Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Khánh chúc An cư Kiết hạ của Hoà thượng Thích Tâm Liên — Câu chuyện Cuối Tuần về hai chữ Nhân Quả

Khánh chúc An cư Kiết hạ của Hoà thượng Thích Tâm Liên — Câu chuyện Cuối Tuần về hai chữ Nhân Quả

Download PDF


PARIS, ngày 28.5.2016 (PTTPGQT) – Viện Hoá Đạo vừa chuyển đến Phòng Thông Tin Phật giáo Quốc tế để phổ biến Khánh chúc An Cư của Hoà thượng Thích Tâm Liên, Phó Viện trưởng Viện Hoá Đạo kiêm Tổng vụ trưởng Tổng vụ Tăns sự. Xin mời đọc sau đây toàn văn bản Khánh chúc An cư, và Câu Chuyện Cuối Tuần về hai chữ Nhân Quả :

Phật lịch 2560

Số 01.16/VHĐ/TVTS/TVT




KHÁNH CHÚC AN CƯ KIẾT HẠ
PHẬT LỊCH 2560-2016

—————–
TỔNG VỤ TRƯỞNG TỔNG VỤ TĂNG SỰ
VIỆN HÓA ĐẠO
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT

Kính gởi
– Chư Tôn Giáo Phẩm Hội Đồng Lưỡng Viện
– Chư Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng, Ni.
– Đồng bào Phật tử các giới.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

Kính bạch Chư Liệt Vị

Phật Đản lại về trong niềm hân hoan của hằng triệu tín đồ trên khắp Thế Giới.

Sen nở, ve kêu chào mừng Ánh Đạo cũng là lời nhắc nhở chúng ta đây là mùa sinh sôi nẩy nở của vạn loại côn trùng trong mùa mưa Ấn Độ hay mùa hạ Việt Nam.

Lời nhắc nhở ấy là hành trình đưa người Tu sĩ vào một mùa Cấm Túc An Cư hay còn gọi là An Cư Kiết Hạ theo truyền thống Đạo Phật, cũng như nhắc nhở người Cư sĩ tại gia một mùa gieo nhân lành dâng lên Ngôi Tam Bảo.

Mục tiêu thứ nhất mà Đức Phật thiết giới An Cư Kiết Hạ là tránh ngộ sát côn trùng, từ đó phát sinh ra mục tiêu thứ hai là dịp để Chư Tăng hội tụ nơi Giới trường, thúc liễm thân tâm trong ba tháng, nhằm trang bị thêm năng lượng Giới học, Định học để củng cố Tuệ Giác phục vụ chúng sanh trong một Hạ lạp, tức là một năm phục vụ chúng sinh, phục vụ nhân loại.

Để đạt được ước vọng đó, Chánh Tri Kiến sẽ cho chúng ta nhìn lại chính mình, nhìn lại xã hội nhân quần, nhìn lại Giang sơn Tổ quốc, để tiến đến cứu cánh là đem lại hạnh phúc cho Dân Tộc nói riêng và cho tất cả chúng sanh, nhân loại nói chung.

Chánh Tri Kiến chỉ thực sự được thể hiện khi chúng ta phát tâm phụng trì Giới Luật vì Giới Luật là nền tảng của Định và Tuệ. Phật Pháp chỉ có thể tồn tại lâu dài khi Giới Luật được nghiêm trì. Đó chính là lý do tại sao Đức Phật dạy “Giới Luật là thọ mạng của Chánh Pháp”.

Do Chánh Tri Kiến không được phát huy và tôn trọng nên đã có lúc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất phải đối mặt với nội ma và ngoại chướng trong hơn 40 năm d0en tối vừa qua, nhưng nhờ Chánh Tri Kiến, chúng ta đã luôn thực hành con đường Bồ Tát Đạo, con đường Chư Lịch Đại Tổ Sư đã đi qua, và chúng ta đang tiếp bước dưới sự lãnh đạo của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ.

Như những đóa sen ngát hương trong mùa Phật Đản, Người Tu Sĩ đang bước chân vào Giới Trường thanh tịnh để bắt đầu một mùa An Cư.

Tổng Vụ Tăng Sự xin kính chúc Chư Đại Tăng pháp thể khinh an trong thời gian trưởng dưỡng thân tâm để hoàn thành hạnh nguyện Hoằng Pháp Độ Sinh theo tinh thần Phật Pháp bất ly Thế Gian Pháp.

Tổng Vụ Tăng Sự cũng xin kính chúc Phật tử các giới tích cực trong việc thân cận Giới trường để hộ trì Chư Đại Tăng mùa An Cư Kiết Hạ Phật Lịch 2560- 2016 hoàn thành viên mãn.

NAM MÔ THƯỜNG TINH TẤN BỒ TÁT MA HA TÁT

Mùa Phật Đản Phật Lịch 2560-2016
Phó Viện Trưởng Viện Hoá Đạo
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
kiêm Tổng Vụ trưởng Tổng vụ Tăng sự
Sa Môn THÍCH TÂM LIÊN

Kính thượng trình :
– Đức Đệ Ngũ Tăng Thống thẩm tường.
-GS Giám Đốc PTTPGQT kính tường và kính phổ biến.
-Lưu./


*******


“Câu Chuyện Cuối Tuần” là một đề mục của Đài Phật giáo Việt Nam phát thanh về trong nước, trình bày vấn đề Phật Pháp & Thời luận phát thanh mỗi thứ sáu hàng tuần, do ký giả Triều Thanh phụ trách.

Hôm nay xin mời bạn đọc theo dõi cuộc phỏng vấn Cư sĩ Võ Văn Ái về “Nhân Quả” chép lại từ cuộc phỏng vấn trong chương trình Đài thứ sáu mồng 1 tháng tư dương lịch 2016 :


Nói về Nhân Quả

Triều Thanh : Thưa ông Võ Văn Ái, gần đây tôi có đọc cuộc chuyện trò của hai nhà văn trên mạng. Ông này hỏi ông kia : Anh có tin vào Luân hồi không ? Ông nhà văn kia trả lời, đại khái : Tôi không tin vào luân hồi, một đời khổ nhục và địa ngục này đủ quá rồi ! Chẳng mong có thêm đời sau. Ông nghĩ sao về lời phản bác lý thuyết luân hồi của Phật giáo như vậy ?

Võ Văn Ái : Đây không là lời phản bác, mà là lời than sau cuộc sống quá bi lụy, nhọc nhằn, bị lăng nhục. Tỉ như người làm việc mệt nhọc suốt ngày, buộc miệng nói : “Mệt quá ! Chết cho khỏe”. Nhưng chết xong thì ai khỏe đây ?

Cũng vậy, luân hồi không là chuyện đức tin. Anh tin hay anh không tin, nó vẫn là quy luật Nhân Quả, chạy trời không khỏi nắng.

Triều Thanh : Nhân quả là lẽ thường tình ? Ai gây nhân thì kẻ ấy gặt quả. Dính líu gì tới chuyện luân hồi ?

Võ Văn Ái : Ai gây nhân kẻ ấy gặt quả. Đó là cách nói chung chung đem áp dụng cho bất cứ trường hợp nào, như dầu Nhị thiên đường trị bá bệnh. Song hiểu rốt ráo hai chữ Nhân Quả như kinh sách Phật giáo giải bày, cần nghiên cứu rộng qua mọi hình thái của hai từ nhân và quả.

Ta biết rằng mọi sự vật không tự nhiên mà sinh thành. Tất cả cần có đủ điều kiện mới có thể phát sinh. Điều kiện là nhân, phát sinh là quả. Như muốn xây nhà, cần phải có gạch, ngói, gỗ, xi măng, người thợ nề lành nghề. Đó là những điều kiện cần thiết, không thể thiếu thứ nào, gọi là nhân. Chúng kết hợp nhau xây nên ngôi nhà là cái quả của nhân ấy.

Từ đó ta nghiên cứu rộng đến nguyên nhân của những nguyên nhân thì mới nắm bắt được đạo lý Nhân Quả, để thâm hiểu bản tính trùng trùng duyên khởi của vũ trụ, của tất cả sự vật. Đây chính là cơ sở của đạo Phật bao trùm các pháp thế gian và xuất thế gian, từ thân thể, thân tâm, tới hoàn cảnh.

Về thế gian, thì Nhân Quả là những Nghiệp báo thể hiện qua vòng xoáy luân hồi.

Về xuất thế gian, thì tu đạo giải thoát qua các hạnh từ, bi, hỉ, xả, cứu độ chúng sinh mới mong chứng thành Phật đạo.

Nhân có hai thứ gọi là sinh nhânliễu nhân. Sinh nhân là những nguyên nhân phát sinh ra sự vật. Liễu nhân là những nguyên nhân phát hiện ra sự vật. Ví dụ như mỏ vàng nằm dưới lòng đất, chẳng mang giá trị hay tác dụng gì. Nhờ các nhà địa chất phát kiến, đào bới tìm ra, từ đó vàng mới có giá trị thực hữu. Như thế thì vàng là liễu nhân, tức không sinh ra sự vật, nhưng lại phát hiện ra sự vật.

