PARIS, ngày 8.9.2006 – Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Á Âu lần thứ 6 (ASEM 6), họp tại thủ đô Helsinki nước Phần Lan từ ngày 10 đến 12.9.2006. Phái đoàn Hà Nội do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cầm đầu đến tham dự hội nghị cùng với 38 vị nguyên thủ các quốc gia Châu Á và Châu Âu (25 nước Châu Âu, 10 nước trong Hiệp hội Đông Nam Á, Trung quốc, Nam Hàn và Nhật bản). Trên đường đến Helsinki, ông Nguyễn Tấn Dũng ghé thăm chính phủ Vương quốc Bỉ và Hội đồng Châu Âu thuộc Liên hiệp Châu Âu tại thủ đô Brussels ngày thứ sáu 8.9.2006.
Nhân danh Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam (Vietnam Committee on Human Rights – Comité Vietnam pour la Défense des Droits de l’Homme) kiêm Phó Chủ tịch Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH, Fédération Internationale des Ligues des Droits de l’Homme – International Federation of Human Rights Leagues), ông Võ Văn Ái viết Thư Ngỏ gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Thư ngỏ viết bằng tiếng Anh và Pháp đã được gửi bằng Fax trong đêm 7.9.2006 đến phủ Thủ tướng ở Hà Nội, hai Đại sứ quán Hà Nội ở thủ đô Brussels, Vương quốc Bỉ, và ở thủ đô Helsinki, Phần Lan, để nhờ chuyển trình đến ông Nguyễn Tấn Dũng. Đồng thời Thư ngỏ cũng được gửi đến các cơ quan truyền thông, báo chí quốc tế và Việt Nam. Bản dịch Việt ngữ toàn văn Thư ngỏ viết như sau :
“Thưa Thủ tướng,
“Ông đến Châu Âu tham dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Á Âu lần thứ 6 (ASEM 6) nhằm phục hồi địa vị CHXHCNVN trong cộng đồng thế giới và thu thập những nguồn vốn chủ yếu. Phải chăng ông nghĩ rằng, vừa được công cử vào chức vụ mới, cùng những cơ hội kinh doanh mà Việt Nam có thể mang lại cho thế giới, là những điều kiện quá đủ nhằm quyến rũ các quốc gia Châu Âu rồi Hoa Kỳ, để mong giật lấy tấm vé vào cửa, xiết bao trông đợi, hầu gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO/OMC), hay Quy chế quý báu về Thương mại bình thường và vĩnh viễn của Hoa Kỳ (PNTR).
“Ông thừa biết rằng, mọi quốc gia muốn hội nhập vào cộng đồng thế giới thì phải tuân thủ các nghĩa vụ đã cam kết với cộng đồng thế giới. Trước hết là các Công ước Nhân quyền mà CHXHCNVN tham gia ký kết năm 1982 hai Công ước quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị, Công ước quốc tế về Các quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa của LHQ. Chúng tôi xin nhắc nhở ông Thủ tướng rằng, các quyền này cũng đã ghi trên giấy trắng mực đen trong Hiến pháp CHXHCNVN.
“Ông sẽ đến thủ đô Brussels, trụ sở của Liên hiệp Châu Âu, trước khi qua Helsinki dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Á Âu lần thứ 6 (ASEM 6), với vẻ dáng của một chính quyền đáng kính, nhất là sau tấm bình phong quảng cáo của cuộc đặc xá tha tù trước thời hạn hồi đầu tháng, mà qua đó, BỐN tù nhân chính trị và tôn giáo bị mất hút trong đoàn tù thường phạm trên năm nghìn người gặp may.
