Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam đã đến thủ đô Bruxelles, Bỉ, để gặp Thủ tướng Bỉ và tiếp xúc với Liên hiệp Âu châu trong hai ngày 10 và 11.3.2004.
Khi đến Bỉ, thì Quốc hội Âu châu không một bóng người, vì tuần lễ này tất cả các vị Dân biểu của Quốc hội đang họp ở trụ sở thứ hai ở Strasbourg, miền Ðông bắc nước Pháp. Nhờ vậy mà Tổng bí thư Ðảng Cộng sản Việt Nam không gặp phải sự phản đối của Quốc hội Âu châu trước tình trạng đàn áp nhân quyền và tôn giáo tại Việt Nam. Riêng năm ngoái, liên tiếp hai lần Quốc hội Âu châu đã lên tiếng tố cáo. Ngày 15.5.2003, Quốc hội Âu châu ra Quyết Nghị tố cáo Hà Nội vi phạm quyền tự do ngôn luận, sáu tháng sau đấy, ngày 20.11.2003 Quốc hội Âu châu lại ra Quyết nghị hậu thuẫn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và yêu sách cho tự do tôn giáo tại Việt Nam.
Tuy nhiên, vào lúc 17 giờ 30 chiều ngày 11.3.2004, ông Romano Prodi, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, đã tiếp ông Nông Ðức Mạnh.
Nhưng trước cuộc tiếp xúc này, ông Romano Prodi đã nhận được bức thư của ông Võ Văn Ái, nhân danh Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam kiêm Phó chủ tịch Liên Ðoàn Quốc tế Nhân quyền, nói lên tình trạng vi phạm nhân quyền trầm trọng tại Việt Nam và yêu cầu ông Prodi can thiệp trong cuộc gặp gỡ. Ông Ái nhấn mạnh sự kiện Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam “không thể tồn tại nếu Liên hiệp Âu châu ngưng cuộc viện trợ tài chính khổng lồ”, nên yêu cầu ông Chủ tịch Ủy ban Châu Âu can thiệp trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho ba nhà ly khai nổi danh : Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ và ông Phạm Quế Dương.
Yêu sách trên đây đã được 7 Dân biểu Quốc hội Âu châu thuộc hai đảng Xã hội và Cấp tiến Liên quốc hỗ trợ qua những khẩn điện đánh đi từ Strasbourg gửi ông Romano Prodi. Ðó là các ông bà Dân biểu Paulo Casaca, Marco Pannella, Emma Bonino, Marco Cappato, Benedetto Della Vedova, Olivier Dupuis và Maurizio Turco.
Trong thư yêu sách, ông Võ Văn Ái nhắc lại Hiệp định hợp tác kinh tế giữa Liên hiệp Âu châu và Việt Nam ký kết năm 1995 đặt quan hệ trên sự tôn trọng nhân quyền và những nguyên tắc dân chủ. Thế nhưng thực tại Việt Nam cho thấy nhà cầm quyền Hà Nội không ngừng đàn áp quy mô quyền con người. Chẳng hạn như “tháng 10 vừa qua, nhà cầm quyền Việt Nam đã mở chiến dịch đàn áp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất một cách thô bạo, nhằm tiêu diệt một Giáo hội dân lập có truyền thống hai nghìn năm”. Kể từ đó, Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang (86 tuổi) và Hòa thượng Thích Quảng Ðộ (75 tuổi) vốn đã trải qua hơn hai mươi năm tù tội, nay bị cấm cố không lý do, không xét xử tại Tu viện Nguyên Thiều, tỉnh Bình Ðịnh, và Thanh Minh Thiền viện ở Saigon.
Bức thư cũng khẩn báo trường hợp cựu Ðại tá Quân đội Nhân dân Phạm Quế Dương (73 tuổi), nhà báo và sử gia tiếng tăm, bị bắt cuối năm 2002 vì không ngừng lên tiếng vận động cho công cuộc cải tổ chính trị, nhân quyền, dân chủ. Ðầu tháng 2 vừa qua, nhà cầm quyền loan tin sẽ đưa ông ra xét xử với tội danh “gián điệp”, “báo hiệu một phiên tòa giả trá, bất công, vi phạm những luật tắc sơ đẳng về quyền biện hộ và bào chữa, bất xứng đối với một quốc gia đối tác của Liên hiệp Âu châu”. Vì trong thực tế, ông Phạm Quế Dương chỉ hành xử các quyền cơ bản quy định trong bản Hiến pháp Việt Nam, thế mà nay ông có nguy cơ lĩnh một bản án 12 năm tù, hoặc chung thân, nếu không là tử hình, chiếu theo điều 80 của Bộ luật hình sự.
Văn phòng ông Romano Prodi cho biết ông Chủ tịch Ủy ban Châu Âu đã tiếp nhận bức thư của ông Võ Văn Ái trước khi tiếp kiến Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam.