GENEVE – Khóa họp thường niên lần thứ 61 của Ủy hội Nhân quyền LHQ đang diễn ra tại Ðiện Quốc liên ở Genève cho đến ngày 22.4.2005, quy tụ đại diện 164 quốc gia ở cấp ngoại trưởng và 149 tổ chức phi chính phủ có quy chế tham vấn tại LHQ. Tổng cộng gần 2500 đại biểu phó hội
Là khóa họp ở cấp ngoại trưởng các quốc gia, nên những vấn đề vi phạm nhân quyền trong thế giới được đặc biệt quan tâm. Chính sự quan tâm này, mà dư luận phát biểu tại hội trường phân đôi thành hai quan điểm. Phía các quốc gia thành viên thuộc các nước độc tài, chuyên chế, quân phiệt yêu sách chỉ nên chú tâm đến vấn đề xã hội, phát triển kinh tế và văn hóa, thay vì quá đi sâu vào các quyền dân sự và chính trị được Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của LHQ bảo đảm. Một yêu sách khác của các nước độc tài này là giới hạn tối đa quyền phát biểu của các tổ chức Phi chính phủ có quy chế tham vấn tại LHQ. Việt Nam ở trong nhóm các nước độc tài này.
Bài phát biểu của ông Ðào Việt Trung, Trưởng Phái đoàn Hà Nội, đã thu tóm chủ trương nói trên. Ðịnh nghĩa về nhân quyền mà ông Trung đưa ra không còn là quyền con người cho mỗi cá nhân, mà là một tập thể mơ hồ : “Ðối với Việt Nam, tôn trọng nhân quyền vừa là một mục tiêu vừa là một động cơ xây dựng đất nước. Tất cả mọi chọn lựa và đường hướng chính trị của Việt Nam đều nhắm đến mục tiêu : dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Về những đề nghị cải cách khóa họp Nhân quyền thường niên của LHQ, thì ông Trung yêu cầu Ủy hội Nhân quyền LHQ làm sao cho “cân bằng”, “tránh mọi khuynh hướng chính trị hóa” nhân quyền. Ông chỉ trích Ủy hội Nhân quyền LHQ “quá tập trung trên các quyền dân sự và chính trị, nhưng lại xem nhẹ các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội và phát triển”. Theo ông Trung, thì khóa họp thường niên của Ủy hội Nhân quyền LHQ “đã bị một số quốc gia và các tổ chức phi chính phủ lợi dụng để biến thành một diễn đàn hay một áp lực chống đối các quốc gia trên đường phát triển”.
Sáng ngày 5.4.2005, trước hội trường LHQ, Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam lên tiếng hai lần về hiện trạng đàn áp nhân quyền và tôn giáo tại Việt Nam. Ông Võ Văn Ái nhân danh Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam, Phó chủ tịch Liên Ðoàn Quốc tế Nhân quyền và đại diện Tổ chức Hành động chung cho Nhân quyền phúc trình về hiện trạng nói trên.
Ông Ái tố cáo một Tài liệu Mật chỉ đạo đàn áp và hủy diệt tôn giáo tại Việt Nam nói chung, và nói riêng thì nhắm biến Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thành “Phật giáo theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Tài liệu Mật dày 602 trang do Viện Khoa học Công an phát hành một triệu bản lưu hành nội bộ nhằm giáo dục và chỉ đạo đường hướng Mác-Lênin cho công an và bộ đội hoạt động trong các vùng tôn giáo, là bằng chứng cho một chính sách tiêu diệt tôn giáo không hề thay đổi suốt mấy mươi năm qua. Một hiện trạng đàn áp hoàn chỉnh, có kế hoạch, điều hành bằng một bộ máy Nhà nước tỏa rộng khắp nơi với mục tiêu duy nhất là hủy hoại sức sống dân tộc, mà tôn giáo đang là những xã hội dân sự còn sót lại.
Hoàn cảnh quản chế khắt khe đối với Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang và Hòa thượng Thích Quảng Ðộ vẫn không thay đổi. Hai ngài không được tự do đi lại, không được tự do hành đạo. Hàng giáo phẩm thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thường xuyên bị sách nhiễu và bắt bớ. Trong thời gian Ủy hội Nhân quyền LHQ họp tại Genève, thì Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam nhận được tin khẩn báo của Thượng tọa Thích Thiện Minh bị hăm dọa đến tính mạng
nếu không chịu chấm dứt liên hệ với các tổ chức nhân quyền quốc tế, tố cáo các vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, tiết lộ điều kiện giam giữ khắt khe trong các nhà tù và trại cải tạo và công bố tên tuổi những tù nhân chính trị còn bị giam giữ. Thượng tọa Thích Thiện Minh vừa được ân xá nhân dịp Tết vừa qua sau 26 năm tù đày.
Thượng tọa Thích Thiện Minh không là trường hợp riêng lẻ. Ở Việt Nam bất cứ ai sử dụng ôn hòa và chính đáng các quyền tự do cơ bản, như tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do báo chí, thì liền bị “bắt bớ tùy tiện, giam cầm tùy tiện, bị công an sách nhiễu, hăm dọa, thẩm vấn thường trực”. Ðiển hình là trường hợp bị quản chế hay bị giam tù của các vị Hoàng Minh Chính, Nguyễn Ðan Quế, Nguyễn Thanh Giang, Hoàng Tiến, Phạm Quế Dương, Trần Khuê, v.v… hay những ai sử dụng thông tin qua Internet như trường hợp các ông Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Khắc Toàn, Nguyễn Vũ Bình…
Trường hợp mới nhất là vụ bắt cóc Ðại đức Thích Viên Phương xẩy ra hôm 29.3.05 ở Saigon. Ðại đức đến vấn an Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tại Thanh Minh Thiền viện, và nhận một băng hình thông điệp gửi Khóa họp Nhân quyền LHQ lần thứ 61 tại Genève. Băng hình ghi lời kêu gọi các đại biểu phó hội LHQ giúp đỡ công cuộc vận động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và nhân dân Việt Nam cho dân chủ đa nguyên để giải quyết bế tắc chính trị, các tệ nạn xã hội và khủng hoảng văn hóa, đạo lý. Nhưng khi Ðại đức Thích Viên Phương vừa rời khỏi Thanh Minh Thiền viện liền bị cảnh sát giao thông lấy cớ xe gắn máy không có kính chiếu hậu chận bắt. Liền đó một toán 20 công an mặc thường phục bắt cóc Ðại đức đưa đi thẩm cung một cách phi pháp. Ðại đức bị thẩm cung hai ngày và công an ép cung bắt Ðại đức phải nhận những tội Ðại đức không hề phạm. Việc bắt cóc và tịch thu băng hình video cùng tất cả vật liệu tùy thân như thế vi phạm các điều khoản tự do được Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của LHQ bảo đảm. Công ước này Việt Nam tham gia ký kết năm 1982.
Ông Ái cũng tố cáo sự lộng hành, tàn sát của Tổng cục 2 theo những tiết lộ của các công thần chế độ như Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, Trung tướng Ðồng Văn Cống, cựu Uỷ viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam Phạm Văn Xô, cựu Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Tài và nhiều nhân vật cộng sản khác nữa.
Theo các tiết lộ nói trên thì Tổng cục 2 ngụy tạo tài liệu giả để vu cáo phe cải tiến trong Ðảng. Như lời tố cáo của Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh : “Tổng cục 2 lộng quyền nghiêm trọng, thao túng nghiêm trọng, phá hoại dân chủ và phá hoại đoàn kết nội bộ, gây chia rẽ và bè phái rất nghiêm trọng trong Ðảng. Tổng cục 2 muốn vu khống ai thì vu khống, muốn trừng trị ai thì bày chuyện trừng trị, muốn gài người vào cơ quan nào thì gài, tổ chức kinh doanh tràn lan, lạm dụng các hoạt động gọi là Tình báo để tiêu tiền, thậm chí tạo ra “cơ sở đặc tình” không có thật để tiêu tiền”.
Ông Ái kết luận rằng : Thay vì ngăn chặn sự lộng hành của Tổng cục 2 đang phá hoại sự thăng tiến và bảo đảm các Quyền con người, thì Nhà nước Việt Nam lại pháp chế hóa Tổng cục 2 bằng Pháp lệnh Tình báo do ông Nông Ðức Mạnh ký ngày 14.12.1996, và Nghị định 96/CP về Tình báo Quốc phòng do Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký ngày 11.9.1997. Nhiều năm qua, lấy cớ xây dựng một Nhà nước pháp quyền, nhà cầm quyền Việt Nam không ngừng tung ra đủ thứ sắc luật, nghị định, chỉ thị để thực hiện đủ loại hành xử tùy tiện và đàn áp nhằm bảo vệ một thiểu số cầm quyền chống lại những ai bất đồng chính kiến hay tôn giáo.
Trong lần phát biểu thứ hai cũng trong buổi sáng 5.4.2005, bà Penelope Faulkner, Phó chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam, đã khai triển các trường hợp đàn áp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và đòi hỏi trả tự do cho Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ và chư Tăng giáo phẩm thuộc Hội đồng Lưỡng viện bị bắt bị quản chế sau cuộc khủng bố tại Lương Sơn gần thành phố Nhatrang ngày 9.10.2003. Bà Faulkner cũng tố cáo Nghị định chống biểu tình mang số 38/2005/NÐ-CP do Thủ tướng Phan Văn Khải ký ngày 18.3.2005.
Với những sự kiện đàn áp điển hình và chi tiết trình bày trước hội trường LHQ ở Genève như thế. Nhưng liền sau đó, Phái đoàn Hà Nội đã dùng quyền phản bác để chống chế một cách mơ hồ, tuy chẳng trả lời chính xác các dữ kiện mà Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam nêu ra. Họ bảo rằng : “Thật nhục nhã cho hai phát biểu vừa qua (…) Chính quyền Việt Nam luôn tôn trọng tự do tín ngưỡng và tự do hội họp vốn được Hiến pháp bảo đảm. Tại Việt Nam không hề có đàn áp tôn giáo, cũng không có một người nào bị bắt bớ vì đã biểu tỏ chính kiến của họ”.
Như đã nói ở trên, tuy cuốn băng hình thông điệp của Hòa thượng Thích Quảng Ðộ gửi đến Khóa họp lần thứ 61 của Ủy hội Nhân quyền LHQ ở Genève bị Công an chính trị ở Saigon tịch thu. Tuy nhiên do sự quả cảm và tinh thần bất khuất của những người Phật tử Saigon, lời thông điệp bằng Anh ngữ của Hòa thượng đã được ghi âm và gửi đến Ðiện Quốc liên kịp thời để công bố vào giờ khai mạc cuộc Hội luận “Tự do tôn giáo bị bách hại tại Á châu” với sự hiện diện và phát biểu của các nước Việt Nam, Lào và Trung quốc. Ðại diện Việt Nam gồm có Hòa thượng Thích Chánh Lạc, Phó chủ tịch Hội đồng Ðiều hành Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ – Văn phòng II Viện Hóa Ðạo (GHPGVNTNHN-HK – VPII VHÐ), Thượng tọa Thích Viên Lý, Tổng thư ký GHPGVNTNHN-HK – VPII VHÐ, Thượng tọa Thích Giác Ðẳng, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Truyền thông GHPGVNTNHN-HK – VPII VHÐ và ông Võ Văn Ái, Phát ngôn nhân Viện Hóa Ðạo kiêm Giám đốc Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế.
Thông điệp Dân chủ bằng Anh ngữ của Hòa thượng Thích Quảng Ðộ khai mạc cuộc hội luận đã gây xúc động lớn trong hội trường LHQ. Nhất là khi mọi người biết rằng tiếng nói ấy đến từ Việt Nam, đến từ của một vị Cao tăng chịu đọa đày trong tù ngục trên hai mươi mấy năm ròng, và là lần đầu tiên cất lên trong khuôn viên LHQ. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong thông cáo báo chí tới.