PARIS, ngày 24.10.2011 (PTTPGQT) – Ngày thứ sáu, 21.10 vừa qua, từ Saigon Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ nhân danh Viện Tăng Thống và Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), viết Thư Ngỏ gửi ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, về việc Biển và Đảo Việt Nam bị Trung quốc xâm lấn. Thế nhưng chuyến đi Bắc Kinh hôm 11.10.2011 để ký kết các thỏa ước Việt Trung không thấy ông Nguyễn Phú Trọng phản đối hay đề cập, ngoài bản “Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên Biển” rất nguyên tắc và chung chung theo tinh thần đã lạc hậu về cái gọi là 16 Chữ Vàng và 4 Tốt.
Thư được gửi bảo đảm có hồi báo qua đường bưu điện. Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế xin đăng nguyên văn Thư Ngỏ ấy dưới đây :
VIỆN HÓA ĐẠO
90 Trần Huy Liệu, Phường 15, Quận Phú Nhuận, TP Sài gòn
Phật lịch 2555 |
Số : 04/VHĐ/VT
|
gửi Ông Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam
về việc Thỏa thuận Việt – Trung giải quyết vấn đề trên biển
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam
1A Hùng Vương
Hà Nội
Thưa Ông Tổng Bí thư,
Việt Nam không là nước dân chủ, nên Đảng cầm quyền, thường lấn quyền Nhà nước, nên bức thư hôm nay tôi viết gửi đến ông Tổng Bí thư về mối lo âu đánh mất chủ quyền của toàn dân Việt Nam. Nhất là sự kiện gần đây ông Tổng Bí thư vừa ký kết tại Bắc Kinh sáu điểm “Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên Biển” giữa hai nước Việt Trung.
Toàn thể nhân dân muốn biết ông Tổng Bí thư đề cập nguy cơ mất biển, đảo tại Bắc Kinh nhằm giải quyết các vấn đề Trung quốc xâm lấn lãnh hải Việt Nam bằng đường Lưỡi bò chín đoạn, bằng sự xâm chiếm hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, bằng việc tàu hải giám Trung quốc cắt dây cáp hai tàu Bình Minh và Viking của Việt Nam, cũng như việc bắt bớ, đánh giết ngư dân Việt trên Biển Đông. Những việc khiến hàng nghìn thanh niên, sinh, viên, học sinh, nhân sĩ, trí thức xuống đường phản đối từ ba tháng qua tại Saigon và Hà Nội. Đi từ những cuộc biểu dương rầm rộ với biểu ngữ và tiếng thét cho đến những cuộc Biểu tình Câm.
Nhưng không.
Sáu điểm trong bản thỏa thuận chỉ nhắc nói những nguyên tắc ứng xử chung chung về vấn đề biên giới lãnh thổ mà hai bên đồng ý từ năm 1993. Từ đó đến nay, mười tám năm qua, Trung quốc đã vung tay quá trán biết bao lần nhằm uy hiếp và lấn chiếm chủ quyền Việt Nam trên biển. Việc trở thành nguy cơ khiến các nước trong vùng đồng loạt lên tiếng phản đối như Phi Luật Tân, Mã Lai… và mười quốc gia Đông Nam Á, tức ASEAN, phải họp nhau tại Bali ở Nam Dương hôm 19 đến 23.7.2011 tìm những quy tắc ứng xử.
Cùng ngày ông Tổng bí thư ký kết thỏa ước nói trên, Hải quân Trung Quốc loan báo vừa thiết lập một trạm xá quân y tại đảo Đá Chữ Thập mà Trung quốc gọi là đảo Vĩnh Thử. Nơi xảy ra cuộc hải chiến Trường Sa năm 1988, nơi quân Trung quốc bắn chết 70 chiến sĩ hải quân Việt Nam. Thế mà không thấy một lời lên tiếng phản đối của người lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam !
Ngày xưa qua các thời đại, tổ tiên ta tuy “triều cống” Thiên triều, nhưng đấy là kế sách ngoại giao khôn khéo nhằm giữ vững chủ quyền dân tộc. Ngày nay, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời trên đất nước ông Mao, chỉ thấy sự qùy lạy và tuân phục lệnh của Bắc Kinh. Điển hình là Hội nghị Liễu Châu do ông Hồ Chí Minh cầm đầu năm 1954 đưa tới sự cắt đôi nước Việt tại Hội nghị Genève theo lệnh ông Chu Ân Lai, rồi Hội nghị Thành Đô tháng 9 măm 1990 do ông Phạm Văn Đồng và ông Võ Nguyên Giáp cầm đầu, một lần nữa làm công việc nhận lệnh ông Lý Bằng để thi hành hơn là bênh vực cho quyền lợi đất nước.
Dù Đảng cầm đầu và lạm quyền Nhà nước, nhưng vấn đề chủ quyền đất nước trên Đất trên Biển cần minh bạch, vì chủ quyền dân tộc là của toàn dân không phân biệt đảng phái, tôn giáo. Tiền nhân nước ta, từ cuộc chiến đấu vệ quốc của Hai Bà Trưng vốn đã có sự tham chiến của nhiều nữ tướng và quân sĩ Phật giáo, mãi đến các triều Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê… không ngừng chống xâm lược, khi bằng đường lối ngoại giao, lúc bằng phản ứng quân sự. Nhưng chưa bao giờ dùng công hàm, dùng thỏa thuận ký kết mà hậu quả đưa tới là bán biển, bán đảo, bán đất cho Trung quốc như các trường hợp xẩy ra dưới triều đại Hồ Chí Minh.
Nhân danh Hội đồng Lưỡng Viện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, chúng tôi yêu cầu ông Tổng Bí thư minh bạch hóa cho nhân dân được biết chuyến đi thương thảo với Bắc Kinh vừa qua trên phương diện chủ quyền dân tộc. Ông Tổng Bí thư đã giữ đất, giữ biển nước Việt như thế nào ? Nói rõ, là vận mệnh hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa như thế nào ? đường Lưỡi bò chín đoạn có là cây chổi của Bắc Kinh đang quét hết nước Biển Đông, hơn hai triệu cây số vuông, lùa vào bốn biển của Trung quốc ? Số phận ngư dân Việt Nam sẽ được bảo vệ như thế nào ?
Dân có biết dân mới lo liệu để tìm kế sách bảo vệ quê hương.
Chúng tôi đã biết trước câu trả lời của ông Tổng Bí thư nằm trong tiêu đề bản thỏa thuận dài dòng “Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên Biển”. Nghĩa là nhận lệnh của đàn anh Cộng sản Trung quốc để “gác tranh chấp, cùng chung khai thác” Biển Đôngtheo phương châm 16/4 (Mười sáu chữ vàng và Bốn tốt) ; lấy “đại cục” và “xuất phát từ tầm cao chiến lược và toàn cục” của quốc tế Cộng sản để gặm nhắm lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam ?
Nhân dân cần biết những hành xử xâm lấn biển đảo của Trung quốc, phản bội năm điều mà Trung quốc đã ký kết với các nước ASEAN tại Nam Vang năm 2002 qua “Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông” (DOC, Declaration of Conduct), và 8 điều trong “Bộ Quy tắc hướng dẫn thực thi DOC” (COC, Code of Conduct) mà Trung quốc ký kết với các nước ASEAN tại hội nghị Bali ở Nam Dương từ ngày 19 đến 23.7.2011.
Nhân dân cần biết và đòi hỏi ông Tổng Bí thư minh bạch hóa, là vì không hề thấy chính sách của Đảng và Nhà nước CHXHCNVN được thể hiện qua đường lối ngoại giao và pháp lý quốc tế để bảo vệ chủ quyền dân tộc trên đất, trên biển. Ví dụ như :
– Chưa hề nghe Đảng và Nhà nước đưa sự vụ trầm trọng Việt Nam mất biển mất đảo ra LHQ chiếu theo Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982.
– Chưa hề nghe Đảng và Nhà nước tuyên bố hay kêu gọi sự đối thoại đa phương để giải quyết vấn đề Biển Đông, trái lại Thỏa thuận Bắc Kinh lấy tiền đề thương thảo song phương làm chủ yếu. Tranh chấp Biển Đông gồm các nước quanh vùng Địa Trung hải Á châu, là các quốc gia Brunei, Đài Loan, Mã Lai, Nam Dương, Phi Luật tân, Trung quốc, Việt Nam, thì không thể nào thương thảo song phương mà thành tựu.
– Chưa hề nghe Việt Nam có nỗ lực kết hợp với các nước ASEAN làm đối trọng xâm lăng của Trung quốc.
Trong khi đó giải quyết vấn đề lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam, Trung quốc kế thừa sách lược bành trướng Đại Hán của ông Đặng Tiểu Bình là “Chủ quyền của ta, gác tranh chấp, cùng khai thác” Biển Đông. Tức lấy việc gom tóm toàn bộ Biển Đông làm chủ quyền Trung quốc như một thực tại không ai được phản đối, Việt Nam chỉ được quyền “gác tranh chấp, cùng khai thác” mà thôi.
Trong khi ấy, Trung quốc đã hình thành “Liên Minh Thu Phục Lãnh Thổ” với âm mưu và kế hoạch “Xây dựng Trường thành trên biển và tăng cường lực lượng quân sự trở thành vô địch trên Nam Hải”. Hậu quả là gì nếu không phải chiếm trọn Biển Đông và tất cả mọi quần đảo trên Biển Đông ? Mục tiêu của Liên Minh này là vẽ lại bản đồ Trung quốc theo hình chữ Y, chứ không phải hình con gà trống hiện nay.
Thưa Ông Tổng Bí thư,
Trước mưu đồ và tham vọng bành trướng nước lớn của Trung quốc, Đảng và Nhà nước CHXHCNVN làm gì ? Có kế sách gì để giữ Nước ?
Đảng và Nhà nước CHXHCNVN không thể thở mãi bằng lỗ mũi Trung quốc. Muốn thế, Đảng và Nhà nước cần chuyển hóa ôn hòa sang chế độ dân chủ đa nguyên để đất nước có thể thở bằng lỗ mũi của gần 90 triệu dân Việt.
Nhưng trước tiên, xin ông Tổng Bí thư và Nhà nước CHXHCNVN hãy minh bạch hóa các thỏa thuận với Bắc Kinh trong vấn đề chủ quyền dân tộc để toàn dân, trong có Giáo hội chúng tôi, được rõ mà lo liệu.
Trân trọng.
Viện trưởng Viện Hóa Đạo
kiêm Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
(Ấn ký)
Sa môn Thích Quảng Độ