Trả lời câu hỏi của báo chí và các hãng thông tấn tại Paris, ông Võ Văn Ái, Phát ngôn nhân của Viện Hóa Ðạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đã chào đón bản Phúc trình về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam năm 2003 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Tuy nhiên, ông cũng đánh giá là “Bản Phúc trình hơi khoan nhượng về tình trạng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất so với thực tế đàn áp xẩy ra năm tháng vừa qua”.
Bản Phúc trình của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho thấy một bối cảnh không mấy khả quan về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam “vừa tồi tệ, vừa tiếp tục vi phạm nghiêm trọng”, qua đó những sách nhiễu, những bắt bớ tùy tiện các tín đồ tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo, Hòa Hảo và Tin Lành, kiềm chế tự do ngôn luận, xét xử bất minh các nhà ly khai chính trị, điều kiện giam giữ khắc nghiệt, tra tấn, tàn sát và thủ tiêu người Thượng, người Hmong và những dân tộc thiểu số khác, thêm nạn bán dâm phụ nữ và trẻ nít, v.v… Ông Võ Văn Ái nhận định rằng “Bản Phúc trình của Bộ Ngại giao Hoa Kỳ cho thấy một tình trạng đen tối nhưng thực tế về hiện trạng vi phạm nhân quyền trầm trọng. Dù rằng Việt Nam tham gia ký kết nhiều Công ước Liên Hiệp Quốc, nhưng vẫn không ngừng vi phạm các quyền chính trị và kinh tế của người công dân. Cộng đồng quốc tế cần lên tiếng tố cáo mạnh mẽ những vi phạm nhân quyền cực kỳ xấu của nhà cầm quyền Việt Nam tại khóa họp Nhân quyền LHQ sắp tới tại Genève”.
Riêng phần viết về Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trong bản Phúc trình, ông Ái cho biết “Cuộc đàn áp dữ đội hơn nhiều so với các điều Bộ Ngoại giao nêu ra. Nhiều tháng qua, cuộc đàn áp bắt bớ sau Ðại hội Bất thường ở Tu viện Nguyên Thiều, tỉnh Bình Ðịnh, vào tháng 9 và 10.2003, nhà cầm quyền cộng sản vẫn tiếp tục một cách tàn nhẫn với chính sách bất bao dung đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất”. Bản Phúc trình chỉ nêu lên trường hợp bắt bớ các Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ, Thích Thanh Huyền và Thích Nguyên Lý, và xem như các vị này được “đưa trở về các chùa viện của họ”. Thực tế thì đã có 11 Hòa thượng, Thượng tọa, Ðại đức bị chỉ định quản chế qua Quyết định hoặc bằng khẩu lệnh, kể cả Ðại đức Thích Ðồng Thọ, thế danh Nguyễn Hữu Phước, thị giả của Ðức Tăng Thống, bị ra lệnh quản chế 24 tháng kể từ ngày 16.10.2004, mà ông Lê Dũng, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao xác nhận tại Hà Nội hôm 6.11.2003, và Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế ra thông cáo hôm 10.11.2003. Sự việc này đã không được bản Phúc trình lưu ý. 11 Hòa thượng, Thượng tọa, Ðại đức nói trên đã bị quản chế hành chính không thông qua tòa án, mà chiếu theo Nghị định 31/CP, là Nghị định bị Ủy ban Nhân quyền LHQ, Quốc hội Âu châu và nhiều tổ chức Nhân quyền quốc tế tố cáo.
Hơn thế nữa, bản Phúc trình đã xem nhẹ tình trạng quản chế khắc khe đối với Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang, 86 tuổi, và Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, 75 tuổi, Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, người được đề cử làm ứng viên Giải Nobel Hòa bình năm 2004. Trái với bản Phúc trình cho biết rằng Nhị vị Hòa thượng lãnh đạo “được đưa về chùa viện của họ và được cho biết không được tự do đi lại khi chưa được chính quyền cho phép”, tình trạng hiện nay của nhị vị Hòa thượng là tình trạng bị cấm cố tuyệt đối, không ai được quyền thăm viếng kể cả những tín đồ thân tín. Ðại sứ Lưu động cho Tự do tôn giáo trong thế giới của Hoa Kỳ, ông John Hanford, đến thăm Việt Nam tháng 10.2003 đã bị nhà cầm quyền Việt Nam từ khước không cho gặp thăm Hòa thượng Thích Quảng Ðộ. Tháng giêng 2004 vừa qua, một Phái đoàn Hoa Kỳ do Thượng Nghị sĩ Sam Brownback cầm đầu đến thăm Việt Nam cũng bị từ khước không cho gặp thăm Hòa thượng Thích Quảng Ðộ.
Tình trạng kiểm soát và đàn áp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất hai tháng đầu năm 2004 này càng chứng tỏ chính sách bất bao dung Phật giáo của nhà cầm quyền Hà Nội. Xin đơn cử vài sự kiện tiêu biểu :
1. Trong một Phiếu Thông tin đề ngày 21.2.2004, Huynh trưởng Lê Công Cầu, thay mặt Ban Hướng dẫn Gia Ðình Phật tử Thừa thiên – Huế, cho biết rằng : Anh Nguyễn Sĩ Thiều, Trưởng ban Hướng dẫn GÐPT Thừa thiên – Huế đã bị “mời” đi “làm việc” 2 lần trong ngày 21.2.2004 tại Ủy ban Phường Phú Hòa trước sự hiện diện của Chủ tịch Ủy ban, Chủ tịch Mặt trận, Trưởng Công an Phường và Công an Tỉnh. Nội dung 2 buổi làm việc là cấm GÐPT Thừa thiên – Huế không được tổ chức thi kết khóa cho Bậc Lực trong sinh hoạt thường niên của các đoàn viên GÐPT. Nghĩa là cấm một tổ chức Giáo dục thanh thiếu đồng niên của Phật giáo sinh hoạt ;
2. Ngày 21.2.2004, Công an phường đến chùa Thuyền Lâm ở Huế ra lệnh cho Thượng tọa Thích Chơn Trí không được cho Gia Ðình Phật Tử đến sinh hoạt tại chùa và theo học khóa Phật Pháp mà Thượng tọa giảng dạy ;
3. Cùng ngày, Công an đến chùa Châu Lâm ở Huế trục xuất Thượng tọa Thích Hạnh Viên mà không cho biết lý do. Nhưng Thượng tọa không chấp hành lệnh trục xuất, mà nói thẳng với Công an rằng : “Khi nào các anh mang còng đến đây còng tay tôi dẫn đi thì tôi mới đi”. Công an cũng thường trực lấy cớ “kiểm tra hộ khẩu” để sách nhiễu chư Tăng các chùa Phước Thành, Từ Hiếu, v.v… tại Huế ;
4. Vào lúc 9 giờ sáng ngày 29.1.2004, Công an quận Sơn Trà, tỉnh Quảng Nam – Ðà Nẵng, đã vào nhà ông Huỳnh Văn Côi ở 45b Phường An Hải Bắc, làm biên bản “tịch thu 3 Thiệp chúc Xuân” chỉ vì trên Thiệp Xuân này có in dòng chữ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất. Cùng ngày, vào lúc 8 giờ sáng, Công an Phường Bình Hiên, Ðà Nẵng, đột nhập chùa Giác Minh, K356/42 Hoàng Diệu, do Thượng tọa Thích Thị Nguyện (thế danh Phạm Văn Phải) trụ trì, tịch thu 2 (HAI) tấm Thiệp chúc Xuân. Theo Biên bản của Công an Quận Hải Châu và Công an Phường Bình Hiên đề ngày 29.1.2004 về việc “Tạm giữ Thiệp Chúc Tết”, thì “Thiệp thứ nhất, phía trước mặt thiệp trên đầu có ghi dòng chữ “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất – Tỉnh Giáo hội Quảng Nam – Ðà Nẵng”, ở dưới thiệp ghi Phật lịch 2548, Xuân Giáp Thân 2004, ở phía sau thiệp có ghi nội dung chúc Tết, phía dưới có ghi Ban Ðại diện Liên tỉnh Quảng Nam – Ðà Nẵng và có chữ ký của ông Thích Thanh Quang. Thiệp thứ hai, phía trong thiệp có ghi “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất – Viện Tăng Thống – Viện Hóa Ðạo”, phía dưới thiệp có ghi chữ ký của ông Thích Không Tánh, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Từ thiện Xã hội”. Biên bản của Công an ghi thêm rằng : “Sau khi nghe đọc Biên bản, ông Phải (TT. Thích Thị Nguyện) yêu cầu trả lời lý do thu hai Thiệp trên, ông Ðức (tức Lê Công Ðức, công an Phường Bình Hiên) tạm thời trả lời Hai Thiệp có ghi nội dung “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất” Nhà nước chưa công nhận. Và ông (tức Thích Thị Nguyện) phải đồng ý Biên bản”.
5. Trong Thư trình của Thượng tọa Thích Thanh Quang, Ðại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Quảng Nam – Ðà Nẵng, gửi Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Ðạo ở Saigon, đề ngày 2.2.2004, về việc chính quyền gây khó khăn trong việc đi vấn an Ngài Tăng thống, cho biết rằng : “Vào lúc 8 giờ 30 sáng Mùng 4 Tết thì chính quyền đến chùa và họ ra lệnh là : “Không được ra khỏi thành phố, nhất là không được đi Bình Ðịnh”, ngay tại tư gia của các Phật tử cũng bị phong tỏa, theo dõi và cuối cùng là không có một tài xế nào dám chở. Mặc dù vậy, sáng ngày mùng 5 âm lịch, chúng con cũng tập trung tại chùa và hy vọng có xe để đi vào Bình Ðịnh, nhưng tài xế thứ 3 vẫn từ chối cho nên chúng con đành thất lễ (…). Mặc dù khó khăn mọi mặt, nhưng tinh thần trung kiên với Giáo hội truyền thống, chúng con vẫn không bao giờ thay đổi và nhiều Phật tử phát nguyện bảo vệ Chánh pháp”.
Ngày Tri ân Quốc hội Hoa Kỳ và Quốc hội Âu châu tổ chức trọng thể tại ba thành phố Santa Ana, San Jose và Oakland ở California, Hoa Kỳ
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ, Văn phòng II Viện Hóa Ðạo, và Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế đã tổ chức trọng thể “Ngày Tri ân hai Quốc hội Hoa Kỳ và Quốc hội Âu châu” tại thành phố Santa Ana ở Quận Cam, còn gọi là Little Saigon (Tiểu Saigon) nơi được mệnh danh là thủ đô của người Việt tị nạn, hôm thứ bảy 21.2, và chủ nhật 22.2 tại hai thành phố San Jose và Oakland ở miền Bắc California. Ngày Tri ân nhắc lại sự kiện ngày 19.11.2003, Hạ viện Hoa Kỳ thông qua Nghị Quyết 427 tố cáo nhà cầm quyền Hà Nội đàn áp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, 24 giờ sau, ngày 20.11.2003, Quốc hội Âu châu thông qua một Quyết nghị tương tự và yêu sách trả tự do cho Nhị vị Hòa thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Ðộ, các Thượng tọa trong Hội đồng Lưỡng Viện, và đòi hỏi Nhà cầm quyền Hà Nội tôn trọng Tự do tôn giáo.
Hiếm thấy từ gần 30 năm qua, sự kiện ở hai đầu địa cầu, hai trung tâm quyền lực lớn nhất thế giới, cùng lên tiếng yêu sách chấm dứt cuộc đàn áp Phật giáo tại Việt Nam. Có lẽ vì xúc động trước nghĩa cử hai Quốc hội Hoa Kỳ và Quốc hội Âu châu đã biết lắng nghe khổ nạn đến từ Việt Nam và lên tiếng hỗ trợ mạnh mẽ qua hai Nghị quyết nói trên, nên đồng bào Việt Nam nói chung và Phật tử nói riêng đã đông đảo hàng nghìn người tham dự Ngày Tri ân hai Quốc hội tại hai miền Nam và Bắc California.
Bước vào hội trường Tu viện Hoa Nghiêm hôm thứ bảy, hay tại San Jose và Oakland ngày chủ nhật, người tham dự đông nghẹt với sự nôn nao chờ đón. Ban Hướng dẫn Gia Ðình Phật tử Miền Quảng Ðức đã trang trọng trình bày các hàng biểu ngữ “Ngày Tri ân Quốc hội Hoa Kỳ và Quốc hội Âu châu”, “Chào đón hai Nữ Dân biểu Loretta Sanchez, Zoe Lofgren, Dân biểu Ed Royce, Dân biểu Marco Pannella”, “Chào mừng Ðồng bào Việt Nam tham dự Ngày Tri ân” được viết bằng 3 thứ tiếng Việt, Anh, Pháp. Giữa sân khấu là biểu tượng những cánh sen, nở như sóng hải triều bao quanh bánh xe Chuyển pháp luân, kèm theo dòng chữ “Ðừng sợ hãi ! Hãy đứng lên cứu nguy Ðạo pháp và Dân tộc”.
Dưới sự chủ tọa của Hòa thượng Thích Hộ Giác, Hòa thượng Thích Chánh Lạc, Hòa thượng Thích Chôn Thành, Hòa thượng Thích Pháp Tánh, Thượng tọa Thích Viên Lý và chư Tôn Ðức thuộc Văn phòng II Viện Hóa Ðạo, các diễn giả lần lượt nói lên tiếng nói đồng tình đòi hỏi cho tự do tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam. Ðến từ Hoa Thịnh Ðốn và đại biểu cho Quốc hội Hoa Kỳ là Nữ Dân biểu Loretta Sanchez (đảng Dân chủ) và Dân biểu Ed Royce (đảng Cộng hòa), Dân biểu Quốc hội Âu châu Marco Pannella đến từ Rome, Ông Võ Văn Ái và chị Ỷ Lan đại diện Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế đến từ Paris, cùng các vị Ðại diện các tôn giáo, như Linh mục Mai Khải Hoàn, Giáo hội Công giáo, Hiền Tài Ðặng Văn Khảm, Giáo hội Cao Ðài, Giáo sư Nguyễn Thành Long và Nguyễn Thanh Giàu, Giáo hội Hòa Hảo, Mục sư Trần Thanh Vân, Giáo hội Tin Lành.
Trước cuộc phát biểu, Nhị vị Hòa thượng Thích Hộ Giác, Thích Chánh Lạc thay mặt Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, và Hòa thượng Thích Chơn Thành thay mặt Hội đồng Liên Tôn trao ba món quà lưu niệm ghi khắc trên thủy tinh lời tri ân tặng ba vị Dân biểu của hai Quốc hội Hoa Kỳ và Liên hiệp Âu châu. Tại San Jose, thì Cộng đồng Người Việt tại đây đã trao tặng bảng khắc lưu niệm cho Nữ Dân biểu Zoe Lofgren.
Mở đầu, Nữ Dân biểu đảng Dân chủ, bà Loretta Sanchez đã nói lên sức mạnh của Cộng đồng trong cuộc đấu tranh cho nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam. Dù là người đại diện cho một cộng đồng người Việt lớn nhất ở hải ngoại, Cộng đồng người Việt ở Quận Cam, nhưng bà thú nhận là “8 năm trước đây tôi chẳng biết gì về Việt Nam, nhưng nay tiếp cận với người Việt và qua sự chỉ dẫn của người Việt tôi đã được thâm nhập lịch sử và văn hóa Việt Nam. Ðây chính là lý do khiến tôi dấn thân tranh đấu cho nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam”. Bà cũng cho biết việc bà khởi xướng và bảo trợ cho Nghị quyết 427, mà theo lẽ cần rất nhiều thời gian mới mong được thông qua. “Thế nhưng kể từ khi đệ nạp cho đến khi được thông qua, với trên 400 phiếu thuận, chỉ mất 19 ngày”, bà cho rằng “đây chính là thành quả đấu tranh của người Việt, đây chính là sức mạnh của cộng đồng người Việt”. Kết luận, bà nói rằng : “Như quý vị vừa nghe tiếng nói của Hòa thượng Thích Quảng Ðộ khi Hòa thượng nhấn mạnh đến sức chuyển hóa của tuổi trẻ Việt Nam. Tôi cũng nghĩ rằng tuổi trẻ Việt Nam ở hải ngoại có thể giúp rất nhiều cho sự chuyển hóa ấy ở trong nước, cho sự chuyển hóa của nhân quyền và dân chủ”.
Dân biểu đảng Cộng hòa Ed Royce đề cao Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất với một quá trình lịch sử nhiều nghìn năm, mà ông chân nhận qua lời phát biểu : “Các vị Thiền sư đã giải phóng đất nước khỏi nền đô hộ Tàu, phát triển một thời đại vàng son cho tổ quốc và hình thành nền văn hóa Việt Nam”. Ông nhắc tới kỷ niệm gặp thăm Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, nhờ vậy ông hiểu biết rõ hơn về tình trạng đàn áp nhân quyền và tôn giáo tại Việt Nam. Vì vậy mà ông đã đồng bảo trợ Nghị quyết 427. Ông nhớ tới lời phân tích của Hòa thượng Quảng Ðộ “về tầm quan trọng của tự do thông tin, làm sao cho tất cả mọi người có thể nghe được lượng thông tin quốc tế qua các đài, làm sao cho các quán Cà phê Internet không bị cấm cản, để tuổi trẻ Việt Nam tiếp cận với xu thế thế giới, để tuổi trẻ Việt Nam không bị ngăn cách với tuổi trẻ trên địa cầu”. Ông mong mỏi cho Hòa thượng Thích Quảng Ðộ đoạt giải Nobel Hòa bình để có thêm phương tiện phục vụ cuộc đấu tranh cho quyền con người. Ông cho biết “Dự luật Nhân quyền hiện đã đệ nạp lên Thượng viện, và mong rằng không bị cản ngăn như Thượng nghị sĩ Kerry đã ngăn chận trước đây. Vì dự luật Nhân quyền sẽ khai mở thời đại mới cho dân chủ Việt Nam, bởi nó đặt ra điều kiện viện trợ cho Việt Nam nếu nhà cầm quyền không chịu thay đổi chính sách tôn trọng nhân quyền”.
Dân biểu Âu châu Marco Pannella đến từ Rome, thì nhấn mạnh đến “những hành động đen tối trong thế kỷ trước của một Âu châu đế quốc và độc tài. Âu châu đã sản sinh ra những con quái vật ghê tởm, đó là nạn độc tài phát xít, nạn độc tài Ðức quốc xã, nạn độc tài cộng sản, mà ngày nay chúng ta phải tiên liệu để chận đứng chúng. Cho nên điều cần thiết hôm nay là phải đấu tranh cho một nền Dân chủ toàn cầu, một Hợp chủng quốc Dân chủ từ Mỹ châu đến Âu châu và ra toàn thế giới”. Ông cám ơn Hòa thượng Thích Hộ Giác và Giáo hội đã cho ông “được hân hạnh gặp gỡ đồng bào người Việt đông đảo tại California, như 38 năm trước đây tôi được gặp Võ Văn Ái tại Rome để hiểu biết đất nước Việt Nam và đấu tranh cho dân tộc Việt Nam từ bấy đến nay”. Kết luận, ông nói lên niềm tin tưởng với sự đấu tranh của Phật giáo, vơí đồng bào người Việt hôm nay, thì “Ngay chính nơi đây đã hình thành một Saigon Dân chủ, một nước Việt Nam Dân chủ ! Ngay chính nơi đây đã hình thành một tôn giáo, đó là tôn giáo bảo vệ tất cả các tôn giáo trên thế giới”.
Trong bài nói về “Ý nghĩa chiến lược của hai Nghị quyết Hoa Kỳ và Quốc hội Âu châu”, ông Võ Văn Ái nhấn mạnh đến phản ứng hoảng hốt chưa từng có từ 28 năm qua, “như đứng trên đống lửa” của Nhà cầm quyền Hà Nội. Ông cho biết “Ngày 19.11.2003, Nghị quyết 427 thông qua tại Hạ viện, thì ngày 20.11 ông Lê Dũng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao lên tiếng phản bác kịch liệt. Một ngày sau, ngày 20.11 Quốc hội Âu châu thông qua một Quyết nghị tương tự, thì ngày 21.11, ông Lê Dũng cũng lồng lộn phản bác. Qua ngày 22.11, dưới sự chỉ đạo của Nhà nước, hằng trăm Tăng Ni, Phật tử biểu tình tại chùa Bà Ðá ở Hà Nội phản đối Quốc hội Hoa Kỳ ; cùng ngày này, Hòa thượng Thích Trí Tịnh, đại diện cho Giáo hội Phật giáo Nhà nước viết thư phản đối Hạ viện Hoa Kỳ ; qua ngày 26.11, Quốc hội Việt Nam lên tiếng phản đối. Rồi cứ thế, hàng trăm bài báo Ðảng công kích hai Quốc hội Hoa Kỳ và Âu châu, hàng nghìn cuộc học tập tại các phường khóm trên toàn quốc chống đối hai nghị quyết… Ðến nỗi Nhà nước phải lợi dụng Giới Ðàn Thiện Hòa tại Saigon ngày 2.12.2003, là một giới đàn thuần túy tôn giáo, để lừa các giới tử ký tên phản đối hai Nghị Quyết”. Và ông kết luận rằng : “Khi quyền lực kinh tế bị xói mòn thì quyền lực chính trị cũng sụp đổ. Thế giới ngày nay không cho phép quốc gia nào tự cô lập mà sống còn. Tất cả tương liên, tương quan nhau trong công cuộc phát triển kinh tế toàn cầu. Hà nội muốn được các nước Âu Mỹ viện trợ, thì không thể nào không thay đổi chính sách tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam. Các nghị quyết như 2 Nghị quyết vừa qua tại Hạ viện Hoa Kỳ và Quốc hội Âu châu là hồi chuông báo tỉnh trên mặt trận ngoại giao và kinh tế. Nếu nhà cầm quyền Hà nội không đáp ứng, tất vòng vây quốc tế sẽ siết lại, các biện pháp chế tài sẽ hiện ra”.
Chị Ỷ Lan, một phụ nữ Anh quốc tham gia đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam đã được người Việt hoan nghênh nhiệt liệt bằng những tràng pháo tay không dứt khi chị đề cập đến sự áp bức ở trong nước và công tác đấu tranh trên các diễn đàn quốc tế cho một nước Việt Nam tự do và dân chủ. Các vị đại diện các tôn giáo bạn cũng đã lên tiếng ca ngợi hai Nghị quyết và tán thán Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất nỗ lực đấu tranh cho tất cả các tôn giáo tại Việt Nam.
Tại vùng Bắc California, một Ban tổ chức hùng hậu của Cộng đồng Người Việt tại đây đã thành công rực rỡ trong việc tổ chức “Ngày Tri ân hai Quốc hội Hoa Kỳ và Quốc hội Âu châu” trong thời gian kỷ lục 2 tuần lễ. Ấy cũng nhờ công đức của hai vị Ðồng Trưởng ban Tổ chức Huỳnh Lương Thiện và Lê Văn Hải, cùng với các vị Nguyễn Vũ Trụ, Nguyễn Hồng Dũng, Nguyễn Hữu Lục, Nguyên Trung, Lê Ngọc Luông, với một Ban Vận động gồm có Ban Hướng dẫn GÐPT Miền Thiện Minh, Ðoàn Cựu Huynh trưởng GÐPT tại San Jose, các ông Phan Hòa, Nguyễn Sơn, Nguyễn Xuân Nam và hầu hềt các Cơ quan Truyền thông Việt ngữ Bắc California. Tại thành phố Oakland, thì ông Nguyễn Hồng Tuyền, Chủ tịch Hội Phật giáo làm Trưởng ban Tổ chức với sự cộng tác của các tôn giáo bạn như Công giáo, Cao Ðài, Hòa Hảo, Tin Lành và Ban Hướng dẫn GÐPT Miền Liễu Quán. Ngoài việc quy tụ đông đảo đồng bào, các tôn giáo, tổ chức, đảng phái, như một tiểu hội nghị Diên Hồng, thành công lớn của các Ban Tổ chức miền Bắc California là đã đăng tải trên hai tờ báo lớn của Hoa kỳ, San Jose Mercury News và San Francisco Chronicle, toàn văn 2 Nghị quyết 427 và Quyết nghị của Quốc hội Âu châu để thông tri trực tiếp đến độc giả người Mỹ.
Phát biểu tại San Jose, Nữ Dân biểu đảng Dân chủ Zoe Lofgren, người hợp đồng với bà Loretta Sanchez đệ nạp Nghị quyết 427, nói lên tầm quan trọng của Nghị quyết ấy. Theo bà, thì nó quan trọng đến nỗi Hà Nội đã phản kích dữ dội. Cũng theo bà, điều quan trọng là Nghị quyết 427 đã thành công nối kết hai đảng Dân chủ và Cộng hòa cho lý tưởng nhân quyền quốc tế tại Quốc hội Hoa Kỳ. Kỳ diệu hơn nữa, nối kết với các vị dân biểu Âu châu trong cùng nghĩa cử quốc tế. Bà Zoe Lofgren nói :
“Hôm nay quả là ngày trọng đại, và tôi vô cùng hân hạnh được tham dự với quý vị. Như quý vị đã biết, tôi là người hậu thuẫn mạnh mẽ và cũng là người đồng bảo trợ cho Nghị quyết 427 được Hạ viện thông qua. Bước đầu này rất quan trọng. Trong thực tế, nó quan trọng đến nỗi khi Nghị quyết vừa thông qua, là chính quyền Cộng sản Việt Nam đã phải động não mà viết thư gửi các Ðại biểu Hạ viện phản bác Nghị quyết cho rằng Nghị quyết ấy sai lầm.
“Thôi, chúng ta chẳng đáng bận tâm đề cập tới chuyện này.
“Có người hỏi tôi rằng : Nghị quyết này có đem lại lợi ích gì không ? – Hẳn nhiên là nhiều lợi ích lắm chứ ! Nghị quyết đã hoàn mãn sự thống nhất giữa hai đảng chính trị tại Hạ viện Hoa Kỳ ; Nghị quyết còn hoàn mãn sự đoàn kết nhất trí giữa Quốc hội Hoa Kỳ và Quốc hội Âu châu, là điều hiếm thấy ; và cũng tạo sự đồng tâm trong Cộng đồng người Việt, làm cho chúng ta đứng chung chiến tuyến cho tự do tôn giáo tại Việt Nam.
“Ðó là bước đầu quan trọng, nhưng mới chỉ là bước đầu. Giờ đây chúng ta phải khăng khăng đòi hỏi cho được, rằng không riêng Hạ viện Hoa Kỳ, mà là Chính quyền Hoa Kỳ phải lấy những biện pháp cần thiết để yêu sách, quyết tâm yêu sách nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải tôn trọng tự do tôn giáo và nhân quyền, nếu không, Việt Nam chẳng hưởng được quyền lợi gì từ Chính phủ Hoa Kỳ”.
Ðánh dấu “Ngày Tri ân hai Quốc hội Hoa Kỳ và Quốc hội Âu châu”, hai tờ báo Mỹ San Jose Mercury News số phát hành thứ sáu 20.2, va San Francisco Chronicle số phát hành thứ bảy 21.2, đã đăng nguyên một trang lớn toàn văn Nghị quyết 427 của Hoa Kỳ và Quyết nghị của Quốc hội Âu châu dưới chân dung Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang và Hòa thượng Thích Quảng Ðộ với hai dòng viết bằng tiếng Việt và tiếng Anh của hai ngài : “Lòng tôi cực kỳ xúc động trước sự quan tâm và tình thông cảm huynh đệ của quý Ngài đối với nhân dân Việt Nam nói chung và đối với Phật giáo đồ nói riêng… Bốn bể đều là anh em, đúng như câu ngạn ngữ Ðông phương thường nói… Thay mặt Hội đồng Lưỡng viện, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tôi xin được tỏ lòng tri ân và gửi lời cảm tạ đến toàn thể quý vị Ðại biểu tại Quốc hội Hoa Kỳ và Quốc hội Âu châu”, ấn ký Thích Huyền Quang. Hòa thượng Thích Quảng Ðộ thì viết rằng : “Tôn giáo không thể tách rời với dân tộc và đất nước, vai trò tái thiết xứ sở của quần chúng có tín ngưỡng rất lớn. Do đó, tiền đồ của Việt Nam cũng là tương lai sống còn của quần chúng và tôn giáo. Cho nên vấn đề tự do, nhân quyền và dân chủ phải được tôn trọng, thực thi và bảo đảm. Không có tự do, nhân quyền và dân chủ, thì Việt Nam không thể phát triển”.
(Ỷ Lan tường trình từ Âu Châu)
Bấm vào đây để nghe cuộc phỏng vấn này
Rightclick to download this audio
Bản báo cáo thuờng niên của bộ ngọai giao Hoa Kỳ về vấn đề nhân quyền trên thế giới trong năm vừa qua có phần đề cập đến viêc chính quyền Việt Nam đàn áp Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất ở trong núơc, ngoài những vi phạm khác về nhân quyền.
Phòng Thông tin của giáo hội này ở Paris có thông cáo ngỏ ý không hoàn toàn hài lòng về phần báo cáo vừa kể. Chúng tôi liên lạc với ông Võ Văn Ái, Giám đốc phòng thông tin của GHPGVNTN, đặt trụ sở tại Paris, để hỏi về ý kiến vừa nói của cơ sở này. Mời qúy vị theo dõi cuộc phỏng vấn do Việt Long thực hiện.