Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Tin UBBVQLNVN / Liên Ðoàn Quốc tế Nhân quyền và Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam tố cáo phiên tòa giả trá xử hai ông Trần Khuê và Phạm Quế Dương

Liên Ðoàn Quốc tế Nhân quyền và Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam tố cáo phiên tòa giả trá xử hai ông Trần Khuê và Phạm Quế Dương

Download PDF

Liên Ðoàn Quốc tế Nhân quyền và Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam tố cáo phiên tòa giả trá nhằm xử hai nhà ly khai Trần Khuê và Phạm Quế Dương trong hai ngày 9 và 14 sắp tới. Hai tổ chức nhân quyền quốc tế có trụ sở ở Paris lên tiếng phản đối quyền tự do ngôn luận mà phiên tòa sẽ vi phạm. Một Nhà nước pháp quyền, mà CHXHCNVN không ngừng rêu rao, không thể nào để cho một phiên tòa như thế hiện hữu.

CHXHCNVN cúi mình dơ tín hiệu trước cộng đồng thế giới để đâm đơn gia nhập các tổ chức quốc tế, như Tổ chức Thương mại thế giới, nhưng vẫn không ngưng tay đàn áp tất cả mọi giới bất đồng chính kiến ở trong nước.

Bị bắt từ cuối tháng 12 năm 2002 tại Saigon, thoạt đầu hai ông Trần Khuê và Phạm Quế Dương bị kết án “làm gián điệp”, chiếu điều 80 của Bộ luật hình sự sẽ bị tù chung thân nếu không là tử hình. Nhưng trong phiên xử ngày 9 và 14 sắp tới, tòa sẽ dùng điều 258 trong Bộ luật hình sự xử hai ông “tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước” để kết án. Tội này có thể lên tới 7 năm tù.

Theo ông Sidiki Kaba, Chủ tịch Liên Ðoàn Quốc tế Nhân quyền, thì “một lần nữa, những phiên tòa sắp tới không tuân thủ các tiêu chuẩn luật quốc tế trong việc xét xử công minh, vì không có luật sư biện hộ, phiên tòa không công khai, người xét xử không độc lập mà lại còn thiên vị, v.v… Ấy là chưa kể tính cách tùy tiện trong việc giam giữ hai can cứu Trần Khuê và Phạm Quế Dương từ 17 tháng qua”. Tiếp lời, ông Võ Văn Ái, Phó chủ tịch Liên Ðoàn Quốc tế Nhân quyền và Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam, tuyên bố : “Vụ xử ông Phạm Quế Dương vào ngày 14.7 điển hình cho sự khước từ một xã hội dân chủ của nhà cầm quyền Hà Nội, vì cùng hôm ấy, nhân dân Pháp kỷ niệm Ngày phá ngục Bastille”.

Cuộc bắt bớ tùy tiện và cuộc xét xử sắp tới đối với nhà nghiên cứu Trần Khuê (68 tuổi) và cựu đại tá, sử gia quân đội Phạm Quế Dương (73 tuổi) là phi pháp. Bởi vì hai ông chỉ hành xử chính đáng quyền tự do tư tưởng và tự do ngôn luận được Hiến pháp Việt Nam năm 1992 bảo đảm. Hơn nữa, họ tuân thủ và sử dụng các phương tiện công khai mà Nhà nước Việt Nam cho phép để nói lên quan điểm cùng các điều trần tố của họ :

– Tháng 9 năm 2001, cả hai vị cùng làm đơn xin phép lập hội tư nhân nhằm chống tham nhũng, thế nhưng Nhà nước hồi âm bằng những cuộc bắt bớ, sách nhiễu và thẩm cung ;

– Ngày 2.8.2002, hai vị cùng với 21 nhân sĩ đất Thăng Long ký Kiến nghị yêu cầu Ðảng Cộng sản và Nhà nước ra công chống tham nhũng, tôn trọng Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Công ước Quốc tế về Các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã tham gia ký kết, bãi bỏ Nghị định Quản chế Hành chính 31/CP, và thành lập Tòa án Hiến pháp để phân giải, xét xử mọi bất công xã hội, bảo vệ các điều quy định trong Hiến pháp ;

– Ông Phạm Quế Dương đã làm đơn xin ứng cử dân biểu Quốc hội vào tháng 5.2002 như ứng viên độc lập. Dù hội đủ mọi điều kiện hợp pháp và được dân chúng tán trợ trong quận hạt của ông, nhà nước đã bác bỏ đơn vì lý do chính kiến ông không phù hợp với Ðảng ;

Liên Ðoàn Quốc tế Nhân quyền (1) và Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam (2) lên tiếng yêu sách nhà cầm quyền Hà Nội trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho hai ông Trần Khuê và Phạm Quế Dương, và dự trù đưa sự vụ đến Tổ Hành động chống Bắt bớ trái phép của Liên Hiệp Quốc yêu cầu can thiệp.



(1) Fédération Internationale des Ligues des Droits de l’Homme (FIDH) / International Federation for Human Rights, là một tổ chức nhân quyền quốc tế ra đời tại Pháp năm 1922, từng bênh vực cho các nhà ái quốc Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX, như hai Cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, v.v… Hiện Liên Ðoàn có 144 thành viên quốc gia. Ðại hội Nhân quyền Thế giới của Liên Ðoàn họp lần thứ 35 tại thủ đô Quito, Equador, ở Trung Mỹ, hồi tháng 3 đầu năm nay, đã ra 2 Quyết nghị về vấn đề Việt Nam, qua đó nhắc đến các trường hợp của hai ông Trần Khuê, Phạm Quế Dương cũng như Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Bác sĩ Nguyễn Ðan Quế và các ông Nguyễn Khắc Toàn, Lê Chí Quang, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình, v.v… Chủ tịch của Liên Ðoàn là Ông Sidiki Kaba.
(2) Comité Vietnam pour la Défense des Droits de l’Homme / Vietnam Committee on Human Rights, thuộc Cơ sở Quê Mẹ, ra đời tại Paris cuối năm 1975 nhằm thông tin cho công luận thế giới và Ủy ban Nhân quyền LHQ họp thường niên ở Genève am tường về tình trạng vi phạm nhân quyền và đàn áp tôn giáo tại Việt Nam, cũng như vận động quốc tế qua các chính giới Âu Mỹ Á bênh vực và đòi trả tự do các tù nhân vì lương thức và chính trị tại Việt Nam. Vài vận động điển hình như trong năm 1978 : họp báo quốc tế công bố “Chúc thư của Tù nhân chính trị” trong các nhà tù và Trại Cải tạo, xướng xuất chiến dịch “Một Chiếc Tàu Cho Việt Nam” (tàu Ðảo Ánh sáng ra Biển Ðông vớt người Vượt Biển), và quốc tế hóa vụ đàn áp Văn Nghệ sĩ Miền Nam và vụ Nhân văn Giai phẩm ; khởi tố Nhà Cầm quyền Hà Nội vi phạm nhân quyền tại LHQ ở New York măm 1985 ; cuối thập kỷ 80 tung chiến dịch “Chuyển Lửa về Quê Nhà” nhằm phá vở hệ thống thông tin một chiều của Hà Nội, và sang Ðông Âu can thiệp chận đứng nạn kỳ thị và thảm sát người lao động Việt Nam ; hậu thuẫn cuộc đấu tranh cho Tự do tôn giáo, Nhân quyền và Dân chủ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất từ năm 1992 trở đi (đặc biệt là tung “Lời Kêu gọi cho Dân chủ Việt Nam” của Hòa thượng Thích Quảng Ðộ tại LHQ và trên toàn thế giới năm 2002 với chữ ký hậu thuẫn của hàng trăm nhân vật quốc tế và 308.027 chữ ký của người Việt ủng hộ), v.v… Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam là ông Võ Văn Ái, ông cũng là Phó chủ tịch Liên Ðoàn Quốc tế Nhân quyền.



Unicode

VNI

VPS

VIQR

Check Also

VCHR và FIDH vạch trần những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Việt Nam trước cuộc xem xét Báo cáo định kỳ của Việt Nam về Công ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc về các quyền dân sự và chính trị

PARIS, ngày 5 tháng 1 năm 2024 (VCHR) – Trong Báo cáo chung gửi Ủy …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *