Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Ngày Quốc tế Phụ nữ: Những người phụ nữ dũng cảm Việt Nam muốn thế giới lãng quên

Ngày Quốc tế Phụ nữ: Những người phụ nữ dũng cảm Việt Nam muốn thế giới lãng quên

Download PDF

PARIS, ngày 8 tháng 3 năm 2024 (VCHR) – Khi thế giới kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ vào ngày 8 tháng 3 và Việt Nam đang nỗ lực tranh cử nhiệm kỳ thứ hai vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, tiếng nói của người phụ nữ kêu gọi thay đổi ở Việt Nam đã bị đàn áp một cách có hệ thống và tùy tiện. Ủy ban bảo vệ quyền làm người Việt Nam (VCHR) hôm nay mong muốn tri ân biết bao phụ nữ đang mòn mỏi trong các nhà tù của Việt Nam vì những hành động cho nhân quyền của họ, cũng như hàng trăm nữ anh hùng” – những người vợ, người mẹ và con gái của các tù nhân lương tâm, phải đối mặt hàng ngày với sự quấy rối và đe dọa của chính quyền và phải vật lộn để nuôi sống gia đình và thăm nuôi người thân yêu của mình, thường bị giam cách xa nhà hàng trăm dặm.

Có ít nhất 200 tù nhân lương tâm ở Việt Nam, trong đó có hơn 30 phụ nữ. Việt Nam cho rằng những phụ nữ này đã “đe dọa an ninh quốc gia” hoặc “gây tổn hại cho đất nước”. Trên thực tế, họ bị bắt và truy tố hòan tòan trái ngược với Hiến pháp Việt Nam, luật pháp quốc gia và luật nhân quyền quốc tế, chỉ vì họ đấu tranh ôn hòa cho các quyền cơ bản, công bằng xã hội và môi trường trong sạch và lành mạnh. Việc bóp nghẹt có hệ thống những tiếng nói bất đồng chính kiến này phản ánh một chính sách lâu dài và nhất quán được các cấp cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra nhằm đàn áp nhân quyền và phá hoại các quyền tự do dân chủ. Chính sách này đã được cập nhật và giải thích chi tiết trong Chỉ thị bí mật 24 của Bộ Chính trị, được tiết lộ trong một báo cáo gần đây.

Phó Chủ tịch VCHR Võ Trần Nhật cho biết: “Bằng cách bóp nghẹt những tiếng nói thiết yếu này, Việt Nam không chỉ vi phạm các cam kết quốc tế mà còn gây nguy hiểm cho tương lai của chính mình. Không thể xây dựng một môi trường trong sạch nếu không có các nhà bảo vệ môi trường, một xã hội tôn trọng nhân quyền không thể tồn tại nếu không có những người bảo vệ nhân quyền”. Ông nói thêm: “Hai Bà Trưng, hai chị em đã chiến đấu cho nền độc lập của Việt Nam khỏi sự đô hộ của Đông Hán vào năm 40 được tôn vinh là “nữ anh hùng dân tộc”. Nếu sinh ra dưới chế độ C.S. ngày nay thì chắc hai Bà Trưng sẽ bị tù đầy !”

Dưới đây chúng tôi nêu rõ chân dung của một số phụ nữ dũng cảm mà Việt Nam muốn thế giới quên đi. Một số có địa vị cao, số khác ít nổi tiếng hơn. Chúng tôi kêu gọi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho những người phụ nữ này, cùng với tất cả những người đang bị giam giữ tùy tiện tại Việt Nam.

Nguyễn Thúy Hạnh, phải điều trị bệnh ung thư trong trại giam

Nguyen Thuy Hanh

Nguyễn Thúy Hạnh, sinh năm 1963, là nữ doanh nhân và nhà bảo vệ nhân quyền. Năm 2016, cô tự ứng cử Quốc hội với tư cách ứng cử viên tự do, độc lập. Kể từ đó cô liên tục bị sách nhiễu. Năm 2017, cô thành lập “Quỹ 50K” để hỗ trợ các tù nhân lương tâm và gia đình họ, quyên góp được hơn 20.000 USD để hỗ trợ các nạn nhân của cuộc xung đột đất đai ở làng Đồng Tâm. Chính quyền đã phong tỏa tài khoản vào năm 2020 và bắt giữ cô vào tháng 4 năm 2021 với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” (Điều 117 Bộ luật Hình sự). Kể từ tháng 4 năm 2022, Thúy Hạnh bị giam tại Viện Pháp y Tâm thần Trung ương Hà Nội để cưỡng ép điều trị chứng trầm cảm. Tại đó, cô phải ở chung một căn phòng rộng 15m² với bảy tù nhân, hầu hết phạm tội nghiêm trọng. Việc điều trị này được chính quyền ra lệnh mà không có sự đồng ý tán thành của Thúy Hạnh hoặc gia đình cô.

Vào tháng 1 năm 2024, cô được chẩn đoán mắc bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn 2. Lịch trình điều trị của cô bao gồm 5 đợt xạ trị và một đợt hóa trị mỗi tuần. Năm lần mỗi tuần, cô bị  chuyển từ Viện Pháp y Tâm thần Trung ương đến Bệnh viện K để điều trị.

Chồng cô, ký giả Huỳnh Ngọc Chênh, người chỉ được phép gặp vợ một thời gian ngắn, cho biết cô rất đau đớn khi trở lại trại tạm giam và thường nôn mửa thức ăn của mình.

Việc tiếp tục giam giữ Nguyễn Thúy Hạnh là vô nhân đạo và vi phạm pháp luật Việt Nam. Điều 29b và Điều 62 Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2015 quy định phạm nhân mắc bệnh hiểm nghèo được miễn chấp hành án phạt tù và Điều 67 Bộ luật quy định người bị bệnh nặng khi bị tạm giam “được miễn chấp hành án phạt tù cho đến khi bình phục”.

Định Thị Thu Thuỷ: bảy năm tù vì “châm biếm” Đảng Cộng sản

Dinh Thi Thu Thuy

Định Thị Thu Thuỷ, sinh năm 1982, là nhà hoạt động môi trường và kỹ sư nuôi trồng thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam. Cô có bằng thạc sĩ về bệnh lý thủy sản. Vào tháng 6 năm 2018, cô bị Công an bắt và đánh đập vì tham gia biểu tình ôn hòa phản đối Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng. Là người ủng hộ quyền tự do ngôn luận, Thủy đã sử dụng mạng xã hội để chỉ trích cách chính phủ xử lý đại dịch Covid-19, vụ ô nhiễm môi trường do nhà máy Formosa gây ra v.v. Cô cũng đăng tải những bài thơ châm biếm của cha mình về chiến dịch chống tham nhũng do Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng phát động.

Vào ngày 18 tháng 4 năm 2020, cô bị bắt vì tội “chế nhạo, châm biếm, xúc phạm lãnh đạo và nguyên lãnh đạo đảng, nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, xuyên tạc ý nghĩa lịch sử, phỉ báng đất nước…” Cô bị biệt giam tại Trại tạm giam Hậu Giang gần 8 tháng, không được tiếp cận luật sư. Tại phiên tòa xét xử ngày 21/1/2021 chỉ kéo dài 4 giờ, cô bị kết án 7 năm tù về tội “làm, tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu, đồ vật nhằm chống Nhà nước” (Điều 117 Bộ luật hình sự). Bằng chứng duy nhất chống lại cô là 5 bài đăng trên Facebook chỉ nhận được 131 lượt “Thích” và 50 “Chia sẻ”.

Trong thời gian 8 tháng bị tạm giam trước khi xét xử, sức khỏe thể chất và tinh thần của Thủy ngày càng sa sút. Chính quyền nhà tù từ chối cho cô gặp con trai mình (10 tuổi) và giam cầm cô với những điều kiện vô cùng khắc nghiệt. Cô phải nhập viện một thời gian ngắn vào năm 2021 vì vấn đề bệnh tim. Định Thị Thu Thuỷ hiện đang bị tạm giam tại trại giam An Phước, tỉnh Bình Dương.

Trần Thị Tuyết Diệu: blogger “làm hại quốc gia”

Tran Thi Tuyet Dieu

Trần Thị Tuyết Diệu sinh năm 1988, là nhà báo, blogger. Cô làm việc tại một tờ báo Nhà nước ở tỉnh Phú Yên trước khi bị tờ báo này buộc từ chức vào năm 2017. Cô chuyển đến Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2019 và làm nhà báo độc lập, sử dụng mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến khác để thông tin về sự tham nhũng của cán bộ, công chức, và các vấn đề xã hội khác. Năm 2020, cô bị bắt đột ngột khi đang về thăm cha mẹ ở Phú Yên và bị buộc tội “xúc phạm” lãnh đạo đảng và “vu khống” lịch sử cách mạng.

Tại phiên tòa kéo dài chỉ ba giờ vào ngày 22 tháng 3 năm 2021, cô bị kết tội “tuyên truyền chống Nhà nước” (Điều 117 Bộ luật Hình sự). Cô khẳng định mình vô tội và nói rằng blog của cô không làm hại ai cả. Tòa án trả lời rằng họ đã “gây tổn hại cho cả đất nước”. Theo luật sư của cô, đây là một chiến thuật thường được các tòa án ở Việt Nam sử dụng để tránh đưa những người bị tổn hại cụ thể làm nhân chứng trong quá trình xét xử. Cô bị kết án tám năm tù. Phán quyết được giữ nguyên khi kháng cáo vào tháng 9 năm 2021.

Ngô Thị Tố Nhiên: nạn nhân của cuộc đàn áp các nhà hoạt động biến đổi khí hậu

Ngo Thi To Nhien

Ngô Thị Tố Nhiên, 48 tuổi, là nhà nghiên cứu, Giám đốc điều hành Sáng kiến Doanh nghiệp xã hội chuyển đổi năng lượng Việt Nam (VIETSE). Bà từng làm việc cho một số bộ ngành ở Việt Nam và các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Liên minh Châu Âu, USAID và Liên hiệp quốc. Hiện bà đang xây dựng kế hoạch thực hiện Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam (JETP), trị giá 15,5 tỷ USD. Dự án do G7 tài trợ nhằm giúp giảm sự phụ thuộc của đất nước vào nhiên liệu hóa thạch.

Ngày 15 tháng 9 năm 2023, bà bị bắt và bị buộc tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu của cơ quan, tổ chức (Điều 342 Bộ luật Hình sự). Cảnh sát đã đột kích các văn phòng của VIETSE và sau đó buộc tổ chức này phải đóng cửa. Việc bắt giữ bà Nhiên đã bị lên án rộng rãi là tùy tiện và có động cơ chính trị, là thêm một bước trong chiến dịch nhà nước trấn áp những người bảo vệ quyền môi trường ở Việt Nam. Nếu bị kết tội, bà có thể bị án tù đến 5 năm.

Hoang Thi Minh Hong

Hòang Thị Minh Hồng là người sáng lập CHANGE, một tổ chức phi chính phủ hoạt động về vấn đề biến đổi khí hậu, môi trường và bảo vệ động vật hoang dã. Cô là nhà hoạt động nổi tiếng, học giả của Quỹ Obama, được Forbes liệt kê năm 2019 trong số 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam. Cô buộc phải đóng cửa CHANGE vào năm 2022 sau khi bị chính phủ quấy rối. Vào tháng 6 năm 2023, Cô bị bắt vì tội “trốn thuế” và bị kết án ba năm tù vào tháng 9 tại phiên tòa chỉ kéo dài ba giờ.

Pham Doan Trang

Phạm Đoan Trang là nhà văn, nhà báo và nhà vận động dân chủ từng đoạt nhiều giải thưởng quốc tế, người sáng lập tạp chí trực tuyến Luật Khoa. Cô thường xuyên bị công an sách nhiễu, đánh đập trong suốt nhiều năm hoạt động. Năm 2020, cô bị bắt vì tội “tuyên truyền chống Nhà nước” và bị kết án 9 năm tù tại một phiên xử bất công ở Hà Nội vào tháng 12 năm 2021. Cô hiện bị giam tại trại tù An Phước, cách nhà 1.500 km và được cho là tình trạng sức khỏe rất kém.

Can Thi Theu


Cấn Thị Thêu là nhà hoạt động vì cho quyền lợi đất đai hàng đầu và từng là tù nhân lương tâm. Bà đã nhiều lần bị hành hung và sách nhiễu vì hoạt động của mình. Vào tháng 5 năm 2021, Cấn Thị Thêu và con trai là Trịnh Bá Tư bị kết án 8 năm tù về tội “tuyên truyền chống Nhà nước”. Trịnh Bá Phương, cũng là con trai của bà, bị kết án 10 năm tù vào tháng 12 cùng năm  vì tham gia biểu tình đòi quyền lợi đất đai. Hiện bà đang bị giam giữ tại Trại giam số 5, tỉnh Thanh Hóa.

Tran Thi Xuan

Trần Thị Xuân là một nhà bảo vệ nhân quyền và là thành viên của Hội Anh em Dân chủ. Cô tích cực tham gia công tác từ thiện trong cộng đồng Công giáo địa phương và lên tiếng phản đối thảm họa ô nhiễm nhà máy thép Formosa năm 2016. Cô bị bắt vào ngày 17 tháng 10 năm 2017 và bị buộc tội theo Điều 79 (nay là 109) Bộ luật Hình sự về tội hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Cô ấy bị biệt giam trong 5 tháng trước khi xét xử vào ngày 12 tháng 4 năm 2018 và không có luật sư hay phương tiện nào để chuẩn bị bào chữa cho mình. Phiên tòa kín được tổ chức mà không có bất kỳ thông tin liên lạc nào trước đó với gia đình cô. Trần Thị Xuân bị kết án 9 năm tù và 5 năm quản chế. Hiện cô đang bị giam tại Trại giam số 5, tỉnh Thanh Hóa. Cô bị rối loạn thận và được cho là sức khỏe suy yếu.

VCHR kêu gọi Việt Nam, với tư cách là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, là quốc gia thành viên của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) và là bên ký kết Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA) phải duy trì các cam kết quốc tế mang tính ràng buộc của mình nhằm tôn trọng nhân quyền, bao gồm quyền môi trường và quyền của người lao động, và trả tự do ngay lập tức cho tất cả phụ nữ bị giam giữ tùy tiện tại Việt Nam;

VCHR kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc tham gia Chu kỳ kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) lần thứ tư của Việt Nam tại Geneva vào ngày 7 tháng 5 năm 2024:

  • Kêu gọi Việt Nam khẩn trương bãi bỏ các quy định về “an ninh quốc gia” trong Bộ luật hình sự năm 2015, đặc biệt là các điều 109, 117 và 331 thường dùng để bắt, giam giữ các cá nhân thực hiện chính đáng các quyền tự do ngôn luận, lập hội, hội họp và tự do về tôn giáo hoặc tín ngưỡng;
  • Kêu gọi đích danh trả tự do cho những người bảo vệ nhân quyền, các blogger và những người bảo vệ nhân quyền môi trường đang bị giam giữ tùy tiện tại Việt Nam.

This post is also available in: English French

Check Also

VCHR và FIDH vạch trần những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Việt Nam trước cuộc xem xét Báo cáo định kỳ của Việt Nam về Công ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc về các quyền dân sự và chính trị

PARIS, ngày 5 tháng 1 năm 2024 (VCHR) – Trong Báo cáo chung gửi Ủy …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *