PARIS, ngày 4.9.2008 (PTTPGQT) – Chiều thứ tư ngày 3.9.2008 Phái đoàn Hoa Kỳ đã đến Thanh Minh Thiền viện vấn an Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ. Phái đoàn do Bà Katia Bennett, Viên chức Chính trị Tòa Tổng lãnh sự Hoa Kỳ ở Saigon, và Bà Laura Carey thuộc Văn phòng Dân chủ, Nhân quyền và Lao động Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ dẫn đầu.
Cuộc tiếp xúc, thăm viếng từ 14 giờ đến 15 giờ 15. Phái đoàn Hoa Kỳ tỏ vẻ quan tâm và hỏi han tình hình Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Đặc biệt là tình hình tang lễ của Đức cố Đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang vừa qua ở Bình Định, cũng như những vụ sách nhiễu đối với các Ban Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) ở miền Trung và Cao nguyên trung phần.
Sau cuộc gặp gỡ và qua cuộc điện đàm với Đạo hữu Võ Văn Ái, Giám đốc Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế, Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ cho biết cuộc gặp gỡ thân tình và thông cảm. Hòa thượng đã cho Phái đòan biết tình hình khó khăn, bị bức hiếp của Giáo hội trong thời gian nhà cầm quyền Cộng sản tổ chức Đại lễ Phật Đản LHQ cho đến nay. Hà Nội chưa có một sự thay đổi nào trong chính sách tôn giáo. Cái gọi là « tự do tôn giáo » chỉ là những hình ảnh thiết kế để xuất cảnh tuyên truyền quốc tế, chứ tín đồ trong nước chưa bao giờ được hưởng. Hòa thượng cũng cho phái đoàn biết sự khó khăn, ngăn cản vừa qua trong việc tổ chức lễ Chung thất Đức cố Tăng thống. Nhà cầm quyền đã ngăn cản chư Tăng, Phật tử thuộc GHPGVNTN về Tu viện Nguyên Thiều, Bình Định, dự lễ. Và ngay cả Đại lễ Vu Lan cũng bị ngăn cấm, quấy nhiễu tại các chùa thuộc GHPGVNTN, điển hình ở Quảng Nam – Đà Nẵng và Huế. (Xem chi tiết trong Thông cáo Báo chí phát hành ngày 2.9.2008 hoặc vào xem Trang Nhà Quê Mẹ : http://www.queme.net)
Phái đoàn Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo trên Thế giới đến tiếp xúc và chụp ảnh chung với Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ tại Thanh Minh Thiền viện, Saigon. Hình in trên bìa Phúc trình của Ủy hội
|
Cuối tháng 8 vừa qua, Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo trên Thế giới (US Commission on International Religious Freedom) cũng cho công bố Phúc trình về Tiêu điểm của chính sách Việt Nam (Vietnam Policy Focus). Qua đó tình hình đàn áp tôn giáo và các nhà bất đồng chính kiến trầm trọng đến nổi Ủy hội Hoa Kỳ đề nghị Chính phủ Hoa Kỳ đặt Việt Nam trở lại trong danh sách CPI (Country of Particular Concern, danh sách quốc gia đàn áp tôn giáo cần đặc biệt quan tâm, mà trước đây Việt Nam đã bị đưa vào trong 3 năm 2004 – 2006). Phúc trình này kể lại các cuộc tiếp xúc, điều tra tại Việt Nam qua chuyến đi hồi tháng 10.2007. Bìa của Phúc trình in bức hình Phái đoàn Ủy hội Hoa Kỳ gồm có các ông Eid, Leo, Cromatie và bà Gaer chụp chung với Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ tại Thanh Minh Thiền Viện.
Nhân việc Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo trên Thế giới phát hành bản Phúc trình 32 trang về tình hình đàn áp tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam hôm 25.8, ông Võ Văn Ái đã có lời bình luận với báo chí như sau :
« Bản Phúc trình của Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo trên Thế giới không những phát hiện các vi phạm nhân quyền trầm trọng và quy mô tại Việt Nam, mà còn cho thấy hậu quả thảm hại của chính sách đàn áp của nhà nước Việt Nam trên toàn khối quần chúng. Ở vào giai đoạn khủng hoảng kinh tế trầm trọng ngày nay, các cộng đồng tôn giáo – đặc biệt là Phật giáo, một xã hội dân sự rộng lớn tại Việt Nam – có thể là liên minh quý hiếm để giải quyết vấn đề nghèo đói, thoa dịu những khổ đau của quần chúng bần hàn tại các tỉnh thành hay nông thôn. Ngược lại, nhà cầm quyền Cộng sản xem GHPGVNTN như kẻ thù, sách nhiễu, cô lập, bắt giam những thành viên của Giáo hội.
« Bản Phúc trình đến rất đúng lúc, nhất là trước khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho công bố bản « Phúc trình thường niên về Tự do tôn giáo trên Thế giới ». Ông John Hanford, Đại sứ đặc mệnh về Tự do Tôn giáo trên Thế giới, tuy đến Việt Nam theo dõi và làm việc nhiều năm nhưng chưa bao giờ gặp gỡ giới bất đồng chính kiến như Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ là một. Vì vậy mà sự đánh giá về tình trạng Phật giáo của ông Đại sứ, đại quan chỉ dựa vào những thông tin do nhà cầm quyền Hà Nội cung cấp. Cho nên bản Phúc trình của ông năm ngoái chỉ phản ảnh quan điểm của Hà Nội nại cớ GHPGVNTN bị đàn áp là vì Giáo hội « làm chính trị ». Hy vọng năm nay, với những thông tin đầu tay của Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo trên Thế giới ghi nhận trong bản Phúc trình về Tiêu điểm của chính sách Việt Nam sẽ cung cấp cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về một viễn cảnh mới về tình trạng tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng tại Việt Nam ».
tường thuật cuộc làm việc với Công an tỉnh Bình Định
Trong bản Thông cáo Báo chí phát hành hôm 2.9.2008 chúng tôi có thông tin về việc nhà cầm quyền cộng sản sách nhiễu, ngăn cấm GHPGVNTN tổ chức Lễ Chung thất Đức cố Đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang và Đại lễ Vu Lan tại các tỉnh miền Trung. Đặc biệt mời Thượng tọa Thích Viên Định đi làm việc khi Thượng tọa vừa về đến Bình Định tham dự lễ Chung thất tại Tu viện Nguyên Thiều. Bản thông cáo trước, chúng tôi chỉ mới trình bày Biên bản Làm việc của Ủy ban Nhân dân huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, tố cáo Thượng tọa. Hôm nay, Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế xin đăng tải bản Tường thuật buổi làm việc cùng những lời phát biểu của Thượng tọa Thích Viên Định, Phó Viện trưởng kiêm Tổng Thư ký Viện Hóa Đạo, mà Ủy ban Nhân dân không chịu ghi vào biên bản như pháp luật quy định :
tại Ủy ban Nhân dân Huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định
Cũng như mọi lần trước, từ bao năm nay, không lần nào bỏ sót, mỗi lần tôi về thăm quê, đều bị mời lên trụ sở làm việc, lần này cũng vậy, khi tôi vừa đặt chân về đến Tổ Đình Thập Tháp lúc 8 giờ sáng, ngày 19.8.2008, thì chỉ nửa tiếng đồng hồ sau, lúc 8.30, đã có mặt bốn cán bộ Xã gồm các ông : Trưởng công an, Phó Chủ tịch Ủy ban, Chủ tịch Mặt trận, Ban Tôn giáo, vào đưa thư mời. Thư họ đề ngày hôm trước, 18.8.2008, khi tôi còn ở Sài gòn, mời 2 giờ chiều ngày 19.8.08 đến Ủy ban Nhân dân Huyện làm việc.
Thấy nội dung thư chỉ mời làm việc, không nêu rõ lý do, nên tôi nói với họ rằng : “Tôi không có quan hệ gì với nhà cầm quyền cộng sản cả, không là Hội đồng nhân dân, Dân biểu, Mặt trận, hay Giáo hội Phật Giáo Việt Nam thuộc nhà nước nên tôi không đi dự các cuộc họp của nhà cầm quyền, nếu tôi có mặt, họ bàn thảo những việc không có lợi cho dân, cho nước, mà lại có mặt tôi, họ bắt tôi chịu trách nhiệm hay sao ? Tôi xin hoàn trả lại thư này”.
Buổi chiều, bốn người cán bộ Xã lại đem thư khác đến. Thư này ghi : « Mời đến bàn về việc tôn giáo có liên quan đến ông”. Tôi cũng trả lời : “ Thư này nội dung cũng không rõ ràng, tôn giáo nào, bàn về phương diện nào ?”. Nên tôi cũng xin hoàn trả.
Tối hôm sau, họ vào đưa thư nữa, nhưng vì đã tối, các chú trong chùa nói rằng quí thầy đã nghỉ, nên không cho vào. Sáng hôm sau, họ vào đưa thư mời lần 3, có nội dung rõ ràng, với lý do : « Ông đã có hành vi nói xấu chế độ nước CHXHCNVN ». Tôi trả lời với họ rằng lần này thì nội dung rõ ràng, nên tôi đi, nhưng có trễ giờ không ? Thì các cán bộ xã trả lời rằng : “ Các ảnh sẽ chờ, thầy cứ đi”
Khi tôi vào đến Ủy ban Nhân dân huyện An Nhơn, như thường lệ là phần giới thiệu, phía nhà cầm quyền gồm có một vị tên là Thắng ( tôi quên họ) đại diện cho Tỉnh, trước kia ông này làm Ban Tôn giáo tỉnh, nay đổi lại chức gì nghe mới lạ, tôi không nhớ, còn lại là các vị thuộc Huyện An nhơn gồm Chủ Tịch Ủy ban Nhân dân, ông Chủ tịch này cũng mới, buổi làm việc còn có các ông Phó Chủ Tich Ủy ban Nhân dân, đại diện Ban Tôn giáo, Mặt trận Tổ quốc, và vài vị không thấy nêu tên, có lẽ là công an an ninh với vài người quay phim.
Ba ông, Chủ Tịch, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân Huyện và ông Thắng đại diện Tỉnh thay nhau nói, nội dung như trong thư mời. Họ nêu ngày tháng những bài viết của tôi trước đây đăng trên mạng internet, những lần trả lời phỏng vấn trên Đài Á Châu Tự Do, cho rằng có nội dung nói xấu chế độ nước CHXHCNVN. Tiếp đến, họ đã chịu khó đọc từng đoạn các bài viết chống phá Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) của các nhóm : Thân hữu Già Lam, Tăng Ni Hải ngoại, Bát đại Hòa thượng, Về nguồn, Tâm thư Đạo Tình của Hòa thượng Tâm Châu, v.v… để lên án GHPGVNTN. Rồi họ ca tụng chế độ Cộng sản Việt Nam có tự do tôn giáo, nào là cho cúng giỗ đông người, cho xây chùa, đúc tượng to lớn, tổ chức lễ Phật đản Vesak, có các sư thuộc Gíao hội Nhà nước ra nước ngoài tuyên truyền tự do tôn giáo của Việt nam. Sau cùng, họ mới vào vấn đề chính là ngày hôm sau, 22.8, là Lễ Chung thất Đức Tăng Thống, GHPGVNTN có tổ chức gì khác không ? Họ thay nhau nói rất nhiều.
Phần tôi phát biểu :
“Tôi nhận thấy quí vị nói đã nhiều, bây giờ cũng đã trưa, và đây chỉ là Ủy ban Nhân dân địa phương Huyện An nhơn, quí vị không có thẩm quyền giải quyết vấn đề tự do tôn giáo, nêú quí vị cần ý kiến của tôi, thì tôi chỉ xin nêu lên vài vấn đề để quí vị hiểu thêm thế nào là Tự do tôn giáo thôi.
– Vấn đề gọi là nói xấu chế độ :
Các bài viết của tôi, quí vị không nêu rõ bài nào, và vì viết đã lâu, tôi quên rồi, nay tôi không đề cập đến, ở đây, tôi chỉ nói về việc trả lời phỏng vấn trên đài Á Châu Tự Do trong thời gian tang lễ mà thôi.
Tôi chỉ nói lên những sự thật đã xãy ra ở Việt nam và trong tang lễ Đức Tăng Thống, không hề thêm bớt, và chỉ mới nói được một phần nhỏ, vì trong thời gian tang lễ, nhà cầm quyền đã cắt internet, phá sóng điện thọai, nên tin tức không đến được đầy đủ. Sau nầy, khi về đến Sài gòn, tôi nghe chư tăng và Phật tử than phiền rất nhiều, nhà cầm quyền các tỉnh đã tìm mọi cách ngăn chặn chư tăng, Phật tử về tham dự tang lễ Đức Tăng Thống còn nhiều gấp mấy lần những gì tôi đã nói trên đài Á Châu Tự Do. Những gì tôi nói, không phải là nói xấu, mà tôi chỉ nói sự thật xãy ra tại Việt Nam.
– Về việc nhà cầm quyền tuyên truyền có Tự Do Tôn Giáo tại Việt nam :
Tôi thấy quí vị cho rằng, cho xây chùa, mà thật ra chỉ là trùng tu chùa cũ, tự do cúng giỗ, là có tự do tôn giáo, thì chưa đủ nghĩa Tự do Tôn Giáo, mà đó mới chỉ là tự do cúng kiến, tự do thờ phượng mà thôi, chứ chưa phải là tự do Tôn Giáo đúng nghĩa.
Tự Do Tôn giáo phải có nhiều sinh hoạt truyền bá :
– Về Giáo dục : các trường Bồ đề nay còn đâu ? Lấy gì dạy giáo lý cho con em Phật tử ?
– Về Văn hóa : các nhà in, sách báo nay còn cơ sở nào đâu ?
– Về Tổ chức Giáo Hội, các Khuôn hội, Vức hội nay thế nào ? GHPGVNTN có mặt trên khắp thế giới, cả thế giới đều biết, ở ngay trên đất quê hương Việt nam thì bị nhà cầm quyền ngăn cấm.
Họ chống chế, cho rằng, Giáo dục chỉ tập trung để nhà nước lo. Báo chí thì có tờ Giác Ngộ. Trường thì có các trường Phật học. Gíao hội chỉ có Gíao hội thuộc Mặt trận là hợp pháp.
Tôi nói rằng trường Phật học chỉ lo cho chư tăng, tôi chưa nói do ai kiểm soát. Còn Phật tử thì việc truyền bá giáo lý ở trường nào ? ở đâu ? Báo chí thì Việt Nam chưa có tự do, 85 triệu dân mà không có một tờ báo, còn thua cả thời Pháp thuộc, khoảng năm 1930, mỗi miền, Phật giáo đã có 1 tờ báo. Còn tờ báo Giác ngộ là của Đảng cộng sản chứ không phải của Phật giáo, vì ở Việt nam không có báo tư nhân, không lẽ tờ báo Giác ngộ là tờ báo chui ?
Vừa rồi, tôi nghe nói nhà nước có đặt vấn đề xã hội hóa giáo dục và từ thiện. Bên Thiên chúa có nêu vấn đề cho mở trường tư, cho mở cô ký nhi viên. Riêng bên Phật giáo, GHPGVNTN, thì nhà cầm quyền không công nhận, còn Giáo hội Phật giáo Việt Nam thuộc Mặt trận Tổ Quốc thì như người câm, vì nằm trong tổ chức Mặt trận Tổ Quốc, tiếng nói phải thông qua Mặt trận Tổ Quốc, nên không bao giờ có tiếng nói, Phật giáo không có tiếng nói, tôi buồn vô cùng.
Vấn đề tổ chức lễ Chung thất thế nào, xin quí vị đến Tu Viện Nguyên Thiều để hỏi, tôi không biết.
Lời sau cùng tôi xin thưa với quí vị rằng : Chắc quí vị ai cũng biết ông cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt, khi về già, mới tỉnh ngộ, nói rằng, “Trước kia, tôi nghĩ rằng yêu nước là phải yêu Xã hội chủ nghĩa, nhưng nay, nghĩ lại, tôi thấy rằng, yêu nước cũng còn có nhiều đường”.
Bây giờ đã 11 giờ trưa, nên họ lập biên bản, nhưng chỉ ghi phần họ nói, không ghi chép phần tôi nói câu nào cả, tuy vậy, họ có quay phim, và tôi thấy cũng không có gì đáng ngại, nên tôi ký tên rồi ra về.
Thích Viên Định