Phát biểu của Nhà dân chủ Ai Cập, Sherif Mansour
Xin chào quý Liệt vị,
Tôi xin ngỏ lời cám ơn ông Võ Văn Ái và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) đứng ra tổ chức hôm nay và mời tôi đến phát biểu.
Tôi tên là Sherif Mansour, người Ai Cập hoạt động cho dân chủ và nhân quyền. Tôi từng cộng tác với nhiều xã hội dân sự Ai Cập kể cả Trung tâm Ibn Khaldun, là tổ chức tiên phong cho nhân quyền ở Trung Đông năm 1988. Tôi sáng lập tại Hoa Kỳ Hội những người Ai Cập nhằm Đổi thay, là cộng đồng Ai Cập ở nước ngoài vận động người Ai Cập hậu thuẫn cuộc Cách mạng Ai Cập. Hiện nay tôi cộng tác với tổ chức Freedom House, một tổ chức phi chính phủ hoạt động cho sự thăng tiến tự do trong thế giới, đồng thời tôi liên hệ chặt chẽ với giới trẻ Ai Cập, kể cả Nhóm Trẻ 6 tháng Tư và các nhóm khác hoạt động trên Facebook.
Tôi được mời nói về động lực của cuộc Cách mạng Ai Cập tại một hội trường mà tôi biết rằng quý vị đang quan tâm tới sự chuyển hóa trên quê hương quý vị. Quý vị thừa biết xứ sở mình phải hoàn hảo hơn, nhân dân quý vị ngưỡng vọng cho Tự do; và họ mong muốn hưởng các quyền của họ. Quan trọng hơn, đây chỉ là vấn đề thời gian để họ đạt được hai điều mong ước.
Quý vị mong muốn thành tựu cả hai điều, và điều gì tôi có thể đóng góp thêm cho quý vị, là một viễn tượng cần nhanh chóng đạt tới. Hiển nhiên không có những lời đáp đơn giản, không có những thực đơn dọn sẵn cho mọi quốc gia. Nhưng có những nguyên tắc quan trọng và những bài học từ lịch sử mà chúng ta có thể phác họa ra, quan trọng hơn như trường hợp Ai Cập cho thấy rằng MỌI quốc gia đều có thể trải nghiệm theo cách thay đổi như thế. Ai Cập đã được xem như quốc gia khổng lồ được “ổn định” ở Trung Đông, và có rất ít những chuyên gia tiên liệu sự cố xẩy ra hôm 25.1.2011.
Khi cuộc cách mạng ở Tunisia nổ ra vào tháng giêng 2011, những tên độc tài trong vùng đều nói rằng “Nước ta không là Tunisia”. Thế nhưng nhân dân Trung Đông không nghĩ như thế. Mặc dù khối nhân dân này bị xem như “văn hóa và tôn giáo” của họ miễn dịch với tự do theo đánh giá của các Chuyên gia Tây phương và trong khu vực, vì phần nào đó tôn giáo hay truyền thống lịch sử của họ “xung khắc” với dân chủ. Nhưng nhân dân trong vùng bất chấp lối nhìn khuôn mẫu ấy. Là con người ai cũng ngưỡng vọng tới tự do và mong ước các quyền cơ bản được bảo vệ. Không. Không hề có ngoại lệ.
Tôi cố gắng nói ngắn gọn 5 nguyên tắc hay bài học rút ra từ cuộc Cách mạnh Ai Cập mà tôi được phép nói trong 10 phút, và sau đó trong phần thảo luận tôi sẽ khai triển thêm.
Thứ nhất: “Hãy tập chú vào những điều mà bạn và phong trào của bạn có thể làm. Chứ đừng tập trung vào những gì kẻ áp bức có thể làm”. Nguyền rủa bóng tối quá dễ, nhưng điều cần thiết là thắp lên những ngọn nến. Chế độ có thể thổi tắt một hay nhiều ngọn nến. Nhưng nếu ánh sáng cứ bừng lên, mắt chúng sẽ bị lóa, tay chúng sẽ run rẫy. Bọn chúng có thể áp đảo nhân dân, nhưng chúng không thể ngăn cản mùa xuân. Đây đã là trở lực chính cho người Ai Cập vào ngày 25.1.2011. Rất nhiều người Ai Cập chỉ tập chú vào những chi Mubarak làm hay không làm để thăng tiến việc cải cách, nhưng lại chẳng tập trung vào những gì họ có thể kiểm soát hoặc bằng cách nào bó buộc Mubarak phải hợp tác.
Thứ hai: “Nhìn xa trông rộng và Chiến lược”. Trước khi một phong trào được khởi động, người lãnh đạo cần định nghĩa rõ ràng cách nhìn xa trông rộng của họ. Nói cách khác, là giải pháp nào trình bày cho quần chúng? Đó là kế hoạch quý vị vạch ra để xậy dựng chiến lược cho phong trào đạt tới tiêu đích. Quý vị cần phân định các điểm yếu và điểm mạnh. Quan trọng hơn cả là vạch ra thành tích quá khứ có thể đem tới thành công. Quý vị phải cho thấy quý vị là kẻ chiến thắng; để quần chúng tin tưởng và bước theo lệnh quý vị. Quý vị phải có sẵn bộ máy truyền thông tốt trong tay mình. Mạng xã hội luôn luôn là “điểm yếu của chế độ” mà qua đó các nhà hoạt động Ai Cập có thể chen vào để phát biểu hay tổ chức. Quý vị cũng có thể có những công cụ khác như tổ chức tôn giáo hay những mạng lưới xã hội khác.
Đồng thời quý vị hãy nhìn vào lịch sử để tìm ra những ví dụ thành công, dù nhỏ hay lớn, mà quý vị có thể sử dụng để xây dựng cho hiện tại. Nhìn vào truyền thống để tìm ra các yếu tố nổi dậy đầy thách thức hay hậu thuẫn cho sự thật, công lý và nhân phẩm. Xây dựng trên các sự kiện dủ nhỏ yếu đến đâu quý vị sẽ tạo ra niềm tin tưởng và tính chính thống cho quần chúng.
Trong trường hợp Ai Cập sự bạo tản của công an đã là vấn đề đưa tới sự tập hợp. Bất kể giai cấp, giới tính, tôn giáo, hay quan điểm chính trị, toàn thể nhân dân Ai Cập đều đã trải nghiệm cảnh công an áp bức tàn bạo suốt 30 năm qua. Đây đã là tiêu đích mà các nhà hành động sử dụng nâng cao tính đại chúng Ai Cập cho mục đích của họ. Và cũng là mối liên kết giữa những điều “dân chủ mang nghĩa gì trong trừu tượng” và làm sao thể hiện dân chủ trong đời thường người dân Ai Cập. Giống như thế, quý vị cần tìm ra địa điểm, người bản địa, và những mục tiêu vận động quần chúng. Chẳng ai khác làm thay quý vị việc này.
Một trong những dụng cụ hữu hiệu mà các nhà hành động Ai Cập sử dụng để vượt qua sự sợ hãi là tính châm biếm. Trong khu vực, người Ai Cập nổi tiếng hay châm biếm. Các nhà hoạt động sử dụng châm biếm chống lại chế độ. Ví dụ, trong cuộc nổi dậy năm 2011, các nhà hoạt động bất nhẫn trước sự lì lợm không muốn rút lui của Mubarak, họ đã nói “đi mau đi tay tôi mỏi lắm rồi” hoặc các nhà hoạt động dùng tên “Mubaraks” để chỉ rác rưởi họ thu lượm trên công trường Tahir.
Thứ ba: Trò chơi của con số. Một trong những lãnh tụ gợi hứng của chúng tôi là Bác sĩ Mohamed Elbaradei. Năm ngoái ông luôn luôn nhắc nhở chúng tôi rằng “Sức mạnh của các bạn nằm ở số lượng”. Chẳng có chế độ nào, dù tàn bạo đến đâu có thể bắt giam tù toàn thể nhân dân. Chúng cần có nhân dân tuân phục chúng hay ít nhất chấp nhận chúng để sống còn. Quyền lực cần được chia sẻ với 90 triệu người trong trường hợp Việt Nam.
Kinh nghiệm hoạt động của tôi ở trong và ngoài Ai Cập minh chứng rằng trở lực lớn nhất là sự sợ hãi và thái độ yếm thế trong khi đi vận động số đông tạo nên số lượng tối thiểu cần thiết. Sự sợ hãi làm cho quần chúng miễn cưỡng nói lên quan điểm của mình là điều khiến cho sự đàn áp hiện hữu và tồn tại. Thái độ yếm thế làm cho quần chúng không dám hành động để kết hợp sức mạnh. Nếu ta vượt qua hai trở lực này, chẳng có chế độ nào trong thế giới ngăn cản được chúng ta.
Giải độc sự sợ hãi là niềm Hy vọng . Nếu quý vị biết mơ ước và làm cho quần chúng ước mơ theo. Và nếu qúy vị có thể tạo ra giải pháp cho một thể chế mới hay nhóm lãnh đạo mới để quần chúng có thể tin vào mà thực hiện giấc họ mơ, thế là quý vị đã thành công đi nửa đoạn đường. Tôi còn nhớ một trong những khẩu hiệu gần đây trong cuộc cách mạng là “Hãy thực tế và tìm những điều bất khả”. Mơ ước không là lý tưởng. Mơ ước rất hiện thực, nếu chúng ta nhìn từ góc độ của kẻ đàn áp. Chính chúng là kẻ sợ hãi nhất, nên chúng bắt giam người, tra tấn người, hay bắt họ phải ly hương. Thực tế cho thấy một số giấc mơ đã chuyển hóa lịch sử. Trong hội trường này đang có những giấc mơ đó. Chỉ cần ta “tin vào” khả năng hiện thực, và tin chắc lịch sử nằm trong tay mình.
