PARIS, ngày 8.5.2013 (QUÊ MẸ) – Bà Nam tước Catherine Ashton, Đại diện tối cao của Liên Âu về Đối ngoại và Chính sách an ninh, vừa tuyên bố mối quan tâm của Liên Âu về những vi phạm tự do tôn giáo và tín ngưỡng tại Việt Nam, đặc biệt “sự lạc điệu hiển nhiên giữa những thông tin do chính quyền Việt Nam cung cấp với thực tại trước mắt”.
Trong cuộc hoạt động nhiều tháng qua tại Liên Âu và Quốc hội Châu Âu, cơ sở Quê Mẹ và Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam đã cung cấp những tư liệu chính yếu cùng nhân chứng về cuộc đàn áp tôn giáo nói chung, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) nói riêng, và đàn áp các bloggers cùng công dân mạng trong sự hạn chế và kiểm soát gắt gao Internet.
Trong lời tuyên bố nghiêm trọng gần đây Bà Nam tước Catherine Ashton, đặc biệt quan tâm đến trường hợp Đức Tăng Thống GHPGVNTN Thích Quảng Độ, mà Liên Âu đã nêu lên hai lần qua cuộc Đối thoại Nhân quyền Liên Âu – Việt Nam tại Hà Nội tháng Giêng 2012, và tại Brussels tháng 10 năm 2012. Bà nói :
“Trong hai cuộc Đối thoại Nhân quyền vừa qua Liên Âu được thông tin là Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ không còn bị quản chế và được tự do gặp gỡ bất cứ ai và bất cứ lúc nào. Năm ngoái, Đức Tăng Thống đã tiếp kiến hai vị Đại sứ Úc Đại Lợi và Hoa Kỳ, và hai vị đều xác nhận là Đức Tăng Thống vẫn tiếp tục bị quản chế”.
Bà Ashton bảo đảm là Liên Âu sẽ “tiếp tục thúc đẩy cho việc trả tự do cho những ai bị cầm tù, bị giam cầm hay bị sách nhiễu vì lý do tôn giáo hay tín ngưỡng” thông qua các cuộc Đối thoại Nhân quyền hay các cuộc gặp gỡ đôi bên, cho đến khi “trường hợp Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ được giải quyết trong bối cảnh lạc điệu hiển nhiên giữa những thông tin do chính quyền Việt Nam cung cấp với thực tại trước mắt”.
Đại diện tối cao của Liên Âu, bà Catherine Ashton cũng cho biết rằng tự do tôn giáo là “yếu tố chủ đạo” cho chính sách của Liên Âu. Bà cũng lấy làm tiếc cho sự kiện Việt Nam chấp nhận lời kêu gọi của Liên Âu mời Báo cáo viên LHQ Đặc nhiệm Tự do tôn giáo đến thăm Việt Nam, thế nhưng cho đến nay vẫn chưa ấn định rõ ràng thời điểm cho cuộc viếng thăm này. Bà nói tiếp “Liên Âu muốn nêu lại vấn đề viếng thăm Việt Nam của Báo cáo viên LHQ Đặc nhiệm Tự do tôn giáo nếu việc chấp nhận không được thể hiện cụ thể”. Bà Catherine Ashton còn cho biết Liên Âu đang xem xét và phân tích Nghị định 92 về tôn giáo hiện đang bị tranh cãi vì áp đặt những kiểm soát khắc khe về các hoạt động tôn giáo, và sẽ nêu vấn đề này trong cuộc Đối thoại nhân quyền Liên Âu – Việt Nam sắp tới.
Một sự kiện hiếm hoi và mới mẻ, là Bà Catherine Ashton đã công khai hồi đáp như trên câu chất vấn của Dân biểu Quốc hội Châu Âu Ramon Tremosa I Balcells thuộc Liên minh Dân chủ và Tự do Châu Âu (ALDE) khi ông cho biết : “Tôi rất lo âu khi nhận được nhiều phúc trình “báo động tình trạng vi phạm tự do tôn giáo tại Việt Nam”, cũng như việc chính quyền Việt Nam cho “công an tăng cường các cuộc sách nhiễu, hăm dọa, kiểm soát và bắt giam những tín đồ tôn giáo, cũng như thông qua những điều luật mới nhằm kiểm soát và hạn chế các hoạt động tôn giáo”.
Ông cũng chất vấn Liên Âu sử dụng biện pháp gì để đòi trả tự do cho Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ và những tù nhân tôn giáo. Dân biểu Tremosa chất vấn rằng : “Chúng tôi ca ngợi Ban Đối ngoại của Châu Âu cam kết bảo vệ Tự do tôn giáo với dự án hoàn thành bức Cẩm Nang cho Tự do tôn giáo và tín ngưỡng cũng như thiết lập Nhóm hoạt động của Quốc hội Châu Âu cho Tự do tôn giáo và tín ngưỡng. Tuy nhiên sự cam kết này chẳng có ý nghĩa gì nếu không thể hiện trong thực tế sự hậu thuẫn tự do cho những ai đang bị cấm cố vì đức tin của họ”.
Trong tháng 5 này, Cẩm Nang cho Tự do tôn giáo và tín ngưỡng sẽ được Liên Âu ban hành. Đây là công tác dài hơi mà cơ sở Quê Mẹ đã thúc đẩy và cũng là thành viên sáng lập năm 2005 Tổ chức EPRID (European Platform on Religious Intolerance and Discrimination – Cương lĩnh Âu châu chống Bất bao dung và Kỳ thị Tôn giáo) bao gồm đại diện các tôn giáo lớn như Bahai, Do Thái giáo, Phật giáo, Thiên chúa giáo, Tin Lành. Hiện nay bà Penelope Faulkner, Phó chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, đại diện cho Phật giáo là một trong ba Ủy viên Ban Thường vụ Quốc tế của EPRID, là tổ chức soạn thảo và ban hành “Cẩm Nang cho Tự do tôn giáo và tín ngưỡng” của Liên Âu.