PARIS, 15-12-2017 (UBBVQLNVN) – Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (Vietnam Committee on Human Rights) hoan nghênh Quốc hội Châu Âu vừa thông qua hôm 14 tháng 12 « Nghị quyết về Tự do Ngôn luận, đáng kể là trường hợp Nguyễn Văn Hoá ». Nghị quyết đã được năm đảng chính trị lớn, bao gồm mọi khuynh hướng tả hữu hậu thuẫn (1). Tại cuộc khoáng đại thảo luận hôm sáng thứ năm, 14-12, chẳng có một Dân biểu nào lên tiếng bênh vực cho nhà cầm quyền Hà Nội. Tất cả mọi phát biểu đều tố cáo sự biến xấu các quyền dân sự và chính trị tại Việt Nam.
Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, nhận định rằng : « Quốc hội Châu Âu đã nắm lấy cơ hội quá ngỡ ngàng về vụ kết án blogger trẻ tuổi Nguyễn Văn Hoá và án phúc thẩm dành cho Mẹ Nấm ngay vào lúc sắp khai mở cuộc Đối thoại Nhân quyền Liên Âu – Việt Nam, để tố cáo sự trắng trợn và vô nhân đạo của chính sách chống tự do của nhà cầm quyền Hà Nội. Nghị quyết đã nêu bật tất cả những gì Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam quan tâm : cuôc đàn áp man rợ hằng ngày mà giới bất đồng chính kiến, bloggers, người hoạt động bảo vệ nhân quyền phải lãnh chịu, đồng thời với một kho pháp lý hạn chế cưỡng đặt tại Việt Nam, như chương « an ninh quốc gia » trong Bộ Luật Hình sự, hay Luật mới Tín ngưỡng và Tôn giáo sắp có hiệu lực vào ngày mồng 1 tháng giêng năm tới, 2018 ».
Trước những án lệnh dành cho Nguyễn Văn Hoá (7 năm tù giam hôm 27.11.2017) và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Mẹ Nấm (10 năm tù giam trong phiên phúc thẩm hôm 30.11.2017), Nghị quyết Quốc hội Châu Âu lấy làm tiếc cho sự kiện các vụ xử này căn cứ theo điều luật « an ninh quốc gia » trong Bộ Luật Hình sự « trái ngược với pháp lý nhân quyền quốc tế ». Nhiều Dân biểu đã nói lên sự quan ngại sự « mở rộng áp dụng » các điều luật này, và kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam « bảo đảm rằng an ninh quốc gia không được sử dụng làm cớ đàn áp nhân quyền, kể cả đàn áp tư do ngôn luận, tự do tôn giáo, tín ngưỡng ». Họ còn nhắc nhở rằng một số tội về an ninh quốc gia có thể đưa tới án tử hình.
Nghị quyết Quốc hội Châu Âu nhấn mạnh nhiều luật mới vừa thông qua vi phạm luật pháp quốc tế. Ví dụ như « Luật Tiếp cận Thông tin và Luật Báo chí sửa đổi hạn chế tư do ngôn luận nhưng lại tăng cường sự kiểm duyệt », hay « Luật mới Tín ngưỡng và Tôn giáo ». Các Dân biểu Quốc hội Châu Âu kêu gọi Việt Nam khẩn cấp sửa đổi lại các luật này, cũng như sửa đổi các điều trong Bộ Luật Hình sự.
Nghị quyết tuyên bố rằng « Tự do tôn giáo hay tín ngưỡng bi đàn áp tại Việt Nam. Giáo hội Thiên chúa giáo và các giáo hội không được Nhà nước thừa nhận, như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, một số Giáo hội Tin lành và các giáo hội khác, kể cả người Thượng thiểu số, vẫn tiếp tục bị đàn áp tôn giáo ».
Bên lề cuộc thảo luận, Nữ Dân biểu Thụỵ Điển, Soraya Post, thành viên Phái đoàn Quốc hội Châu Âu đến Việt điều tra tình hình nhân quyền hồi tháng 2 đầu năm nay, 2017, cho Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người biết rằng bà rất quan tâm đến hoàn cảnh Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ. Bà nói : « Tôi đã rất muốn nói lên sự quan tâm của tôi đối vị Cao tăng Phật giáo Thích Quảng Độ. Lúc tới Việt Nam tôi yêu cầu được viếng thăm Ngài, nhưng chuyện không thể thực hiện. Nhà cầm quyền phải trả tự do cho Ngài. Ngài trải qua biết bao chục năm trường bị cấm cố. Ngài chẳng làm chi nguy hại, đơn giản Ngài chỉ là một Tăng sĩ ». Đức Tăng Thống năm nay 89 tuổi, bị bắt năm 1982 vì chống đối Đảng và Nhà nước thành lập Hội Tăng già Việt Nam Nhà nước, và từ đó bị giam giữ qua đủ cách (tù ngục, lưu đày về quê quán, và quản chế tại chùa) hầu như chẳng hề gián đoạn gần bốn mươi năm, chỉ vì Đức Tăng thống ôn hoà đòi hỏi cho tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ. Hiện nay ngài bị quản chế mà không hề xé xử tại Thanh Minh Thiền Viện ở Saigon.
Ông Võ Văn Ái cho biết « Ít cũng một lần, qua cuộc thảo luận bản dự thảo Nghị quyết, Quốc hội Châu Âu và Hội đồng Châu Âu đã đồng nhất trong tiếng nói tố cáo cuộc đàn áp man rợ chưa từng xẩy ra tại Việt Nam ».
Cần ghi nhận rằng « Quốc hội Châu Âu đã nhấn mạnh sự biến xấu quyền dân sự và chính trị tại Việt Nam » tại cuộc Đối thoại Nhân quyền Liên Âu – Việt Nam hôm mồng 1 tháng 12 vùa qua tại Hà Nội. Trong cuộc thảo luận tại Strasbourg Nghị quyết đưa ra « mối quan ngại gia tăng hạn chế của nhà cầm quyền Việt Nam đối với tự do ngôn luận và các quyền tự do khác » họ tố cáo « nhà cầm quyền sử dụng cuộc sách nhiễu thân thể và tâm lý, quản chế không xét xử, áp lực các luật sư, giới chủ nhân, chủ nhà, và thân nhân gia đình các nhà hoạt động nhân quyền, cũng như lấn áp theo dõi ».
Kết luận, Quốc hội Châu Âu kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam « trả tự do cho tất cả mọi công dân bị giam giữ vì hành xử ôn hoà quyền tự do ngôn luận », « chấm dứt mọi hạn chế và những hành động sách nhiễu các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền và bảo đảm, trong mọi hoàn cảnh, cho họ tư do hoạt động nhân quyền mà chẳng sợ bị đàn áp, đồng thời giải toả mọi hạn chế ngăn cấm kể cả sách nhiễu pháp lý », cũng như ngỏ lời mời các Báo cáo viên Đặc biệt LHQ về Tự do Ngôn luận, Báo cáo viên Đặc biệt LHQ về người hoạt động Bảo vệ Nhân quyền đến thăm Việt Nam.
Trong cuộc thảo luận khoáng đại dự thảo Nghị quyết, Dân biểu Pavel Telička, Phó Chủ tịch Quốc hội Châu Âu đặc trách Nhân quyền đã phải lên tiếng báo động rằng ông bị « sốc » khi nhận được bức thư của Phái đoàn Thường trực Việt Nam cạnh Liên Âu gửi tới các Dân biểu Quốc hội Châu Âu vận động họ không bỏ phiếu cho Nghị quyết. Thư này chối bỏ mọi vi phạm nhân quyền đối với Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Nguyễn Văn Hoá rồi thanh minh cho bản án dành cho hai vị. Theo ông Phó chủ tịch Telička, thư này tố cáo Mẹ Nấm đồng loã với một « tổ chức khủng bố », và cho rằng Nguyễn Văn Hoá « thú tội đã phạm pháp ».
Như trả lời thẳng bức thư của Phái đoàn Thượng trực Việt Nam, Nghị quyết « nhấn mạnh rằng không một lời tuyên bố nào phát ra vì bị ép buộc dưới sự tra tấn hay mọi ngược đãi khác được xem như bằng chứng để kết án các cá nhân tuyên truyền chống phá hay mưu đồ chính trị gì khác ».
———————————
(1) Liên minh Tiến bộ Xã hội và Dân chủ tại Quốc hội Châu Âu (S&D), Đảng Bảo thủ và Cải cách Châu Âu (ECR), Liên minh Tự do và Dân chủ Châu Âu (ALDE), Đảng Bình dân Châu Âu (PPE), Đảng Xanh và ALE.