Đức Phật nói : “Ta là Phật đã thành, Chúng sinh là Phật sẽ thành”. Ý nói ai cũng có Phật tính, ai cũng có thể thành Phật, miễn là biết tu học Phật Pháp cho đến khi thành tựu chánh quả. Nếu không tu học Phật Pháp để phát hiện và phát huy Phật tính của tự tâm, thì cứ phải lăn lộn theo dòng sinh tử, sống rồi chết, chết rồi sống, theo sự dẫn đưa của Nghiệp, tức những hành động thiện hay ác, để nhận lấy cái quả của nghiệp báo như vòng luân chuyển của luân hồi.

Nhờ tu học mà phát hiện Phật tính, rồi phát huy diệu dụng của Phật tính để cứu độ quần sinh, tất viên thành giác ngộ. Hiểu được như vậy, ta mới biết việc tu học Phật Pháp, là liễu nhân, để khám phá ra Phật tính, như mỏ vàng đã sẵn có. Kẻ nào không tu học, hẳn nhiên Phật tính vẫn có đó nhưng không được sống dậy và phát huy thành giác ngộ.

Cũng còn cách phân tích Nhân làm ba thứ : sinh nhân, tập nhân, y nhân.

Sinh nhân là những điều kiện cần thiết, như gạch, ngói, xi măng, thợ nề để xây nhà. Nhưng gặp trường hợp gạch, ngói nằm một nơi, xi măng nằm chỗ khác, anh thợ nề không có đó, thì việc xây nhà chưa thực hiện được. Cho nên cần tập họp chung các thứ ấy lại một chỗ, gọi là tập nhân. Chẳng những thế, mà còn phải tập hợp các điều kiện ấy ở một thời điểm thích ứng, tốt lành, thì công trình mới khởi công, gọi là y nhân.

Ngoài ra, Nhân có bốn thứ :

Thứ nhất là, các nhân cùng có một lần, kết hợp nhau để sinh ra quả. Nếu không sẽ không thể sinh ra quả. Và khi quả không có, nhân cũng bất thành. Thuật ngữ gọi là Câu hữu nhân. Không có sự vật nào có thể tự sinh, mà cần phải có nhiều nhân (những điều kiện) cùng kết hợp một lần, tác động nhau mà sinh ra quả.

Thứ hai, muốn có quả, các nhân cần phải tác động tương tục, trong một thời gian nhất định. Thuật ngữ gọi là Đẳng lưu nhân.

Thứ ba, ngoài hai Câu hữu nhânĐẳng lưu nhân, còn có những nhân không phải là yếu tố chính, nhưng lại có ảnh hưởng giúp cho các nhân chính thành quả tốt lành. Như trồng lúa, ắt cần hạt giống, đất, nước, mặt trời và nhà nông. Nhưng nếu việc cày bừa không kỹ, phân bón không đều, bắt sâu không kỹ, thì gié lúa không cho nhiều hạt. Thuật ngữ gọi là Tăng thượng duyên. Đó là tăng thượng duyên tốt. Nhưng cũng có tăng thượng duyên xấu, như bão lụt làm hư hại mùa màng.

Vì vậy, muốn có quả tốt, ngoài nhân tốt, còn cần thiết gia tăng các tăng thượng duyên tốt, và bài trừ các tăng thượng duyên xấu.

Thứ tư, là điều trình bày vừa qua cho thấy các nhân, cái có trước, cái có sau, cái thì tiếp tục trong một thời gian dài hoặc ngắn, chúng tác động kếp hợp, ảnh hưởng lẫn nhau, để thành quả trong tiến trình nhân quả. Những yếu tố kết hợp, ảnh hưởng lẫn nhau, xuyên qua thời gian kết thành quả, tác dụng này thuật ngữ gọi là Dị thục nhân.

Dị thục nhân mang ba nghĩa : khác thời gian mà thành thục, khác phẩm loại mà thành thục, biến ra khác mà thành thục. Nói cho dễ hiểu trong vụ trồng lúa, thì khác thời gian giữa khi gieo mạ cho tới khi gặt lúa mất ba, bốn tháng. Khác phẩm loại như trồng lúa cần nhà nông cày bừa, gieo hạt… để đơm bông lúa. Còn biến ra khác mà thành thục, là phân bón, nước nôi, vốn không phải lúa mà lại thành lúa.

Triều Thanh : Nghe ông phân tích sâu như vậy mới thấy hai chữ Nhân Quả không đơn giản. Riêng những nhân khác biệt như thế mới thấy ý chí con người tác động vào nhân phải kinh qua những quy luật, mà thiếu nó sẽ bất thành ý muốn, ý chí, hay mơ ước của mình. Lâu nay, ta chỉ nghĩ cứ có một nhân thì sinh ra một quả. Như ông nói thì đâu phải thế, có nhiều nhân, nhiều điều kiện để thành ra quả, mà con người phải tham dự theo quy luật để có quả tốt.

Võ Văn Ái : Đúng như vậy. Một hạt bắp không thể sinh ra cây lúa. Chính sự tác động, ảnh hưởng nhau vào nhân trong thời gian tựu quả rất quan trọng. Điều kiện này gọi là duyên, mà ta thường nghe qua các từ nhân duyên, duyên khởi là yếu tính của đạo Phật.

Triều Thanh : Xin ông giải thích nghĩa của chữ duyên là gì ?

Võ Văn Ái : Duyên có nhiều nghĩa. Các sự vật tác động, kết hợp, nương tựa, ảnh hưởng nhau giúp cho quả sinh ra, thì gọi là duyên. Có bốn duyên :

Nhân duyên là duyên của Câu hữu nhân và Dị thục nhân.

Đẳng vô gián duyên là Đẳng lưu nhân.

Sở duyên duyên là duyên của hoàn cảnh. Cái này có thì cái kia có và ngược lại.

Tăng thượng duyên mà ta đã nói qua hai thứ tăng thượng duyên tốt và tăng thượng duyên xấu.

Khi các duyên tạo ra quả thì gọi duyên sinh, hay duyên khởi. Tất cả muôn sự muôn vật xẩy ra trong đời, trong nhiều đời, hay trong vũ trụ đều duyên khởi lẫn nhau như dây chuyền. Nên cũng gọi pháp giới duyên khởi hay trùng trùng duyên khởi.

Triều Thanh : Về nhân thì như thế, nhưng quả có phức tạp như vậy không ?

Võ Văn Ái : Về quả nếu phân tích cũng có bốn thứ :

Thứ nhất, mỗi nhân đều có sĩ dụng quả riêng biệt. Như chiếc bàn thì gỗ là sĩ dụng quả của gỗ, dụng cụ làm bàn là sĩ dụng quả của dụng cụ, người thợ mộc là sĩ dụng quả của thợ mộc. Tất cả những sĩ dụng quả riêng biệt ấy kết hợp thành bàn. Thuật ngữ gọi là Sĩ dụng quả.

Thứ hai, sự tiếp tục tồn tại trong một thời gian nhất định của tác dụng đến từ các nguyên nhân thuật ngữ gọi là Đẳng lưu quả.

Thứ ba, kết quả làm cho tốt hơn hay xấu đi, thì thuật ngữ gọi là Tăng thượng quả.

Thứ tư, kết quả tổng hợp do các duyên tạo thành thuật ngữ gọi là Dị thục quả.

Triều Thanh : Nếu không hiểu sâu về nhân quả như thế để tác động chúng thành quả tốt thì việc gì sẽ xẩy ra, thưa ông ?

Võ Văn Ái : Như đã nói từ đầu. Đây không phải là đức tin, mà là quy luật chuyển biến của con người và sự vật trong trời đất. Tỉ như ta tin hay không tin nước, nhưng khi hai đơn vị khinh khí, tức hydro, gặp một đơn vị dưỡng khí, tức oxy, thì nước hiện ra. Ta tin hay không tin thì quy luật ấy vẫn diễn hành trên đời sống. Các vị tu hành thấu đạt túc mạng thông có thể nhớ lại các đời trước, rồi phân tích theo đạo lý nhân quả, tất nhận thức ra sự chìm nổi, khổ lụy của chúng sinh trong vòng trôi nổi luân hồi. Chết ở đây sinh ra nơi khác, lên xuống theo con sóng luân hồi là do kết quả của những hoạt động thể hiện qua lời nói, qua ý nghĩ, qua thân xác (thân – khẩu – ý). Các hoạt động này gọi là nghiệp nhân, kết quả của những hoạt động ấy gọi là quả báo.

Nhân Quả là quy luật của thế gian. Muốn được giải thoát tất phải trừ diệt những nguyên nhân gây ra sống, chết, khổ đau, luân hồi. Phải tu tập nhân giải thoát thì mới gặt hái quả giải thoát giác ngộ.

Triều Thanh : Xin cám ơn Cư sĩ Võ Văn Ái và xin hẹn quý thính giả ở Câu Chuyện Cuối Tuần vào thứ Sáu tuần tới, cũng vào giờ phát thanh này.

Check Also

VCHR và FIDH vạch trần những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Việt Nam trước cuộc xem xét Báo cáo định kỳ của Việt Nam về Công ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc về các quyền dân sự và chính trị

PARIS, ngày 5 tháng 1 năm 2024 (VCHR) – Trong Báo cáo chung gửi Ủy …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *