Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế vừa nhận được từ trong nước gửi ra để phổ biến bản Quyết định mang số 02/VHÐ/QÐ/VT do Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), ký ngày 18.7.2005 chuẩn y thành phần nhân sự Ban Ðại diện Lâm thời GHPGVNTN Thừa thiên – Huế nhiệm kỳ 2005-2007.
Trong bản Thông cáo báo chí ngày 14.7.2005, khi loan tin bản Quyết định chuẩn y Ban Ðại diện GHPGVNTN Quảng Nam – Ðà Nẵng, chúng tôi đã nhận định rằng, sự kiện gây phấn khởi cho Phật giáo đồ trong nước, là thời gian gần đây, có nhiều Ban Ðại diện các tỉnh gửi đơn trình về Viện Hóa Ðạo xin được công nhận. Chứng tỏ sự phục hồi quyền sinh hoạt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đang diễn ra trong thực tế kể từ Ðại hội Bất thường của Giáo hội tổ chức tại Tu viện Nguyên Thiều ngày 1.10.2003, mặc dù nhà cầm quyền cộng sản liên tục đàn áp, bắt bớ, quản chế hàng giáo phẩm cao cấp và chưa có văn kiện phục hồi quyền pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Hôm nay, đến lượt Viện Hóa Ðạo chuẩn y Ban Ðại diện Thừa thiên – Huế với một thành phần nhân sự sung mãn.
Nhân đây, chúng tôi cũng xin đính chính một thiếu sót trong phần “Nơi nhận” ở Quyết định chuẩn y Ban Ðại diện Quảng Nam – Ðà Nẵng trước đây. Kính xin Viện Hóa Ðạo và quý độc giả thông cảm và hoan hỉ tha thứ cho sự bất cẩn trong khi đánh máy lại văn kiện. Ở phần Nơi nhận, chúng tôi đã đánh sót giòng : “Quý UBND Quảng Nam – Ðà Nẵng “để trình việc” và “BÐD Quảng Nam – Ðà Nẵng “để chiếu hành” thay vì “để trình việc” như đã in sai.
Nguyên văn bản Quyết định công nhận Ban Ðại diện GHPGVNTN Thừa thiên – Huế được viết như sau :
– Chiếu Hiến Chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) được tu chính tại Ðại hội Khoáng đại kỳ V ngày 12.12.1973.
– Chiếu Giáo chỉ số 04 ngày 17.7.2003 Ðại hội Bất thường tại Tu viện Nguyên Thiều tỉnh Bình Ðịnh về việc cung thỉnh, bổ sung và kiện toàn nhân sự Hội đồng Lưỡng viện GHPGVNTN.
– Chiếu Biên bản cuộc họp của Hội đồng Chứng minh và Ban Ðiều hành Tăng đoàn Thừa thiên – Huế tại chùa Báo Quốc ngày 15.06.2005.
– Chiếu Văn thư số 02/BÐH/VP ngày 20.06.2005 của Hòa thượng Thích Thiện Hạnh đệ trình danh sách Ban Ðại diện lâm thời GHPGVNTN tỉnh Thừa thiên – Huế.
– Chiếu hoàn cảnh thuận lợi và nhu cầu phục hoạt GHPGVNTN tại địa phương.
