PARIS, ngày 11.9.2006 (UBBVQLNVN) – Hôm nay, thứ hai 11.9.2006, nhân danh Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam (Vietnam Committee on Human Rights – Comité Vietnam pour la Défense des Droits de l’Homme) kiêm Phó Chủ tịch Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH, Fédération Internationale des Ligues des Droits de l’Homme – International Federation of Human Rights Leagues), ông Võ Văn Ái viết thư xin Vua Thái Lan, Bhumibol Aduladej, can thiệp hủy lệnh dẫn độ ông Lý Tống, cựu Trung úy Phi công VNCH, về Việt Nam theo án lệnh của tòa sơ thẩm Thái Lan công bố hôm 7.9.2006. Toàn văn tiếng Anh thư can thiệp dịch ra Việt ngữ viết như sau :
“Vương quốc Thái Lan
“Tâu Bệ hạ,
“Hồi tháng 7 vừa qua lúc Bệ hạ lâm bệnh trầm trọng phải vào bệnh viện giải phẫu, cũng là thời gian tôi ghé thủ đô Bangkok trên đường đi dự một hội nghị quốc tế ở Á châu. Tôi không bao giờ quên được màu vàng rực đã nhuốm sáng các đường phố với dòng người cuồn cuộn mặc lên người chiếc áo màu vàng ghi dòng chữ “Hoàng thượng vạn tuế”. Tôi cũng chứng kiến cảnh đông đảo nhân dân lo âu đứng trước bệnh viện Siriraj mong được nhìn thấy, dù chỉ là một thoáng, dung nhan Nhà Vua mà họ thương mến tôn thờ. Nhưng điều làm tôi xúc động hơn cả, là Bệ hạ đã hiện ra trên bao lơn bệnh viện trước khi bước vào phòng mỗ. Với gương mặt gầy ốm, mong manh, mệt nhọc, nhưng tay cầm chiếc máy ảnh cố gắng đưa lên chụp lấy hình ảnh thần dân đang đến nguyện cầu cho Bệ hạ chóng bình phục. Đối với tôi, hình ảnh ấy là hiện thân của lòng từ bi và nhân đạo, khiến thần dân yêu mến và thế giới kính ngưỡng Bệ hạ. Đồng thời là hình ảnh của vì Vua nhân từ, quan tâm đến nhân dân hơn thân mình, quên bệnh tật đang hành hạ để nghĩ đến mối lo âu của quần chúng.
“Với lòng trọng kính, hôm nay tôi mạn phép viết thư xin Bệ hạ mở rộng lòng từ bi và niềm nhân ái cho Lý Tống, người Việt Nam đang bị cầm tù tại Vương quốc Thái Lan và có nguy cơ bị dẫn độ về Việt Nam. Tháng 11 năm 2000, cựu Trung úy Lý Tống, 58 tuổi, quốc tịch Hoa Kỳ gốc Việt Nam, thuê một máy bay dân sự tại bãi biển Hua Hin miền Nam Thái Lan bay về thành phố Hồ Chí Minh rải năm mươi nghìn tờ truyền đơn kêu gọi cho dân chủ Việt Nam. Ông bị bắt khi quay về đất Thái Lan và bị xử án 7 năm tù cho việc vi phạm không phận Thái. Ông đã trải qua sáu năm cấm cố và theo lẽ sẽ được trả tự do vào tháng 6.2006. Nhưng nhà cầm quyền Việt Nam yêu cầu chính phủ Thái Lan dẫn độ Lý Tống về Việt Nam xử tội. Vì vậy, ông tiếp tục nằm khám chờ ngày xét xử. Tuần trước, vào ngày 7.9.2006, tòa sơ thẩm Thái Lan đã lấy quyết định cho phép nhà cầm quyền Việt Nam dẫn độ Lý Tống. Hiện nay ông có 15 ngày để kháng án.
“Theo luật dẫn độ năm 1929 của Vương quốc Thái Lan, thì bị can nào phạm tội chính trị sẽ tránh khỏi nạn dẫn độ. Nhà cầm quyền Việt Nam hứa với tòa sơ thẩm Thái Lan là sẽ không xử Lý Tống về tội danh chính trị, vì vậy ông Chánh án Peeravut Ang-chuan đã quyết định cho dẫn độ Lý Tống bởi ông tin rằng một khi trục xuất về Việt Nam bị can sẽ không bị xử theo tội danh chính trị. Tuy nhiên, sau khi bản án vừa công bố, thì tại Hà Nội, ông Lê Dũng, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam liền tuyên bố rằng Lý Tống đã “xâm phạm nghiêm trọng an ninh lãnh thổ và an ninh quốc gia” nên sẽ bị “trừng phạt nghiêm khắc”. Theo bộ luật Hình sự của CHXHCNVN, “xâm phạm an ninh lãnh thổ và an ninh quốc gia” là một tội chính trị nghiêm trọng. “Xâm phạm an ninh quốc gia” là thành ngữ mơ hồ và khái quát nhưng lại bị phạt tù nặng nề. Lý Tống có nguy cơ lãnh án chung thân nếu bị dẫn độ về Việt Nam.
“Là Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam kiêm Phó Chủ tịch Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền, tôi rất quan thiết trước sự kiện ông Lý Tống sẽ không được xét xử công minh ở Việt Nam. Dưới chế độ độc đảng ngày nay ở Việt Nam, ba ngành lập pháp, hành pháp, tư pháp đều do Đảng Cộng sản Việt Nam kiểm soát. Các phiên tòa không công khai sau lần cửa khép kín, thiếu luật sư bảo vệ, nhất là bị can không được quyền chọn lựa luật sư bảo chữa. Cũng không thể cầu cứu đến các luật sư quốc tế cho trường hợp Lý Tống. Vì theo Nghị định chính phủ mang số 87/NĐ-CP ban hành năm 2003, các luật sự quốc tế không được bảo vệ cho các bị can, và ngay các tổ hợp luật sư quốc tế cũng không có quyền thuê luật sư Việt Nam thay mặt họ hành nghề tại các tòa án (1). Hơn thế nữa, lời tuyên bố gần đây của Bộ Ngoại giao Việt Nam, thì rõ ràng là Lý Tống đã bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội.
“Việt Nam gán cho Lý Tống là tên “khủng bố nguy hiểm”, nhưng trong thực tế ông ta chưa hề sử dụng bạo lực và làm hại đến sinh mệnh của bất cứ ai. Cái “tội” nếu có của Lý Tống là khát vọng vô hạn cho Việt Nam được tự do. Là cựu sĩ quan không quân trong quân lực Việt Nam Cộng hòa, Lý Tống trải qua 5 năm ròng trong Trại cải tạo lao động, dưới những điều kiện phi nhân, khổ sai lao động bằng chế độ ăn uống chết đói. Nên năm 1980, ông vượt ngục khỏi trại A20 ở tỉnh Phú Yên, băng rừng vượt suối đi bộ, đi xe đạp, quá giang xe… suốt hai nghìn năm trăm dặm xuyên Cam Bốt đến Thái Lan, cuối cùng bơi qua eo biển Johore từ Mã Lai sang Singapore để xin tị nạn tại Tòa Đại sứ Hoa Kỳ. Được nhập cảnh Hoa Kỳ, ông không ngừng lên tiếng tố cáo tình trạng thiếu dân chủ tại Việt Nam, ông tự tổ chức những cuộc biểu dương đơn độc. Năm 1992, ông cướp chuyến bay Hàng không Việt Nam về thả truyền đơn trên thành phố Hồ Chí Minh trước khi nhảy dù xuống thành phố. Ông liền bị bắt và bị tuyên án 20 năm tù. Sau 6 năm bị cấm cố tại trại Ba Sao, tỉnh Nam Hà ở miền Bắc, ông được trả tự do trong cuộc ân xá năm 1998.
“Ông Lý Tống luôn hành động đơn độc, tiến hành những màn độc diễn chống chế độ Cộng sản. Những hành động của ông luôn luôn ngoạn mục, có khi quá đáng, một vài khi bất hợp pháp, như trường hợp xâm nhập không phận Việt Nam để rải truyền đơn kêu gọi cho dân chủ Việt Nam. Nhưng tuyệt đối không bao giờ Lý Tống hành xử bạo lực. Ông chỉ muốn nhắc nhở thế giới nhìn lại vực thẳm nhân quyền cực kỳ tồi tệ tại Việt Nam, mà công luận thế giới cũng như báo chí, truyền thông quốc tế chẳng mấy quan tâm. Là cựu sĩ quan không quân, sở trường ông là sử dụng phi cơ và ông đã dùng sở trường ấy để soi sáng cảnh ngộ đau thương của người dân Việt.
“Ông Lý Tống đã phải trả một giá quá đắt cho hành động và niềm tin của ông. Nếu ông bị dẫn độ về Việt Nam, ông sẽ bị chế độ trả thù và bức hiếp, một chế độ không khoan dung sự dị biệt và bất đồng chính kiến.
“Đây là cơ hội cuối cùng để cứu ông. Tôi xin kêu gọi Bệ hạ can thiệp khẩn thiết cho trường hợp ông Lý Tống và Tòa án Thái Lan hủy bỏ lệnh dẫn độ. Tôi đặt trọn niềm tin vào lòng từ bi, nhân đạo của Bệ hạ, cũng như công lý của Vương quốc Thái Lan để ông Lý Tống không bị trả về Việt Nam một cách bất công theo số phận của một kẻ chết mòn trong nhà tù địa ngục Việt Nam.
Xin Bệ hạ nhận nơi đây lời biết ơn của kẻ thỉnh cầu.
ấn ký
Võ Văn Ái
Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam
kiêm Phó chủ tịch Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền
(1) Ngày 19-7 vừa qua, tại Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Luật Luật sư, vừa được Quốc hội thông qua, nhưng chỉ có hiệu lực vào đầu năm 2007. Điều 74 của Luật quy định điều kiện để luật sư nước ngoài được cấp giấy phép hành nghề tại Việt Nam. Nhưng lại xác định rằng, luật sư nước ngoài, dù được phép hành nghề tại Việt Nam, cũng không được tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trước cơ quan tiến hành tố tụng của Việt Nam ! Theo thống kê Nhà nước XHCN, thì đầu năm nay toàn quốc có 3435 luật sư, nhưng chỉ có 2018 luật sư có chứng chỉ hành nghề trên dân số 83 triệu người. Có nghĩa là một luật sư cho 41 nghìn 130 dân, thì đâu có đủ luật sư bào chữa cho người dân thấp cổ bé họng, bị Đảng và Nhà nước hiếp đáp thường trực ? So với nước láng giềng Thái Lan, một luật sư cho 500 dân, Singapore một luật sư cho 1000 dân, và tại Hoa Kỳ một luật sư cho 250 dân. (Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam chú)