PARIS, ngày 15.2.2008 (PTTPGQT) – Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hoá Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, vừa cho gửi đến Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế tại Paris để phổ biến tới báo chí và các cơ quan truyền thông “Đạo từ Cầu nguyện Rằm tháng Giêng cho Quốc thái dân an, Vẹn toàn lãnh thổ và Siêu sinh tịnh độ những oan hồn uổng tử sáu mươi năm qua”.
Chiếu theo Thông tư của Viện Hoá Đạo gửi vào hôm 1.2.2008, thì cuộc Lễ Rằm tháng Giêng đầu năm Mậu Tý được Viện Hoá Đạo hướng dẫn chú nguyện “cho nước an lạc, phú cường, cho người người ấm no, hạnh phúc”, tức quốc thái, dân an. Ngoài ra hai vấn đề nóng bỏng còn được chú nguyện trong cuộc lễ đầu năm, đó là siêu sinh tịnh độ cho hàng triệu người chết oan “qua Cải cách ruộng đất, qua lằn đạn chiến tranh, qua Mậu Thân khủng khiếp… nhưng lại chẳng được ai đoái hoài, cúng kiến” suốt 60 năm qua, cũng như vấn đề vẹn toàn lãnh thổ trước sự kiện Trung quốc xâm lấn hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, mà Nhà cầm quyền Hà Nội không chú tâm giải quyết vì đã có những văn kiện ngoại giao dâng hiến hai quần đảo này cho Trung quốc.
Theo quan điểm của Đạo từ, cầu nguyện là “làm khơi dậy năng lực cứu độ chúng sinh trong tâm thức để hành hoạt ra xã hội” (…) “Bởi thế, thiết lập Lễ Cầu nguyện đầu năm là khơi dậy năng lực cứu độ chúng sinh để mười hai tháng noi theo hành động. Đó là ý nghĩa của nguyện và hành. Chí mong muốn tới, nhưng cần thực hành mới đầy đủ. Thực hành cũng phải có chí mong muốn, mới đạt kết quả, để nuôi lớn mầm lành, bồi bổ cho thệ mệnh”.
Cầu nguyện và hành động, thuật ngữ Phật giáo gọi là “nguyện và hành”, “Vì người Phật tử phải thực hiện nhiệm vụ dân tộc của mình, bằng cách áp dụng giáo lý trừ nguy cứu khổ của đạo Phật để hoàn thành nhiệm vụ dân tộc”. Nhiệm vụ ấy hiện nay là “thăng tiến dân sinh” và nỗ lực bảo vệ “toàn vẹn lãnh thổ và lãnh hải trước sức tiến công của hai thế lực ngoại xâm và nội xâm”.
Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế xin đăng tải nguyên văn Đạo từ của Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ dưới đây. Văn bản này sẽ được các chùa viện trong và ngoài nước tuyên đọc nhân dịp lễ Cầu nguyện vào ngày Rằm tháng Giêng âm lịch, tức 21.2.2008.
VIỆN HÓA ÐẠO
Thanh Minh Thiền viện, 90 Trần Huy Liệu, Phường 15, Quận Phú Nhuận, TP. Saigon
Phật lịch 2551 |
Số : 02/VHÐ/TĐ/VT
|
RẰM THÁNG GIÊNG CẦU NGUYỆN
cho Quốc thái Dân an, Vẹn toàn lãnh thổ và Siêu sinh tịnh độ
những oan hồn uổng tử sáu mươi năm qua
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Năm mới mở đầu giai kỳ mới, ước vọng mới, thời điểm người Phật tử nhớ nghĩ đến ông bà, tổ tiên, nòi giống để tỏ lòng trung hiếu, cũng là thời điểm hân hoan rước Đức Đại Từ Di Lặc Tôn Phật đem xuống cõi trần một nhân gian hoan lạc, thanh bình, nhân ái.
Sự chú nguyện làm khơi dậy năng lực cứu độ chúng sinh trong tâm thức để hành hoạt ra xã hội, mà đời sống xô bồ, khổ lụy suốt năm khiến chúng ta quên mất. Quên mất sự cầu nguyện cho nước an lạc, phú cường, cho người người ấm no, hạnh phúc.
Mở đầu sự cầu nguyện cho quốc thái dân an vào Rằm tháng Giêng như vừa nói, là bắt đầu quan tâm chú nguyện suốt năm cho nhân quần xã hội đang bị bỏ quên hay bị giày xéo. Lấy nguyện làm đầu, thì diệu trí mới phát sinh, hầu tiêu tai được phúc, thành tựu cho tất cả chúng sinh, trang nghiêm toàn thế giới.
Nhân danh những ý thức hệ ngoại lai, các cuộc chiến thừa sai vừa qua làm cho huynh đệ tương tàn, đất nước điêu linh. Hàng triệu oan hồn, uổng tử chết thảm qua Cải cách ruộng đất, qua lằn đạn chiến tranh, qua Mậu Thân khủng khiếp… nhưng lại chẳng được ai đoái hoài, cúng kiến. Hôm nay, Chư Tôn đức Tăng, Ni, và Phật tử trong và ngoài nước họp nhau chí thành cầu nguyện trước Tam Bảo vào ngày Rằm tháng Giêng hầu trả lại Linh quyền cho những người đã chết để mọi vong linh được siêu sinh tịnh độ.
Một vấn đề nguy nan, trầm trọng khác đang làm cho toàn dân trong cũng như ngoài nước thấp thỏm lo âu, là Trung quốc lấn chiếm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Thường tình những vấn đề như thế được các nhà lãnh đạo quốc gia đại diện quốc dân cấp thời giải quyết. Nhưng Tuyên cáo số 8 của Hội đồng Lưỡng viện, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, công bố hôm 27.12.2007, đã nhận định rằng Đảng và Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam chỉ lo bảo vệ chủ nghĩa Xã hội mà không lo bảo vệ biên cương tổ quốc và sự an ninh, hạnh phúc của 85 triệu dân ; chỉ lo mất Đảng chứ không lo mất Nước. Đó là vì Nhà cầm quyền Cộng sản theo chủ nghĩa đại đồng nên đã từ khước sự toàn vẹn lãnh thổ, xóa nhòa biên cương tổ quốc trên biển, đem lãnh hải dâng hiến cho Bắc phương. Bằng văn bản xác nhận chủ quyền Trung quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (1).
Cho nên Giáo hội và người Phật tử Việt Nam không thể vô tâm trước vấn đề sinh tử của quê hương. Vì người Phật tử phải thực hiện nhiệm vụ dân tộc của mình, bằng cách áp dụng giáo lý trừ nguy cứu khổ của đạo Phật để hoàn thành nhiệm vụ dân tộc. Tiền nhân đã thực hiện nhiệm vụ này từ thời Hai Bà Trưng cho đến các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, để ứng thế hoá duyên, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và nền độc lập của tổ quốc. Với dũng lực kim cương, vua Trần Nhân Tông, đồng thời cũng là Trúc Lâm Đệ nhất Tổ của phái Thiền Việt Nam, là minh chứng cho sự đóng góp của người Phật tử gìn giữ sinh mệnh dân tộc, đem lại cuộc “sống đời vui đạo” – Cư trần lạc đạo – tìm cầu giác ngộ thông qua cuộc sống trần thế, viên thành chí nguyện vô thượng bồ đề và độ khắp chúng sinh.
Đời sống tâm linh, giác ngộ chỉ được thăng hoa trong một đất nước thanh bình, tự do và toàn vẹn lãnh thổ. Lãnh thổ toàn vẹn và được tự do là thiện duyên cần thiết cho sự phát triển tâm linh giác ngộ. Bởi vậy đời sống tu hành của người Phật tử cũng là nỗ lực bảo vệ dân tộc và thăng tiến dân sinh.
Phật giáo đồ cầu nguyện ngày Rằm tháng Giêng cho Quốc thái Dân an, cho những oan hồn uổng tử được siêu sinh tịnh độ, còn phải chú nguyện thêm cho sự toàn vẹn lãnh thổ và lãnh hải trước sức tiến công của hai thế lực ngoại xâm và nội xâm.
Ngài Pháp Minh đã dạy : “Ôm lấy chuyện bậy để hy vọng điều phải, giữ chặt việc giả để chờ đợi sự chân, chần chờ hai lòng, trù trừ đôi ngả, thì dù Phật có phóng quang động địa, chẳng ai tin và thấy được”.
Bởi thế, thiết lập Lễ Cầu nguyện đầu năm là khơi dậy năng lực cứu độ chúng sinh để mười hai tháng noi theo hành động. Đó là ý nghĩa của nguyện và hành. Chí mong muốn tới, nhưng cần thực hành mới đầy đủ. Thực hành cũng phải có chí mong muốn, mới đạt kết quả, để nuôi lớn mầm lành, bồi bổ cho thệ mệnh. Nhờ vậy đạt tới hà sa diệu dụng hầu khuông phù thế nước, khuông phù chánh pháp mà thành tựu đạo nghiệp, đem lại lợi ích cho pháp giới hữu tình và phá dẹp tất cả ma chướng đối địch.
Nam Mô Tiêu Tai Giáng Kiết Tường Bồ Tát
Nam Mô Siêu Sinh Tịnh Độ Bồ Tát
Nam Mô Lịch Đại Tổ Sư Bồ Tát
Làm tại Thanh Minh Thiền viện,
T.U.N Đức Đệ tứ Tăng thống
Thay mặt Hội đồng Lưỡng Viện GHPGVNTN
Viện trưởng Viện Hóa Đạo
(ấn ký)
Sa môn Thích Quảng Độ
Theo bản Tường trình của Đại đức Thích Đồng Thọ gửi lên Viện Hoá Đạo cho biết, thì thời gian qua Công an Huyện Tuy Phước tỉnh Bình Định đã nhiều lần mời Đại đức đến làm việc. Nhưng do tết nhất ở Tu viện bận rộn, nhất là Đại đức phải lo chăm sóc sức khoẻ cho Đức Tăng thống Thích Huyền Quang, vì Đại đức là thị giả của ngài, nên không thể chấp hành ngay.
Đến ngày 12.2.2008, Đại đức mới đến làm việc với công an tỉnh Bình Định theo Giấy báo của Thượng tá Đoàn Mười, Trưởng phòng PA38, ký. Đồng thời cùng ngày Thượng toạ Thích Minh Tuấn, Viện chủ Tu viện Nguyên Thiều cũng bị triệu đến Uỷ ban Nhân dân xã Phước Hiệp làm việc.
Đại đức Thích Đồng Thọ phải làm việc với hai công an có tên Đặng Thanh Hải và Trần Văn Dũng về 4 vấn đề :
1. Cấm Đại đức đi phân phát tài liệu bất hợp pháp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
2. Cấm đưa tin sai lệch lên mạng để chống phá nhà nước, nói xấu chính quyền, phá hoại đại đoàn kết dân tộc. Và
3. Sự việc vừa qua của bà Hoàng thị Xuân Hương tại Tu viện Nguyên Thiều (tức bà Hạnh Mãn mà Thông cáo báo chí của Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế loan tải hôm 28.1.2008).
Đại đức Thích Đồng Thọ đã phản bác các lập luận của công an rằng, việc Đại đức phổ biến các lịch và thiệp xuân ngày Tết chỉ là biểu dương đạo vị môn phong và thể hiện nếp văn hóa trong sự quan hệ trong dịp Xuân về. Không phải là tài liệu bất hợp pháp. Còn việc thông tin tại Tu viện Nguyên Thiều, Đại đức chỉ trình bày lên Hoà thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hoá Đạo, các sinh hoạt và những chi xẩy ra tại Tu viện cũng như sức khoẻ của Đức Tăng thống. Không có gì gọi là “xuyên tạc nói xấu chính quyền”. Còn việc của Bà Hoàng Thị Xuân Hương, tức Hạnh Mãn, là việc quấy phá có thật xảy ra tại Tu Viện Nguyên Thiều. Sự việc ấy mang tính dân sự bình thường, chẳng liên đới gì đến chính quyền”.
Công an Đặng Thanh Hải nghe vậy hỏi hất rằng : “Vậy sao tôi xem trên mạng là có nói đến công an ?”
Đại đức Thích Đồng Thọ liền đáp : “Vì bà Hoàng Thị Xuân Hương xưng danh là người cấp trên sai xuống, gọi điện thoại và đi báo trình với Công an nên tôi nêu y như sự việc. Nếu anh đặt nặng vấn đề Bà Hoàng Thị Xuân Hương, thì xin hỏi luôn là phải chăng bà là người của mấy anh sai xuống ? Do đó mà bà Hoàng Thị Xuân Hương có những hành động ỷ quyền ỷ thế, sách nhiễu đức Tăng thống và Chư Tăng ở Tu Viện Nguyên Thiều làm xáo trộn sự sinh hoạt tại bổn viện ?
Cuối cùng công an đúc kết văn bản, áp lực Đại đức Thích Đồng Thọ cam kết những sự việc trên không được tái diễn, nếu vi phạm sẽ bị trừng phạt theo pháp luật. Nhưng Đại đức không ký, lấy lý do Công an không chịu cung cấp bản sao cho Đại đức.
Ông Đặng Thanh Hải thị uy : “Không ký thì ngày mai tới làm việc tiếp” và ghi vào giấy bắt ngày mai đến trình diện “làm việc” với lãnh đạo.
Sáng hôm sau, 13.2.2008, Đại đức xuống làm việc tiếp. Mọi việc diễn ra như hôm qua. Lần này công an xác nhận “vì an ninh điều tra nên an ninh giữ biên bản chứ không cung cấp bản sao cho người làm việc”.
Đại đức Thích Đồng Thọ nhận định qua bản Tường trình gửi lên Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hoá Đạo rằng : “Qua sự việc trên con thấy Công An các cấp ở tỉnh Bình Định sách nhiễu phiền hà đầu năm đến sự an vui của cá nhân con cũng như của chư Tăng và điệu chúng ở Tu viện Nguyên Thiều nói riêng và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất nói chung”.
Ngoài ra, Đại đức cũng cho biết tình hình tại Tu viện Nguyên Thiều mấy ngày vừa qua : “Một lực lượng công an bố ráp hùng hậu từ ngoài ngõ đến trong sân chùa gây lo sợ, hoang mang bà con Phật tử đi chùa lễ Phật đầu năm. Chư Tăng ở Tu viện đều cảm thấy vô cùng khó chịu và bất an. Không riêng gì cho Tu viện mà còn là sự an nguy đến bản thân Đức Tăng thống Thích Huyền Quang. Nhất là sự kiện ấy lại xẩy ra trong mấy ngày Tết truyền thống”.
Qua buổi làm việc Đại đức nhắc tới hiện trạng công an phong toả Tu viện nói trên, thì “công an giải thích là lực lượng cơ động đang diễn tập”. Thật chưa thấy đâu trên thế giới công an diễn tập hạnh hoẹ dân trong ba ngày Tết !
Đại đức Thích Đồng Thọ là thị giả của Đức Tăng thống từ mười mấy năm qua, kể từ thời Đức Tăng thống Thích Huyền Quang còn bị quản thúc ở chùa Hội Phước, rồi chùa Quang Phước, tỉnh Quảng Ngãi. Đầu năm 2003, Đại đức tháp tùng theo Đức Tăng thống ra Hà Nội giải phẫu. Tình hình căng thẳng đến nỗi nhà cầm quyền có lúc muốn cô lập Đức Tăng thống và bắt ngài cách ly ở Hà Nội, đồng thời ra lệnh các Tăng sĩ tháp tùng trong chuyến đi này phải quay về miền Nam ngay. Nhưng Đại đức là người duy nhất không tuân lệnh, quyết ở lại với Đức Tăng thống cho đến ngày giải vây được mối căng thẳng.
(1) Xem Tuyên Cáo của Hội đồng Lưỡng viện, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, công bố ngày 27.12.2007 về việc Trung quốc xâm lấn hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.