PARIS, ngày 26.4.2010 (PTTPGQT) – Nhân ngày 30.4, ngày tang thương của dân tộc, Thượng tọa Thích Viên Định, Phó Viện trưởng kiêm Tổng thư ký Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, viết bài “Sám Hối là phương cách duy nhất xóa ngày tang thương 30.4” gửi đến Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế để phổ biến.
Thượng tọa nhận định rằng: “Ngày 30.4.1975, ngày chấm dứt chiến tranh hai miền Nam Bắc, lẽ ra là một ngày vui, lại trở thành một ngày buồn, ngày đất nước rơi vào thời kỳ tăm tối, gia đình ly tán, quê hương tan nát, dân tộc chia lìa. Ngày chấm dứt chiến tranh lại là ngày đất nước rơi vào thể chế độc tài độc đảng theo chủ thuyết ngoại lai sai lầm làm cho nhân dân mất hết tự do, dân chủ, nhân quyền như thời kỳ phong kiến, thực dân, hoang dã. Bạo lực chỉ thâu tóm được đất nước nhưng không thống nhất được lòng người”. Rồi Thượng tọa nhắc đến Ý thức Sám hối thông qua lời đề xuất của Đức cố Tăng thống Thích Huyền Quang như một giải pháp xóa Ngày Tang thương 30.4 :
“Đại Lão Hoà Thượng Thích Huyền Quang, từ năm 2000, lúc còn bị lưu đày ở Quảng Ngãi, Ngài đã viết thư yêu cầu Nhà cầm quyền cộng sản: “Hãy lấy ngày 30.4.1975 làm ngày Sám Hối và Chúc sinh toàn quốc” Ngài đòi hỏi: “Hãy trả Nhân quyền lại cho người sống và Linh quyền cho người chết”. Nếu được như vậy thì mới thật sự thống nhất đất nước, thống nhất lòng người, nhân dân được đầy đủ quyền tự do, dân chủ, tiếp đến sẽ đoàn kết dân tộc, cùng nhau chống ngoại xâm để cứu nước thoát khỏi nạn bành trướng Đại Hán nguy cấp hiện nay”.
Sau đây là toàn văn bài viết của Thượng tọa Thích Viên Định:
ngày tang thương 30.4
Trong một thế giới đầy xung động luôn có những sự tranh chấp. Có nhiều phương cách để giải quyết các cuộc tranh chấp. Thời kỳ hoang dã, hai bên thường giải quyết bằng bạo động, thế giới văn minh các bên có khuynh hướng giải quyết bằng thương thảo ôn hoà. Cùng bị chia đôi đất nước vì khác nhau ý thức hệ, nhưng 3 đảng Cộng sản của 3 nước đã có 3 cách hành động khác nhau. Cộng sản Đông Đức thì bắt tay, thương thảo với Tây Đức để thống nhất đất nước trong hoà bình. Cộng sản Bắc Việt lại gây chiến tranh, huynh đệ tương tàn đến khi có kẻ thắng, người thua mới chịu thôi. Cộng sản Triều Tiên lại khác nữa, cứ để phần ai bên đó giữ, đợi xem rốt cuộc ai đúng, ai sai, hạ hồi phân giải. Việt Nam thì khen Việt Nam anh hùng, vì thắng Mỹ, thắng Pháp, Thái Lan lại khen Thái Lan anh hùng vì tránh được cuộc chiến tranh đối đầu với phương Tây. Không biết ai đúng, ai sai, ai mới thật sự anh hùng? Ai gây tội ác với dân tộc?
Ông Võ Văn Kiệt, cố Thủ Tướng cộng sản Việt Nam, người có một phần trách nhiệm trong cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn giữa hai miền Nam Bắc Việt Nam, khi về già, ông đã có những nhận định rất khác lạ, nhưng nghe có vẻ chân thành, Ông nói rằng: “Trong chiến thắng 30.4.1975, nếu có một triệu người vui thì cũng có một triệu người buồn…” Có lẽ, như cổ nhân thường nói: “Nhân tương tử kỳ ngôn dã thiện, điểu tương tử kỳ minh dã ai”, con người sắp chết, lời nói thật thà, con chim sắp chết, tiếng kêu thê lương. Có lẽ cuối đời, ông muốn quay trở về với ông bà, tổ tiên, không muốn đi theo Mác-Lênin nữa, vì ông đã thấy ra rằng, chủ thuyết Mác-Lênin đã sai lầm, nên thẳng thắn, mạnh dạn, dám nói lên sự thật, giống như ông Gorbachev đã can đảm thú nhận rằng: “Chủ nghĩa Cộng Sản mà tôi (Gorbachev) phục vụ gần cả đời người, toàn là tuyên truyền lừa bịp. Người Cộng Sản chúng tôi tin dùng những điều gian dối để che giấu sự thật. Theo lời ông Võ Văn Kiệt thì tuy cuộc chiến kết thúc nhưng chỉ có người dân nửa nước là vui mừng, còn một nửa lại đau khổ. Ông Võ văn Kiệt, một đảng viên Cộng sản cao cấp, có công lớn trong cuộc chiến, làm đến chức Thủ tướng, là kẻ chiến thắng, nhưng ông đã nói như vậy, thì không một ai trong hàng ngũ lãnh đạo đảng Cộng sản hiện nay, có thể nói gì khác được. Thật vậy, chẳng có cuộc chiến tranh nào mà không gây điều tàn cho đất nước đó, chẳng có cuộc chiến tranh nào mà không mang đến đau thương cho những người dân vô tội. Cuộc chiến Bắc Nam lại kéo dài gần 21 năm trời, tiêu tốn không biết bao nhiêu xương máu của binh lính hai bên, của đồng bào vô tội. Tổng kết gần 10 triệu người chết, nhà cửa tan hoang, ruộng vườn đổ nát, đất nước điêu tàn, dân tình ly tán… Cái hậu quả đau thương mất mát của dân tộc, đã kéo dài từ đó đến nay chưa dứt, không biết đến bao giờ mới hàn gắn được, chứng tỏ cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, do Cộng sản Bắc Việt gây ra, rõ ràng là sai lầm và thất đức. Nếu chỉ vì người dân một nửa nước vui mà lại gây cho nửa nước buồn, thi chi bằng bắt chước Cộng sản Triều Tiên, phần ai nấy giữ, có hay hơn không? Hay tốt nhất là bắt chước Cộng sản Đông Đức, bắt tay với Tây Đức, thống nhất đất nước trong hoà bình thì vui đẹp biết chừng nào!
Ai đã gây ra tội ác này? Ai là người phải chịu trách nhiệm? Ai là kẻ có tội với tổ quốc, với dân tộc Việt Nam?
Sau chiến thắng, 30.4.75, về kinh tế thì Nhà cầm quyền Cộng sản đã áp dụng chủ thuyết vô sản Mác-Lênin để “Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Xã Hội Chủ Nghĩa”. Ở miền quê thì quốc hữu hoá ruộng đất của nông dân đem gom vô hợp tác xã. Ở thành thị lại chủ trương đánh công thương nghiệp. Nhà máy, công ty, cửa hàng buôn bán của tư nhân đều bị trưng thu. Tiền bạc bị đổi theo chỉ tiêu mỗi gia đình chỉ được 200 đồng. Trong phút chốc, toàn dân trên cả nước, đều trở thành vô sản. Chủ trương chuyên chính vô sản thiếu cạnh tranh nên không kích thích được nhu cầu phát triển khiến nền kinh tế cả nước dần đi đến kiệt quệ. Dân chúng, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, đau bệnh không thuốc thang, lại thêm chế độ hộ khẩu, công an trị…cuộc sống mất tự do, đau khổ, cơ hàn như địa ngục. Đến nỗi, năm 1986, Cộng sản đã phải khẩn cấp thay đổi chính sách: “Đổi mới hay là chết”.
Về chính trị thì với tư tưởng hận thù, Nhà cầm quyền đã bắt giam hàng triệu sĩ quan, công chức của Việt Nam Cộng Hoà vào trại tù cải tạo. Qui chế trong trại tù lại tuân theo chỉ thị khắc khe tàn ác của Thủ Tướng Bắc Việt, Phạm Văn Đồng: “Chúng gây tội ác với dân tộc, cho chúng ăn ít, bắt chúng làm nhiều, đó là nhân đạo lắm rồi”. Vì bị đối xử tàn bạo, dã man nên không biết bao nhiêu quan chức chế độ cũ phải bị bệnh tật, chết chóc, trong các trại tù ở nơi rừng sâu, nước độc. Nhiều người phải liều mạng vượt biên, bằng ghe, bằng thuyền, băng rừng vượt biển cố thoát ra nước ngoài. Lớp chết trên rừng, lớp chết dưới sông, lớp bỏ mình ngoài biển cả, làm mồi cho chim cá…Thật là một giai đoạn đau khổ cùng cực cho dân tộc. Trong lịch sử Việt Nam chưa có thời nào như vậy. Cho đến nay, Xã hội vẫn tiếp tục xuống cấp, các tệ nạn trộm cắp, bài bạc, xì ke ma tuý, tham nhũng hối lộ nhiều vô kể. Văn hoá suy đồi, đạo đức băng hoại…
Ai đã gây ra cảnh tượng đau thương này cho dân tộc? Ai mới thật sự là kẻ có tội với tổ quốc, có tội với nhân dân?
Năm 1861-1865, Hoa Kỳ cũng có một cuộc nội chiến giữa hai miền Nam, Bắc về vấn đề giải phóng Nô lệ. Miền Bắc cũng thắng, Miền nam cũng thua và phải đầu hàng. Sau khi thảo luận giải quyết vấn đề giải giáp cho binh sĩ, hai bên cùng đồng ý rằng, sĩ quan miền Nam vẫn tiếp tục giữ nguyên cấp bực, còn binh lính miền Nam, ai muốn về nhà với gia đình thì về, ai muốn tiếp tục binh nghiệp, thì gia nhập vào binh đoàn miền Bắc. Không có trại cải tạo, không có trại tù. Nghĩa Trang chôn chung binh sĩ hai miền, binh lính tôn trọng lẫn nhau. Đó mới là hoà bình, đó mới là thống nhất, thật đẹp đẽ biết bao.
Hơn cả thế kỷ trước mà Hoa Kỳ đã văn minh như thế. Vậy mà ngày nay, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn còn sống trong tư tưởng hận thù như thời kỳ man dã. Tại sao Cộng sản Việt Nam biết sao chép Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ, như lời ông Bill Clinton, cựu Tổng Thống Hoa Kỳ đã nói, nhưng lại không biết bắt chước cách đối xử hoà bình, thương yêu và bao dung cho nhau, như tướng Grand và tướng Lee của hai miền Nam, Bắc Hoa Kỳ đã làm sau khi cuộc nội chiến chấm dứt?
Ông Vó Văn Kiệt còn nói, “Yêu nước cũng có nhiều cách yêu nước”. Không phải như lời tuyên truyền nhồi sọ của Nhà cầm quyền Cộng sản rằng, “yêu nước là yêu Xã hội chủ nghĩa”. Ngày nay chỉ còn vài nước theo Xã hội chủ nghĩa, vậy người dân của hàng trăm nước theo chế độ tự do, dân chủ trên thế giới thì không biết yêu nước hay sao? Các Nhà cầm quyền độc tài đã lợi dụng vấn đề yêu nước như một phương tiện để khủng bố, đàn áp người dân, quyết giữ độc quyền lãnh đạo, vì quyền lợi của bè đảng phe nhóm riêng tư.
Có nhiều cách để giải quyết vấn đề khác biệt về lập trường và tư tưởng. Nhất là đối với người dân trong một nước. Cùng là đồng bào, cùng là bà con, thân thuộc với nhau, tại sao lại phải tương tàn, tương sát nhau chỉ để giải quyết vấn đề tư bản và cộng sản mà phải gây ra bao khổ đau, tan nát. Thật là một sự vọng động và sai lầm quá lớn!
Ngày 30.4.1975, ngày chấm dứt chiến tranh hai miền Nam Bắc, lẽ ra là một ngày vui, lại trở thành một ngày buồn, ngày đất nước rơi vào thời kỳ tăm tối, gia đình ly tán, quê hương tan nát, dân tộc chia lìa. Ngày chấm dứt chiến tranh lại là ngày đất nước rơi vào thể chế độc tài độc đảng theo chủ thuyết ngoại lai sai lầm làm cho nhân dân mất hết tự do, dân chủ, nhân quyền như thời kỳ phong kiến, thực dân, hoang dã. Bạo lực chỉ thâu tóm được đất nước nhưng không thống nhất được lòng người.
Nhu cầu tự do, dân chủ và hoà bình là nhu cầu chung cho mọi người trên thế giới. Đã bước qua thế kỷ 21, một thế kỷ mà các nước trên thế giới đang hướng đến tự do và phát triển về mọi măt, vậy mà người dân Việt Nam vẫn sống bên lề xã hội văn minh. Việt Nam không có các quyền tự do tôn giáo, báo chí, đi lại, cư trú, lập hội… như qui định trong bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc.
Về vấn đề này, Đại Lão Hoà Thượng Thích Huyền Quang, từ năm 2000, lúc còn bị lưu đày ở Quảng Ngãi, Ngài đã viết thư yêu cầu Nhà cầm quyền cộng sản: “Hãy lấy ngày 30.4.1975 làm ngày Sám Hối và Chúc sinh toàn quốc”. Ngài đòi hỏi: “Hãy trả Nhân quyền lại cho người sống và Linh quyền cho người chết”. Nếu được như vậy thì mới thật sự thống nhất đất nước, thống nhất lòng người, nhân dân được đầy đủ quyền tự do, dân chủ, tiếp đến sẽ đoàn kết dân tộc, cùng nhau chống ngoại xâm để cứu nước thoát khỏi nạn bành trướng Đại Hán nguy cấp hiện nay.