PARIS, ngày 29.11.2012 (PTTPGQT) – Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế vô cùng quan ngại trước Nghị định mới về tôn giáo mà mục tiêu nhắm kềm kẹp và xem nhẹ tự do tôn giáo tại Việt Nam. “Nghị định 92 (viết rõ là 92/2012/NĐ-CP) Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo”, do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 8.11.2012 và có hiệu lực kể từ ngày 1.1.2013. Nghị định này thay thế Nghị định 22 ban hành năm 2005, là văn bản đầu tiên hướng dẫn thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo được thông qua năm 2004.
Nghị định 92 gồm 5 chương và 46 điều, lấy lại hầu hết các điều luật giới hạn tự do trong Nghị định 22, như Điều 2, nghiêm cấm mọi hoạt động “lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phá hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước… tuyên truyền trái với pháp luật, chính sách của nhà nước ; chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, chia rẽ tôn giáo ; gây rối trật tự công cộng, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự”. Nhưng còn thêm vào một số nghĩa vụ mới với những điều luật mơ hồ cho phép nhà cầm quyền trừng phạt và hạn chế các hoạt động tôn giáo.
Điều 6 (Khoản 1a) ghi rõ việc đăng ký hoạt động tôn giáo phải “có sinh hoạt tôn giáo ổn định 20 năm trở lên” và “không vi phạm các quy định tại Khoản 2 Điều 8 và Điều 15 Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo”. Điều 15 của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo ghi rõ hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo bị đình chỉ khi “xâm phạm an ninh quốc gia”. Đây là điều ngăn cấm thô lỗ, vì mọi hoạt động tôn giáo nào không được nhà nước công nhận sẽ bị coi như xâm phạm “an ninh quốc gia” chiếu theo bộ Luật Hình sự Việt Nam. Hiện nay, nhiều thành viên thuộc các tôn giáo không được thừa nhận như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), Hòa Hảo, Cao Đài, Tin Lành tại gia bị giam tù chỉ vì họ phụng thờ tín ngưỡng của họ ngoài các tổ chức tôn giáo do Nhà nước dựng lên.
Hai chương quan trọng của Nghị định 92 là Chương III về “Tổ chức tôn giáo” và Chương IV về “Hoạt động tôn giáo”, gồm có 36 Điều nằm trong 14 Mục, cho thấy sự xâm nhập và xâm phạm của chính quyền và Đảng Cộng sản trong mọi hình thái của đời sống tôn giáo. Mọi hoạt động, các cuộc lễ và đại hội, phong chức, chương trình đào tạo đều phải thông báo trước đến chính quyền địa phương để được các cấp Ủy ban Nhân dân xã, huyện hay tỉnh, cho đến chính quyền trung ương và thủ tướng chấp nhận. Ở mọi cấp, chính quyền có toàn quyền tùy tiện bác bỏ đơn xin hoạt động tôn giáo qua văn bản hồi đáp nêu rõ lý do.
Ngay cả người nước ngoài sống tại Việt Nam cũng phải gửi hồ sơ xin phép sinh hoạt tôn giáo (Điều 40), là điều chưa có trong Nghị định 22 trước đây.
Nghị định 92 phác thảo vai trò chủ yếu của Bộ Nội vụ trong việc quán xuyến các hoạt động tôn giáo tại Việt Nam (Điều 42). Ví dụ trong các trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ hướng dẫn chương trình, nội dung và kiểm tra việc giảng dạy môn học lịch sử Việt Nam, pháp luật Việt Nam (Điều 15). Lịch sử và Pháp luật Việt Nam được nâng cấp thành “chính khóa” trong việc học hỏi tôn giáo, trên và trước việc nghiên cứu tôn giáo (Điều 14.2).
Qua các sự kiện này, người ta thấy rõ việc ưu tiên của chính quyền không là đào tạo các cán bộ tôn giáo am hiều các học thuyết tôn giáo của các cộng đồng tôn giáo, mà đào luyện binh đoàn cán bộ chính trị giỏi giắn thi hành chính sách đàn áp tôn giáo cố hữu của nhà nước.
Yếu tố hình thức coi như tích cực của Nghị định 92 là, sau một tiến trình áp dụng dài lâu và gay go cho sự đăng ký xin công nhận tổ chức tôn giáo qua nhiều năm, quyết định cuối cùng của Thủ tướng là rút ngắn thời gian xin hoạt động tôn giáo so với Nghị định 22 (45 ngày thay vì 90) và 30 ngày thay vì 60, để chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh xét công nhận tổ chức tôn giáo (Điều 8.2). Thế nhưng sự xem xét vô cùng tỉ mỉ của chính quyền, từ cấp làng xã lên tới trung ương, cùng với tình trạng thiếu minh bạch và kiểm soát chính trị thái quá, khiến cho toàn bộ tiến trình xin đăng ký hoạt động tôn giáo cho thấy Việt Nam chưa có chính sách mở rộng tự do ton giáo, trái lại chỉ áp đặt đường hướng của Đảng Cộng sản Việt Nam để “gia tăng sự quản lý tôn giáo của nhà nước”.
Thực vậy, Nghị định 92 chỉ đơn giản thêm vào khung pháp luật chút “hóa trang hợp pháp” cho chính sách đàn áp tôn giáo, được chủ súy ở thượng tầng cao cấp Đảng và Nhà nước, và thực hiện có phương pháp trên toàn quốc trong mục tiêu đánh bại mọi phong trào độc lập để đặt tôn giáo dưới sự kiểm soát của Đảng.
Điều hành chính sách này là Ban Tôn giáo Chính phủ, Mặt Trận Tổ quốc, Ban Dân vận và Bộ Nội vụ. Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ là Trung tướng Phạm Dũng, Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II. Mạng lưới tôn giáo của nhà nước và “công an tôn giáo” (A41), “đặc tình tôn giáo” dưới quyền điều khiển của ông Phạm Dũng chẳng bao giờ được đào tạo về kiến thức tôn giáo, thế nhưng lại có toàn quyền định đoạt các hoạt động tôn giáo trong mọi lĩnh vực của đời sống người có tín ngưỡng.
Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế cực lực tố cáo chính sách đàn áp tôn giáo đang vi phạm trắng trợn quyền tự do tôn giáo được bảo đảm trong Hiến pháp Việt Nam cũng như trong Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị của LHQ mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế kêu gọi Cộng đồng thế giới áp lực Việt Nam duyệt sửa “Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo” năm 2004 và hủy bỏ các điều luật trái chống với tiêu chuẩn luật pháp quốc tế.
Trong bản Phúc trình Tôn giáo trên thế giới năm 2012 của Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo trên Thế giới đã đặt Việt Nam vào danh sách các quốc gia đàn áp tự do tôn giáo thô bạo nhất, và yêu cầu Chính phủ Hoa Kỳ đặt Việt Nam trở lại vào danh sách CPC (Country of Particular Concern, Quốc gia đàn áp tôn giáo cần đặc biệt quan tâm) mà Việt Nam đã bị liệt vào danh sách này năm 2004.