục nghìn ở Việt Nam, Lào, Cam Bốt, Miến Điện…

Năm 2006, ông Hồ Cẩm Đào có lần tuyên bố với giới cán bộ ngoại giao cao cấp về vị thế và ảnh hưởng của Trung quốc trên trường quốc tế phải được thể hiện qua Quyền lực cương (Hard power) thông qua kinh tế, khoa học, công nghệ, quân sự, và Quyền lực nhuyễn (Soft power) là văn hóa. Thực hiện chính sách văn hóa, Trung quốc đã thiết lập 282 Viện Khổng Tử, và 272 lớp học dạy về Khổng tử trong gần 100 quốc gia trên địa cầu mà riêng Hoa Kỳ đã có trên 50 Viện Khổng Từ.

Check Also

VCHR và FIDH vạch trần những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Việt Nam trước cuộc xem xét Báo cáo định kỳ của Việt Nam về Công ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc về các quyền dân sự và chính trị

PARIS, ngày 5 tháng 1 năm 2024 (VCHR) – Trong Báo cáo chung gửi Ủy …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *