Nhà văn Hoàng Tiến
Nhà A 11 Phòng 420
Thanh Xuân Bắc
Hà Nội
Kính gửi : Hoà thượng Thích Quảng Ðộ
Viện trưởng Viện Hoá Ðạo GHPGVNTN
Thanh Minh thiền viện
Quận Phú Nhuận
TP Hồ Chí Minh.
Trong tiết trời lạnh ẩm của xuân ất Dậu (2005), tôi nhận được Thư chúc xuân của Hoà thượng do một Phật tử đem tới.
Ðọc thư xong tôi phải thắp hương cám ơn Trời Phật, lòng tưởng nhớ đến đức Trần Nhân tông, một vị vua đời Trần đã sáng lập nên dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Một vị vua anh hùng 3 lần đánh thắng giặc Nguyên-Mông, đã từ bỏ ngai vàng, đi tu, nhằm giúp đỡ chúng sinh phát triển tâm linh để nhân dân được no ấm, an lạc, đất nước hưng thịnh dài lâu. Quả thật, thế kỷ 13 sau công nguyên, nước ta đã là một đất nước như thế, giữ khôi nguyên trong khu vực Ðông Nam á lúc bấy giờ, ngẩng cao đầu với thế giới loài người.
Còn nước ta bây giờ thì sao ?
Sau hai cuộc chiến tranh kéo dài gần 30 năm, chống Pháp rồi chống Mỹ, tổn hại biết bao sinh linh, ta đã giành được độc lập thống nhất toàn lãnh thổ. Ta thường tự hào về điều này. Báo chí, sách vở, phim ảnh luôn luôn đề cao nhân dân ta anh hùng. Ðiều đó không sai, nhưng chúng ta đã quá ngây ngất lạm dụng điều đó, để tự bịt mắt bưng tai, rồi thành tụt hậu so với khu vực và thế giới. Nghe kể, ông thủ tướng Thái Lan trong một tiệc chiêu đãi ngoại giao ông thủ tướng Việt Nam, đã có lời đáp từ, đại ý : “Người Thái Lan chúng tôi cũng rất tự hào vì đã tránh được những cuộc đụng độ với những thế lực hùng mạnh trên thế giới.”
Việc này xảy ra đã lâu, vị thủ tướng đáng kính của Việt Nam đã khuất bóng. Nhưng thiết nghĩ nó vẫn còn là bài học mang tính thời sự nóng hổi cho đến hôm nay.
Vậy nên tự hào vừa vừa thôi, anh hùng vừa vừa thôi. Bởi vì chúng ta còn quá nghèo, dân ta còn quá khổ. GDP đầu người Việt Nam cho đến bây giờ mới gần 400 đôla, bằng 1/3 Thái Lan, bằng 1/50 Singapore, bằng 1/70 của Mỹ. Nếu mức tăng trưởng kinh tế 7,5% năm theo như kế hoạch đặt ra, giữ được liên tục, thì cũng phải 20 năm nữa mới đuổi kịp Thái Lan hiện nay. Mà họ có phải dừng lại để chờ ta đâu. Có lẽ lúc này người Việt Nam nên biết hổ thẹn, phải thấy xấu hổ, phải có lúc thấy nhục nhã nữa, khi để đất nước tụt hậu, kém phát triển, tham nhũng triền miên sau chiến tranh đã 30 năm. 30 năm so với lịch sử là ít, nhưng so với một đời người là đã quá dài.
Cái gì làm chúng ta khổ sở như vậy, chậm chạp như vậy ?
Tôi rất tâm đắc với nhận định của Hoà thượng : “70 năm thử nghiệm ý thức hệ Mác Lê không đem lại cho nhân sinh tự do và no ấm, nên đầu thập kỷ 90, Liên Xô và toàn bộ phe xã hội chủ nghĩa ở Ðông Âu sụp đổ, chấm dứt chiến tranh lạnh phân đôi thế giới.” (Trg 1. Thư chúc xuân. TQÐ)
Xu hướng thế giới ngày nay là hội nhập toàn cầu, toàn cầu hoá kinh tế và toàn cầu hoá dân chủ. Vậy Việt Nam ta nên thế nào ?
Trong Thư chúc xuân Hoà thượng viết : “Chúng tôi suy nghĩ từ bản thân qua hàng chục năm lưu đày, tù ngục và quản chế, thì thấy không còn con đường nào khác ngoài con đường dân chủ đa nguyên để tái thiết đất nước. Lẽ giản dị là nhiều ý kiến vẫn hơn một ý niệm độc tôn, nhiều thành phần chính kiến, tôn giáo, xã hội đồng tâm hiệp lực xây dựng quê hương, vẫn hơn một đảng phái độc quyền bao cấp quản lý” (Trg 2. Thư chúc xuân. TQÐ).
Học thuyết Mác Lênin, chuyên chính, độc quyền, thực nghiệm ở Việt Nam đã nhiều chục năm nay, không mang lại kết quả như ý muốn. Trên thực tế, có nhiều điều ngược lại. Vậy ta cũng chẳng nên luyến tiếc nó làm gì. Một vị giáo sư trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào đầu xuân ất Dậu, trong lời chúc mừng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chúc mừng kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam, có đề xuất Ðảng nên tiếp tục đổi mới, đổi tên Ðảng thành Ðảng Việt Nam theo định hướng độc lập tự do, dân chủ công bằng văn minh, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành, hoà bình hữu nghị … thực hiện ý tưởng của Hồ Chí Minh để lại. (Vì cụ Hồ có nói trong Quốc hội Khoá 1 ngày 31-10-1946 : “Tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, trước nhân dân, trước thế giới : Tôi chỉ có một Ðảng, Ðảng Việt Nam.”)
Trước đó, nhà khoa học Phan Ðình Diệu, trong đề cương phát biểu ý kiến theo yêu cầu của chương trình khoa học KX-10 do Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, cũng đề xuất đến dân chủ đa nguyên và đề nghị đổi tên Ðảng thành Ðảng Xã hội Dân chủ.
Như thế là nhiều ý tưởng tốt đẹp đã gặp gỡ nhau, đã quy vào một mối, tạo tiền đề cho sự phát triển đất nước Việt Nam trên con đường mới. Một năm mới mở đầu với nhiều ý tưởng hết sức tốt đẹp.
Chuyện năm cũ, tháng 10-2004 ông giám đốc công an Hà Nội có mời tôi lên. Trong nhiều ý kiến trao đổi, tôi có nói một ý : “Thày giáo Chu Văn An dạy : “Kẻ sĩ phải nói những điều ích nước lợi dân”. Tôi là người đọc sách, nhận ra sự trì trệ của nước nhà là do thiếu dân chủ, thành độc tài, chuyên chế, gây ra nhiều tệ nạn tham nhũng, cửa quyền, bè phái, trù úm, cướp đất đai, học vị rởm ..vv… Chúng tôi phải lên tiếng chê trách những điều đó. Nếu lãnh đạo nghe ra, sửa chữa những thiếu sót, thì đất nước được phát triển thuận lợi, dân chúng được no đủ. Ðất nước phát triển, dân chúng no đủ, thì ghế của lãnh đạo sẽ vững vàng, không thể lung lay. Chúng tôi già rồi, không nhằm lợi lộc gì ở đây cho cá nhân mình. Còn nếu lãnh đạo không nghe ra, bực tức, muốn bắt bớ, bỏ tù, thậm chí bắn giết, thì chúng tôi chịu. Nhưng vẫn cứ phải nói, phải viết. Cho lương tâm mình được thanh thản. Cũng là noi gương người xưa cả thôi. Không có gì mới. Vì, cũng theo người xưa dạy : “Biết mà không nói là bất nhân, nói mà không nói hết là bất nghĩa.” Cố gắng để không hổ thẹn với người xưa và không phải đỏ mặt với người sau. Chúng tôi không làm chính trị, không có tham vọng tranh quyền đoạt chức. Sự nghiệp của tôi là văn chương chứ không phải chính trị, nhưng sống phải có thái độ chính trị.”
Nhà thơ Bùi Minh Quốc bạn tôi, giáp tết ất Dậu từ Ðà Lạt ra Hà Nội, có công bố một tài liệu của nhà văn quá cố Nguyễn Minh Châu. Khi anh Châu nằm chữa bệnh chờ chết ở chùa Pháp Hoa (Ðồng Nai) có viết một bức thư cho bạn, trong đó có đoạn : “Nhà văn nước nào cũng vậy, ngoài tiếng nói trong tác phẩm, phải có tiếng nói xã hội, tiếng nói trước công bằng và bất công, trước chiến tranh và hoà bình. Theo tôi, làm một thằng nhà văn Việt Nam vào lúc này mà tìm cách lẩn tránh vấn đề dân chủ là thiếu tư cách, kể cả việc anh núp sau lập luận rằng văn học là cái gì sâu xa để đời …”
Cho nên tôi càng tâm đắc với Thư chúc xuân của hoà thượng. (Trích) :
“Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất và trong cương vị tăng sĩ, chúng tôi không làm chính trị, không tham gia chính trị. Nhưng chúng tôi phải có thái độ chính trị. Thái độ này thể hiện giáo lý nền tảng của đạo Phật, là cứu chúng sinh ra khỏi mọi nạn ách, khổ đau để tạo điều kiện giác ngộ [….] Trong kinh sách Phật giáo, Ðức Phật không làm chính trị, nhưng Ngài không ngừng cố vấn, khuyến thỉnh các vị vua phải có chính sách đúng đắn để phục vụ quần chúng. Ngài cũng có những lời khuyên bảo thích đáng cho quần chúng Phật tử về cung cách làm ăn kinh tế sao cho thu đạt lợi nhuận, gây cơ sở vật chất làm tiền đề cho sự phát triển đời sống tâm linh” (Trg 2. Thư chúc xuân. TQÐ).
Xin được gửi lời hoan hỷ đến với Hoà thượng.
Trong dịp xuân mới chúng tôi mong rằng đường lối chính sách của những nhà lãnh đạo Việt Nam có nhiều đổi mới, để huy động được tài trí, tiền của của mọi người, mọi giới, không phân biệt chính kiến, tôn giáo trong nước và nhất là với khối Việt kiều hải ngoại, cùng góp sức dựng xây một đất nước Việt Nam dân chủ và phát triển, không hổ danh con cháu các vua Hùng trên bờ biển Thái Bình Dương xanh tươi muôn đời sóng vỗ.
Chúng tôi là những người viết văn, sở nguyện là văn chương, nhưng phải lên tiếng về dân chủ, vì không có dân chủ thì không thể tự do sáng tác văn chương. Cũng như Hoà thượng, là những người tu hành, không có dân chủ không thể có tự do tôn giáo, điều cần yếu để phát triển tâm linh giúp đỡ loài người thoát khỏi khổ đau.
Tấm gương vô úy của Hoà thượng trong hành trình dấn thân cho tự do tôn giáo ở Việt Nam làm mọi người cảm phục. Nỗi sợ hãi là cái thiếu nhất của chúng sinh hiện nay. Chúng sinh thiếu cái gì, ta giúp họ cái đó. Ðạo Phật là đạo của sự giải thoát, giúp con người thoát khỏi sự sợ hãi và được sống cho ra một con người.
Ðọc Thư chúc xuân của Hoà thượng làm sao tôi cứ nhớ tới đức Ðiều Ngự Giác Hoàng Trúc Lâm Ðại Ðầu Ðà Trần Nhân tông. Ngài tu đạo nhưng vì dân vì nước. Ðạo của Ngài không xa lánh đời. Nói cách khác Phật sinh ra là vì chúng sinh. Ðạo là vì đời. Ðạo phải cứu đời. Có cái gì rất giống nhau giữa thiền phái Trúc Lâm và Gíao hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Cầu mong chư Phật phù hộ độ trì cho Hoà thượng sức khoẻ và sự minh triết, để góp phần vào sự hưng thịnh Phật giáo Việt Nam, hưng thịnh đất nước Việt Nam.
Nam mô A di đà Phật !
(Ðinh Sửu nhật. Mạnh Xuân nguyệt. ất Dậu niên)
Hoàng Tiến, nhà văn
Ðịa chỉ :
Nhà A 11 Phòng 420
Thanh Xuân Bắc – Hà Nội.
Ðiện thoại :
Bị cắt từ lâu.
> Tcbc ngày 28.2.2005 : Giới Sĩ phu Thăng Long lên tiếng tán dương Lời kêu gọi cho Dân chủ đa nguyên của Hòa thượng Thích Quảng Ðộ : hai bức thư của Nhà văn Hoàng Tiến và Cư sĩ Pháp Thiện – Cư sĩ Khuê Trí ngỏ lời với Sư ông Nhất Hạnh về vấn đề Yêu Nước Yêu Ðảng