PARIS, ngày 3.10.2008 (PTTPGQT) – Trong những Thông cáo báo chí tước đây chúng tôi đã giới thiệu công luận thế giới xuyên qua các báo, đài quốc tế bình luận về con người cao cả của Đức cố đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang sau khi ngài viên tịch, như báo Phố Wall (The Wall Street Journal), Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, VOA, v.v…
Hôm đầu tháng 9, nhật báo The Guardian/Người bảo vệ, một trong những tờ báo lớn và nổi danh của nước Anh ra đời từ thế kỷ XIX, khuynh hướng trung tả, phát hành tại thủ đô Luân Đôn 400,000 số mỗi ngày, đăng bài “Tăng thống Thích Huyền Quang, người lãnh đạo Phật giáo và bất đồng chính kiến tại Việt Nam” (Thich Huyen Quang, Buddhist leader and dissident in Viet Nam) của ký giả Simon Blomfield bình luận một đời đấu tranh và lãnh đạo Phật giáo của Đức cố Tăng thống. Vài ngày sau, bài này được đăng lại nhưng dưới tựa đề “Thủ tướng Việt Nam xin lỗi Phật giáo” trên một tuần báo lớn của Úc châu, The Age/Thời đại, thuộc khuynh hướng dân chủ xã hội, phát hành tại thành phố Melbourne 300,000 số vào ba ngày cuối tuần.
Sau đây, xin mời quý Bạn đọc xem bản Việt dịch của Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế bài báo nói trên :
Wednesday September 3 2008
Năm 1981, đảng cầm quyền Cộng sản đặt chư Tăng Phật giáo trước một sự chọn lựa. Hoặc gia nhập Giáo hội Phật giáo “Yêu nước” do nhà cầm quyền kiểm soát, hoặc đứng độc lập để phải gánh chịu mọi hậu quả. Khá đông đã chấp nhận, nhưng Ngài Huyền Quang, lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, thì từ khước. Ngài vừa viên tịch vào năm 87 tuổi. Ngài đã chịu biết bao sách nhiễu, tù tội và lưu đày, nhưng nổi danh trên trường quốc tế và được thừa nhận như người lãnh đạo tinh thần của giới đối lập Việt Nam.
Thế danh Lê Đình Nhàn, ngài sinh tại miền Trung, xuất gia năm 12 tuổi và được ban pháp hiệu Huyền Quang ngày thọ giới – chữ Thích là giòng họ dành cho chư Tăng Việt Nam. Ngài là Tăng sinh ưu tú, nhưng từ những ngày đầu tu tập theo đạo Phật ngài đã để tâm tới xã hội. Ngài từng tham gia kháng chiến chống Pháp, nhưng khi cộng sản kiểm soát miền Bắc, ngài chống đối việc Đảng cộng sản kiểm soát tôn giáo nên bị bắt giam từ năm 1951 đến 1954.
Năm 1963, ngài ở miền Nam vào thời điểm Phật giáo đồ bị kẹt giữa cuộc tấn công của Cộng sản và chế độ Công giáo Ngô Đình Diệm. Thấy rõ nhu cầu Phật giáo đồ cần chung vai đấu cật, ngài giúp đỡ thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), quy tụ 11 giáo phái, và được hầu hết quần chúng Việt Nam hậu thuẫn. Ngài tham gia Giáo hội chống chế độ Diệm rồi góp công phát triển hệ thống trường học và bệnh xá cũng như gửi phái đoàn tham dự Hội nghị Paris.
Cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc với sự thắng trận của phe Cộng sản, Đảng Cộng sản Việt Nam tìm cách tiêu diệt toàn thể Phật giáo Việt Nam. Tài sản GHPGVNTN bị tịch thu, hàng giáo phẩm cũng như ngài bị bắt – ngài bị biệt giam 18 tháng. Công luận thế giới phản kháng, và năm 1978 Ngài và Hoà thượng Thích Quảng Độ, Pháp hữu của ngài, được đề cử làm ứng viên Giải Nobel Hoà bình.
Những năm chống đối chế độ Diệm làm cho Phật giáo đồ miền Nam thêm mạnh và công tác xã hội của GHPGVNTN đem lại sự hậu thuẫn của quần chúng, nhờ vậy Phật giáo không bị tiêu diệt như ở miền Bắc. Ngày mà ngài cùng với hàng giáo phẩm GHPGVNTN từ khước tham gia Giáo hội Phật giáo Yêu nước [của Đảng Cộng sản] ngài bị đày về một ngôi chùa ở vùng xa. Sau đó, ngài bị cô lập trong một ngôi nhà nhỏ hiu quạnh giữa thôn vắng mà giao thông đi lại là những chiếc xe bò.
Năm 1992 khi Đức đệ tam Tăng thống viên tịch, Ngài kế tục làm Đệ tứ Tăng thống. Chính quyền mở cuộc đàn áp gắt gao mọi hoạt động của GHPGVNTN. Bất cứ ai lưu trữ các tài liệu diễn văn của ngài đều bị bắt. Bốn mươi nghìn Phật tử xuống đường biểu tình phản đối tại miền Trung ở thành phố Huế.
Đức cố Tăng thống Thích Huyền Quang trở thành nhà lãnh đạo tôn giáo giáo bất đồng chính kiến, ngài viết hàng loạt bài kêu gọi cho tự do tôn giáo và chấm dứt chế độ độc đoán Cộng sản. Các tổ chức nhân quyền Tây phương hậu thuẫn cuộc đấu tranh của ngài, nên chính quyền Việt Nam đành tìm cách nhân nhượng. Năm 2003, Thủ tướng Việt Nam tiếp kiến ngài và ngỏ lời xin lỗi những “sai lầm” mà đảng Cộng sản vi phạm đối với Phật giáo. Thời gian ngắn ngủi của sự hoà hoãn này, ngài được quần chúng Huế chiêm ngưỡng đón mừng, và nhân sự lãnh đạo GHPGVNTN được thỉnh cử. Nhưng cuộc đàn áp lại tái diễn. Do sức khoẻ yếu kém, ngài được đưa về trú ngụ tu viện [Nguyên Thiều] tỉnh Bình Định là nơi ngài viên tịch.
Thông điệp cuối cùng gửi Phật giáo đồ hai tháng trước khi viên tịch, ngài nói lên lý tưởng mà ngài trải nghiệm suốt đời : “Đạo Phật không quay lưng với xã hội”. Trước đó ngài từng nói về thân phận ngài, rằng : “Tôi là người sống không nhà, chết không mồ, đi không đường, tù không tội”.
Tuần lễ trước đây, các hãng thông tấn quốc tế như AP, AFP, DPA, v.v… hoặc các báo chí lớn trong thế giới US Today (Hoa Kỳ), The Independent (Anh), Aftenposten (Na Uy), v.v… cũng như các Đài quốc tế không ngớt đăng tải lời tiên đoán Giải Nobel Hòa bình năm nay, 2008, của Giáo sư Stein Tønnesson, Giám đốc Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế tại thủ đô Oslo, Na Uy. Ủy ban Hòa bình Nobel không bao giờ tiết lộ việc này. Nhưng thường năm giới báo đài quốc tế đều hỏi thăm dự đoán của Giáo sư Tønnesson, một nhà Việt học mà cũng là một người phấn đấu cho hòa bình mấy chục năm qua.
Hu Jia
|
Hòa thượng Thích Quảng Độ
|
Lidia Yusupova
|
(Hình in trên báo Na Uy Aftenposten)
|
Theo Giáo sư Stein Tønnesson, thì sự chọn lựa các ứng viên theo khuynh hướng xã hội hay sinh thái của Ủy ban Nobel Hòa bình những năm trước có thể chuyển sang vấn đề nhân quyền trong năm nay. Lý do năm nay là năm kỷ niệm 60 năm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Và ông tiên đoán 3 người có hy vọng được chọn là nhà tranh đấu cho nhân quyền Trung quốc Hu Jia, nhà tranh đấu cho dân chủ Việt Nam, Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, hoặc bà LidiaYusupova, nhà tranh đấu cho nhân quyền Nga. Hai trong ba vị này từng đạt Giải Rafto của Na Uy là Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ và bà LidiaYusupova. Trong quá khứ có 4 người lãnh giải Rafto và sau đó liền được Giải Nobel Hòa bình. Đó là bà Aung San Suu Kyi, ông José Ramos-Horta, cựu Tổng thống Nam Hàn Kim Dai-jung, và bà Shirin Ebadi.
Giải Nobel Hòa bình sau khi công bố vào ngày 10.10 sẽ được trao vào dịp sinh nhật của ông Alfred Nobel ngày 10.12 mỗi năm.
Thế vận hội tổ chức tại Bắc Kinh vừa qua làm phẫn nộ giới tranh đấu cho nhân quyền quốc tế. Vì vậy người Trung hoa được xem như đứng đầu sổ hy vọng. Dù muốn dù không, ai cũng biết rằng Giải Nobel nằm dưới sự chỉ đạo vô hình của chính trị thế giới, chứ không riêng giá trị tự thân của người được chọn mà thôi.
Năm nay có 197 ứng viên được đề cử. Trong tâm cảnh con người Việt khổ đau, bị đàn áp, hiển nhiên ai chẳng mong cho một người Việt được lãnh giải để chữ Việt Nam thoát ly khỏi hai danh từ hắc ám của định mệnh, là Chiến tranh và Cộng sản. Tuy nhiên, dù được hay không, chúng tôi đã quá đỗi tự hào khi Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ được chọn trong số 3 người có hy vọng nhất. Trong dân số trái đất 6,7 tỉ người, có 197 người được thế giới chọn lọc đề cử làm ứng viên. Nay chỉ còn lại ba người chói danh mà cả thế giới hồi hộp nhìn về và trông đợi kết quả trong một tuần lễ tới. Trong ba người ấy có một người Việt Nam. Không kỳ diệu lắm sao !