Liền khi được thông báo Việt Nam bị liệt kê vào danh sách các quốc gia cần đặc biệt quan tâm vì chính sách đàn áp tôn giáo, ông Võ Văn Ái, Giám đốc Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế là cơ quan thông tin và phát ngôn của Viện Hóa Ðạo, đã lên tiếng hoan nghênh với giới báo chí quốc tế tại Paris chiều ngày 15.9 rằng : “Liệt kê Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần đặt biệt quan tâm (CPC) là một bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ tự do tôn giáo tại Việt Nam. Từ ba thập niên qua, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam không ngừng đàn áp các tôn giáo mà chẳng sợ ai tố cáo hay trừng phạt. Hôm nay Việt Nam đã vào danh sách đen các nước đàn áp tôn giáo, và như thế, Chính phủ Hoa Kỳ có thể áp dụng những biện pháp chế tài cụ thể để chống lại những cuộc đàn áp kia và áp lực Hà Nội phải tôn trọng, thực thi các nghĩa vụ quốc tế mà Hà Nội đã ký kết trong việc bảo đảm các quyền tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng và tự do tôn giáo tại Việt Nam”.
Trong cuộc họp báo ở Hoa Thịnh Ðốn hôm nay (15.9), Ngoại trưởng Hoa Kỳ Colin L. Powell công bố một danh sách 8 quốc gia trong thế giới cần đặc biệt quan tâm (Countries of particular concern, CPC) vì lý do đàn áp tôn giáo không ngừng tại các nước này. Việt Nam cộng sản bị liệt chung với Arabie Saoudite, Erythrée, Miến Ðiện, Trung quốc, Iran, Bắc Triều tiên và Soudan, là những nước “vi phạm nghiêm trọng tự do tôn giáo”. Danh sách này công bố đồng thời với bản Phúc trình về tình hình tự do tôn giáo trong thế giới của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Theo bản phúc trình, thì Việt Nam nằm trong số các quốc gia “dùng các biện pháp độc tài toàn trị hay độc đoán để kiểm soát những hoạt động tín ngưỡng và nghi thức tôn giáo”. Ðây là lần đầu tiên Việt Nam bị liệt kê vào danh sách đen.
Kể từ khi Ðạo luật Tự do Tôn giáo trên toàn Thế giới (International Religious Freedom Act, IRFA) được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua năm 1998, Chính phủ Hoa Kỳ có thể sử dụng các biện pháp chế tài để phản đối những vi phạm tự do tôn giáo đồng thời thăng tiến bao dung tôn giáo trong thế giới đối với các nước bị liệt kê vào danh sách các quốc gia cần đặc biệt quan tâm (CPC). Những biện pháp này đi từ lên tiếng tố cáo công khai đến hạn chế sự đi lại của du khách (Hoa Kỳ), hoặc áp dụng những trừng phạt trên phạm vi kinh tế. Danh sách này do Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo trên Thế giới thường niên đệ trình lên Tổng thống, Bộ Ngoại giao và Quốc hội để phê chuẩn. Ủy hội được thành lập sau khi Ðạo luật Tự do Tôn giáo trên toàn Thế giới ra đời năm 1998. Ủy hội bao gồm những chuyên gia độc lập phụ trách theo dõi, thu thập thông tin về hiện trạng tôn giáo trong thế giới để nghiên cứu, phân tích, trước khi lấy thái độ rồi lập tài liệu trình lên Quốc hội và Chính phủ. Gặp khi tình hình tôn giáo bị đàn áp nghiêm trọng tại một quốc gia nào, thì Ủy hội liền tổ chức những cuộc Ðiều trần tại Quốc hội và mời các đại biểu tôn giáo của quốc gia ấy đến phát biểu. Ðầu năm 2001, Ủy hội đã tổ chức tại Thượng viện ở Hoa Thịnh Ðốn một cuộc Ðiều trần quan trọng về tình hình đàn áp tôn giáo ở Việt Nam với sự tham dự của các đại biểu Phật giáo, Công giáo, Hòa Hảo, và Tin Lành. Dịp đó, ông Võ Văn Ái đã được Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo trên Thế giới mời điều trần về hiện trạng đàn áp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Từ nhiều năm qua, Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế và Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam liên hệ chặt chẽ với Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo trên Thế giới trong việc cung cấp thông tin và bảo vệ tự do tôn giáo. Mấy tháng trước đây, Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế đã hướng dẫn Phái đoàn Văn phòng II Viện Hóa Ðạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ, do Hòa thượng Thích Hộ Giác cầm đầu, đến Hoa Thịnh Ðốn gặp gỡ Tòa Bạch Ốc, Bộ Ngoại giao, Quốc hội, Ðại sứ John Hanford III đặc trách Tự do Tôn giáo trên Thế giới và Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo trên Thế giới để trình bày hiện trạng đàn áp tôn giáo tại Việt Nam nói chung và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất nói riêng. Trong các cuộc tiếp xúc này cũng như nhiều năm trước, Phái đoàn Phật giáo không ngừng đề xuất đưa Việt Nam Cộng sản vào danh sách các quốc gia cần đặc biệt quan tâm như một biện pháp áp lực nhằm thay đổi chính sách đàn áp tôn giáo của Nhà cầm quyền Hà Nội.
Hôm nay, quyết định của Hoa Kỳ xẩy ra thật đúng lúc, nhất là ở vào thời điểm đen tối mà các tôn giáo ở Việt Nam đang phải chịu đựng, đặc biệt là Phật giáo và đồng bào Thượng Tây nguyên.
Mặc dù Thủ tướng Phan Văn Khải trọng vọng đón tiếp Ðức Tăng Thống Thích Huyền Quang tại Hà Nội hôm 2.4.2003. Nhưng sang tháng 10, sau Ðại hội Bất thường của Giáo hội tổ chức ở Tu viện Nguyên Thiều tỉnh Bình Ðịnh, nhà cầm quyền Cộng sản lại đàn áp dữ dội hàng giáo phẩm cao cấp, phong tỏa hằng trăm ngôi chùa. Ðức Tăng Thống Thích Huyền Quang và Hòa thượng Thích Quảng Ðộ bị bắt vì lý do “lưu trữ tài liệu bí mật quốc gia” rồi quản chế hai ngài tại hai ngôi chùa ở Bình Ðịnh và Saigon từ đó đến nay. Hòa thượng Thích Thiện Hạnh và các Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ, Thích Thanh Huyền, Thích Viên Ðịnh, Thích Nguyên Lý, Thích Thái Hòa, Thích Hải Tạng, Ðại đức Thích Ðồng Thọ, v.v… nhận quyết định hoặc khẩu lệnh quản chế 2 năm. Tháng 10.2003, Ðại sứ John Hanford III đến thăm Việt Nam và ngỏ ý muốn vấn an Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, nhưng Hà Nội không chấp nhận.
Tháng 4.2004 trong cuộc biểu tình quy tụ hàng nghìn đồng bào Thượng Tây nguyên đòi tự do tôn giáo và trả lại đất đai của tổ tiên họ bị nhà đương quyền cưỡng chiếm, thì Công an đã đàn áp, đánh đập, bắt bớ hàng trăm người. Tín đồ thuộc các giáo hội không được công nhận, như Tin Lành, Cao Ðài, Hòa Hảo và một số tín hữu Công giáo cũng bị thường trực sách nhiễu, đàn áp, bắt bớ, vì lý do đòi hỏi ôn hòa cho sự tự do hành đạo của họ.