PARIS, ngày 1.2.2013 (PTTPGQT) – Trong cuộc điện đàm sang Paris với ông Võ Văn Ái, Giám đốc Cơ quan Thông tin và Phát ngôn của Viện Hóa Đạo, Đức Tăng Thống đã cho biết nội dung cuộc gặp gỡ và trao đổi của Phái đoàn Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự Pháp đến thăm Ngài tại Thanh Minh Thiền viện, Saigon, sáng ngày 29.1.2013.
Cuộc trao đổi diễn ra trong không khí thân tình và thông cảm trên một giờ đồng hồ.
Phái đoàn Pháp gồm có ông Fabrice Mauriès, Tổng Lãnh Sự, Tổng Lãnh Sự Quán Pháp ở Saigon, và ông Jean-Philippe Gavois, Bí thư thứ nhất, Đặc trách Chính trị, Tôn giáo và Nhân quyền của Đại sứ Quán Pháp tại Việt Nam, từ Hà Nội vào.
Ông Tổng Lãnh sự cho biết mối quan tâm của ngài Đại sứ Pháp đối với Đức Tăng Thống và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), nên có cuộc viếng thăm hôm nay.
Khởi đầu Đức Tăng Thống trình bày những khó khăn của các tôn giáo nói chung và GHPGVNTN nói riêng, mà Nghị định mới về tôn giáo số 92 là sự thắt chặt các hoạt động tôn giáo. Nghị định ban hành ngày 8.11.2012 nhưng có hiệu lực kể từ ngày 1.1.2013. Ngay cả người nước ngoài sống tại Việt Nam cũng phải gửi hồ sơ xin phép sinh hoạt tôn giáo, là điều chưa có trước đây. Nghị định 92 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, cho thấy Việt Nam chưa có chính sách mở rộng tự do tôn giáo, trái lại chỉ áp đặt đường hướng của Đảng Cộng sản Việt Nam để “gia tăng sự quản lý tôn giáo của nhà nước”.
Đây là lần đầu tiên có sự tiếp xúc giữa Pháp với Giáo hội, nên Đức Tăng Thống trình bày đại quan cho hai nhà ngoại giao Pháp tình hình Phật giáo suốt thời cận đại. Từ Dụ số 10 không công nhận Phật giáo như một tôn giáo và chỉ xem như một hội đoàn dưới thời Vua Bảo Đại, cho đến sự ra đời của Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới năm 1951 tại Colombo, Phật giáo Việt Nam kết hợp thành tổ chức thống nhất ba miền Bắc Nam Trung. Nhưng Hiệp định Paris năm 1954 phân đôi đất nước làm cho Phật giáo hai miền Bắc Nam ly cách. Tiếp đến Pháp nạn dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm với chính sách kỳ thị tôn giáo, mà Phật giáo là nạn nhân chính. Việc Tổng thống Diệm ra lệnh cấm treo cờ Phật giáo tại Đại lễ Phật Đản Huế tháng 5 năm 1963 đã làm bùng vỡ tâm thức nhẫn nhục dưới muôn ách nạn, thúc đẩy Phật giáo đồ xuống đường biểu tình đòi hỏi bình đẳng tôn giáo.
Đến đầu tháng 11.1963, giới quan nhân VNCH đứng ra làm cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Diệm. Đầu năm 1964, Phật giáo mới được tự do mở đại hội hình thành Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, nối lại truyền thống thống nhất Phật giáo toàn quốc từ mươi thế kỷ trước.
Nhưng GHPGVNTN chỉ hoạt động được 11 năm, thì miền Nam mất vào tay Cộng sản năm 1975. Từ đó Giáo hội chúng tôi mất mọi quyền tự do sinh hoạt tôn giáo cho đến ngày nay. Đảng và Nhà nước cho ra đời tổ chức Phật giáo của Nhà nước, rất nhiều đảng viên được cạo đầu, mặc áo tăng sĩ đại diện cho Phật giáo Miền Bắc. Kể từ năm 1982, nhà cầm quyền Cộng sản bắt giam tất cả những ai trung thành với GHPGVNTN, kể cả hàng lãnh đạo cao cấp Giáo hội. Trong số này có Đức cố Đệ tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang đưa về quản thúc ở Quảng Ngãi, và tôi đưa đi lưu đày ngoài Bắc.
Giáo hội Phật giáo Nhà nước chỉ có tên trên hình thức, đa số chư Tăng là người thế tục đảng cử vào trà trộn. Mục đích của tổ chức này là tiêu diệt GHPGVNTN.
Được phái đoàn hỏi về bản thân Đức Tăng Thống. Ngài cho biết bị bắt giam từ năm 1977 trong vòng 2 năm. Năm 1982 đưa về quản thúc ở Thái Bình trong vòng 10 năm mà chẳng cho biết tội gì, và cũng không hề được tòa án xét xử. Vì vậy tôi đã viết thư gửi ông Mai Chí Thọ, lúc bấy giờ là Bộ trưởng Bộ Nội vụ, loan báo nếu không công khai xử tội tôi trước tòa án, nếu tôi có tội, thì tôi sẽ tự động bỏ về Nam. Rồi tôi về.
Năm 1994 tôi dẫn phái đoàn Viện Hóa Đạo, GHPGVNTN, đi cứu trợ thiên tai lũ lụt ở đồng bằng sông Cửu Long, lại bị nhà nước bắt, kết án 5 năm tù đưa ra giam ở nhà tù Ba Sao rồi Thanh Liệt. Nhờ dư luận quốc tế vận động, tôi được ân xá năm 1998 về đây sống trong tình trạnh quản thúc cho tới nay.
Ngày ngày có người canh gát trước Thanh Minh Thiền viện. Hàng tháng đi khám bệnh cũng bị theo dõi rất nghiêm ngặt.
Tuy bị cấm sinh hoạt, nhưng GHPGVNTN chúng tôi vẫn còn cơ sở pháp lý, chưa có văn kiện nào của Nhà nước giải thể. Với hai nghìn năm lịch sử đồng hành cùng dân tộc, nên Phật giáo Việt Nam thấm nhuần tinh thần dân tộc, vô hình trung trở thành đối nghịch với chủ nghĩa Tam Vô của Cộng sản. Đây là lý do khiến Nhà nước tìm mọi cách đàn áp, không cho Giáo hội sinh hoạt.
Trước kia còn Liên Xô, thì nhà nước Việt Nam dựa vào Liên Xô. Nay Liên Xô sụp đổ, họ dựa vào Trung quốc để giữ Đảng cho họ chứ không phải để phục vụ sự no ấm, tự do cho người dân. Mặt khác họ còn bán đất, bán biển cho Trung quốc.
Các nhà bất đồng chính kiến hay GHPGVNTN lên tiếng phê bình chính sách phi nhân quyền, thiếu dân chủ, thì liền bị bắt giam.
Vì vậy mà trước đây, từ năm 2001, tôi đã cất lời kêu gọi cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam như giải pháp duy nhất cho sự phát triển đất nước. Giáo hội chúng tôi quan niệm phải có tam quyền phân lập, và chỉ cần sự hiện hữu của ba đảngđại diện cho ba khuynh hướng tả, hữu, trung lập trong quần chúng. Nhưng Đảng Cộng sản chẳng bao giờ chịu nghe. Chủ trương của Nhà nước này là thà mất nước chứ không thà mất Đảng.
Trả lời câu hỏi của Phái đoàn Pháp về những sự thay đổi trong thời gian qua, Đức Tăng Thống cho biết :
Thay đổi thì có nhưng độc tài, độc quyền vẫn y nguyên. Người dân đã mất quyền ăn nói. Thử xem những việc gần đây, hàng lọat Ngân hàng bị tan vỡ là vì người dân không được góp ý, bày tỏ chính kiến. Châm ngôn “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” chẳng có ý nghĩa gì với những chuyên gia kinh tế thế giới.
Ngày nay ta có thể đem Miến Điện so sánh với Việt Nam để thấy sự cách xa về tiến trình dân chủ. Độc tài Cộng sản là vấn nạn khó giải quyết hơn chính quyền quân phiệt Miến.
Giáo hội chúng tôi không làm chính trị. Nhưng thái độ chính trị của Giáo hội là mong muốn có nền dân chủ đa nguyên để mọi thành phần dân tộc, chính trị, tôn giáo được tham gia kiến thiết đất nước, đồng thời giải quyết vấn đề Trung quốc xâm lăng Biển Đông. Nước Pháp có kinh nghiệm với Việt Nam 80 năm trời, hiện nay nước Pháp có “Ngôi nhà Pháp lý Pháp Việt” tại Hà Nội mà không có quốc gia nào khác có. Giáo hội chúng tôi mong tiếng nói của nước Pháp có thể giúp Việt Nam tiến nhanh trong việc cải cách Pháp quyền phù hợp theo tiêu chuẩn quốc tế, và đẩy mạnh công cuộc dân chủ hóa Việt Nam.
Ông Tổng Lãnh sự Fabrice Mauriès tỏ lời thông cảm các ý kiến của Đức Tăng Thống đề ra, ông cũng nói nước Pháp luôn quan tâm ủng hộ quan điểm và quyền lợi của mỗi cá nhân. Nhưng vấn đề thay đổi thì không ai có thể thay thế vai trò này của người Việt Nam. Ông cũng quan tâm đến sức khỏe hiện nay của Đức Tăng Thống và hỏi thăm ngoài phái đoàn Pháp còn có ai đến vấn an Đức Tăng Thống không ?
Đức Tăng Thống cho biết thời gian qua có Phái đoàn của ông Đại sứ Hoa Kỳ và Đại sứ Úc Đại Lợi ngoài Hà Nội vào thăm, trao đổi. Tháng trước đây có ông Ủy viên đặc nhiệm Nhân quyền của chính phủ Đức và ông Tổng Lãnh sự Đức đến thăm.
Ông Jean-Philippe GAVOIS, Bí thư thứ nhất Đại sứ Quán Pháp hứa sẽ làm bản tường trình cuộc diện kiến Đức Tăng Thống hôm nay trình lên ông Đại sứ. Ông Tổng Lãnh sự nói hy vọng một ngày gần đây ông Đại sứ Pháp sẽ đến Thanh Minh Thiền Viện vấn an Đức Tăng Thống.
Trước khi chia tay Đức Tăng Thống trao tặng Phái đoàn Ngoại giao Pháp tập tài liệu bằng Pháp văn “Memorandum sur la Situation de lEglise Bouddhique Unifiée du Vietnam” (Giác thư về tình hình GHPGVNTN).
PHÁI ĐOÀN NGOẠI GIAO CỘNG HÒA LIÊN BANG ĐỨC ĐẾN GẶP GỠ TRAO ĐỔI VỚI ĐỨC TĂNG THỐNG THÍCH QUẢNG ĐỘ
Vào chiều ngày 14.12.2012, Phái đoàn Ngoại giao Cộng hòa Liên bang Đức đã đến Thanh Minh Thiền viện gặp gỡ, trao đổi với Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ.
Cùng đi với ông Conrad Cappell, Tổng Lãnh Sự Đức tại Saigon, có ông Markus Löning, Đặc phái viên Nhân quyền của chính phủ Đức, và ông Felix Schwarz. Được biết ông Markus Löning công du Việt Nam từ 9 tới 14.12.2012 để tìm hiểu tình hình chính trị và nhân quyền.
Sau cuộc gặp gỡ Đức Tăng Thống, ông Markus Löning đã mở cuộc họp báo vào lúc 17 giờ 15 tại Khách sạn Renaissance Riverside ở Saigon trước khi rời Việt Nam trở về Đức.
Ông Markus Löning trân trọng chào hỏi Đức Tăng Thống và cho biết lý do chính phủ Đức cử ông đi tìm hiểu vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam, nên đến đây gặp Đức Tăng Thống mong tìm hiểu về tôn giáo. Đặc biệt ông nghe nhiều nguồn thông tin cho biết GHPGVNTN đang bị mất tự do, và tình trạng bị quản chế của Đức Tăng Thống.
Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ đã tỉ mỉ kể lại những khó khăn của Phật giáo từ thời Pháp thuộc cho đến ngày nay dưới chế độ Cộng sản. Đặc biệt từ năm 1975, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là nạn nhân đầu tiên và chính yếu của chính quyền Cộng sản. Vì vậy mà đã rất sớm, từ ngày 2.11.1975, 12 Tăng Ni tự thiệu tập thể tại Cần Thơ để phản đối chính sách đàn áp nhân quyền và tôn giáo. Cho tới 30 năm sau, đã có tất cả là 22 Tăng, Ni, Phật tử tự thiêu trong cuộc vận động cho tự do tôn giáo, nhân quyền, dân chủ và phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN).
Bàn tay của Đảng Cộng sản đã xen vào nội bộ Phật giáo khi họ cho thành lập năm 1981 một Giáo Hội Phật giáo Nhà nước, được gọi là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, nhằm tiêu diệt GHPGVNTN. Tất cả mọi tài sản, giáo sản, cơ sở giáo dục, văn hóa, từ thiện xã hội, y tế, đại học Phật giáo cũng như hệ thống Trung tiểu học Bồ Đề, chùa viện, v.v… đều bị nhà cầm quyền Cộng sản tịch thu ngay sau năm 1975, cho đến nay vẫn chưa trả lại.
Trong hoàn cảnh bế tắc làm cho đất nước ngày càng suy sụp, Giáo hội đã phát động từ năm 1993 phong trào đòi hỏi bầu lại dưới quyền giám sát của LHQ một Quốc hội đại biểu cho mọi thành phần xã hội, đảng phái, tôn giáo, đòi hỏi dân chủ đa nguyên từ năm 2001. Vì Giáo hội biết rằng dân chủ là cơ bản để phát triển đất nước. Không có dân chủ, nhân quyền không được tôn trọng và tôn giáo không thể có tự do sinh hoạt để giải quyết các vấn nạn xã hội và tâm linh.
Đức Tăng Thống đưa ra một ví dụ mà bản thân ngài phải gánh chịu. Đó là năm 1994 tại đồng bằng sông Cửu Long có bão lụt lớn, Giáo Hội tổ chức đi cứu trợ thì lại bị nhà cầm quyền bắt giam vì “cứu trợ trái phép”, tuyên án 5 năm tù giam và 5 năm quản chế. Hiện nay tôi bị chỉ định sống nhờ tại Thanh Minh Thiền Viện với lệnh quản chế bằng miệng, chẳng có giấy tờ gì cả. Hàng ngày công an ngồi canh gát trước cổng Chùa.
Ông Markus Löning lại hỏi : Chùa này sinh hoạt ra sao, bao nhiêu người sống ở đây, có ai đến lễ chùa và có bị khó khăn gì khi đến, và có ai đến thăm Ngài không ?
Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ cho biết, chùa chỉ có Thầy trụ trì và tôi thôi. Họ sợ bị tôi ảnh hưởng nên chẳng cho ai đến ở. Phần tôi, thì bị cấm không cho làm lễ Phật hay thuyết giảng cho Phật tử, dù sống trong một ngôi chùa.
Ngày thường thì rất vắng vẻ. Thỉnh thoảng có Phật tử đến lễ nhưng thấy công an theo dõi nên sợ hãi không ai dám đến nữa. Chỉ những ngày lễ lớn mới có đông Phật tử tham dự. Thi thoảng có vài vị sư trong Giáo hội đến thăm tôi cho biết chút tin tức bên ngoài, tôi hoàn toàn bị cô lập.
Ông Markus Löning ngạc nhiên hỏi : Vì sao người ta xem Ngài nguy hiểm như vậy ?
Đức Tăng Thống đáp : Là vì tôi sống theo lòng từ bi, khoan dung của Đức Phật, tôi theo con đường của dân tộc, không chịu đồng hành với chủ nghĩa Tam Vô và chủ trương bạo động đấu tranh giai cấp của người Cộng sản, nên họ đàn áp, giam cầm tôi. Năm 2001 tôi công bố “Lời Kêu gọi cho Dân chủ Việt Nam” qua một chương trình thực hiện Tám điểm. Tôi kêu gọi thành lập ba đảng tại Việt Nam, một đảng khuynh tả, một đảng huynh hữu, và một đảng trung lập đại diện cho 3 khuynh hướng của người dân. Nếu Đảng Cộng sản nghe và thực hiện, thì họ sẽ không bị nhân dân và lịch sử phán đoán. Nhưng Đảng Cộng sản bỏ ngoài tai, vì chỉ muốn độc tài đảng trị để ôm giữ quyền lực và tánh mạng của họ.
Ông Markus Löning hỏi : Vì sao họ lo sợ cho tánh mạng họ ?
Đức Tăng Thống đáp : Vì họ có quá nhiều đặc quyền đặc lợi, từ trước đến giờ họ gây quá nhiều tội ác với dân tộc Việt nam, cho nên họ chẳng dám buông ra là thế.
Trong tình trạng như ngày nay, tôi rất âu lo cho đất nước chúng tôi rơi vào tay Trung quốc một ngày không xa. Cộng sản trên thế giới không còn, nhưng ý đồ của Cộng sản việt Nam vẫn là thà mất nước chứ không thà mất đảng. Họ chẳng lo gì cho quyền lợi và hạnh phúc của người dân. Trái lại họ còn bán đất bán biển cho Trung quốc, cho Trung quốc khai thác Bô xít trên Tây nguyên gây đại nạn sinh thái và uy hiếp quân sự, cho thuê rừng đầu nguồn 50 năm. Công nhân Trung quốc vào lập Làng, một ngày kia sẽ trở thành quân đội xâm lăng…
Đức Tăng Thống kêu gọi chính phủ Đức và nhân dân Đức đang ở vị thế kinh doanh, giúp đỡ nhà cầm quyền Cộng sản hãy giúp đỡ cho nhân dân Việt Nam sớm có nhân quyền, dân chủ và tự do tôn giáo.
Ông Markus Löning tiết lộ rằng trong cuộc gặp gỡ chính phủ Việt Nam ông có nêu ra vấn đề nhân quyền và tôn giáo, và đặt vấn đề sao Việt Nam không theo gương Miến Điện, thì phía Việt Nam không trả lời lại có vẻ lúng túng.
Khi chia tay, ông Markus Löning, Đặc phái viên Nhân quyền của chính phủ Đức, cầm tay Đức Tăng Thống mà nói rằng : Chúng tôi sẽ tường trình lên chính phủ cuộc gặp gỡ Ngài hôm nay, và sẽ thúc đẩy cho Nhân quyền tại Việt nam, cũng như kêu gọi Trung quốc và Việt Nam nên đàm phán vấn đề Biển đông theo luật của quốc tế.
Đức Tăng Thống đã trao cho Phái đoàn Ngoại giao Cộng hòa Liên bang Đức hai tập tài liệu bằng tiếng Anh : “Memorandum on the situation of the Unified Buddhist Church of Vietnam” (Giác thư về tình hình GHPGVNTN), và “The Unified Buddhist Church of Vietnam, 30 Years of Peaceful Struggle for Religious Freedom, Human Rights and Democracy in Vietnam”, tóm gọm các mốc lớn về cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ của GHPGVNTN từ sau năm 1975.
Tin giờ chót : NHIỀU NHÂN SĨ QUỐC TẾ ĐỀ CỬ ĐỨC TĂNG THỐNG THÍCH QUẢNG ĐỘ GIẢI NOBEL HÒA BÌNH NĂM 2013
Hôm nay, 1.1.2013, là hạn chót Ủy ban Nobel Hòa bình tại Vương quốc Na Uy nhận đơn đề cử các ứng viên Giải Nobel Hòa bình 2013.
Cũng như mọi năm, đông đảo nhân sĩ, giáo sư đại học, chính trị gia quốc tế viết thư đề cử Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ. Có những năm lên đến hàng trăm thư đề cử.
Cơ sở Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt Nam và Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế vừa nhận được các bản sao thư đề cử của một số nhân sĩ tiêu biểu, như Dân biểu Ed Royce, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ, Thượng nghị sĩ Quốc hội Ý Đại Lợi, Marco Perduca, Dân biểu Quốc hội Pháp và Thị trưởng thành phố Bègles, Dân biểu Quốc hội Châu Âu, Ramon Tremosa i Balcells, v.v…
PHÂN ƯU
Được tin Nhà văn Hoàng Tiến vừa mãn phần tại Hà Nội |