PARIS, ngày 14.2.2011 (PTTPGQT) – Vừa qua Đài Á châu Tự do đã làm cuộc phỏng vấn Dân biểu Quốc hội Châu Âu, Graham Watson, về liên hệ Liên Âu – Việt Nam vào thời điểm sắp ký kết Hiệp ước Hợp tác Đối tác mới và cảm nhận của ông trước tình hình nhân quyền Việt Nam.
Xin mời bạn đọc theo dõi nội dung cuộc phỏng vấn sau đay :
Nhân ngày đầu xuân chúng tôi tìm gặp phỏng vấn ông Graham Watson, Dân biểu Quốc hội Châu Âu, để hỏi thăm quan hệ hiện nay giữa Liên Âu và Việt Nam nhân hai bên đang thương thảo để ký lại Hiệp ước Hợp tác Đối tác mới thay Hiệp ước đầu tiên ký năm 1995, và được ông cho biết như sau :
Ỷ Lan : Xin chào ông Watson. Ông đã từng lãnh đạo Khối Liên minh Tự do và Dân chủ Châu Âu, là khối quan trọng thứ 3 tại Quốc hội Châu Âu. Ông luôn tích cực bênh vực cho nhân quyền, dân chủ tại Á châu. Hiện nay ông là thành viên trong Phái đoàn Quốc hội đặc trách Trung quốc và Chủ tịch Phái đoàn Quốc hội đặc trách Ấn Độ. Ông có ý kiến gì về vấn đề Việt Nam ? Ông đánh giá hiện tình Việt Nam ra sao ?
Graham Watson : Tôi phải nói rằng, như nhiều vị đồng viện khác trong Quốc hội Châu Âu, tôi lo lắng cho tình trạng thoái bộ trên lĩnh vực tôn trọng nhân quyền tại Việt Nam. Chúng tôi rất thất vọng về kết quả của Đại hội Đảng Cộng sản, qua sự bầu cử một số lãnh đạo thuộc phe cứng rắn. Chúng tôi rất quan tâm đến tình trạng thiếu tự do trên mạng Internet, qua những cuộc bắt bớ làng mạng và bloggers. Chúng tôi theo dõi với sự thất vọng cùng cực về các tiến bộ trong lĩnh vực tự do tôn giáo, qua việc tiếp tục cấm đoán Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, vân vân. Nhìn chung, chúng tôi rất bi quan, chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều áp lực trên thế giới để cải thiện mọi sự, và hơn nữa, chính nhân dân Việt Nam phải khởi sự nổi dậy chống lại những gì họ thấy ngày càng trở thành một chính quyền độc đoán.
Ỷ Lan : Thưa Dân biểu, ông cũng là thành viên trong Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Châu Âu. Theo ông hiện nay quan hệ Liên Âu với Việt Nam như thế nào ?
Ông Graham Watson MEP
|
Graham Watson : Tôi nghĩ rằng Liên Âu ngày càng thấy phải áp lực nhiều hơn đối với Việt Nam. Nhiều người trong chúng tôi đã hy vọng rằng Việt Nam sẽ lợi dụng vai trò Chủ tịch luân phiên các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để thể hiện những tiến bộ trên các lĩnh vực nhân quyền. Nhưng chuyện đã không xẩy ra. Thực thế, những vi phạm nhân quyền gia tăng trong thời gian Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN. Những cơ hội lớn hơn cho sự trao đổi giữa Liên Âu và Việt Nam vẫn hiện hữu. Chúng tôi hy vọng rằng Việt Nam chuyển theo hướng tốt để lấy lại những cơ hội đã mất.
Ỷ Lan : Liên Âu đang thương thảo với Việt Nam để ký Hiệp ước Hợp tác mới. Nhân dịp này, Quốc hội Châu Âu thông qua một Quyết Nghị Khẩn kêu gọi cho những cơ chế cụ thể bảo vệ nhân quyền trong Hiệp ước. Việc này có tiến bộ gì không ? Nhân quyền có là điều quan trọng trong quan hệ Liên Âu – Việt Nam không thưa ông ?
Graham Watson : Hiển nhiên nhân quyền là điều quan trọng, và tôi nghĩ rằng không thể có Hiệp ước Hợp tác và Đối tác với bất cứ quốc gia nào khi chưa có những đối thoại nhân quyền và những cơ chế bảo vệ nhân quyền. Chị cần biết là chúng tôi vẫn có những đối thoại thường xuyên trên lĩnh cực nhân quyền với Cộng hòa Nhân dân Trung quốc, nhưng lạ lùng thay Việt Nam lại khước từ. Tôi thực sự hy vọng rằng thông qua cuộc thương thảo Hiệp ước Hợp tác và Đối tác để thiết lập những đối thoại nhân quyền. Nếu chúng tôi tiến tới những liên kết mậu dịch quan trọng, nếu chúng tôi hy vọng sự phát triển giữa hai khối nhân dân Liên Âu – Việt Nam, thì đương nhiên chúng tôi cũng phải đề cập tới phạm vi những giá trị. Chúng tôi tìm cách ảnh hưởng nhau thông qua thảo luận chứ không phải thông qua sự cải biến áp đặt, và tôi kỳ vọng vào ý chí muốn cải tiến tình hình Việt Nam.
Ỷ Lan : Ông nhắc đến đối thoại nhân quyền. Hện nay Việt Nam có đối thoại nhân quyền với Liên Âu, cũng như với Hoa Kỳ, Úc Đại Lợi, Na Uy và Thụy sĩ. Nhưng lại có rất ít thông tin về những tiến bộ được thực hiện. Thí dụ, tại cuộc Kiểm điểm Thường kỳ Toàn diện của Việt Nam ở Hội đồng Nhân quyền LHQ năm 2009, Việt Nam lại nói những cuộc đối thoại nhân quyền là “minh chứng” Việt Nam tôn trọng nhân quyền. Ông nghĩ sao về một khẳng định như thế ?
Graham Watson : Hiển nhiên chẳng có minh chứng nào cả. Tháng mười năm ngoái Liên Âu có cuộc đối thoại nhân quyền như thế, chính xác là ngày 18 và 19 tháng 10. Đại diện Việt Nam là Thứ trưởng Ngoại giao. Ông ta nói rằng tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do báo chí được cải thiện. Nhưng ông ta không thuyết phục chúng tôi, và tôi nghĩ rằng chính quyền Việt Nam cần cố gắng hơn nữa. Chúng tôi nhận được nhiều phúc trình trái ngược lại do người Việt cung cấp, mọi đề cập đến tự do, nhân quyền trên Internet hoặc bất cứ ở đâu đều bị nhà cầm quyền đàn áp thẳng tay. Tuy nhiên, có thể là sự bắt đầu, và có thể là điều chúng tôi muốn đạt, như chúng tôi đã từng liên hệ với các quốc gia khác, là được thấy sự cải tiến và gia tăng tự do cho quần chúng. Điều mà chúng tôi quan tâm là nhân dân Việt Nam được sống trong tự do và nhân phẩm giống như nhiều dân tộc khác trong thế giới.
Ỷ Lan : Nay là mùa Tết theo âm lịch, là đại biểu Quốc hội Châu Âu, ông có lời chúc hay thông điệp gì gửi đến nhân dân Việt Nam không ?
Graham Watson : Tiếc rằng tôi không biết tiếng Việt, nhưng tôi nói tiếng Tàu, thì sẽ xin chúc rằng Cung Hỉ Phúc Lộc. Đương nhiên tôi có một thông điệp, một thông điệp quan trọng. Tôi hy vọng năm nay, năm Tân Mão, sẽ là năm mà tự do, dân chủ được tái hồi cho nhân dân Việt Nam. Nhìn quanh thế giới tôi thấy dân chủ đang thể hiện trong nhiều quốc gia như Tunisia hay Ivory Coast, và tôi ngạc nhiên tại sao Việt Nam còn là một ngoại lệ. Chẳng có lý do gì để Việt Nam thành ngoại lệ. Nhân dân Việt Nam có dư thừa khả năng sống trong tự do, dân chủ, với một nền kinh tế thị trường y như mọi sắc dân khác.
Đây cũng là lý do khiến cho tôi đề cử Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ làm ứng viên Giải Nobel Hòa bình năm nay. Tôi hy vọng rằng ngài sẽ đoạt giải. Ngài là người đã cho thấy những hành động của ngài quan trọng làm vực dậy sự dũng cảm trong phẩm giá, diễn đạt cho những tự do cơ bản mà mọi người cần được hưởng. Công trình của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ được Quốc hội Châu Âu thấu hiểu và tán dương, tôi kỳ vọng công trình này sẽ còn được biết tới và được khắp nơi tán thưởng. Tôi hy vọng ngày sẽ tới cho nhân dân Việt Nam có cơ hội chính thức sùng kính những người như Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ để đánh dấu lòng tri ân và tôn kính của họ cho những việc Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ đã thực hiện.
Ỷ Lan : Xin cám ơn ông Graham Watson
Ỷ Lan, Phóng viên Đài Á châu Tự do tại Paris