Ðiều 1 : Nay chuẩn y thành phần nhân sự Ban Ðại diện Lâm Thời GHPGVNTN tỉnh Thừa thiên – Huế nhiệm kỳ 2005-2007 như sau :
1. BAN CỐ VẤN :
– Hòa thượng Thích Như Ðạt
– Hòa thượng Thích Diệu Tánh
– Hòa thượng Thích Lương Phương
2. BAN ÐẠI DIỆN :
– Chánh Ðại diện : HT. Thích Thiện Hạnh
– Phó đại diện : HT. Thích Lưu Thanh
– Phó Ðại diện : TT. Thích Thái Hòa
– Ðặc ủy Tăng sự : HT Thích Thiện Hạnh (kiêm)
– Phụ tá : TT. Thích Tánh Nhơn
– Ðặc ủy Hoằng pháp : TT. Thích Thiện Tánh
– Phụ tá : ÐÐ. Thích Thái Tịnh
– Ðặc ủy Giáo dục : TT. Thích Phước Viên (kiêm)
– Phụ tá : ÐÐ. Thích Thanh Tâm
– Phụ tá : ÐÐ. Thích Thắng Giải
– Ðặc ủy Văn hóa : TT. Thích Minh Ðức
– Phụ tá : ÐÐ. Thích Ðức Hạnh
– Phụ tá : ÐÐ. Thích Nhật Minh
– Ðặc ủy Cư sỹ : TT. Thích Chơn Niệm
– Phụ tá : ÐÐ. Thích Pháp Mãn
– Ðặc ủy Thanh niên : TT. Thích Chí Thắng
– Phụ tá : ÐÐ. Thích Vân Pháp
– Ðặc ủy Từ thiện & Xã hội : TT. Thích Vân Ðức
– Phụ tá : ÐÐ. Thích Từ Niệm
– Ðặc ủy Tài chánh : TT. Thích Chơn Trí
– Phụ tá : TT. Thích Thái Nguyên
– Ðặc ủy Kiến thiết : TT. Thích Chơn Phương
– Phụ tá : ÐÐ. Thích Từ Nguyện
– Ðặc ủy Nghi lễ : TT. Thích Khế Viên
– Phụ tá : ÐÐ. Thích Minh Tuệ
– Chánh thư ký : TT. Thích Phước Viên
– Phó thư ký : ÐÐ. Thích Minh Luân
– Phó thư ký : ÐÐ. Thích Thái Tuệ
– Thủ quỹ : TT. Thích Chơn Niệm (kiêm)
Ðiều 2 : Các Quyết định trước đây trái với Quyết định này đều hủy bỏ.
Ðiều 3 : Quý Hòa thượng và Thượng tọa Phó Viện trưởng, Tổng thư ký, Tổng vụ trưởng và Vụ trưởng các Tổng vụ chiếu nhiệm thi hành quyết định này.
Viện trưởng Viện Hóa Ðạo
(ấn ký)
Sa môn Thích Quảng Ðộ
Nơi nhận :
– Chư Tôn giáo phẩm Hội đồng Lưỡng viện
– VP. II VHÐ và Quý GHPGVNTN Hải ngoại
– Ban Ðại diện các Miền, Thành phố (Tỉnh), Quận (Huyện) trong nước
“để kính tường và liên lạc hỗ trợ Phật sự”
– BÐD Thừa thiên – Huế “để thi hành”
– UBND tỉnh Thừa thiên – Huế “để trình việc”
– Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế tại Paris “để phổ biến”
– VP. VHÐ lưu
QUAN ÐIỂM LHQ 18/2005
Ðài Á châu Tự do trong chương trình phát về Việt Nam lúc 21 giờ tối chủ nhật 17.7.2005, Ðặc phái viên Ỷ Lan của Ðài đã phỏng vấn Bà Asma Jahangir và ông Võ Văn Ái về bản Quan điểm 18/2005 của LHQ. Chúng tôi xin chép lại cuộc phỏng vấn ấy dưới đây để quý bạn đọc theo dõi :
Ỷ Lan : Tuần lễ trước có hai sự kiện quan trọng liên quan đến tình hình tôn giáo tại Việt Nam. Thứ nhất là bản Quan điểm 18/2005 do Tổ Hành động Chống Bắt bớ trái phép của LHQ (UN Working group on Arbitrary Detention) công bố tại Genève cáo giác nhà cầm quyền Hà Nội bắt bớ, giam cầm trái phép Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ và yêu sách trả tự do cho hai ngài. Kế đó, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra Lời tuyên bố phản ứng bản Quan điểm của LHQ.
Vì vậy, chúng tôi tìm gặp Bà Asma Jahangir, Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về tự do tôn giáo trên thế giới để hỏi thăm phản ứng của bà. Chúng tôi cũng đặt một câu hỏi với ông Võ Văn Ái để tìm hiểu tầm quan trọng trong Lời tuyên bố của Hòa thượng Thích Quảng Ðộ. Xin mời quý thính giả theo dõi cuộc phỏng vấn sau đây :
Ỷ Lan : Xin chào bà Asma Jahangir. Tổ Hành động Chống bắt bớ trái phép của LHQ vừa công bố bản Quan điểm 18/2005 tố giác nhà cầm quyền Hà Nội giam cầm trái phép Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang và Hòa thượng Thích Quảng Ðộ. Là Báo cáo viên đặc biệt về Tự do tôn giáo của LHQ, xin bà cho biết ý kiến về bản Quan điểm này ?
Asma Jahangir : Trong nhiệm kỳ này của tôi, tôi đã để tâm lo lắng cho trường hợp hai Hòa thượng. Ðương nhiên và thực tế là hai Hòa thượng bị giam cầm trái phép chẳng vì hai ngài là Tăng sĩ Phật giáo, mà vì lý do quan điểm của hai ngài được biểu dương qua hành động. Ðiều này có nghĩa rằng, hai Hòa thượng không chỉ là nạn nhân bị bắt bớ trái phép, mà còn là nạn nhân của sự vi phạm quyền tự do tôn giáo.
Ỷ Lan : Thưa bà, bản Quan điểm của LHQ sẽ có ảnh hưởng gì cho hoàn cảnh hiện nay của Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang và Hòa thượng Thích Quảng Ðộ ? Tôi hỏi câu này là vì có một số người cho rằng sự thay đổi ở Việt Nam quá chậm chạp, và người ta đã mất dần niềm hy vọng vào cơ quan LHQ trong khả năng cải tiến tình hình Việt Nam ?
Asma Jahangir : Thật khó để xác định những tác động tức thì của bản Quan điểm trên cơ bản. Nhưng theo kinh nghiệm của tôi, trong cương vị Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về Tự do tôn giáo trên thế giới cũng như qua các chức vụ trước đây tại LHQ, thì một bản Quan điểm như thế có tác dụng tích cực trong dài hạn. Ðó là những thông điệp không gửi tới riêng cho các quốc gia liên hệ, mà còn là những thông điệp gửi thẳng tới toàn dân, để bảo đảm với dân chúng rằng họ có tất cả những quyền hạn ấy, và chính phủ ở nước họ không được tước đoạt các quyền hạn này.
Ỷ Lan : Người tiền nhiệm của bà là Giáo sư Abdelfattah Amor, ông từng đến Việt Nam điều tra tình trạng đàn áp tôn giáo và đã có phúc trình phê phán kịch liệt nhà cầm quyền Việt Nam trước LHQ. Nhìn vào hiện trạng Việt Nam ngày nay, bà có nghĩ rằng một chuyến viếng thăm để tiếp tục cuộc điều tra là điều cần thiết ?
Asma Jahangir : Trong nhiệm kỳ này của tôi, tôi đã biểu tỏ với nhà cầm quyền Việt Nam dự tính tiếp tục việc điều tra này. Một chuyến điều tra như thế cũng nằm trong chiều hướng là tình hình tại Việt Nam đang có thay đổi. Việt Nam là một trong những quốc gia mà người ta nhận thấy đang có sự chuyển mình sang chiều hướng tích cực, dù việc này rất chậm. Chúng tôi nghĩ là có thể đang có những bước đột phá. Tôi rất hy vọng là chính quyền Việt Nam sẽ có những hợp tác tốt đẹp hơn với chúng tôi. Trong tinh thần đó, tôi tin rằng cuộc thăm viếng điều tra kế tục lần trước là điều cần thiết cho quyền lợi của Việt Nam cũng như cho quyền lợi của nhân quyền.
Ỷ Lan : Xin bà một câu hỏi chót, Việt Nam là quốc gia có truyền thống tôn giáo lâu đời. Tại đây có nhiều tôn giáo sống bên nhau, nhưng đa số các tôn giáo này vẫn còn bị đàn áp từ nhiều năm qua. Là một chuyên gia cao cấp của LHQ đảm trách vấn đề tự do tôn giáo, bà có một lời nào cố vấn cho quần chúng tôn giáo tại Việt Nam, là những tín đồ chỉ mong muốn được hành đạo trong sự yên ổn và tự do ?
Asma Jahangir : Vâng. Tôi đã đọc đi đọc lại rất kỹ bản phúc trình của người tiền nhiệm tôi. Những thông tin chứa đựng trong bản phúc trình này cho tôi biết có nhiều tôn giáo tồn tại ở Việt Nam, lớn cũng như nhỏ, và tôi thấy rõ những hạn chế tới mức độ cực kỳ đàn áp trong quá khứ. Tôi biết rằng đã có những bộ luật mới, và cũng có nhiều nghi ngờ về các bộ luật mới này. Nhưng đồng thời có thể đấy là những tin vui, biết đâu rằng nhà cầm quyền Việt Nam không đang tính toán lại các chính sách của họ ? Ðiều tôi muốn ngỏ lời với nhân dân Việt Nam rằng, họ hãy tiến lên, hãy tiếp tục nhìn về tương lai. Nhân dân Việt Nam phải đoan chắc một điều, là cộng đồng thế giới đứng bên cạnh họ, khi họ yêu sách các quyền chính đáng, và rằng tự do tôn giáo là then chốt cho tất cả mọi quyền con người.
Ỷ Lan : Xin cảm ơn bà Asma Jahangir.
Dưới đây là câu hỏi đặt ra với ông Võ Văn Ái.
Ỷ Lan : Thưa ông Võ Văn Ái, là người phát ngôn của Viện Hóa Ðạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, nếu phải thu gọn vào một câu về tầm quan trọng của Lời tuyên bố của Hòa thượng Thích Quảng Ðộ phản ứng bản Quan điểm của LHQ, thì câu ấy như thế nào ?
Võ Văn Ái : Nếu chỉ được nói một câu thôi, thì tôi xin thưa rằng : Hòa thượng Thích Quảng Ðộ lên tiếng yêu cầu LHQ gửi các Báo cáo viên đặc biệt về Việt Nam điều tra trên 3 lĩnh vực : đàn áp tôn giáo, đàn áp tự do ngôn luận và bắt bớ, giam cầm trái phép những ai ôn hòa nói lên chính kiến hay tín ngưỡng họ. Tôi thấy đây là ba điều quan trọng nhất trong hiện tình, nhằm thay đổi từ cơ bản cho nhân quyền tại Việt Nam, đó là tự do tôn giáo và tự do ngôn luận.
Ỷ Lan : Ông có tin là LHQ sẽ chấp thuận gửi Báo cáo viên đi Việt Nam, và nhà cầm quyền Việt Nam sẽ tiếp đón họ không ?
Võ Văn Ái : Tôi tin là LHQ sẽ chấp thuận, vì hồ sơ nhân quyền Việt Nam mà LHQ thu thập rất nhiều và rất tồi tệ, và tôi biết chắc một điều là LHQ đang vận động cho những chuyến viếng thăm điều tra như thế. Trong quá khứ, chúng ta đã chứng kiến Tổ Hành động Chống Bắt bớ trái phép của LHQ đã đến điều tra Việt Nam năm 1994, và qua năm 1998, Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về tự do tôn giáo cũng đã đến Việt Nam điều tra. Tuy nhiên sau đó, 2 bản phúc trình rất bất lợi cho nhà cầm quyền Việt Nam đã được LHQ công bố, nên ngày 18.3.1999, ông Lê Sĩ Vương Hà, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao, đã phản ứng gay gắt rằng : “Việt Nam sẽ không chấp nhận bất cứ cá nhân hay tổ chức nào đòi đến nước ta điều tra về nhân quyền và tôn giáo !”.
Nhưng tôi nghĩ rằng, chẳng qua là giận mất khôn nên Hà Nội ăn nói như thế. Chứ theo quy tắc LHQ, thì các quốc gia thành viên có trách vụ tiếp đón các Báo cáo viên đặc biệt của LHQ đến nước mình điều tra khi LHQ có những khuyến cáo nghiêm trọng. Mặt khác, Việt Nam đang bám víu vào cộng đồng thế giới để sống còn, đang nỗ lực hết mình để trở thành một đối tác quốc tế. Chúng ta thấy rõ qua các chuyến đi tấp nập xin viện trợ của các ông Tổng bí thư Nông Ðức Mạnh, Chủ tịch nước Trần Ðức Lương, Thủ tướng Phan Văn Khải, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, v.v… Vì vậy, không thể khước từ những quy tắc của LHQ, nếu không nói là luật chơi quốc tế này, ngoại trừ Việt Nam xin rút tên ra khỏi LHQ.
Ỷ Lan : Xin cám ơn ông Võ Văn Ái.
Ỷ Lan, Phóng viên Dài Á châu Tự do tại Paris
Trong chương trình phát về Việt Nam hôm tối thứ sáu 14.7.2005, Phóng viên của Ðài Phật giáo Việt Nam làm cuộc phỏng vấn ý kiến ông Võ Văn Ái, Giám đốc Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế kiêm Chủ tịch Cơ sở Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt Nam, về tầm quan trọng của bản Quan điểm 18/2005 của LHQ. Chúng tôi cũng xin chép lại dưới đây cuộc phỏng vấn ấy để cung cấp thêm tư liệu về một vấn đề còn nóng hổi là LHQ và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Ðài Phật giáo Việt Nam : Thưa ông Võ Văn Ái, Câu chuyện cuối tuần hôm nay xin được tìm hiểu thêm về bản Quan điểm mang số 18/2005 mà LHQ vừa công bố, qua đó LHQ cáo giác nhà cầm quyền Hà Nội bắt bớ và giam cầm trái phép Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang và Hòa thượng Thích Quảng Ðộ. Ðài BBC đã phỏng vấn ông về vụ này trong chương trình phát về Việt Nam hôm 12.7. Chúng tôi đã thu băng cuộc phỏng vấn ấy, nay xin phát lại để ông nghe, nhân đó hỏi thăm ông vài câu bổ túc. Xin mời quý thính giả Ðài Phật giáo Việt Nam cùng nghe sau đây cuộc phỏng vấn ông Võ Văn Ái trên đài BBC :
Phát đoạn băng ghi cuộc phỏng vấn trên Ðài BBC
Ðài Phật giáo Việt Nam : Thưa ông Võ Văn Ái, xin ông vui lòng cho thính giả biết giá trị của bản Quan điểm LHQ này. Ðây chỉ là lời cáo giác suông, rồi đâu cũng sẽ vào đấy ? Ðây chỉ là mảnh giấy loại trước một Nhà nước độc tài toàn trị, bất chấp ý nguyện dân, bất chấp mọi lời phê phán của thế giới ? Ông có nghĩ như vậy không ?
Võ Văn Ái : Thế giới và vũ trụ dưới mắt nhìn của Ðạo Phật là một thế giới, một vũ trụ duyên khởi. Duyên khởi là nương vào nhau mà dấy lên, khởi động, sinh thành hay hủy diệt. Nhìn vào xu thế chính trị thế giới ngày nay, chúng ta thấy rõ nguyên lý duyên khởi này, tức mối tương quan, tương duyên giữa các quốc gia. Không có ai hay quốc gia nào có thể biệt lập mà tồn tại. Tất cả phải nương vào nhau, nương theo nhau mà phát triển, nếu không muốn bị tụt hậu hay bị vứt vào thùng rác lịch sử. Thi hào Tagore nói lên tính chất duyên khởi một cách thi vị rằng, chỉ cần một hạt nước tách ra là toàn thể đại dương tan vỡ.
Quan điểm của LHQ là lời phát ngôn của một tổ chức quốc tế bao gồm 192 quốc gia thành viên. Do đó, giá trị phát ngôn này là một nhận thức của thế giới, chứ không còn là một ý kiến riêng tư. Cụ thể khi LHQ nói lên quan điểm như Quan điểm 18/2005, thì giá trị tức thì, là một sự tố cáo hợp lý hợp tình của quốc tế đối với Hà Nội, tạo ra mối quan tâm và thái độ của các quốc gia thành viên khi tiếp nhận sự thông tri bản Quan điểm của LHQ. Tùy theo chính sách đối ngoại của mỗi quốc gia mà bản Quan điểm của LHQ mang những tác dụng gây sức ép theo những mức độ đậm nhạt. Cho nên có thể nói, bản Quan điểm này là tác nhân của một áp lực dây chuyền, cũng có thể gọi là áp lực domino, tạo ra sự đổi thay từ nhỏ tới lớn, từ chậm đến nhanh để đi tới sức công phá toàn triệt cuối cùng như ngọn núi lửa bộc phát.
Ðài Phật giáo Việt Nam : Lý thuyết là như thế, nhưng giá dụ như trong thực tại, nhà cầm quyền Hà Nội không thi hành bản Quan điểm của LHQ thì sao ?
Võ Văn Ái : Nhà cầm quyền Hà Nội không thể không thi hành, nếu vẫn muốn là một đối tác trong cộng đồng thế giới. Cho tới nay, những chuyến đi vận động quốc tế tấp nập của lãnh đạo Hà Nội, từ Tổng bí thư Nông Ðức Mạnh, Chủ tịch nước Trần Ðức Lương cho đến Thủ tướng Phan Văn Khải hay Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, v.v… cho thấy ý lực của Hà Nội thiết tha trở thành đối tác quốc tế, nên đã bám víu cộng đồng thế giới như người chết đuối bám vào phao cứu hộ mong cho Ðảng được sống còn. Vì vậy, Hà Nội không thể xem thường các phê phán tố cáo của thế giới. Hãy xem phản ứng của Hà Nội trước Quyết nghị 427 của Hạ viện Hoa Kỳ và Quyết nghị của Quốc hội Châu Âu hậu thuẫn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cuối tháng 11 năm 2003 thì rõ. Trong vòng 3 tháng ròng Hà Nội chủ động đổ xuống đường hàng nghìn Tăng Ni, Phật tử biểu tình phản đối 2 Quốc hội Hoa Kỳ và Châu Âu. Ngoài sự phản bác của Nhà nước, Hà Nội còn đẩy những Hòa thượng vô thưởng vô phạt trong Giáo hội Nhà nước viết thư phản đối 2 Quốc hội, mở hàng trăm cuộc học tập phường khóm về cái mà họ gọi là “xâm phạm chuyện nội bộ Việt Nam”. Ðiều gian trá hơn cả là đã lợi dụng Ðại giới đàn Thiện Hòa ở Saigon, là một giới đàn thuần túy tôn giáo trong việc thọ giới của Tăng Ni, để lừa đảo Tăng sinh lấy chữ ký của 1300 giới tử, rồi giả tạo đưa vào cái gọi là Kiến nghị chống hai Quốc hội Hoa Kỳ và Châu Âu. Nếu các Quyết nghị tố cáo Hà Nội đàn áp GHPGVNTN chỉ là lời nói suông, chỉ là tờ giấy loại, nói theo ngôn ngữ của bọn đặc tình công an, thì tại sao Hà Nội lại hoảng sợ như đứng trên đống lửa và phản ứng điên cuồng như thế ?
Ðài Phật giáo Việt Nam : Vậy thì tại sao chưa có thay đổi thực sự và cụ thể về chính sách nhân quyền và tôn giáo tại Việt Nam ?
Võ Văn Ái : Trong chữ “chưa” của câu hỏi đưa ra đã bao hàm một tiến trình đang khai diễn. Vấn đề còn lại chỉ là thời gian. Có hai loại thời gian trong vần đề thành quả. Một thời gian tức thì và một thời gian co giản. Thời gian tức thì thuộc vào thời kỳ chiến tranh lạnh trước đây. Thời ấy chính trường thế giới giải quyết bằng sự đối đầu, tức thông qua những cuộc chiến tranh thừa sai. Hai phe tỉ thí ắt sẽ có bên bại bên thắng. Thắng bại sớm thấy ngay sau cuộc tranh hùng. Tuy vậy cuộc chiến Việt Nam cũng đã phải trải qua 30 năm, tính từ năm 1945, mới ngã ngũ, dù rằng ngã ngũ xong nhưng giải pháp dân tộc vẫn chưa hoàn thành.
Ngày nay, chiến tranh lạnh cáo chung, xu thế thế giới bước vào kỷ nguyên đối thoại thay vì đối đầu. Cho nên mọi việc tiến hành theo sự thương thảo, thông qua những áp lực. Con đường giải quyết bằng ngoại giao, bằng áp lực quốc tế đòi hỏi một thời gian co giản, vì vậy thành quả không thể thấy ngay, chưa thể thấy tức thì. Nhưng nhờ ở điểm thời gian co giản này, mà các nạn nhân có thể đấu tranh tích cực và khôn ngoan để giải quyết vấn nạn nhanh hay chậm. Ðây là điểm tích cực.
Những tính toán chiến lược của các cường quốc đã hoàn thành biến Việt Nam từ chiến trường thành thị trường. Hà Nội phải chấp nhận luật chơi của một thị trường tự do, tức bị ràng buộc vào những tính toán quốc tế để hưởng viện trợ và phát triển buôn bán. Từ áp lực thường trực và quy mô ấy, những áp lực mà người đấu tranh cho nhân quyền, dân chủ và tự do tôn giáo tạo ra sẽ làm thành một chuỗi áp lực, tạo tiền đề cho cuộc thay đổi tận gốc.
Ðối với chúng ta, những nạn nhân đang đấu tranh cho tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ, chúng ta phải mở rộng công tác tâm công quốc tế, tức đánh vào lòng người để thuyết phục và tranh thủ dư luận thế giới. Nghĩa là phải biết cách vận động và thông tin quốc tế về thảm nạn Việt Nam, thì mới đưa tới kết quả thúc đẩy công luận thế giới lên tiếng tố cáo, làm bàn đạp cho giải pháp xuất hiện, và thông qua những thỏa thuận quốc tế, giải quyết các vấn nạn tại địa phương quốc gia mình.
Cái mà ta gọi là kết quả tức khắc nó cũng như một tai nạn xe cộ. Năm phút trước khi có tai nạn, ai mà biết trước tai nạn sẽ xẩy ra ? Tuy nhiên các điều kiện gây ra tai nạn thì đã tích lũy từ trước. Cứ nhìn sự sụp đổ các chính quyền trong thế giới hay tại Việt Nam xưa nay đều như những tai nạn xe cộ vừa nói. Nói cho dễ hiểu hơn, là trong cuộc tỉ thí của hai võ sĩ, điều quan trọng là thể lực và vũ thuật. Phải kiên trì cầm cự cho đến 12 hiệp mới phân thắng bại. Khởi đánh chừng năm ba hiệp đã đòi thắng thì ai chẳng muốn lên võ đài !
Ðài Phật giáo Việt Nam : Sau bản Quan điểm 18/2005, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ có ra lời tuyên bố yêu cầu LHQ gửi các Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về Việt Nam điều tra trên ba lãnh vực tự do tôn giáo, tự do ngôn luận và việc bắt bớ, giam cầm trái phép những ai ôn hòa nói lên chính kiến hay tín ngưỡng của mình. Ông có nghĩ rằng LHQ sẽ chấp thuận lời đề nghị của Hòa thượng, và nếu được chấp thuận thì nhà cầm quyền Hà Nội có chịu mở cửa cho LHQ về Việt Nam điều tra không ?
Võ Văn Ái : Tất cả đều tùy thuộc hai yếu tố. Một là áp lực quốc tế, hai là công tác vận động của các quốc gia thành viên và các tổ chức phi chính phủ có quy chế tham vấn tại LHQ, như Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam của chúng tôi là một. Trong quá khứ, nhờ hai yếu tố ấy, mà năm 1994 Tổ Hành động Chống bắt bớ trái phép do ông Chủ tịch Louis Joinet cầm đầu, rồi qua năm 1998, ông Abdelfattah Amor, Báo cáo viên đặc nhiệm LHQ về vấn đề tự do tôn giáo đã về Việt Nam điều tra. Tại khóa họp thường niên Nhân quyền LHQ ở Genève đầu năm 1995 và đầu năm 1999, hai ông đã đọc hai bản phúc trình tố giác Việt Nam không tôn trọng các công ước quốc tế trong vấn đề quản lý nhà tù, giam giữ tù chính trị và luật pháp Việt Nam bất minh, cũng như vấn đề đàn áp các tôn giáo. Hai bản phúc trình này khiến Hà Nội vô cùng giận dữ, vì vừa bị mất mặt, vừa có nguy cơ mất viện trợ kinh tế. Sau bản phúc trình của ông Amor tại LHQ ở Genève, ông Lê Sĩ Vương Hà, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao, đã phản ứng gay gắt hôm 18.3.1999 rằng : “Việt Nam sẽ không chấp nhận bất cứ cá nhân hay tổ chức nào đòi đến nước ta điều tra về nhân quyền và tôn giáo !”.
Nhưng giận mất khôn mà nói cho sướng miệng thôi. Chứ theo quy tắc của LHQ, thì các quốc gia thành viên có trách vụ tiếp đón các Báo cáo viên đặc biệt của LHQ đến nước mình điều tra khi có những khuyến cáo nghiêm trọng. Việt Nam lấy tư cách gì để bế môn tỏa cảng, ngoại trừ rút tên ra khỏi LHQ ?
Xem thế, thì đủ biết rằng Hà Nội rất sợ các cuộc điều tra về nhân quyền, rất sợ dư luận quốc tế tố giác. Ðối với Hà Nội, các cuộc điều tra của LHQ hay các lời tố giác quốc tế là những nhát chém đập vỡ nồi gạo làm ăn của họ.
Trong cuộc đấu tranh hôm nay, tất cả chỉ là vấn đề áp lực. Áp lực nẩy sinh từ phong trào quần chúng quốc nội kiên trì đấu tranh làm phát sinh các áp lực quốc tế hiện hành. Nội ngoại tương ứng, không có gì không thể xẩy ra.
Ðài Phật giáo Việt Nam : Xin cám ơn ông Võ Văn Ái và xin hẹn quý thính giả vào Câu chuyện cuối tuần, thứ Sáu tuần sau cũng vào giờ này.