PARIS, ngày 11.7.2011 (PTTPGQT) – Đại lão Hòa thượng Thích Như Đạt, Viện chủ Tu viện Long Quang ở Huế và Tổng vụ trưởng Tổng vụ Tăng sự, Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), vừa gửi đến Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế để phổ biến bài viết về Ý Nghĩa An Cư – Kiết Hạ. Xin mời quý độc giả đọc toàn văn bài viết ấy sau đây :
VIỆN HÓA ĐẠO
TỔNG VỤ TĂNG SỰ
Phật lịch 2555 |
Số : 01-11/TVTS/KH.T
|
********
KHUYẾN TỪ
CỦA TỔNG VỤ TRƯỞNG TỔNG VỤ TĂNG SỰ
VIỆN HÓA ĐẠO GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
Kính gởi :
– Chư Tôn Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni.
– Đồng Bào Phật Tử các giới trong và ngoài nước.
Kính Bạch Chư Tôn Đức,
Kính Thưa Chư Thiện Tri Thức.
Được sự chấp thuận của Hội Đồng Lưỡng Viện GHPGVNTN, tôi xin có đôi lời mạo muội tìm lại dấu vết và ý nghĩa của Mùa An Cư Kiết Hạ, cũng là tìm lại nền tảng dẫn đạo trong việc giáo hoá Tăng, Tín đồ của Đức Từ Phụ, bậc Thầy của Trời, Người và cha lành chung cho cả 4 loài.
Tìm lại gốc tích ấy chính là đóng góp cho sự sống còn của giới xuất gia, những người mang trọng trách “sứ giả Như Lai”.
Kinh luật đã nói nhiều về thời gian thích hợp cho Mùa An Cư Kiết Hạ hằng năm. Mỗi quốc độ lại có một thời tiết khác nhau nên mùa An Cư Kiết Hạ cũng khác nhau. Thời tiết, khí hậu ở Việt Nam có nhiều dị biệt với Ấn Độ, nơi Đức Phật sinh ra, thành đạo và hóa độ chúng sanh, nơi mà mùa An Cư Kiết Hạ được khai mở vào mùa mưa, mùa của muôn loài sinh sôi nẩy nở, để hạn chế Tăng Sĩ đi lại làm tổn thương côn trùng và cây cỏ.
Đức Phật đã xiển dương chân lý tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, mọi loài đều có dòng máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn. Chân lý ấy đã vượt ra ngoài không gian vô cùng và thời gian vô tận. Nên hằng năm, mùa An Cư Kiết hạ được tuỳ duyên khai mở sao cho phù hợp thời tiết, đem đến lợi ích tối thắng cho muôn loài.
Nước Việt Nam chúng ta, mùa hạ tuy nắng gắt nhưng nhiều nơi lại có mưa rào, vạn vật sinh sôi nẩy nở, cho nên mùa An Cư Kiết Hạ thường được bắt đầu từ rằm tháng tư cho tới rằm tháng 7 âm lịch, quy định Chư Tăng ở yên một chỗ để giảm thiểu sự xâm hại côn trùng cây cỏ và cũng để tạo điều kiện ở yên một chỗ để chư Tăng tinh tiến tu học.
Trong Mùa An Cư, Luật không chấp nhận cho các Tỳ Kheo tự do ra ngoài trú xứ, ngoại trừ Phật Sự đặc biệt bất khả khán.
Chư vị Tỳ Kheo đã chấp hành y theo Luật Tứ Phần, Luật Ngũ Phần, phải nghiêm túc thực hiện đúng thời khoá An Cư, nếu quá thời gian quy định Phật Sự mà không trở về đúng thời hạn thì mất hạ. Mục đích của người xuất gia là giác ngộ và giải thoát nên việc An Cư Kiết Hạ hằng năm, chư Tăng chấp hành nghiêm túc, không để cho thế sự mê hoặc, phiền não trói buộc, công nọ việc kia, xem thường giới hạ.
Ngày An Cư Kiết Hạ viên mãn là ngày giải hạ, giải chế, mãn hạ….Luật Tứ Phần đã dạy : khi mãn hạ công việc người Tỳ Kheo phải tuân hành là : Tự Tứ, Giải Chế, Thọ Tuế, và Thọ Y.
Tự Tứ là thành khẩn thỉnh cầu Đại Chúng chỉ bày lỗi lầm để chúng ta sám hối nhằm giúp thân tâm thêm phần thanh tịnh, tăng trưởng đạo tâm.
Kinh dạy rằng, ngày rằm tháng bảy là ngày chư Phật Hoan Hỷ, ngày chư Tăng Tự Tứ, kết thúc kỳ An Cư Kiết Hạ. Chư Tăng đã thành tựu Giới Pháp sau 3 tháng trưởng dưỡng thân tâm để nhận thêm thọ tuế thanh tịnh.
Tự Tứ cũng là ngày Giải Chế, thân tâm hoan hỷ, viên thành Pháp Hạ, một sự thể hiện tiêu biểu cho công hạnh của người xuất gia. Tự Tứ cũng có ý nghĩa Thọ Y, tạo Phước Điền cho thất chúng quy ngưỡng. Nhờ đó, Tăng Ni và Phật Tử sẽ trân trọng cung kính noi theo để tu học, không phải là việc làm để nhận sự truy thăng khen thưởng của thế gian.
