Home / Tài liệu / Phỏng vấn Nhà văn Hoàng Tiến

Phỏng vấn Nhà văn Hoàng Tiến

Download PDF

Ỷ Lan : Nhà văn Hoàng Tiến năm nay 72 tuổi, đã từng tham gia Quân đội Nhân dân ở miền Bắc trong hai cuộc chiến tranh. Sau hòa bình, ông là Giảng viên Trường Ðiện ảnh ở Hà Nội. Kể từ giữa thập niên 90 ông không ngừng lên tiếng cho dân chủ. Năm 2002, ông đòi trưng cầu dân ý về sự kiện Nhà nước Việt Nam ký những hiệp ước dâng đất cho Trung quốc. Ông cũng viết nhiều tham luận giá trị về phong trào Nhân Văn – Giai phẩm, về mặt trái của nhà thơ Tố Hữu, về Báo chí nên đổi mới… Vì ông luôn tha thiết cho tự do ngôn luận và tự do sáng tác. Ông cũng lên tiếng bênh vực cho Cựu Ðại tá Phạm Quế Dương và học giả Trần Khuê ngày hai ông bị bắt vì muốn lập Hội chống quốc nạn tham nhũng.

Dịp Tết vừa qua, ông và giới Sĩ phu ở đất Thăng Long nhận được Thư chúc xuân của Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, mà cũng là lời kêu gọi cho Dân chủ đa nguyên. Ông phấn khởi viết thư tán dương Hòa thượng, trong thư ấy có đoạn ông viết : “Ðọc Thư chúc xuân của Hoà thượng làm sao tôi cứ nhớ tới đức Ðiều Ngự Giác Hoàng Trúc Lâm Ðại Ðầu Ðà Trần Nhân tông. Ngài tu đạo nhưng vì dân vì nước. Ðạo của Ngài không xa lánh đời. Nói cách khác Phật sinh ra là vì chúng sinh. Ðạo là vì đời. Ðạo phải cứu đời. Có cái gì rất giống nhau giữa thiền phái Trúc Lâm và Gíao hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất”. Sau đây là cuộc phỏng vấn Nhà văn Hoàng Tiến tại Hà Nội qua đường dây viễn liên.

Ỷ Lan : Kính chào Nhà văn Hoàng Tiến, hôm nay chúng tôi rất hân hạnh được hầu chuyện với Nhà văn, và xin có vài câu hỏi mong được biết ý kiến. Trước hết chúng tôi có đọc được bức thư Nhà văn viết gửi Hòa thượng Thích Quảng Ðộ. Thật cảm động nhận ra mối thâm tình Bắc Nam, khi Nhà văn bày tỏ cảm tưởng về Thư Chúc Xuân năm nay của Hòa thượng Thích Quảng Ðộ gửi đến chư vị Nhân sĩ, Trí thức, Văn Nghệ sĩ và đồng bào các giới trong và ngoài nước. Ðặc biệt hướng tới chư vị Sĩ phu nơi đất thiêng Thăng Long. Xin Nhà văn cho thính giả biết ý kiến về Lời kêu gọi cho Dân chủ đa nguyên của Hòa thượng Quảng Ðộ ?

Nhà văn Hoàng Tiến : Thưa chị Ỷ Lan, và thưa quý thính giả đợt xuân năm nay có đọc được Thư Chúc Xuân của Hòa thượng Thích Quảng Ðộ thì tôi rất xúc động. Xúc động bởi sao ? Bởi tình hình đất nước Việt Nam sau 30 năm chiến tranh, thì bây giờ sự phát triển rất chậm chạp, vẫn là một nước đói kém vào loại nhất hành tinh. Ðiều ấy làm cho mọi người Việt Nam đều thấy bức xúc. Vả lại chăng nữa, tại Việt Nam cái quyền làm dân, cái quyền làm người thì lại không được tôn trọng mà bị vi phạm nhiều. Việc ấy tất cả những người Việt Nam ở trong nước, mọi thành phần đều phải chịu. Những người đã tham gia chiến tranh để giải phóng đất nước, bây giờ lại càng thấy khó chịu hơn. Bởi vì xương máu đổ ra với hy vọng một đất nước sẽ tốt đẹp về nhiều mặt, trong đó cái quyền con người, quyền làm dân được tôn trọng, thì bây giờ thấy không được như vậy. Thành ra sự bức xúc của những người đã tham gia vào những cuộc chiến tranh đó, những cựu chiến binh, những lão thành cách mạng đều thấy phải lên tiếng để Nhà cầm quyền này phải thay đổi để làm cho đất nước phát triển tốt đẹp. Trong đó, chúng tôi một số những lão thành cách mạng, các cựu chiến binh cũng như các trí thức, văn nghệ sĩ, một số năm nay có lên tiếng đòi vấn đề dân chủ. Vì chúng tôi nhận thức rằng, cái sự làm cho đất nước mình phát triển chậm, cũng như bây giờ nhiều tệ nạn, tham nhũng, tham ô, bè cánh, rồi trù úm, thế rồi cướp đất đai, rồi thì vân vân nhiều thứ… là do không có dân chủ.

Rất là cảm động, là tôi thấy một người tu hành như đức Hòa thượng Thích Quảng Ðộ cũng lên tiếng. Các vị đi tu hành nhưng không bỏ đời. Người ta nói rằng đi tu đạo thì lánh việc đời đi. Chúng tôi thấy rằng đọc bức thư của Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, tôi xúc động ở chỗ những người tu hành. Sở dĩ có đức Phật là vì có chúng sinh. Ðức Phật sinh ra là vì chúng sinh. Cho nên những người tu hành chính là vì đời này, vì chúng sinh này, mà làm công việc tu hành để phát triển cho tâm linh con người, thiện căn phát triển lên. Trấn cái ác đi. Tôi thấy Hòa thượng Thích Quảng Ðộ lên tiếng trong lời Chúc Xuân này y như một người dân chủ trong nước vẫn đấu tranh đòi Nhà nước phải thực hiện những điều đó. Tức là phải dân chủ đa nguyên. Ðã dân chủ thì phải đa nguyên rồi, chứ không thể có cái dân chủ mà chỉ có một ý nghĩ, bắt người ta phải nghĩ theo ý mình được. Dân chủ là phải biết tôn trọng những ý kiến khác mình và như thế là phải đa nguyên rồi, mà đã đa nguyên thì phải đa đảng. Bởi vì những ý kiến người ta đồng nhất với nhau, cùng một chỗ đứng, cùng một cảm nhận thì người ta phải hội họp với nhau thành một đoàn, thành một đảng. Chuyện quyền con người này trên thế giới đều công nhận, mà luật pháp Việt Nam cũng công nhận. Nhưng lâu nay không được thi hành.

Thế thì cụ Hòa thượng Thích Quảng Ðộ đã đưa ra một nhận định : bây giờ tất cả những chuyện kém của Việt Nam mình, thì giải pháp phải đa nguyên. Dân chủ đa nguyên. Chúng tôi hoàn toàn tán thành, và chúng tôi thấy rằng đấy là lời nói minh triết của các đức Phật, là một giải pháp cho Việt Nam. Vì như thế là Cụ Thích Quảng Ðộ đã tiếp cận được với minh triết đó và đưa ra một giải pháp, chúng tôi thấy là giải pháp rất tốt và có khả năng thực thi. Cụ Thích Quảng Ðộ có đề nghị rằng nhiều đảng cũng được, nhưng chỉ cần ba đảng thôi : một đảng cực tả, một đảng cực hữu và một đảng trung lập. Tôi thấy giải pháp ấy rất hay. Chúng tôi cũng từng có đề nghị là Nhà nước nên học tập ở các Nhà nước dân chủ, ở các nước tiên tiến, người ta có những đảng đối lập. Nhưng ở đây chúng tôi dùng từ này để nói với những người lãnh đạo Việt Nam hiện nay, là nên có những đảng đối trọng. Tức là bây giờ để cho cái đảng cầm quyền đây, thì cũng phải có những đảng khác người ta theo dõi, người ta phát biểu ý kiến của người ta, người ta chê trách những điều làm không đúng của đảng cầm quyền để rút kinh nghiệm. Chúng tôi gọi như thế là “đối trọng” để cho nó nghe lọt tai người ta hơn.

Nhưng cái điều nói đó cũng không có gì mới cả. Ðiều đó trong lịch sử của ông cha chúng tôi, bên cạnh những ông vua độc tài phong kiến, thì người ta vẫn dùng một chức quan, gọi là chức Ngự sử quan, tức là ông quan chỉ chuyên vạch ra những sai trái của nhà vua để nhà vua rút kinh nghiệm. Thế thì bây giờ để làm cho đất nước phát triển, chúng ta cũng học tập như thế. Không những các nước trên thế giới người ta có những đảng đối lập, hay đối trọng, mà ở Việt Nam chúng ta bây giờ cũng nên như thế để cho nó hòa nhập với thế giới, mà thậm chí trong truyền thống của người Việt Nam cũng đã có những viên quan Ngự sử chuyên chê trách, chuyên tìm ra những chỗ yếu kém của các bậc vua chúa để cho người ta sửa đổi.

Tôi thấy ý kiến của Cụ Hòa thượng Thích Quảng Ðộ đề ra như thế thì chúng tôi cho là tuyệt vời. Một người tu hành mà đề xuất một ý kiến cho chúng sinh như thế, thì đúng là Phật vì chúng sinh, đạo là vì đời đấy. Chúng tôi rất cảm kích cái đó của Hòa thượng Thích Quảng Ðộ.

Ỷ Lan : Theo ý kiến Nhà văn thì làm sao, và làm gì, để khởi động tiến trình dân chủ hóa tại Việt Nam, nhất là ở hiện tình của một xã hội chuyên chế và khép kín như hiện nay. Và đặc biệt khi mà điều 4 trên Hiến pháp quy định Ðảng Cộng sản độc tôn quyền lãnh đạo và quản lý đất nước?

Hoàng Tiến : Tức là ở Việt Nam trước đây một số năm đã có những nhà nghiên cứu, những nhà trí thức đặt những vấn đề đó rồi. Thí dụ điều 4 ở Hiến pháp thì cũng đã có hai, ba người nghiên cứu viết thành văn bản đề nghị rằng nên bỏ. Bởi vì điều đó đặt vào trong Hiến pháp như thế thì chỉ làm cho cái sự độc tài, cái sự chuyên chính, những đảng viên ỷ vào mình là cái đảng cầm quyền, đảng lãnh đạo được quyền như thế, cho nên họ không có một cơ chế nào kiểm soát họ cả. Ðiều đó ở Liên Xô đã dùng, chính thế mà Liên Xô đã đổ. Thế cho nên đã có những người Việt Nam thức tỉnh cách đây nhiều năm. Gần đây nhất là ông bạn của chúng tôi là ông Trần Khuê cũng đề nghị bỏ bằng văn bản. Bây giờ đây Cụ Thích Quảng Ðộ nói điều ấy ra, tôi cũng nghĩ Ðảng và Nhà nước cũng nên lưu ý đến ý kiến của những trí thức, của những bậc thượng trí, của những người tu hành như đức Hòa thượng Thích Quảng Ðộ. Sự lãnh đạo được dân người ta tin hay không là do những việc làm của mình, chứ không phải mình bắt người ta phải tin mình, mình đặt cái điều trong Hiến pháp bắt mọi người phải công nhận tôi là lãnh đạo. Tôi lãnh đạo rồi tôi muốn làm gì thì tôi làm, thì cũng không được. Ví dụ có để trong ấy, thì cũng phải có một cơ chế kiểm soát. Nếu ông lãnh đạo đất nước tốt thì ông được khen, nếu ông làm kém thì ông phải bị cái gì chứ, ông phải bị đưa ra tòa hay ông mất chức thế nào chứ. Nó phải có cái đó như thế. Nếu mà dân chủ phát triển tốt thì người ta phải được bàn về điều đó.

Nhưng hiện nay ở nước Việt Nam này thì vẫn chưa được bàn. Chỉ có ý kiến đề nghị thôi, mà những người có ý kiến đề nghị như thế thì thường bị điêu đứng cả, đều bị gây khó khăn thậm chí bị giam cầm. Giam cầm. Tù đày. Ðấy là không hay.

Ðấy là một, còn bây giờ tôi nghĩ phải có cái điều kiện này nữa thì đảm bảo cho dân chủ phát triển : Phải cho báo chí tự do, tức là báo chí tư nhân. Người công dân là có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí theo đúng điều 69 của Hiến pháp Việt Nam hiện nay. Trong Hiến pháp thì ghi như thế, nhưng mà thực hành thì lại đưa ra cái Luật Báo chí không cho tư nhân ra báo, chỉ công nhận báo chí là của đoàn thể, của tổ chức xã hội thôi. Như thế chính cái Luật Báo chí đã phản lại Hiến pháp. Người ta gọi là tội vi hiến mà ở các nước thì tội vi hiến nặng lắm. Ở Việt Nam này cũng đã nhiều người nói về việc đó là phải sửa đổi lại Luật Báo chí, phải tôn trọng Hiến pháp vì Hiến pháp là Luật mẹ. Luật Báo chí đã làm sai Luật mẹ, thì bây giờ Quốc hội phải sửa lại Luật Báo chí. Nhiều người lên tiếng lắm, trong đó tôi cũng là một người lên tiếng trong một bài viết về lãnh đạo Ðảng và Nhà nước rằng, tôi đòi cho báo chí được tự do.

Công dân có quyền ra báo là dựa theo điều 69 của Hiến pháp nước Việt Nam chứ không phải là tôi ăn phải bả của đế quốc phong kiến cặn bả của phương Tây mà đòi cái điều đó đâu ! Ðấy là trong Hiến pháp mình ghi. Hiến pháp mình ghi như thế mà Chính phủ không chịu thi hành thì Chính phủ nợ dân và chúng tôi đòi. Ðấy là quyền của chúng tôi. Thế còn chính phủ vì thế mà tức tối, muốn bắt bớ đàn áp thì chúng tôi phải chịu. Ông đàn áp thì ông sẽ mang tiếng với hậu thế, với hiện tại, rồi mang tiếng với thế giới. Rồi sau này hậu thế nó lên án các anh. Bây giờ thì cũng nhiều người lên tiếng đòi như thế rồi mà vẫn chưa được, mà tôi nghĩ rằng phải cho báo chí tự do, đảm bảo đúng quyền đó đã được ghi trong Hiến pháp trong nước và trong luật pháp quốc tế, cái điều 19 của cái quyền Dân sự và con người (1) cũng ghi rất rõ ràng.

Tôi mong nhân qua cái buổi chị Ỷ Lan phỏng vấn đây, tôi mong rằng những người lãnh đạo Ðảng và Nhà nước này cũng nên nghe những ý kiến nói phải. Tôi là một người viết văn, tức là chúng tôi cũng nói ý kiến của anh em văn nghệ sĩ thấy rằng cái yêu cầu bức thiết hiện nay phải cho báo chí tự do, mà chính cho báo chí tự do lại là một lợi khí chống tham nhũng đắc hiệu nhất.

Ỷ Lan : Xin Nhà văn cho biết ý kiến về sự kiện Chính phủ Hoa Kỳ liệt Việt Nam vào danh sách “các quốc gia cần đặc biệt quan tâm” vì lý do đàn áp quy mô tôn giáo ? Vừa đây Chính phủ Hoa Kỳ gia hạn cho Việt Nam đến ngày 15.3 sắp tới để thay đổi chính sách đàn áp tôn giáo ấy, nếu không muốn bị Hoa Kỳ áp dụng biện pháp chế tài trên lĩnh vực kinh tế và tài chính chiếu theo Ðạo luật Tự do tôn giáo trên Thế giới mà Quốc hội Hoa Kỳ thông qua năm 1998 ?

Hoàng Tiến : Cái điều này chúng tôi cũng được nghe như thế. Chúng tôi được nghe là nghe bè bạn nói chuyện, họ lấy được thông tin từ Internet thì nói, chứ còn báo chí Việt Nam thì cũng không nói rõ như thế đâu. Tức là nói chung báo chí Việt Nam không đưa tin. Nhiều người chỉ đọc báo chí Việt Nam thì cũng không biết.

Chúng tôi thấy như thế này này, phải nói rằng cái việc chính quyền Việt Nam đối với chính sách tôn giáo là có những vi phạm, không để cho đồng bào người ta được tự do theo tôn giáo như trong Hiến pháp Việt Nam cũng ghi. Hiến pháp Việt Nam ghi thế nhưng trên thực tế thì là rất khó. Nói thí dụ như tôi được biết, là chỉ muốn có một cái Hội Phật giáo Việt Nam. Còn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất có từ xưa thời hãy còn chia ra hai miền, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã từng làm nhiều điều với chúng sinh đấy, để đấu tranh chống sự mất dân chủ của chế độ Saigon cũ. Có những vị đã tự thiêu, như Nhà sư Thích Quảng Ðức, cái gương hy sinh như thế cho tự do tôn giáo. Thế bây giờ đây Nhà nước không muốn công nhận Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, và vì như thế gây khó khăn cho các vị đó cho nên người ta phải đấu tranh. Nhiều vị tôi được nghe nói rằng bị bắt bớ tù đày, trong đó có những vị có những chức sắc nổi tiếng trong Giáo hội Việt Nam Thống nhất như là Hòa thượng Thích Huyền Quang, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, vân vân… Thế thì cụ thể có vi phạm, thế giới người ta mới lên án, rồi bên Mỹ người ta cũng lên án. Tôi nghĩ tốt nhất là những người lãnh đạo Việt Nam hiện nay cũng nên nhận ra những chính sách không phải của mình đối với tôn giáo. Cũng như đối với nhân quyền, những người có những ý kiến khác mình cũng bị đàn áp, bị giam cầm. Cụ thể như chúng tôi được biết mấy thanh niên, trí thức, họ cũng lên tiếng về vấn đề dân chủ, lên tiếng vấn đề biên giới ký hiệp ước với Trung quốc để mất đất thì đều bị tù đày, giam cầm, như các anh Nguyễn Vũ Bình, rồi Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Khắc Toàn, có anh Lê Chí Quang thì được thả ra vì ốm đau. Chứ còn những anh em kia đều vẫn bị giam cầm và những người khác nữa mà chúng tôi không biết tên, nhưng mà tôi biết nhiều người khác chính kiến bị giam cầm.

Vừa rồi Nhà nước Việt Nam có thả 6 người gọi là bất đồng chính kiến, trong đó có các ông như Nguyễn Ðan Quế, Nguyễn Ðình Huy và mấy vị Hòa thượng, vân vân. Chúng tôi hoan nghênh việc làm đó. Tôi cho như thế là được, mà nên như thế, để cho thế giới người ta không lên án mình nữa, để chứng tỏ mình cũng có những cái sửa đổi.

Nhưng tôi nghĩ sửa đổi thế cũng hẵng còn là ít, mà chưa được. Nên sửa đổi tốt hơn, nên thay đổi tư duy đi, tư duy chỉ đạo đất nước đi. Ðừng gây ra tôn giáo là sự đối lập với mình. Ðừng dùng hình thức bạo lực đối với tôn giáo. Ðừng dùng hình thức bạo lực với những người khác chính kiến. Bằng cách là thả tất cả những người bất đồng chính kiến với mình. Ðấy tôi thấy rằng Nhà nước Việt Nam nên làm như thế và cũng nên chú ý đến dư luận của thế giới, đến cả dư luận trong nước. Mình làm việc gì cho nó phải thì người ta ủng hộ, mình làm trái thì người ta phải chê trách. Phải biết sửa chữa, mà biết sửa chữa thì tốt thôi, thì đáng khen chứ có gì đâu. Tôi chỉ mong như thế thôi.

Nên lưu ý sự phản ứng của thế giới, sự phản ứng của trong nước để mà thay đổi chính sách của mình.

Ỷ Lan : Và cuối cùng xin Nhà văn có điều gì muốn gửi gắm đến đồng bào trong và ngoài nước ?

Hoàng Tiến : Chúng tôi chỉ mong muốn như thế này, nước Việt Nam chúng tôi, mà bây giờ chúng tôi muốn dùng từ “chúng ta”, tức để nói đồng bào của mình ở hải ngoại đấy. Nước chúng ta là có một ông Vua chung, có một ông Tổ chung, tức là Ðức Vua Hùng, mà chúng ta có một ngôi mộ Tổ chung bây giờ đang ở Phú Thọ đấy. Ðấy là một cái điểm để đoàn kết tất cả con dân Việt Nam lại, dù người vùng này người vùng kia, vân vân. Ðấy, chúng ta có một cái điều mà tôi nghĩ là các dân tộc khác cũng ít có : Chúng ta có một cái ngôi mộ Tổ của Ðức Vua sáng lập ra cái dải đất hình chữ S dần dần phát triển về phương Nam. Ðấy là một lợi thế. Tôi chỉ mong muốn rằng Ất Dậu năm nay, là đồng bào ta con dân nước Việt, chúng ta gãy cùng nhau đoàn kết với nhau, thương yêu nhau, góp công góp sức xây dựng đất nước. Kiều bào ở ngoài, những người có tài thì ngoài việc phải đi làm cho các nước khác cũng nên lưu tâm đến đất nước mình. Phát triển kinh tế và phát triển dân chủ.

Nhất là phát triển dân chủ, phải biết tôn trọng nhân quyền, tôn trọng dân quyền như một số nước phương Tây họ đã làm được mặt đó. Nước ta hãy còn yếu, thì rất mong kiều bào ở nước ngoài do điều kiện lịch sử đặc biệt phải đi ra xa nước, rồi người trong nước, chúng ta là con của một cái bọc Trăm Trứng. Thế cho nên ta nên lấy cái sự thương yêu nhau, đoàn kết với nhau để xây dựng đất nước. Và tôi rất hy vọng rằng cái Ất Dậu này trở đi, đất nước ta sẽ khá. Ðó là điều tôi mong mỏi như thế.

Ðất nước sẽ là một đất nước dân chủ, phát triển, đời sống nhân dân được no ấm và cái quyền dân được tôn trọng.

Ỷ Lan : Xin cám ơn Nhà văn Hoàng Tiến.


(1) Nhà văn Hoàng Tiến muốn nhắc đến Công ước quốc tế về Các quyền dân sự và chính trị của LHQ mà Việt Nam tham gia ký kết năm 1982 (PTTPGQT chú).

Check Also

Bản Hiến chương GHPGVNTN tu chỉnh lần cuối ngày 4 tháng 12 năm 2015

  HIẾN CHƯƠNG GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT Bản tu chỉnh thông …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *