PARIS, ngày 20.8.2011 (PTTPGQT) – Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế xin cung cấp bản tin tổng hợp được đăng tải trên các Trang nhà trong nước, đặc biệt Trang nhà Dân Làm Báo, về một lễ Vu Lan của Thanh niên, Trí thức Saigon :
Vào lúc 7 giờ tối ngày 14/08 vừa qua, nhân dịp lễ Vu Lan và Rằm tháng Bảy, một nhóm thanh niên, trí thức tại Sài Gòn đã bất ngờ đứng ra tổ chức sự kiện thắp nến, thả thuyền hoa nhằm tưởng niệm các chiến sĩ Hoàng Sa – Trường Sa.
Đây là sự tự phát của thanh niên, trí thức Saigon liên hệ Mùa Báo Hiếu với những chiến sĩ đã bỏ mình vì tổ quốc trước quân xâm lược Trung Cộng đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974, quần đảo Trường Sa năm 1988, cũng như những oan hồn uổng tử ngư dân bị Trung Cộng bắn giết trên biển Thái Bình.
Lễ Vu Lan tổ chức bên kênh Nhiêu Lộc gần đường Trường Sa. Ảnh Dân Làm Báo
|
Tin cho biết, khoảng vài chục người đã tập trung về bờ kênh Nhiêu Lộc, gần đường Hoàng Sa – Trường Sa, để cùng tham gia sự kiện hiếm hoi và đặc biệt này. Hàng trăm chiếc thuyền giấy với nhiều màu sắc, được gấp lại một cách tỉ mỉ do nhiều người trân trọng mang đến.
Tất cả gồm 138 chiếc thuyền giấy tượng trưng cho 74 chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa hy sinh bảo vệ Hoàng Sa năm 1974, và 64 bộ đội hải quân miền Bắc hy sinh bảo vệ Trường Sa năm 1988. Mỗi chiếc thuyền giấy tượng trưng cho vong linh người nằm xuống vì Tổ Quốc. Tên họ của từng chiến sĩ Việt Nam cùng thông tin về người chiến sĩ được in trên tờ giấy khổ A4.
Ngoài ra, còn có hàng trăm chiếc thuyền giấy khác, tượng trưng cho vong linh những ngư dân Việt bị Trung Quốc giết hại khi đang đánh cá trên vùng biển thiêng liêng của Tổ Quốc.
Trong không khí trang nghiêm, xúc động, một phụ nữ xướng lên lời văn tế :
“Hôm nay ngày rằm tháng bảy, nhân ngày Xá tội Vong nhân, chúng tôi, những người yêu nước Việt tại Sài Gòn xin mời về đây hương linh 58 người đã chết ở Hoàng Sa, ngày 19 tháng Giêng năm 1974, 64 người đã chết ở Trường Sa, ngày 14 tháng 3 năm 1988. Và gọi hồn những ngư dân đã bị Trung Quốc giết chết ở ngoài khơi…”
Sau phần nghi thức, bảng tên 138 chiến sĩ Việt Nam được hóa, như đốt sớ hay đốt vàng mã theo truyền thống tín ngưỡng nhân gian. Hàng trăm chiếc thuyền giấy chở theo những ngọn nến lung linh được thả xuống và trôi theo dòng nước, tạo nên một khung cảnh trầm hùng, linh thiêng hiếm thấy và ngập tràn cảm xúc.
Thuyền giấy có hoa đăng thả trên giòng nước, tên các chiến sĩ hy sinh sẽ được hóa (đốt) sau bài văn tế. Ảnh Dân Làm Báo
|
Một người trong Ban tổ chức cho biết : Qua những sự kiện cụ thể thế này, hy vọng những hành động yêu nước sẽ được nhân rộng ở khắp nơi. Mặc dù ở Sài Gòn không thể biểu tình – tuần hành được, nhưng chúng ta cần sáng tạo các ý, khơi gợi về lòng yêu nước, biển đảo, tri ân những người đã hy sinh. Không nhất thiết biểu tình đối đầu, khi chưa đủ thời cơ.
Lễ Vu Lan cho chiến sĩ trận vong và ngư dân bị chết oan trong tay Trung Cộng kết thúc lúc 7 giờ 45 tối. Mọi người xếp thành hàng ngang, tay nắm chặt tay trong tinh thần kết hợp linh thiêng.
Đức cố Đệ tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang công bố “Tuyên cáo Giải trừ Quốc nạn và Pháp nạn” ngày 20.11.1993, rồi nhân kỷ niệm 25 năm ngày tang thương 30 tháng Tư năm 2000, Đức cố Tăng Thống lại viết thư đề nghị Ðảng và Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa lấy ngày 30 tháng Tư làm “Ngày Sám hối và Chúc sinh toàn quốc”. Tức Sám hối những sai lầm trọng đại của Đảng Cộng sản, giải quyết tình trạng bi thảm của những người tử vong, tàn tật qua 2 cuộc chiến, và bảo đảm các quyền tự do căn bản của người dân. “Sám hối với người chết trong tinh thần nguyện hứa lo cho người sống được sống người”, tức Linh quyền cho người chết và Nhân quyền cho người sống. Người chết mà Đức cố Tăng thống nhắc tới là binh sĩ cả hai miền Nam Bắc.
Nhưng Đảng và nhà nước cộng sản có bao giờ biết dân là ai, những chiến sĩ bỏ mình cho nền độc lập dân tộc là ai đâu ? ! May thay, thanh niên, trí thức đã thực hiện qua 10 cuộc biểu tình hơn hai tháng qua ở Hà Nội chống xâm lược Bắc Kinh, và tại Saigon hôm 14.8 cử hành lễ Vu Lan độc đáo cho chiến sĩ trận vong.
Một nghĩa cử khộng tiền khoáng hậu dưới chế độ phát xít cộng sản.