Như vậy, tín tâm và sự hành trì trong ba tháng An Cư Kiết Hạ vô cùng hệ trọng. Chư Tỳ Kheo vừa trưởng dưỡng tâm từ bi, không làm tổn hại sinh mạng của chúng sanh qua một mùa sinh sôi nẩy nở, vừa sách tấn nhau tu học để tô bồi pháp thân huệ mạng trên con đường giải thoát, mà Phật Tử tại gia cũng nhờ đó mà kết thiện duyên qua công hạnh hộ giới, góp phần công đức, thâm tín, thân cận Chư Tăng trong mùa An Cư Kiết Hạ. Thật lành mạnh, ấm cúng và thâm tình biết bao !
Ngoài ra, chữ MÙA cũng có nhiều nghĩa. Mùa xuân vạn vật đầm ấm, mùa hè vạn vật sinh sôi, mùa thu vạn vật mát mẻ, mùa đông vạn vật chuyển mình cho một năm mới tươi đẹp. Mùa cũng là niềm an vui và hạnh phúc. Mùa lúa, mùa bắp, mùa đậu đều mang ý nghĩa của ấm no đầy đủ.
Phật Pháp bất ly thế gian giác. Mùa An Cư Kiết Hạ cũng là mùa mở đầu cho công việc tu học và hoằng dương chánh Pháp. Mùa An Cư Kiết Hạ là thời gian trong năm dành để kết tập năng lượng, trau dồi ý chí, thân tâm cho người xuất gia cũng như Phật tử tại gia,
Kính Bạch Chư Tôn,
Kính Thưa Phật Tử các giới.
Thể tướng vũ trụ cùng thế giới loài người luôn luôn chuyển biến khốc liệt. Nhân loại không thể chìm đắm mãi trong khổ đau mà luôn có những bậc vĩ nhân giải thoát, cứu độ. Chính vì vậy mà Đức Phật xuất hiện, thuyết Pháp, độ sanh. Từ đó mới có chư Tăng, đủ ngôi Tam Bảo. An Cư Kiết Hạ là cơ duyên để chư Tăng trau dồi Pháp thân huệ mạng, hầu mong nối tiếp bản hoài cứu độ chúng sanh của Chư Phật, Chư Bồ Tát.
Chúng ta vì vô minh che lấp, phiền não nặng nề, nghiệp dày, phước mỏng, tâm dễ buông lung theo thế sự. Thế nên An Cư Kiết Hạ là dịp để điều tiết và chế ngự thân tâm. Thứ nữa, người Trưởng Tử Như Lai phát tâm, Ngũ Trược Ác Thế Thệ Tiên Nhập, và vì Chúng Sanh Nan Điều Nan Phục, rất khó cứu độ, nên chư Tăng phải tuân thủ việc An Cư Kiết Hạ để làm hành trang cho hạnh nguyện của mình. Được như vậy, mới có thể hoàn thành được tâm nguyện “Thuấn Nhã Đa Tánh Khả Tiêu Vong, Thước Ca Ra Tâm Vô Động Chuyển”, sắt đá có thể tiêu nhưng tâm nguyện không thay đổi.
Việc chuyển mê khai ngộ, định bệnh cho thuốc, rất khó khăn. Trước tiên, cần an định thân tâm của chính mình, mới đầy đủ sáng suốt để điều phục chúng sanh. Vì vậy mà Đức Thế Tôn đã chế tác thời khoá An Cư Kiết Hạ để tâm nguyện “thượng cầu Phật đạo, hạ hoá chúng sanh” của chư Tăng được thành tựu. Tuy việc giải thoát, độ sanh là khó nhưng không phải là không được, vì Đức Phật dạy rằng : “TA LÀ PHẬT ĐÃ THÀNH, CÁC NGƯƠI LÀ PHẬT SẼ THÀNH” và “TẤT CẢ CHÚNG SANH ĐỀU CÓ PHẬT TÁNH”. Trong kinh Pháp Hoa, Ngài Thường Bất Khinh Bồ Tát thể hiện sự cung kính của mình khi chấp tay vái lạy tất cả các Vị Phật Đương Lai.
Tóm lại, 3 tháng An Cư Kiết Hạ không chỉ điều phục thân tâm mà ngay cả tu sửa Ngôi Tam Bảo, ngói gạch rệu rã, nền móng lung lay, nguy hiểm, giường nệm, y phục, đau ốm, thuốc thang, cơm cháo… cũng lấy An Cư Kiết Hạ điều phục chướng duyên.
Và còn nhiều mặt tương quan tương duyên cho Đạo Pháp, cho Quê Hương, cho Đất Nước cần nghiêm chỉnh suy nghiệm trong Mùa An Cua Kiết Hạ, để trên thì đền đáp Tứ Trọng Ân, dưới thì hạ tế Tam Đồ Khổ như Thông Điệp Đầu năm Tân Mão cũng như Thông Điệp Phật Đản Phật Lịch 2555 của Đức Đại Lão Hòa Thượng Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống Kiêm Viện Trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN đã ban hành, mà tôn chỉ không ngoài đường hướng của GHPGVNTN :
DÂN TỘC KHÔNG THỂ HẠNH PHÚC NƠI ÁP BỨC ĐÓI NGHÈO.
NAM MÔ ĐỊA TẠNG VƯƠNG BỒ TÁT MA HA TÁT
ngày 25 tháng 6 năm 2011
TỔNG VỤ TRƯỞNG TỔNG VỤ TĂNG SỰ
VIỆN HÓA ĐẠO, GHPGVNTN
SA MÔN THÍCH NHƯ ĐẠT
Cẩn Bạch