Điều chắc chắn là qúy vị sẽ mắc những sai lầm, sẽ phải đối diện với muôn vàn khó khăn. Quý vị sẽ thất bại. Thế nhưng cũng có lý khi đặt ra câu hỏi sao quý vị lại không thành công nhỉ? “Ngày Ai Cập giận dữ” rơi vào hôm 25 tháng Giêng, ngày thứ nhất của sự phản kháng không còn là ngày thứ nhất nữa. Vì đã từng có “những Ngày Giận dữ” trước năm 2011. Trong thực tế, ngày 25.1.2010 kêu gọi biểu tình chỉ quy tụ không tới một trăm người xuống đường. Nhưng hãy nhìn những chi xẩy ra một năm sau.
Thứ tư, Bằng phương thức Bất bạo động. Chúng ta cần giữ tư thế ôn hòa. Chúng ta muốn kêu gọi quần chúng đến với chúng ta vì chúng ta có chính nghĩa. Chứ không vì chúng ta có súng đạn. Quần chúng theo chúng ta để làm đẹp hơn cho quê hương và cho tương lai con cháu chúng ta tươi sáng hơn. Chứ không vì chúng ta hờn giận hay bất mãn, dù lòng chúng ta có như thế. Chúng ta cần có sự dũng cảm và ý chí hy sinh cho mục tiêu. Nhưng chúng ta phải biết đánh giá các sự hy sinh ấy.
Khi tình hình Ai Cập đi vào ngõ bí, khi Mubarak không chịu từ chức, và khi quần chúng tỏ ra mệt mỏi chán chường, chính quyền liền sử dụng đủ thứ trò bịp để tố cáo những tác nhân ngoại quốc giật dây phong trào – một thứ âm mưu của những thế lực Iran / Mỹ / Do Thái / Palestine… Thế nhưng chính nhờ biết bao hy sinh của những người biểu tình, hơn 1000 người chết và hơn 10.000 người bị thương, mà nhân dân Ai Cập và giới trẻ xuống đường minh chứng tính chất Ai Cập chứ không do ngoại bang như nhà nước tuyên truyền. Chính nhờ phương thức bất bạo động nên quần chúng không còn tin vào sự tuyên truyền của nhà nước.
Thứ năm, Thống nhất và Liên kết. Dù quý vị có một phong trào mạnh mẽ, quý vị vẫn cần xây dựng các liên minh và liên kết trong và ngoài nước. Quý vị cần đẩy mạnh sự kết liên qua các giáo phái, các tập đoàn kinh tế xã hội, giới tính, tôn giáo, và nhóm dân tộc ít người. Sự khác biệt của những nhóm người này thường gây khó khăn trong sự tập họp, nhưng lại là sinh tử cho quý vị thành công. Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ là kẻ thù của bọn đàn áp chưa hẳn đã là bằng hữu của quý vị đâu. Chưa hẳn chúng hành xử hay hy sinh cho quý vị.
Mô thức liên minh chính yếu cần xây dựng với những nhóm ở trong và ngoài nước. Tôi biết rằng quý vị đang sống ở nước ngoài, điều khiến quý vị đánh giá cao vai trò quốc tế. Tôi cũng từng sống ở nước ngoài và thiết lập nhiều nhóm trong cộng đồng. Và tôi đang cộng tác với một tổ chức quốc tế vốn hậu thuẫn quý vị và chính nghĩa của quý vị. Nhưng xin đừng lầm lẫn, cộng đồng thế giới chỉ là nguồn trợ lực thứ hai cho quý vị và phong trào của quý vị. Chúng tôi chỉ có thể giúp khuếch âm tiếng nói của quý vị. Và trước hết chính quý vị phải làm cho mọi người chịu lắng nghe quý vị. Cần có tiếng nói trong nước kể cả những nhóm nhỏ ngoài lề, trước khi tiếng nói ấy được vọng tới Hoa Thịnh Đố hay Genève.
Điều trên đây không có nghĩa rằng chúng tôi, nhân dân tự do của thế giới hậu thuẫn cho Tự Do, chúng tôi vắng mặt khi quý vị cần đến chúng tôi. Quý vị hãy xem chúng tôi như bằng hữu, như liên minh. Quý vị sẽ mãi mãi nghe chúng tôi lên tiếng cho quý vị, biểu dương cho quý vị, và giúp đỡ quý vị trên con đường quý vị chọn lựa.
Năm năm qua tôi sống lưu vong ở Hoa Kỳ. Mấy năm ấy tôi hay nói với bạn bè Ai Cập ở nước ngoài rằng “Hẹn gặp năm sau ở Cairo”. Nhiều người nghi ngờ điều ấy. Nhưng quý vị thử đoán xem? Năm nay tôi đã trở về thủ đô Cairo ba lần, và tôi tin chắc rằng tôi sẽ gặp quý vị ở Saigon để cùng chào mừng với quý vị sự thắng trận đối với Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày ấy, tôi tin chắc rằng Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ sẽ có đó để cùng với chúng ta ăn mừng. Tôi xin Hòa thượng hãy dũng cảm và kiên trì để tiếp tục gợi hứng cho chúng tôi. Chẳng ai quên sự hy sinh của Hòa thượng.
Xin hẹn gặp lại quý Liệt vị.
Sherif Mansour
(Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế dịch từ bản tiếng Anh)
This post is also available in: English