CANBERRA, ngày 26.11.2009 (PTTPGQT) – Trong chuyến đến Úc ra mắt Thơ Tù của Hòa thượng Thích Quảng Độ hồi trung tuần tháng 6 vừa qua, Phái đoàn Văn phòng II Viện Hóa Đạo đã nhận lời mời của ông Laurie Ferguson, Bộ trưởng Liên bang về Liên lạc Quốc hội và Sắc tộc sự vụ, dùng cơm trưa hôm 22.6.2009 tại Quốc hội đồng thời cũng để tường trình tình hình vi phạm nhân quyền và tôn giáo tại Việt Nam. Sau cuộc tiếp xúc này, bà Dân biểu Kerry Rea, Chủ tịch Phân ban Nhân quyền Quốc hội đã viết thư sang Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế mời Phái đoàn trở lại điều trần về tình hình Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Sáng hôm nay 26.11.2009, Phái đoàn Văn phòng II Viện Hóa Đạo (VP II/VHĐ), Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) đến điều trần trước Ủy ban Nhân quyền Quốc hội Úc gồm có : Thượng tọa Thích Phước Nhơn, Tổng Ủy viên Đặc trách Liên lạc và Đại diện Giáo hội tại Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan, VP II/VHĐ, Thượng tọa Thích Viên Lý, Tổng Thư Ký VP II/VHĐ, Thượng tọa Thích Giác Đẳng Tổng Ủy viên Truyền thông VP II VHĐ), Đạo hữu Võ Văn Ái, Phát ngôn nhân Viện Hóa Đạo, GHPGVNTN, kiêm Tổng Ủy viên Ngoại vụ VP II VHĐ, Đạo hữu Ỷ Lan, Phó giám đốc Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế, Đặc trách Vụ Quốc tế, và Sư Cô Thích Nữ Bảo Trường.
Sau khi giới thiệu các thành viên Phái đoàn, ông Võ Văn Ái tóm gọn tình hình đàn áp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại Việt Nam như “hệ quả của một chính sách có tính toán và kiên định chủ súy từ cấp cao trong Đảng và Nhà nước”, chứ không là “những sự việc riêng lẻ, ngẫu nhiên”. Nội dung trình bày như sau :
“Thưa bà Chủ tịch,
“Thưa quý vị Dân biểu Thành viên Ủy ban Nhân quyền Quốc hội,
“Chúng tôi vô cùng đa tạ được dịp trình bày trước quý vị tình trạng nguy kịch của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN). Đàn áp Phật giáo tại Việt Nam ngày nay không chỉ là những sự việc riêng lẻ, ngẫu nhiên, mà là hệ quả của một chính sách có tính toán và kiên định chủ súy từ cấp cao trong Đảng và Nhà nước. Chính sách này không chỉ nhắm riêng Phật giáo và các cộng đồng tôn giáo khác, mà còn chống lại bất cứ ai đòi hỏi tự do, nhân quyền dưới chế độ độc đảng tại Việt Nam. Đây là chính sách mà chúng tôi xin trình bày lần lượt sau đây.
“Bắt đầu từ cuộc thống nhất Nam Bắc dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản năm 1975, Đảng chủ trương trừ tiệt tất cả các tôn giáo. Nhà cầm quyền bắt đầu đàn áp hung bạo GHPGVNTN, bắt bớ, thảm sát hàng giáo phẩm, bắt tăng sĩ nhập ngũ trái chống với giới luật bất bạo động của họ, và cấm đoán mọi sinh hoạt tín ngưỡng.
“Nhưng chính sách này đã thất bại. Một vị sư bị bắt, vị khác tiếp nối. Phá phách ngôi chùa này thì ngôi chùa khác dựng lên, Ngay từ đầu, Phật giáo đồ quyết tâm chống đối không riêng cho cộng đồng Phật giáo, mà là yêu sách nhân quyền và tự do cho mọi người dân Việt.
“Khi biết rằng không thể tiêu diệt GHPGVNTN bằng bạo lực, Đảng Cộng sản tìm cách kiểm soát Phật giáo. Năm 1981, Đảng cho thành lập một Giáo hội Phật giáo Nhà nước, là tổ chức duy nhất được công nhận. Từ đó, GHPGVNTN bị cấm hoạt động. Nhưng đồng thời Đảng bỗng thấy Phật giáo có một “giá trị lợi ích” : Phật giáo có thể sơn phết cho bộ mặt trình diễn quốc tế, và cũng là nguồn sinh lợi doanh thu. Những ngôi chùa lịch sử bị chính quyền bỏ phế bỗng được tôn tạo, biến thành nơi hấp dẫn khách du lịch. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam tôn giáo trở thành mối kinh doanh thủ lợi.
“Mục tiêu của Đảng không nhằm thể hiện tự do tôn giáo, mà thực hiện chủ trương “Nhà nước quản lý việc tôn giáo”. Ông Đỗ Trung Hiếu, một cán bộ Cộng sản cao cấp lo việc tôn giáo, tiết lộ chính sách biến tướng Phật giáo thành công cụ chính trị bằng cách phát triển “tự do cúng kiến” để đàn áp “tự do tôn giáo”. Vì tiết lộ này ông Hiếu bị bắt giam.
“Người dân bị kiểm soát chặt chẽ qua ba cơ chế : Lý lịch, qua đó chư Tăng Ni phải khai báo khuynh hướng chính trị của mình, kể cả gia đình, bè bạn, Hộ khẩu, không có nó người công dân bị xem như bất hợp pháp, và Công an khu vực, là công an mặc thường phục nhưng kiểm soát mọi sự đi đứng, ăn ở, suy nghĩ của người dân nơi phường, khóm mình, và có quyền bắt bớ bất cứ ai y nghi ngờ.
“Công an tôn giáo được thiết lập, tổng hành dinh ở Hà Nội nhưng có chi nhánh khắp các tỉnh, thành. Chúng tôi có trong tay bản Tài liệu Mật dày 600 trang do Viện Khoa học Công an ấn hành một triệu bản để huấn luyện công an, bộ đội chống các hoạt động tôn giáo. Đặc biệt chống GHPGVNTN. Tài liệu này chỉ thị, tôi xin trích : “chống đối, đàn áp, cô lập và phân hóa” các thành viên thuộc GHPGVNTN, biến tướng Phật giáo thành “Phật giáo theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, và “dẹp bỏ vĩnh viễn GHPGVNTN”.
“Bản Tài liệu Mật này còn chỉ dẫn cách huấn luyện những “đặc tình” để xâm nhập GHPGVNTN không để báo cáo các Phật sự, mà còn tạo ly gián và phân hóa hàng ngũ Phật giáo. Hàng nghìn công an tôn giáo trá hình tăng sĩ xâm nhập các chùa chiền để kiểm soát chư Tăng Ni, Phật tử.
“Đồng thời, chính quyền tạo một khí hậu sợ hãi thường trực, công an dọa những người Phật tử nào không chịu từ bỏ GHPGVNTN sẽ mất công ăn việc làm, con cái không được nhập học.
“Nhiều điều luật ra đời với mục tiêu kết án các nhà hoạt động tôn giáo và bất đồng chính kiến. Pháp lệnh 44 về “quản chế hành chính” cho phép công an quản chế ai bị nghi ngờ chống đối nhà nước hoặc đưa vào nhà thương điên. Hệ thống tù ngục được mở rộng. 650 nhà tù tạm giam được thiết lập trong mỗi quận huyện trên toàn quốc ngoài những nhà tù đã hiện hữu trong các tỉnh thành. Điều nguy kịch hơn là việc quản chế không thông qua tòa án hay sự theo dõi thường trực của công an, như trường hợp Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ tại Thanh Minh Thiền viện ở Saigon. Bị giam giữ, tù đày, quản chế suốt 27 năm qua chỉ vì ngài ôn hòa nói lên tín ngưỡng của ngài.
“Nói tóm, đây là điểm then chốt nguy kịch giữa nhà nước Việt Nam và GHPGVNTN. Phật giáo đồ thành viên GHPGVNTN thực hành nền Phật giáo dấn thân, thể hiện lý tưởng từ bi, khoan dung trong đời sống thường nhật, cũng như đấu tranh chống nạn nghèo khó, kỳ thị, bất công – và trong bối cảnh nhân loại ngày nay, đòi hỏi cho quyền con người. Giáo hội là tiếng nói chủ đạo của một xã hội dân sự trên một đất nước tự do ngôn luận bị chà đạp. Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ công khai nói lên cho việc bảo vệ sinh thái, như chống nạn khai thác bauxite ở Tây nguyên, chống Trung quốc xâm chiếm hai quần đảo Hoàng Sa, Trường sa, xâm phạm lãnh thổ, lãnh hải, đòi hỏi xử lý cho khối Dân oan bị nhà nước cướp đất và tài sản, hoặc chống án tử hình. Đây là những vấn nạn cần được nói lên, và Việt Nam không thể làm ngơ bằng cách giết người đưa tin và bịt họng GHPGVNTN.
“Hiện nay Việt Nam là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo An LHQ, và sẽ là Chủ tịch Hiệp Hội Đông Nam Á (ASEAN) với cơ cấu mới Ủy ban Nhân quyền liên chính phủ năm tới, 2010. Việt Nam phải nêu gương như một quốc gia tôn trọng nhân quyền.
“Vì vậy cuộc trình bày hôm nay đối với chúng tôi hết sức trọng yếu. Bởi vì nếu không có áp lực quốc tế, chúng tôi e rằng Việt Nam sẽ quay lưng với mọi cuộc cải cách. Tháng 9 vừa qua, tại cuộc Kiểm điểm Thường kỳ Toàn diện trước Hội đồng Nhân quyền LHQ, Việt Nam đã bác bỏ 40 khuyến thỉnh của Úc Đại Lợi và các quốc gia thành viên nhằm cải thiện nhân quyền. Phát triển kinh tế hiển nhiên là thiết yếu, nhưng thiếu tự do, nhân quyền và pháp quyền, kinh tế chẳng sao phát triển.
“Chúng tôi kỳ vọng Úc Đại Lợi sẽ đóng vai trò tiên khu thúc đẩy Việt Nam bước vào con đường cải cách”.
Sau đó các vị Thượng nghị sĩ, Dân biểu thành viên Ủy ban Nhân quyền hỏi thêm nhiều điều họ cần biết về GHPGVNTN và tình trạng nhân quyền Việt Nam. Phái đoàn Văn phòng II Viện Hóa Đạo thay nhau trả lời thỏa đáng các câu hỏi.
Ủy ban Nhân quyền Quốc hội Úc cám ơn Phái đoàn Phật giáo đã mang lại nhiều thông tin cần yếu, và cho biết Quốc hội rất quan tâm đến trường hợp của GHPGVNTN, và sang đầu tháng 12 dương lịch này sẽ có cuộc gặp gỡ thường kỳ đối thoại nhân quyền giữa Úc Đại Lợi và Việt Nam. Hồ sơ Phật giáo mà Phái đoàn Văn phòng II Viện Hóa cung cấp hôm nay cùng với những lời giải đáp sẽ được đưa vào hồ sơ đối thoại sắp tới này.