Những tài liệu chống đối Phật giáo trình bày hôm nay rút từ tập “Về tôn giáo và đấu tranh chống hoạt động lợi dụng tôn giáo – Tài liệu tham khảo, Lưu hành nội bộ ngành Công an Nhân dân” do “Viện Khoa học Công an” ở Hà Nội ấn hành với mục tiêu ghi rõ trong “Lời dẫn” như sau :
“Ðể giúp các đồng chí lãnh đạo công an các cấp, các cán bộ, chiến sĩ trực tiếp, gián tiếp tham gia cuộc đấu tranh này (tức cuộc đấu tranh chống tôn giáo), các cán bộ nghiên cứu, giảng dạy có tài liệu tham khảo”. Rõ ra, là để giáo huấn và chỉ đạo công tác tôn giáo cho công an các cấp và bộ đội hoạt động trong vùng tôn giáo. Ấn hành một triệu bản, mỗi bản đánh số riêng để kiểm soát việc thất thoát ra ngoài, khiến chúng ta quan tâm đặc biệt.
Tập tài liệu nói trên dày 602 trang chia làm hai phần : phần 1 gồm những bài kinh điển Mác Lê chống tôn giáo, nhằm giáo dục công an trên phạm vi lý thuyết. Phần 2 gồm những bài đề ra đối sách chống các tôn giáo không chịu thần phục làm khuyển mã cho Ðảng cộng sản, được gọi chung qua nhóm từ “bọn phản động lợi dụng tôn giáo”. Nghịch lý từ căn bản ! Vì ai chẳng rõ Ðảng cộng sản đang triệt để lợi dụng tôn giáo, biến đời sống linh thiêng của tôn giáo thành công cụ chính trị phục vụ cho ý thức hệ ngoại lai cộng sản hủy hoại thần trí Việt Nam ?
Dù rằng người Phật tử nói riêng, người Việt dân tộc nói chung, bác bỏ luận điểm chống tôn giáo của Ðảng cộng sản và Nhà nước trình bày qua tập tài liệu. Vì luận điểm ấy chối bỏ tư tưởng và truyền thống văn hóa Việt Nam. Nhưng “biết người biết ta”, nên cần phải đọc để hiểu rõ chính sách và chủ trương hiện hành trong âm mưu truy diệt Phật giáo.
Là thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, lại càng phải lưu tâm nghiên cứu các bài viết này, để hiểu rõ vì sao gần 30 năm qua hàng lãnh đạo Giáo hội bị bắt bớ, thảm sát, tù đày, quản chế, vì sao thân đơn thế cô các ngài vẫn kiên cường vận động cho tự do tôn giáo và phục hồi quyền sinh hoạt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Không phải vì lý do chính trị, hay “làm chính trị”, như những miệng lưỡi độc hại vu khống, mà chỉ là bản năng tự vệ của giáo hội để bảo toàn Chánh pháp, y như phản ứng tự cường của chư lịch đại Tổ sư trong quá khứ hai nghìn năm.
Các bài viết này là chứng cứ hùng hồn về chủ trương và chính sách truy diệt Phật giáo thông qua giáo hội truyền thống và dân lập của nó là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Ðể không rơi vào bẫy sập ngôn từ và lý luận hồ đồ, ma giáo qua những bài viết của Viện Khoa học Công an Hà Nội, xin bạn đọc lưu tâm các trọng điểm sau đây :
1. Các bài viết thường nhắc nhở cơ quan chức năng cộng sản phải bảo đảm chính sách pháp luật, kỷ cương phép nước, hiến pháp… Thế nhưng, tất cả những cái gọi là hiến pháp, kỷ cương pháp luật ấy thiết lập theo ý thức hệ Mác Lê chống kích tôn giáo được trình bày trong phần 1 của tập tài liệu qua những tiêu đề giáo huấn : “Tôn giáo một thế giới quan giả dối” (tr.1, Về tôn giáo và đấu tranh chống hoạt động lợi dụng tôn giáo), “Tôn giáo, một sự phản ánh không đúng hiện thực trong ý thức con người” (tr. 2, sđd), “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân” (tr. 5, sđd), “Ðấu tranh triệt để với tôn giáo là một nhiệm vụ của giai cấp vô sản” (tr. 11, sđd). Cho nên, tôn giáo phải tự diệt trong lòng chiếc bánh vẽ mang tên Hiến pháp, Pháp luật ngày nay.
2. Từ chủ trương tiêu diệt Phật giáo nói trên, Ðảng và Bộ Công an hư cấu ra hai hình ảnh không hề có trong nền Phật giáo dân tộc. Một là “xóa bỏ các tổ chức Phật giáo được lập ra dưới thời Mỹ-Ngụy” (tr. 504, sđd) ; hai là “bọn phản động lợi dụng đạo Phật” hay “bọn phản động Phật giáo Ấn Quang” là đối tượng các bài viết. Cần nói ngay, không hề có một tổ chức Phật giáo nào được lập ra dưới thời “Mỹ-Ngụy”. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là giáo hội dân lập kế thừa một truyền thống kéo dài hai nghìn năm. Dưới thời Pháp thuộc, trổi dậy thành phong trào Chấn hưng sinh động vào những năm 1920. Từ đó tiến lên thống nhất Phật giáo toàn quốc, Bắc Nam Trung, vào năm 1951 dưới danh xưng Tổng hội Phật giáo Việt Nam. Dụ số 10 thời Pháp thuộc chỉ cho phép Phật giáo lập hội, không được sinh hoạt như một giáo hội tôn giáo. Sau cuộc đấu tranh chống kỳ thị tôn giáo thành công, Dụ số 10 bị hũy bỏ năm 1964, thì danh xưng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất mới được xuất hiện. Còn “bọn phản động” mà Ðảng và Nhà nước tố cáo chỉ là những Phật tử thuần thành trong Cộng đồng Phật giáo dân tộc chẳng chịu cúi thân làm khuyển mã cho độc tài chính trị.
3. Ðảng và Nhà nước đề cao công cuộc thống nhất Phật giáo do Ðảng chỉ đạo năm 1981 qua suốt tập tài liệu. Nhưng tuyệt nhiên không hề đả động đến ý thức tôn giáo, ý kiến của hàng giáo phẩm tôn giáo bất kể từ hệ phái nào. Trái lại, chỉ nhắc nhở liên hồi các Chỉ thị của Ðảng, Nghị quyết của chính phủ, sự điều động của ban Dân vận, Mặt trận hay Công an theo sách lược “vừa đánh vừa kéo”. “Vừa đánh” là sử dụng trấn áp, khủng bố, bắt, giết, quản chế… ; “vừa kéo” là dụ dỗ bằng món mồi lợi dưỡng hay hăm dọa. “Vừa đánh” nên bức tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, một giáo hội dân lập và truyền thống có quá trình lịch sử hai nghìn năm. “Vừa kéo” bằng cách thiết lập tập đoàn công cụ gọi là Giáo hội Phật giáo Việt Nam, mà nhân dân gọi tắt là Phật giáo Nhà nước hay Phật giáo Quốc doanh. Dù là con thừa tự của chế độ, nhưng chế độ chẳng mấy hài lòng. Hãy nghe các cán bộ Nhà nước nhận định : “Số cao tăng Phật giáo Ấn Quang tham gia Giáo hội Phật giáo hiện nay (HT Thích Trí Tịnh, HT Thích Thiện Siêu, HT Thích Minh Châu, Thượng tọa Thích Trí Quảng…). Nói chung họ có tư tưởng, thái độ tốt, nhưng có nhiều tâm trạng khác nhau. Trước đây, họ không có vị trí ảnh hưởng trong Phật giáo Ấn Quang. Hiện nay là lãnh đạo giáo hội mới nên nằm trong thế e ngại không dám đấu tranh, nên không phát huy được vai trò lãnh đạo của trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, không đủ uy tín và tầm cỡ để tập hợp giáo hội đấu tranh nên ngày càng dựa vào Nhà nước, do đó uy tín càng bị giảm” (tr. 513, sđd). “Ðề nghị Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ xem xét lại thực chất cơ cấu tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay đã thật sự đại diện cho toàn thể Phật giáo Việt Nam chưa ?” (tr. 515, sđd).
4. Ðối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thì cố ý gọi tắt thành “Phật giáo Ấn Quang”, “Phái Ấn Quang” hay “Giáo hội Ấn Quang”. Nhằm hai mục đích : làm cho quần chúng quên dần danh xưng chính yếu của Phật giáo, đây là thủ thuật trước giết danh xưng sau giết sinh mệnh tổ chức. Hai là làm cho nhỏ đi, thứ yếu, cục bộ một tổ chức khổng lồ. Bởi vì dù chống đến đâu, các bài viết đều phải công nhận sự thực khách quan : “Thực sự phải thừa nhận chỉ có hệ phái Ấn Quang là tổ chức tập hợp được lực lượng đông đảo” (tr. 512, sđd), “Một số địa bàn trọng điểm về Phật giáo, tăng ni của phái Ấn Quang vẫn chiếm tỷ lệ lớn và giữ vai trò chủ đạo trong các hoạt động phật sự. Vì thế hiện nay trên thực tế, thế và lực của Phật giáo Ấn Quang vẫn chiếm ưu thế” (tr. 543, sđd).
Trên đây là nội dung chính sách qua các bài viết, mà người đọc chỉ gặp gỡ thường xuyên lối hành xử “trấn áp”, “cô lập”, “phân hóa”… chẳng thấy đâu ý niệm tôn trọng tín ngưỡng hay bảo đảm các quyền tự do cơ bản. Còn hình thức văn bài bộc lộ sự sa sút về lễ độ và giáo dục, qua cung cách gọi trổng tên chư vị cao tăng Phật giáo “Ðôn Hậu, Trí Thủ, Thiện Siêu, Huyền Quang, Quảng Ðộ, v.v… (xem tr. 505, sđd). Ngoài đời gặp gỡ nhau người ta gọi ngài, ông, bà, anh, chị, chú, bác…, với các nhà tôn giáo người ta xưng tôn vị Hòa thượng, Thượng tọa, Linh mục, Mục sư… Chẳng ai gọi xách mé bằng tên bao giờ. Với tác phong thiếu lễ độ và khinh người như thế, làm sao có chính sách tôn giáo và nhân quyền đúng đắn ?
Các tài liệu đánh phá Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cùng hàng giáo phẩm cao cấp trong tập tài liệu của Viện Khoa học Công an ở Hà Nội dài và nhiều. Chúng tôi chọn đăng một số bài tiêu biểu của các ông Trần Tư, Lê Ðức Hùng, Nguyễn Ðức Khiêm, và bài viết của ông Lê Ðình Luyện về tổ chức Gia Ðình Phật tử, nhân dịp Ðại hội Khoáng đại kỳ III Gíao hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ – Văn phòng II Viện Hóa Ðạo. Những đoạn có gạch chân hay chữ đậm là do chúng tôi nhấn mạnh để lưu tâm bạn đọc. Ngoài ra, các đoạn chữ nghiêng, hệ thống không viết chữ hoa hay một vài lỗi chính tả trong nguyên bản, thì chúng tôi giữ nguyên như bản chính.
Ba điểm nổi bật của các tài liệu này : Một là quyết tâm tiêu diệt Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Hai là mặc cảm của Ðảng và Nhà nước trước kiến thức, uy tín trong và ngoài nước của hàng lãnh đạo Giáo hội ta, như khi họ nhận định : “Phần lớn các cao tăng lãnh đạo phái này là những người có trình độ phật pháp cao, có phạm vi và mức độ ảnh hưởng tương đối rộng rãi trong tín đồ phật tử. Nhiều người trong số họ có tài tổ chức, giỏi công việc hành chính, có bản lĩnh và kinh nghiệm hoạt động chính trị”. Nhưng lại quyết tâm đánh phá, truy diệt các ngài, để tôn dùng những người chưa đủ đức độ hay uy tín. Ba là biết rõ “điều kiện kinh tế hiện nay còn khó khăn, giá trị đạo đức bị coi nhẹ, suy thoái, các tiêu cực, tệ nạn tác động ngày càng nhiều, trong khi các đoàn thể thanh, thiếu niên của ta (tức của Ðảng và Nhà nước) chưa đáp ứng được nhu cầu nội dung sinh hoạt hướng nghiệp” (tr. 541, sđd), nhưng vẫn tìm cách ngăn cấm sự phát triển hoạt động đạo đức của thế hệ trẻ qua phong trào Gia Ðình Phật tử, hoặc “chủ động hướng lái các hoạt động GÐPT” theo đề cương Ðảng và chính quyền.
Một điều mà Ðảng và Nhà nước vô cùng quan ngại, lo sợ, như họ viết ở trang 546, sđd : “Chủ động đề phòng với hoạt động “thanh tra về nhân quyền”, “đòi tiếp xúc gặp gỡ các nhân vật trong tôn giáo…”, của một số nước phương Tây”. Nên Ðảng chỉ thị “Mở đợt tấn công đối ngoại” nhằm “cô lập” và “phân hóa” Cộng đồng tị nạn ở hải ngoại (tr. 516, sđd).
Mong ước qua chứng cứ và chủ trương tiêu diệt Phật giáo này, chư Tôn đức Tăng Ni và quý Ðại biểu Cư sĩ cảm nghiệm sâu xa hơn với nỗi an nguy của Giáo hội và đồng bào Phật tử trong nước để quyết tâm, qua Ðại hội này, vận dụng mạnh mẽ hơn công luận thế giới trong công cuộc giải trừ Pháp nạn và Quốc nạn.
Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế