Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Phúc trình về “Pháp quyền hay Pháp trị: Tội nhạm và trừng phạt tại Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” tại Hội nghị Nhân quyền ở Jakarta

Phúc trình về “Pháp quyền hay Pháp trị: Tội nhạm và trừng phạt tại Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” tại Hội nghị Nhân quyền ở Jakarta

Download PDF

JAKARTA, ngày 1.5.2011 (QUÊ MẸ) – Tại Hội nghị Pháp quyền cho Nhân quyền tại các nước ASEAN (Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á) hôm qua, 30.4.2011, ở thủ đô Jakarta, Nam Dương, ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam và Quê Mẹ: Hành động cho Dân chủ Việt Nam, đã lên tiếng kêu gọi Việt Nam khẩn cấp cải tổ hệ thống pháp lý cho phù hợp với các công ước nhân quyền quốc tế.

Trung tâm Nghiên cứu Nhân quyền cho các nước ASEAN của Nam Dương tổ chức hội nghị này vào dịp Nam Dương làm Chủ tịch luân phiên các nước ASEAN năm 2011, đồng thời mở ra các hội nghị cấp chính phủ và phi chính phủ đầu tháng 5 năm nay tại Jakarta.

Những thuyết trình viên quan trọng tại Hội nghị Pháp quyền cho Nhân quyền tại các nước ASEAN ngày 30.4.2011 gồm có Tiến sĩ Param Cumaraswany, nguyên Báo cáo viên LHQ đặc nhiệm độc lập Tư pháp và Tính công bằng, ông David Carden Đại sứ Hoa Kỳ tại các nước ASEAN, ông Martin Hatfull, Đại sứ Vương quốc Anh tại các nước ASEAN, ông Heinz Walker-Nederkoom, Đại sứ Thụy sĩ tại Nam Dương, ông Mackenzie Clugston, Đại sứ Canada tại các nước ASEAN… và nhiều học giả, nghiên cứu sư đại học.

Ông Võ Văn Ái đã đưa ra tại hội nghị bản phúc trình “Pháp quyền hay Pháp trị: Tội nhạm và trừng phạt tại Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” (Rule of law or Rule by law? Crime and Punishment in the Socialist Republic of Vietnam) vào đúng ngày kỷ niệm chấm dứt chiến tranh 30.4.1975 cũng là ngày bộ đội Bắc Việt cưỡng chiếm miền Nam và xích hóa toàn quốc. Ông Ái tuyên bố:

“36 năm chiến tranh chấm dứt, pháp quyền chỉ hiện hữu trên lý thuyết tại Việt Nam. Nhà cầm quyền Hà Nội đã đưa nhân quyền vào bản Hiến pháp năm 1992. Nhưng lại ban hành đủ thứ Sắc luật, Nghị định, Hướng dẫn… hạn chế nếu không là hủy triệt nhân quyền, vi phạm hoàn toàn với Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam tham gia ký kết năm 1982”.

Bản phúc trình của Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam khảo sát các điều luật trong Hiến pháp, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật báo chí, Luật lao động, Pháp lệnh thi hành tôn giáo và tín ngưỡng, cũng như nhiều Nghị định, Sắc luật hạn chế tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, tự do tôn giáo, tự do hội họp và biểu tình, trái chống với Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị.

Đặc biệt tố cáo Việt Nam sử dụng thứ điều luật nhập nhằng gọi là “an ninh quốc gia” trong bộ luật Hình sự năm 1986 để bắt giam những nhà hoạt động nhân quyền và dân chủ nói lên quan điểm hợp pháp nhưng ngược với quan điểm nhà nước. Những tội phạm nhập nhằng như “phá hoại sự đoàn kết quốc gia, gây chia rẽ giữa những người theo tôn giáo và không tôn giáo” (điều 87), “tuyên truyền chống phá nhà nước Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (điều 88), “lợi dụng dân chủ tự do vi phạm quyền lợi nhà nước” (điều 258) đưa tới những án tù nặng nề. Pháp lệnh 44 ban hành năm 2002 cho phép công an và Ủy ban Nhân dân địa phương quản chế đến 2 năm những ai “bị nghi ngờ vi phạm an ninh quốc gia” hoặc đưa vào trại “cải huấn”, nhà thương điên mà không cần thông qua tòa án xét xử.

Bản Phúc trình cho biết Việt Nam vẫn tiếp tục ban hành các điều luật hạn chế nhân quyền dù đang nhận hàng triệu Mỹ kim của Ngân hàng Thế giới, Qũy Phát triển LHQ, Ngân hàng Phát triển Á châu và nhiều quốc gia Âu Mỹ để cải tổ luật pháp trong cái gọi là Chiến lược Phát triển hệ thống Pháp luật và Chiến lược Cải tổ Pháp lý.

“Cộng đồng thế giới cần bảo đảm cho những cải tổ pháp lý tại Việt Nam tuân thủ các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế, nếu không thì phải cắt giảm tài trợ. Khi không có sự bảo đảm minh bạch thì tiền thu thuế của nhân dân Âu Mỹ đem tài trợ cho Việt Nam sẽ bị Việt Nam đem sử dụng chà đạp tự do và nhân quyền người dân Việt. Việt Nam không xây dựng Pháp quyền mà chỉ thực hiện Pháp trị – tức dùng luật để đàn áp những ngưỡng vọng chính đáng cho dân chủ đồng thời củng cố chính quyền độc đảng”, ông Võ Văn Ái kêu gọi.

Bản Phúc trình của Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam đưa ra ba nhân vật bị giam cầm dưới những thể thức bắt bớ tùy tiện trong bộ máy pháp lý giả trá:

“Tòa án giả trá, kết án bất công: trường hợp của luật gia Cù Huy Hà Vũ” được miêu tả về một phiên tòa giả trá và bất công trong việc xét xử nhà bảo vệ chính trị, bảo vệ sinh thái đã “sử dụng hệ thống luật pháp để đòi hỏi sự công khai, minh bạch và công lý cho những nạn nhân bị vi phạm nhân quyền”. Ông Hà Vũ con của nhà thơ và nhà cách mạng cộng sản trứ danh Cù Huy Cận đã bị tuyên án 7 năm tù giam và 3 năm quản chế hôm 4.4.2011 vì tội “tuyên truyền chống phá nhà nước Xã hội chủ nghĩa”.

“Hai án lệnh cho một người vô tội: trường hợp Blogger Điếu Cày” cho biết án lệnh thứ hai “tuyên truyền chống phá nhà nước Xã hội chủ nghĩa” gán cho ông Nguyễn Văn Hải (bút danh Điếu Cày) vào đúng ngày ông được trả tự do (19.10.2010) sau khi bị giam tù 30 tháng vì tội “trốn thuế”. Từ ngày bị giam giữ lần hai cho đến nay vợ ông Điếu Cày không được thăm nuôi. 13 lần bà đến thăm ông ở trại Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai nhưng quản giáo không cho gặp, cũng không nhận thực phẩm bà mang vào cho chồng lấy cớ là “ông Hải từ chối nhận quà”. Trong bức thư kêu cứu viết ngày 20.4.2011, bà nghi rằng chồng đã chết, khi viết “chỉ có người chết mới không thể ăn được thức ăn gia đình mang đến”.

“Nền pháp luật u minh – 28 năm tù đày và quản chế: trường hợp Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ” là cảnh ngộ của một nhà Sư Phật giáo, vị lãnh đạo tối cao Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đã không ngừng bị giam nhốt, lưu đày suốt 28 năm và nay còn bị quản chế vì “tội” chống Đảng và Nhà nước thành lập một Giáo hội Phật giáo quốc doanh để phục vụ đảng Cộng sản (10 năm bị lưu đày về quê quán vì “tội” này) hoặc tổ chức cứu trợ lũ lụt cho nạn nhân vùng đồng bằng sông Cửu Long (5 năm tù giam vì “tội” này). Hiện nay Hòa thượng bị quản chế trong thực tế (bằng khẩu lệnh chứ không bằng quyết định của tòa án) tại Thanh Minh Thiền viện ở Saigon, không được thuyết pháp, mất quyền công dân và thường xuyên bị công an theo dõi, canh gác.

Bản Phúc trình của Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam kết thúc bằng lời kêu gọi Việt Nam thực hiện 5 điều:

bỏ điều 4 trên Hiến pháp giành độc quyền cho đảng Cộng sản, là “trở lực kếch sù cho tự do ngôn luận và tư tưởng, là căn bản cho một Nhà nước kỳ thị”;

hủy triệt những điều ghi trong Hiến pháp, bộ luật Hình sự, Luật báo chí, Luật lao động và những luật pháp bản địa khác “nhằm nô dịch hóa quyền con người để phục vụ lợi ích cho chế độ” và mặt khác còn hạn chế việc hành xử nhân quyền được bảo đảm trong Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị;

khẩn cấp bải bỏ và xét lại “luật an ninh quốc gia” như sự khuyến cáo của nhiều quốc gia thành viên LHQ tại cuộc Kiểm điểm Thường kỳ Toàn diện (Universal Periodic Review) năm 2009;

trả tự do cho tất cả tù nhân bị bắt dưới điều luật an ninh quốc gia vì họ đã ôn hòa nói lên các quan điểm chính trị hay tôn giáo;

đưa Pháp lệnh tôn giáo và tín ngưỡng theo đúng tiêu chuẩn tự do tôn giáo được bảo đảm tại điều 18 trong Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị, và phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và tất cả các tôn giáo chưa được thừa nhận.

Bản Phúc trình kêu gọi cộng đồng thế giới bảo đảm cho tất cả các điều luật ban hành trong chương trình cải tổ luật pháp, kể cả Chiến lược cải tổ Pháp lý và Chiến lược Phát triển cải tổ pháp luật theo tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế, và cắt các khoản tài trợ nếu Việt Nam không tuân thủ.

Bản Phúc trình cũng kêu gọi các quốc gia ASEAN trong năm Nam Dương làm Chủ tịch luân phiên hãy sử dụng cơ cấu Ủy hội Nhân quyền liên Chính phủ (AICHR) và Ủy hội Thăng tiến và Bảo vệ Quyền Phụ nữ và Thiếu nhi (ACWC) làm nền tảng xuất phát thúc đẩy Việt Nam vào các cuộc đối thoại xác thực trên vấn đề vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.

Xem toàn văn bản Phúc trình Anh ngữ trên Trang nhà Quê Mẹ:
Crime_and_Punishment_in_Vietnam.pdf

This post is also available in: English

Check Also

VCHR và FIDH vạch trần những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Việt Nam trước cuộc xem xét Báo cáo định kỳ của Việt Nam về Công ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc về các quyền dân sự và chính trị

PARIS, ngày 5 tháng 1 năm 2024 (VCHR) – Trong Báo cáo chung gửi Ủy …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *