Hội nghị Quốc tế – Diễn đàn Thế giới Dân chủ hóa Châu Á vừa kết thúc tại thủ đô Ðài Bắc ở Ðài Loan. Hội nghị đã đồng thanh biểu quyết đưa vào Quyết nghị 3 điểm hậu thuẫn cho dân chủ Việt Nam :
Ðây là lần đầu tiên có sự tập họp đông đảo các phong trào đấu tranh cho dân chủ châu Á trên đảo lục này : 30 đại biểu đến từ 16 quốc gia như Mã Lai, Miến Ðiện, Nhật bản, Phi Luật Tân, Singapore, Tây Tạng, Thái Lan, Trung quốc, Việt Nam, v.v… Ðề tài hội nghị là Tham luận chiến lược về “Tán trợ công cuộc dân chủ hóa các xã hội chuyên chế ở châu Á”. Hội nghị do Qũy Dân chủ Ðài Loan (Ðài Loan Dân chủ Cơ kim hội) tổ chức. Qũy Dân chủ Ðài Loan tập họp những nhà dân chủ bằng hữu của Tổng thống Trần Thủy Biển đấu tranh kiên cường suốt mấy chục năm qua đưa tới chế độ dân chủ cho Ðài Loan hôm nay.1. Trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Bác sĩ Nguyễn Ðan Quế và tất cả tù nhân chính trị bị giam cầm vì lý do biểu tỏ ôn hòa các ý kiến dân chủ và nhân quyền ;
2. Tôn trọng nhân quyền và các quyền dân chủ được ghi trong các Công ước Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam tham gia ký kết, và hủy bỏ tất cả các sắc luật, nghị định nhằm ngăn cấm các quyền tự do cơ bản nói trên, như Nghị định 31/CP cho phép quản chế hành chính không thông qua tòa án. Một Bạch thư về Cải cách Luật pháp sẽ được phát hành. Bạch thư sẽ gửi đến các nhà tài trợ và các chính phủ đang bảo trợ Việt Nam để họ có đủ các thông tin về thực tại dùng luật đàn áp tại Việt Nam, hầu áp lực cho việc thực hiện “Chiến lược phát triển Luật pháp” được tuân thủ theo tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế ; và
3. Hậu thuẫn “Lời kêu gọi cho Dân chủ Việt Nam” của Hòa thượng Thích Quảng Ðộ. Một chương trình 8 điểm chuyển hóa dân chủ như điểm tụ hội nhân dân Việt Nam thuộc các khuynh hướng chính trị và tôn giáo khác nhau để cùng tham gia tiến trình thay đổi dân chủ.
Trong suốt hai ngày, năm khóa hội thảo tập trung vào năm nhóm quốc gia chuyến chế : Miến Ðiện, Việt Nam và Lào, Tây Tạng và Bhutan, Trung quốc, Bắc Triều Tiên. Về Việt Nam, ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Cơ sở Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt Nam là thuyết trình viên chính.
Trong cuộc tiếp xúc riêng, Giáo sư Ying-mao Kau, Thứ trưởng Ngoại giao của Trung hoa Dân quốc đồng thời là Chủ tịch Qũy Dân chủ Ðài Loan cho chúng tôi biết lý do và mục đích lần tổ chức này :
“Chúng tôi thấy rằng Ðài Loan rất may mắn, trong nghĩa chúng tôi đã vượt qua một giai đoạn dài độc đoán, hầu như một thời kỳ độc tài toàn trị. Trong những thập kỷ vừa qua, chúng tôi đã chuyển hóa chúng tôi để bước vào con đường dân chủ. Vì vậy, bây giờ chúng tôi thực sự vui sướng với những giá trị của dân chủ và nhân quyền, bởi vì những giá trị này chỉ cho chúng tôi thấy mặt trái thê thảm của một quá khứ lịch sử. Ðấy, cũng vì quá sung sướng như thế mà chúng tôi muốn được chia sẻ với mọi người. Và cũng bởi vì còn một số quốc gia vẫn ở trong tình trạng phi dân chủ, hoặc độc đoán, hay ngay cả độc tài toàn trị. Cho nên chúng tôi nghĩ đến nghĩa vụ tinh thần của chúng tôi là phải tham gia đóng góp phần mình làm thăng tiến dân chủ và nhân quyền cho thế giới thiện hảo hơn trong thế kỷ 21 này. Ðây chính là căn bản của niềm tin tinh thần chúng tôi.
“Chúng tôi cũng rất may mắn được chính phủ, quốc hội và nhân dân chúng tôi hỗ trợ ý kiến này. Mặc khác, chúng tôi học hỏi cách làm việc xây dựng dân chủ từ các tổ chức khác trong thế giới, như Qũy Dân chủ Quốc gia tại Hoa Kỳ (NED), Qũy Westminster ở Anh quốc cũng như Qũy của các Ðảng chính trị ở Ðức. Tất cả đó là gương mẫu cho chúng tôi noi theo.
“Biết bao quốc gia ở châu Á còn trong tình trạng phi dân chủ. Nếu chúng ta có thể đoàn ngũ hóa các lực lượng dân chủ nhằm mục tiêu dân chủ hóa châu Á, đó là điều cần thiết. Dù sao đi nữa, chúng ta là dân châu Á, đặt trọng tâm cho một công tác châu Á nào đó là điều hợp tình hợp lý thôi”.
Quốc hội, Chính phủ Trung Hoa Dân quốc và nhân dân Ðài Loan đã hỗ trợ cho hội nghị nhằm dân chủ hóa châu Á, theo lời giải thích của Giáo sư Ying-mao Kau :
“Chính phủ Ðài Loan và toàn dân hậu thuẫn chúng tôi, do sự kiện Quốc hội tài trợ cho qũy hoạt động của chúng tôi. Quốc hội chúng tôi là một quốc hội đa đảng, một hệ thống tập trung tiếng nói của nhiều đảng phái. Cho nên, nếu toàn dân không ủng hộ chúng tôi, thì khó mà thông qua một dự án cho tiến trình dân chủ. Ðương nhiên là hiện nay Chính phủ do Ðảng Dân chủ Tân tiến điều hành, một chính đảng ra đời trong cuộc đấu tranh chống chế độ độc đoán trước đây. Cho nên chính phủ ủng hộ toàn tâm cho phong trào của chúng tôi”.
Cũng trong cuộc nói chuyện riêng này, Giáo sư Ying-mao Kau gửi lời thông điệp thân ái đến các nhà dân chủ Việt Nam đang đấu tranh ở trong nước :
“Chúng ta hãy giữ vững niềm tin, kiên quyết và kiên trì. Trường hợp ở Ðài Loan, chúng tôi đã chuyển hoá dân chủ bằng con đường ôn hòa. Ôn hòa nhưng tất nhiên là phong trào đối lập cho dân chủ của chúng tôi đã rất quyết liệt và kiên cố. Các bạn chỉ thành công khi giữ vững niềm tin và kiên trì, bởi vì công cuộc dân chủ hóa không thể đến một sớm một chiều. Các bạn cần quyết liệt dài lâu và trường kỳ đấu tranh”.
Trong hai ngày 16 và 17.12.2004, Hội nghị Quốc tế – Diễn đàn Thế giới Dân chủ hóa châu Á họp dưới chủ đề “Tán trợ công cuộc dân chủ hóa các xã hội chuyên chế ở châu Á” (tiếng Hán là Á châu chuyên chế xã hội dân chủ thâm hóa). Nguyên trong khóa hội thảo về châu Á do ông Võ Văn Ái làm chủ tọa tại “Ðại hội Phong trào Dân chủ Toàn cầu” ở Durban, Nam Phi châu, hồi tháng 2 đầu năm nay, 2004 (với gần 700 đại biểu thuộc 122 quốc gia trên năm châu về phó hội), ông Ái đề xuất sự cần thiết tập họp và liên kết các phong trào dân chủ châu Á để phá vỡ sự đóng kín của các xã hội chuyên chế. Hội nghị Ðài Bắc hôm nay là kết quả của đề xuất đó. Ban tổ chức mời Cơ sở Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt Nam do ông Võ Văn Ái và chị Ỷ Lan cầm đầu, và bác sĩ Nguyễn Quốc Quân là bào huynh của bác sĩ Nguyễn Ðan Quế. Bác sĩ Quân có việc không đến được nên giới thiệu ông Nguyễn Thanh Trang thuộc Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam ở California đi thay.
Tại khóa hội thảo Việt Nam và Lào do chị Ỷ Lan làm chủ tọa, ông Ái là thuyết trình viên chính cho Việt Nam về đề tài “Tán trợ dân chủ hóa các xã hội chuyên chế ở châu Á : Trường hợp Việt Nam”. Bài thuyết trình dài 9 trang đã được Ban tổ chức in vào văn kiện hội nghị và phân phát cho các đại biểu. Ðại ý, ông Võ Văn Ái đưa ra 5 ví dụ cho thấy Việt Nam là một xã hội chuyên chế : thứ nhất, nói về lý thuyết thì công cuộc phát triển kinh tế ngày nay chủ xúy : “Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, là điều trái chống với mọi lý thuyết kinh tế tân tiến ; thứ hai, bà Tôn Nữ Thị Ninh, người tuyên truyền chế độ, công bố tại thượng đỉnh ASEM ở Hà Nội tháng 10 vừa qua, rằng “Chúng tôi bảo vệ quyền thiểu số để xây dựng dân chủ với hệ thống độc đảng”. Một minh xác hết sức trầm trọng, vì rằng thiểu số 2 triệu 6 đảng viên có toàn quyền thống trị trên 81 triệu dân ; thứ ba, là việc ngăn chận Hòa thượng Thích Quảng Ðộ đi thăm Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang lâm trọng bệnh ở bệnh viện Quy Nhơn hồi cuối tháng 11 vừa qua, một hành động phi đạo lý và bất cận nhân tình ; thứ tư là, không riêng công dân Việt Nam bị cấm đoán đi lại mà ngay viên chức ngoại giao quốc tế cũng bị ngăn cản. Như trường hợp nữ dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ Loretta Sanchez muốn đến Việt Nam bàn thảo với Nhà cầm quyền Hà Nội về vấn đề an ninh trong vùng, vấn đề thương mại và nhân quyền thượng tuần tháng 12 này. Nhưng Hà Nội từ chối cấp chiếu khán với lý do bà Sanchez “thiếu khách quan và thiện chí với Việt Nam”, do 2 chuyến viếng thăm lần trước bà đã gặp gỡ các nhà ly khai Việt Nam ; thứ năm, là lá thư của Ðại tướng Anh hùng Ðiện Biên Võ Nguyên Giáp gửi Trung ương Ðảng tháng Giêng đầu năm nay cho thấy các lĩnh vực kinh tế, khoa học, giáo dục, đạo đức, an ninh, quốc phòng, tham nhũng, v.v… đang tuột xuống vực sâu. Nhận định về kinh tế, ông Giáp nói : “Phải thấy rằng, đến năm 2020, nước ta vẫn còn là một nước kém phát triển ngay trong nhóm các nước ASEAN, vẫn còn thua Thái Lan khoảng 20 năm về chỉ tiêu GDP tính theo đầu người !”
Ông Giáp cũng đề cập đến vụ án siêu nghiêm trọng của Tổng cục 2, là bộ phận tình báo thuộc bộ quốc phòng, nhưng lại hoạt động trên toàn quốc và ở nước ngoài với toàn quyền sinh sát, tra tấn, khủng bố, giả tạo tài liệu để vu cáo, bôi nhọ đảng viên cao cấp, thảm sát các đồng chí đảng viên Ðảng bạn Kampuchia. Ðảng viên với nhau mà họ còn ung dung làm như thế từ 30 năm qua, thì thử hỏi đối với toàn dân Việt Nam, có gì mà Ðảng cộng sản không làm để đàn áp, khủng bố, giết chóc, tù đày, bôi nhọ hay vu cáo ?
Ông Võ Văn Ái cũng trình bày các nỗ lực của những phong trào đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo trong nước. Ông đặc biệt nhấn mạnh đến các phong trào tôn giáo, trong có Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đồng bào Thượng ở Tây nguyên và Thượng du Bắc Việt, Giáo hội Tin Lành Mennonite. Trong một xã hội độc đảng chuyên chính, cấm đối lập, nên không có hoạt động đảng phái, thì các phong trào tôn giáo là những xã hội công dân quan trọng nhất trên lĩnh vực vận động cho nhân quyền và dân chủ, đặc biệt là Phật giáo với truyền thống 2000 năm chủ trương dấn thân xã hội.
Ông Ái nêu cho hội nghị thấy ba chướng ngại ngăn cản dân chủ phát triển tại Việt Nam. Thứ nhất là thiếu thông tin, nói đúng hơn là không có thông tin. Vì truyền thanh, truyền hình và trên 600 tờ báo đều do Ðảng kiểm soát. Thứ hai là đàn áp chính trị, bằng điều luật “an ninh quốc gia” Nhà nước kết tội bất cứ ai không đồng chính kiến với Ðảng là “gián điệp”, như những người sử dụng Internet (cyber-dissidents) chẳng hạn. Tội gián điệp có thể bị tử hình. Mặt khác, là dùng luật để đàn áp. Trong mấy năm qua, Việt Nam đã ban hành đến 13 nghìn sắc luật, nhưng các sắc luật này không thể hiện pháp quyền mà dùng để trị, để phạt, để khủng bố, gọi là pháp trị, hầu kiểm soát nhân dân và bảo vệ Nhà nước độc đảng. Có sự khác nhau rất lớn giữa pháp quyền và pháp trị (rule of law và rule by law). Trong vòng 10 năm tới, Việt Nam khởi động chương trình cải tổ pháp luật gọi là “Chiến lược phát triển Luật pháp”. Liên Hiệp châu Âu, Nhật Bản, Ngân hàng thế giới, v.v… đã viện trợ hàng triệu đô la cho chiến lược này. Nghĩa là viện trợ cho Việt Nam đàn áp dân lành bằng luật pháp, nếu những nhà dân chủ trong thế giới không lên tiếng đòi hỏi cho Chiến lược phát triển luật pháp này tương đồng với các Công ước quốc tế về nhân quyền và các quyền dân sự và chính trị. Chướng ngại thứ ba là đàn áp các tôn giáo nhằm tiêu diệt các xã hội công dân cuối cùng còn sót lại.
Về giải pháp cho dân chủ Việt Nam, ông Võ Văn Ái đưa ra 9 điểm cần được thế giới và các quốc gia châu Á hậu thuẫn. Trong đó có 4 điểm khẩn yếu : Một là áp lực trả tự do cho các tù nhân chính trị ; hai là áp lực để “Chiến lược phát triển luật pháp Việt Nam” tương ứng với các Công ước quốc tế về nhân quyền và các quyền dân sự và chính trị, hủy bỏ tất cả các sắc luật phi dân chủ như Nghị định 31/CP về quản chế hành chính chẳng hạn ; ba là hậu thuẫn cho “Lời kêu gọi cho dân chủ Việt Nam” của Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, một chương trình chính trị gồm 8 điểm nhằm dân chủ hóa ôn hòa xã hội Việt Nam. Dù Hòa thượng không phải là người đầu tiên hay duy nhất kêu gọi cho dân chủ, vì dân chủ là một trào lưu ngày càng dâng cao tại Việt Nam thông qua các giới, từ những người cộng sản cấp tiến, cho đến nhiều cá nhân hay phong trào dân chủ ở phía Nam đất nước. Nhưng Hòa thượng Thích Quảng Ðộ là người đầu tiên đưa ra một “Giải pháp thay thế” qua chương trình 8 điểm hợp với xu thế thời đại nhằm dân chủ hóa Việt Nam. Chương trình này có thể làm điểm hội tụ và xúc tác cho sự tập họp các tư trào dân chủ tại Việt Nam. Và bốn, là thành lập một đài phát thanh châu Á nhằm phát huy nền văn hóa dân chủ. Dân chủ là nền văn hóa mới của nhân loại, cần được giải thích, đả thông, phát huy để tiến tới công cuộc “Dân chủ hóa toàn cầu”. Dân chủ không thể chỉ là phản ứng, tố cáo, diễn văn hoan hô đả đảo, mà là những thiết chế dựng lên để thăng tiến các xã hội công dân và bảo đảm cho người dân được làm chủ vận mệnh mình và vận mệnh đất nước. Nền văn hóa dân chủ do vậy cần được phát huy qua một Ðài phát thanh cho các dân tộc bị áp bức, không tiếng nói và không được thông tin.