PARIS, ngàay 13.11.2006 – Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Cơ sở Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt Nam và Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam, viết Thư Ngỏ gửi 21 vị Nguyên thủ quốc gia tham dự Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC) tại Hà Nội từ ngày 17 đến ngày 19.11.2006. Các quốc gia này gồm có : Brunei Darussalam, Canada, Chi Lê, Đài Loan Dân quốc, Hoa Kỳ, Hồng Công Trung quốc, Indonesia, Mã Lai, Mexico, Nam Hàn, Liên bang Nga, Nhật Bản, Papua New Guinea, Peru, Phi Luật Tân, Singapore, Tân Tây Lan, Thái Lan, Cộng hòa Nhân dân Trung quốc, Úc Đại Lợi và Việt Nam. Trong số các nguyên thủ quốc gia có sự hiện diện của các vị Tổng thống Hoa Kỳ, Gegorge W. Bush, Liên bang Nga, Vladimir Putin, và Trung quốc, Hồ Cẩm Đào.
Ông Võ Văn Ái kêu gọi các vị nguyên thủ trong thế giới hãy “đặt vấn đề nhân quyền vào nghị trình Thượng đỉnh APEC”, trả tự do cho tất cả các tù nhân tôn giáo và các nhà hoạt động dân chủ, như Đức Tăng thống Thích Huyền Quang, Hòa thượng Thích Quảng Độ, Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, nhà báo Nguyễn Vũ Bình, và áp lực Nhà cầm quyền Hà Nội “mở cuộc đối thoại với các phong trào dân chủ đối lập để tiến hành công cuộc dân chủ hóa Việt Nam”. Cảnh cáo hiểm nguy đổi mới kinh tế không song hành với cải tổ chính trị, ông Ái kêu gọi giới lãnh đạo thế giới “Chớ hy sinh những nguyên tắc dân chủ cho việc đầu cơ trục lợi”. Ông than phiền sự kiện vắng mặt của Diễn Đàn Phi chính phủ tổ chức song hành với Thượng đỉnh APEC theo truyền thống các thượng đỉnh trước đây, ông Ái nói : “Rõ ràng là không những đàn áp các xã hội dân sự trên lãnh thổ Việt Nam, mà Việt Nam còn bóp nghẹt tiếng nói của các tổ chức Phi chính phủ quốc tế”.
Chúng tôi xin dịch đăng nguyên văn Thư Ngỏ viết bằng tiếng Anh như sau :
Thưa quý Ngài,
Nhân dịp quý Ngài đến Hà Nội tham dự Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác kinh tế Châu Á Thái bình dương (APEC), tôi viết thư này nói lên sự quan ngại thiết tha của tôi trước những vi phạm nhân quyền trầm trọng tại Việt Nam để xin quý Ngài đưa vấn đề nhân quyền vào nghị trình Thượng đỉnh.
APEC là diễn đàn có ảnh hưởng trọng yếu tới vận mệnh của 40% dân số trên thế giới, tới 56% tổng sản phẩm xã hội (GDP) và 48% nền mậu dịch thế giới. Mục đích của Thượng đỉnh APEC là thăng tiến sự thịnh vượng và tăng trưởng kinh tế cho con người. 21 thành viên quốc gia gặp gỡ tại Hà Nội thảo luận chuyện hợp tác, mậu dịch và đầu tư trong vùng Châu Á Thái bình dương. Có thể quý Ngài nghĩ rằng vấn đề nhân quyền và dân chủ hóa Việt Nam chẳng liên quan gì với Thượng đỉnh APEC.
Nhưng không phải thế đâu. Lịch sử đã minh chứng rằng phát triển kinh tế và dân chủ tương quan mật thiết và hỗ tương tăng cường. Phát triển nẩy nở tự do, như Kinh tế gia Ấn độ đoạt Giải Nobel Kinh tế, Amartya Sen, xác nhận. Ông tuyên bố rằng tự do chỉ hiện hữu ở những nơi nào hội đủ và bảo đảm cho các điều kiện bình đẳng sau đây : “mở rộng cơ hội cho tự do kinh tế, tự do chính trị, mang lại các tiện nghi xã hội, bảo đảm sự minh bạch và bảo vệ nền an ninh”.
Hiện nay tại Việt Nam nhân dân nước tôi không có các tự do chính trị. Dưới chính sách Đổi mới, Việt Nam mở cửa kinh tế “theo định hướng xã hội”, nhưng trên phương diện chính trị, Việt Nam là một xã hội đóng kín. Đảng Cộng sản Việt Nam được Hiến pháp cho phép độc quyền chính trị đồng thời kiểm soát trọn gói hành pháp, lập pháp và tư pháp. Các đảng phái đối lập, công đoàn tự do, tự do tôn giáo và các xã hội dân sự đều bị cấm đoán. Ủng hộ cho đa nguyên chính trị là điều cấm kỵ. Theo lời chứng của hai cựu tù nhân chính trị Thích Thiện Minh và Nguyễn Khắc Toàn, thì hằng trăm, nếu không là hàng nghìn tù nhân vì lương thức còn bị giam giữ trong những điều kiện khắc khe trong các nhà tù và trại cải tạo tại Việt Nam. Những ai tỏ lời phê phán chế độ thì tức khắc sẽ bị sách nhiễu, xỉ nhục, bị quản chế, bị công an theo dõi, điện thoại tư bị cắt hay bị nghe lén.
Không có cải cách chính trị, cuộc đổi mới kinh tế chỉ đẻ ra những bùng nổ nguy hiểm trên phương diện xã hội và chính trị. Bóc lột thợ thuyền, lao động thiếu nhi, bán dâm phụ nữ và trẻ nít, cướp đất của nhân dân là chuyện phổ biến thường ngày. Chênh lệch giàu nghèo gia tăng vùn vụt. Chính Nhà nước cũng phải công nhận là nạn tham nhũng đã thành “quốc nạn”, và lan tỏa đến tận các cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước. Trong khi thiểu số viên chức Đảng được xem như giới “tư bản Đỏ” sống trong xa xỉ và nắm giữ quyền hành chẳng ai dám xúc phạm, thì hàng triệu dân Việt sống trong nghèo khó, bị đánh bật khỏi tiến trình đổi mới.
Toàn dân đã đứng lên phản đối sự bất bình đẳng trên mọi lĩnh vực của đời sống. Trong năm 2006, hàng nghìn công nhân đình công phản đối lương bỗng chết đói và những điều kiện lao động tồi tệ. Trong hai tháng đầu năm 2006 số lượng đình công tăng vọt so với toàn năm 2005. Ở vùng quê, nơi 80% nông dân sinh sống, nạn tham quan ô lại và nhà nước cướp đất gây ra bao cảnh bất công trầm trọng làm cho nhân dân khốn cùng tuyệt vọng. Mấy năm qua, hàng trăm nghìn nông dân vô gia cư, bị Nhà nước chiếm đất không bồi thường, kéo nhau về Hà Nội phản đối ôn hòa. Mỗi ngày, hàng trăm người biểu tình được gọi là “Dân oan” tụ tập tại Vườn hoa Mai Xuân Thưởng để khiếu kiện Nhà nước. Nhưng thay vì giải quyết các sự vụ của dân lành, thì Nhà nước Việt Nam cộng sản thông qua Nghị định số 38 cấm biểu tình trước các cơ sở công cộng. Tổng bí thư Đảng Nông Đức Mạnh thán rằng : “Việc biểu tình giăng biểu ngữ là điều bất thường. Trong nhiều trường hợp cho thấy sự thái quá trong nền dân chủ của chúng ta”.
Đổi mới kinh tế còn đem lại nhiều kỳ thị trên phương diện y tế và giáo dục, trở thành món hàng mua bán, bất lợi cho giới nghèo khó trong xã hội. Đặc biệt là sự báo động nghiêm trọng trước bệnh liệt kháng (HIV-AIDS) bùng nổ trên toàn quốc. Những người nghèo là giới bị truyền nhiễm thì không có phương tiện chữa trị. Hơn thế, trong khi Việt Nam khoe khoang về tăng trưởng kinh tế cao vút, thì tổng sản phẩm quốc dân (GNP) cho mỗi đầu người vẫn thấp tẹt so với các nước láng giềng Châu Á.
Việt Nam đang ôm chân cộng đồng thế giới để phát triển kinh tế, nhưng lại bỏ phí một tài nguyên vô giá của họ – là nhân dân Việt Nam. Nhân dân Việt Nam vốn năng động, tháo vát và trẻ trung – hai phần ba dân số sinh sau cuộc chiến tranh chấm dứt. Thế hệ trẻ này đã vất lịch sử đau thương sau lưng họ để xây dựng một xã hội tự do hầu phát triển tài năng và kỹ xảo của họ. Thế nhưng họ đành bó tay trong một xã hội Việt Nam đóng kín, nơi mà các tự do cơ bản bị Nhà nước độc đảng ngăn cấm. Ngày nay, các tầng lớp nhân dân đông đảo, kể cả những phong trào tôn giáo độc lập, xã hội dân sự và các nhà bảo vệ nhân quyền đều cất cao lời đòi hỏi quyền tham gia vào công cuộc phát triển kinh tế và dân chủ. Thế nhưng nhà cầm quyền cộng sản gạt bỏ lực lượng khổng lồ này, xem họ là “những thế lực thù nghịch” để đàn áp, sách nhiễu và bắt bỏ tù.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất với 80% tín đồ trong dân số 83 triệu người là một ví dụ nổi bật. Giáo hội này với mạng lưới rộng lớn về các trường trung, tiểu, đại học, bệnh xá, nhiều trung tâm văn hóa và xã hội bị tịch thu, cưỡng chiếm, hàng giáo phẩm bị bắt, giới cư sĩ Phật tử bị sách nhiễu, rồi Giáo hội bị nhà cầm quyền cộng sản đặt ra ngoài vòng pháp luật năm 1982. Đức Tăng thống Thích Huyền Quang, 87 tuổi, và Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, bị cầm tù, quản chế suốt 30 năm chỉ vì biểu tỏ ôn hoà cho tự do tôn giáo, dân chủ và nhân quyền.
Ngày 4.11.2006 vừa qua, Hòa thượng Thích Quảng Độ được Sáng hội Rafto ở Na Uy trao Giải Tưởng niệm Giáo sư Thorolf Rafto “như một biểu tượng cho phong trào dân chủ đang bùng lên trên quê hương Việt Nam”. Trước đây, bốn người đoạt giải này đã tiếp nhận sau đó Giải Nobel Hòa bình. Thế mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam không cho Hòa thượng sang Na Uy lãnh giải, mặc dù Quốc hội Na Uy ngỏ lời thỉnh cầu. Cho đến nay, Hòa thượng Thích Quảng Độ vẫn còn bị quản chế trong ngôi chùa của ngài, mà chẳng có sự tuyên án hay xét xử nào.
Vì đàn áp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất nói riêng và các cộng đồng tôn giáo nói chung tại Việt Nam, Chính phủ Hoa Kỳ liệt Việt Nam vào danh sách các quốc gia đàn áp tôn giáo cần đặc biệt quan tâm (CPCs, Countries of Praticular Concern) liên tiếp hai năm 2004 và 2005. Sự liệt kê vào danh sách này là chính đáng, và tôi thành thật mong mỏi rằng năm 2006 Việt Nam cộng sản vẫn còn nằm trong danh sách ấy.
Điều khác nữa, và trái với truyền thống của các Thượng đỉnh APEC trong quá khứ, Việt Nam không cho phép Diễn đàn Nhân dân của các Tổ chức Phi chính phủ họp song hành với Thượng đỉnh các chính phủ ở Hà Nội, nhằm cản ngăn các xã hội dân sự cất cao ý kiến của mình. Rõ ràng là không chỉ đàn áp các xã hội dân sự trên lãnh thổ Việt Nam, mà Việt Nam còn bóp nghẹt tiếng nói của các tổ chức Phi chính phủ quốc tế.
Thưa quý Ngài,
Việt Nam sẽ không thể nào hoàn tất công cuộc phát triển dài lâu, nếu không chịu khởi sự tiến trình giải phóng chính trị để tăng cường các cải cách kinh tế, và Thượng đỉnh APEC có thể đóng vai trò then chốt để khích lệ tiến trình này. Đặc biệt, tôi xin cất lời kêu gọi quý vị Nguyên thủ quốc gia là những Thành viên kinh tế tham dự Thượng đỉnh APEC hãy đặt nhân quyền và dân chủ hóa Việt Nam vào nghị trình hội nghị, và khuyến thỉnh nhà cầm quyền Việt Nam bảo đảm các quyền cơ bản cho mọi công dân tham gia tiến trình phát triển kinh tế và dân chủ, nhất là :
1. Phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, cũng như các Giáo hội chưa được thừa nhận như Hòa Hảo, Cao Đài, Tin Lành, v.v… và bảo đảm quyền tự do thực sự cho các hoạt động tôn giáo ;
2. Trả tự do cho Đức Tăng thống Thích Huyền Quang, Hòa thượng Thích Quảng Độ, Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, Nhà báo Nguyễn Vũ Bình và tất cả các nhà lãnh đạo tôn giáo, các nhà bảo vệ nhân quyền và các nhà hoạt động dân chủ bị bắt giam hay quản chế vì biểu tỏ ôn hòa cho quan điểm đối lập của họ ;
3. Chấm dứt mọi sách nhiễu đối với các nhà bất đồng chính kiến tôn giáo hay chính trị, khởi động cuộc đối thoại với giới dân chủ đối lập tại Việt Nam nhằm mục tiêu đa nguyên, đa đảng chính trị và nhân quyền ;
4. Xóa bỏ tất cả các sắc luật trái chống với quyền con người ghi trong Công ước quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị của LHQ, và thiết lập các tự do chính trị, như quyền xuất bản báo chí tư nhân và độc lập, quyền thành lập Công đoàn tự do và các tổ chức Phi chính phủ độc lập với Nhà nước ;
5. Xóa bỏ tức khắc Án tử hình tại Việt Nam.
Thượng đỉnh APEC là cơ hội độc nhất cho các nhà lãnh đạo thế giới hậu thuẫn mọi tầng lớp nhân dân, chứ không chỉ hậu thuẫn cho chính quyền Việt Nam. Vì vậy, tôi xin thỉnh cầu quý Ngài chớ hy sinh những nguyên tắc dân chủ cho việc đầu cơ trục lợi, đề cao nhân quyền vào cốt lõi quan hệ kinh tế.
Ủng hộ cải cách chính trị song hành với mậu dịch, Thượng đỉnh APEC sẽ mở ra những cơ hội mới và lớn lao, mang lại niềm hy vọng cho hàng triệu người dân Việt đang sống trong bần hàn. Đồng thời, quyết tâm đáng kể này sẽ tăng cường cho phúc lợi toàn cầu, bởi vì một nước Việt Nam tự do và dân chủ sẽ đóng vai trò thiết yếu cho hòa bình và ổn định trong vùng Châu Á Thái bình dương hôm nay.
Chủ tịch Cơ sở Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt Nam
và Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam