Home / Tài liệu / UBBVQLNVN : Lời phát biểu tại LHQ Genève của Bà Ỷ Lan Penelope Faulkner

UBBVQLNVN : Lời phát biểu tại LHQ Genève của Bà Ỷ Lan Penelope Faulkner

Download PDF
  

Thưa quý vị Chuyên gia,

Xin cám ơn quý vị cho phép tôi nói thêm những mối quan tâm mà ông Võ Văn Ái đã trình bày về bản Phúc trình của Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam thực hiện chung với Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền.

Chúng tôi đặc biệt quan tâm tới chính sách Đổi Mới, tức mở cửa kinh tế nhưng không cải tổ chính trị, đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến người phụ nữ ở thành thị cũng như nông thôn. Người phụ nữ phải đối diện với sự lạm quyền và sự bất bình đẳng. Nay dưới thế chế độc đảng, người phụ nữ mất hết phương tiện tố cáo sự lạm quyền và bảo vệ các quyền của họ.

Hiện nay. giáo dục và y tế bó buộc phải đóng lệ phí. Nhà cầm quyền Việt Nam áp dụng chính sách “xã hội hoá”, bắt buộc các phụ huynh phải trả “phí sử dụng”, tức học phí, lệ phí duy trì trường ốc, vật liệu học đường và thực phẩm. Kết quả là rất đông trẻ em nghèo, đặc biệt các bé gái, phải bỏ học lúc còn nhỏ tuổi. Bất bình đẳng giới tính trong việc tiếp cận y tế và giáo dục mà cơ chế Hộ khẩu làm cho trầm trọng thêm. Ai không có cơ sở thường trú không được cấp hộ khẩu, bị xem như công dân bất hợp pháp. Số phụ nữ di dân trong nước lên tới 70%, đa số trở thành nạn nhân của cơ chế kỳ thị này.

Nạn buôn bán phụ nữ cho lao động hay khai thác tình dục gia tăng một cách báo động dưới chính sách Đổi mới. Những phụ nữ nào trốn về Việt Nam sẽ không được luật pháp bảo vệ. Rất đông phụ nữ ở nông thôn bị cưỡng chiếm đất đai khi vắng mặt. Nếu phụ nữ sinh con ở nước ngoài, đứa trẻ sẽ mất quyền công dân.

Tại các công trường, quyền phụ nữ bị lạm dụng trầm trọng. Tiền lương phụ nữ so ra chỉ bằng 85% lương đàn ông, lao động nhiều hơn mà lương bị hạ thấp. Sức khoẻ họ yếu hơn đàn ông, nhưng hợp đồng lao động không được bảo đảm. Trong nhiều công xưởng, hợp đồng bó buộc người phụ nữ không được mang thai trong thời gian 3 năm, hoặc thuê mướn hợp đồng 6 tháng để khỏi trả lợi quyền sinh đẻ. Thế nhưng họ chẳng dám kêu ca vì sợ mất việc, và cũng bởi vì công đoàn độc nhất tại Việt Nam, là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, chỉ bênh vực cho giới chủ mà bỏ rơi thợ thuyền.

Vi phạm quyền đất đai của phụ nữ xẩy ra khắp nơi. Nạn tham nhũng trong giới viên chức và lạm dụng quyền lực dẫn tới sự cướp đất, với hàng trăm nghìn nông dân, đa số là phụ nữ, bị chiếm đất với số tiền bồi thường tồi tệ không cân xứng. Đã có nhiều cuộc biểu tình nông dân nổi dậy, gọi là Dân oan, họ tiến về Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đòi hỏi công lý. Nhưng nhà cầm quyền hồi đáp bằng bạo lực để giải tán dân oan trước công sở, đưa tới nhiều vụ tự thiêu vì tuyệt vọng.

Việt Nam tuyên bố chống kỳ thị giới tính, nhưng trong thực tế nhiều chính sách rập khuôn giới tính vẫn tồn tại. Sách giáo khoa độc nhất dành cho học đường cho thấy hình ảnh người phụ nữ được xem như người nội trợ, trong khi đàn ông được xem như bác sĩ, kỹ sư. “Cục phòng chống tệ nạn xã hội” của chính quyền xử lý giới phụ nữ bán dâm hay bị nhiễm HIV, là những người bị bêu xấu như “tệ nạn xã hội” và kỳ thị.

Thưa quý vị Chuyên gia,

Công ước Xóa bỏ tất cả các Hình thức Phân biệt đối xử với Phụ nữ không thể nào thực hiện đầy đủ bao lâu những hình thức rập khuôn trên đây còn tồn tại, và cho đến lúc nào Việt Nam chịu thiết lập những cơ cấu độc lập, ngoài khuôn khổ và sự kiểm soát của Đảng Cộng sản, để người phụ nữ có thể đòi hỏi và bảo vệ quyền của họ. Chúng tôi thúc đẩy Việt Nam tham gia ký kết Nghị định thư không bắt buộc kèm theo Công ước Xóa bỏ tất cả các Hình thức Phân biệt đối xử với Phụ nữ (tức CEDAW Optional Protocol), để người phụ nữ có thể tiếp cận các cơ cấu khiếu nại ; và bãi bõ cơ chế Hộ khẩu đang nuôi dưỡng sự kỳ thị giới tính.

Check Also

Bản Hiến chương GHPGVNTN tu chỉnh lần cuối ngày 4 tháng 12 năm 2015

  HIẾN CHƯƠNG GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT Bản tu chỉnh thông …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *