BRUSSELS, ngày 10.12.2015 (QUÊ MẸ) — Nhân kỷ niệm lần thứ 67 “Ngày Nhân Quyền Quốc tế” 10 tháng 12 năm nay, Cơ sở Quê Mẹ và Diễn Đàn Châu Âu về Bất Bao dung Tôn giáo (EPRID) tổ chức cuộc Hội luận tại Quốc hội Châu Âu ở thủ đô Brussels, Vương quốc Bỉ vào sáng ngày thứ năm 10 tháng 12.
Hội luận mang chủ đề “Tôn giáo, An Ninh, và Nhân Quyền”.
Làm sao bảo vệ Tự do Tôn giáo hay Tín ngưỡng, để qua đó bảo vệ Quyền Con Người và các Cộng đồng dân tộc, trong một thế giới đầy bạo động, cực đoan, đạo đức giả, và nạn khủng bố ?
Các khách mời quốc tế thuyết trình gồm có :
Tiến sĩ Heiner Bielefeldt, Báo Cáo viên Đặc biệt LHQ về Tự do Tôn giáo và Tín ngưỡng,
Tiến sĩ Kishan Manocha, Cố vấn Đặc biệt về Tự do Tôn giáo và Tín ngưỡng tại Tổ chức An Ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE),
Giáo sư Cole Durham, Giám đốc Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu về Pháp luật và Tôn giáo, Hoa Kỳ,
Dân biểu Quốc hội Châu Âu Andrew Lewer, thuộc Liên nhóm Tự do tôn giáo và tín ngưỡng,
Cuộc Hội luận đặt dưới sự bảo trợ của Dân biểu Elmar Brok, Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội Châu Âu.
Cơ sở Quê Mẹ là thành viên Sáng lập tổ chức Phi chính phủ Diễn Đàn Châu Âu về Bất Bao dung Tôn giáo (EPRID), bao gồm các đại biểu Thiên chúa giáo, Phật giáo, Tin Lành và Bahái hình thành từ năm 2006 để thúc đẩy Liên Âu lưu tâm và có chính sách toàn cầu bảo vệ Tự do Tôn giáo và tín ngưỡng.
Sau 7 năm hoạt động và vận động, thành quả đưa tới rất vẻ vang, là kể từ tháng 6 năm 2013, Liên Âu mới có chính sách bảo vệ Tự do Tôn giáo trên thế giới khi chính thức thông qua bản “Đường hướng chỉ đạo bảo vệ và thăng tiến Tự do tôn giáo và tín ngưỡng của Liên Âu” gọi tắt là “Đường hướng Chỉ đạo”. Đây là văn kiện quan trọng về chính sách đối ngoại trên hướng chiến lược của Liên Âu ở phạm vi Tự do tôn giáo hay tín ngưỡng. Công cụ dành cho các viên chức Liên Âu tại hơn một trăm Tòa Đại sứ trên toàn thế giới nhằm bảo vệ và thăng tiến tự do tôn giáo.
Từ đó đến nay, công tác của tổ chức Phi chính phủ Diễn Đàn Châu Âu về Bất Bao dung Tôn giáo (EPRID) là hình thành phúc trình hằng năm tình trạng đàn áp tôn giáo trên thế giới, đặc biệt tại Á châu và Việt Nam. Một công tác khác, là tham gia giảng dạy các khoá huấn luyện cho các nhà Ngoại giao do Bộ Ngoại giao Liên Âu tổ chức hằng năm. Khoá học tập trung vào hiện tình đàn áp tôn giáo, các sắc luật địa phương trái chống với Công ước LHQ về nhân quyền, và phương cách giúp đỡ các nạn nhân. Hai khoá Huấn luyện đã khởi đầu năm ngoái và năm nay.
về vấn đề đàn áp tôn giáo trên thế giới
Để áp dụng bản “Đường hướng chỉ đạo bảo vệ và thăng tiến Tự do tôn giáo và tín ngưỡng của Liên Âu”, là chính sách mới về tôn giáo của Liên Âu. Lần đầu tiên Bộ Ngoại giao Liên Âu đã tổ chức một khoá Huấn luyện cho các nhà Ngoại giao Liên Âu tháng 11 năm ngoái, 2014. Các nhà ngoại giao thuộc Đại sứ quán Liên Âu tại 17 quốc gia trong thế giới về tham dự. Chủ đề khoá Huấn luyện năm ngoái là “Thăng tiến và bảo vệ Tự do Tôn giáo hay Tín ngưỡng”. Bộ Ngoại giao Liên Âu hướng dẫn và giải thích cho các Nhà Ngoại giao về chính sách mới của Liên Âu thông qua Đường Hướng Chỉ Đạo. Về phần thực tập. Bộ mời tổ chức Phi chính phủ Diễn Đàn Châu Âu về Bất bao dung và Kỳ thị tôn giáo, mà Cơ sở Quê Mẹ là Sáng lập viên, phụ trách huấn luyện những phương thức cụ thể trên thực địa, tập trung vào 7 quốc gia có vấn đề đàn áp tôn giáo, là Burma, Eritrea, Indonesia, Iran, Nga, Uzbekistan, Việt Nam và Yémen.
Bà Penelope Faulkner Ỷ Lan thay mặt Cơ sở Quê Mẹ : Hành động Cho Dân chủ Việt Nam và Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam thuyết giảng tại khoá huấn luyện năm ngoái, 2014, qua trường hợp cụ thể của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, là Hoà thượng Thích Thanh Quang bị sách nhiễu tại chùa Giác Minh ở thành phố Đà Nẵng liên tiếp trong nhiều năm.
Năm nay, 2015, vào ngày 20 tháng 11, Bộ Ngoại giao Liên Âu tiếp tục mời bà Penelope Faulkner Ỷ Lan thuyết giảng về các bộ Luật Tôn giáo trên thế giới trái chống với các Công ước LHQ về Nhân quyền, đặc biệt “Dự thảo Luật Tín ngưỡng Tự do” mới tại Việt Nam sau 5 lần sửa chữa để thông qua trước Quốc hội.
Từ 30 quốc gia trên thế giới, các nhà Ngoại giao Liên Âu được gửi về tham dự, kể cả nhiệm sở Liên Âu tại Việt Nam. Chủ đề học tập năm nay là “Nhân quyền và Dân chủ hoá trong Công tác Đối ngoại của Liên Âu”, để làm sao thi hành Đường hướng chỉ đạo Liên Âu trong việc thăng tiến và bảo vệ Tự do Tôn giáo hay Tín ngưỡng.