“Tuy nhiên, nhân dân Châu Âu cũng đang nhìn ông qua hình ảnh những cuộc bắt bớ các nhà ly khai Đỗ Công Thành, bí danh Trần Nam (người Mỹ gốc Việt), Nguyễn Hoàng Long và Huỳnh Việt Lang vào trung tuần tháng tám, vì nguyên cớ kỳ cục không căn cứ là họ mắc tội “khủng bố”. Ngay chính tòa Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Tp Hồ Chí Minh là mục tiêu đánh bom, cũng đã phải lên tiếng xác nhận rằng chẳng có chứng cớ gì để cáo buộc như thế đối với các người bị bắt. Nói cho đúng, tội danh “khủng bố” của họ chỉ là những bài báo kêu gọi cho dân chủ, đăng tải qua hệ thống Internet, khiến chính quyền ông thẳng tay giáng xuống những đòn trừng phạt và áp bức.
“Thưa Thủ tướng,
“Những cuộc bắt bớ tùy tiện như thế và số phận của các tù nhân vì lương thức mà chính quyền ông tuyên bố trả tự do là bước khởi hành tồi tệ cho chính phủ mới của ông, và cũng chẳng báo hiệu sự mở cửa mà cộng đồng thế giới cũng như nhân dân Việt Nam trông đợi.
“Cuộc đặc xá nhỏ giọt chẳng mang lại ý nghĩa gì trong bối cảnh mà chính phủ ông và Đảng Cộng sản của ông tạc khắc trên bia đá thứ luật lệ hiếp đáp nhân dân và gia tăng khốc liệt cuộc đàn áp những người bất đồng chính kiến. Cuộc đặc xá nhỏ giọt chẳng mang lại ý nghĩa gì khi bàn dân thiên hạ quá biết rõ số phận của những tù nhân chính trị đặc xá : Lấy trường hợp ông Phạm Hồng Sơn được tha tù hôm 30.9, thì tức khắc vào lúc 12 giờ trưa cùng ngày, 20 công an đến vây gác trước nhà ông Sơn. Chính quyền ông đã xuống lệnh cắt đường dây điện thoại cố định và di động, rồi với đà bất nhân, chính quyền ông ngăn cấm ông Phạm Hồng Sơn về thăm mẹ trong cơn buồn thảm vì thân phụ ông Sơn vừa qua đời một tuần lễ trước khi ông được tha tù.
“Thực tế cho thấy chế độ của ông chẳng bao giờ đặc xá những người bất đồng chính kiến bị quản chế theo điều 38 trong Bộ luật Hình sự. Điều này “buộc người bị kết án phạt tù phải cư trú, làm ăn sinh sống và cải tạo ở một địa phương nhất định, có sự kiểm soát, giáo dục của chính quyền và nhân dân địa phương”. Nói tóm, là họ bị giam tù tại gia, “không được tự ý ra khỏi nơi cư trú” và chịu cảnh ngày đêm công an bức hiếp thường trực. Được tha tù nhưng vẫn mất tự do, đó là hoàn cảnh mà ông Phạm Hồng Sơn phải hứng chịu trong vòng ba năm tới (chiếu theo sự kết án của nhà cầm quyền) với đủ thứ bất an, sách nhiễu theo cung cách cầm tù che giấu.
“Đây cũng là cảnh sống của hai nhà bất đồng chính kiến “được trả tự do” : Thượng tọa Thích Thiện Minh, đặc xá hồi tháng 2 năm 2005, hiện sống tại thị xã Bạc Liêu dưới sự sách nhiễu thường trực của công an với bao lần hăm dọa ám sát nhằm ngăn ngừa Thượng tọa phát biểu với báo chí quốc tế. Còn trường hợp nhà báo Nguyễn Khắc Toàn, người bất đồng chính kiến sử dụng Internet, được trả tự do vào đầu năm nay, cũng bị giam hãm tại gia, dưới sự hăm dọa thường trực của công an. Ông Toàn liên tục sống trong cảnh bất an, không có quyền bước ra khỏi phạm vi khóm phường của ông khi chưa xin phép, bằng không sẽ bị nộp phạt năm trăm nghìn đồng.
“Nhà tù tại gia đang trở thành hình thức cấm cố đông đảo mà chính phủ ông sử dụng tối đa để siết họng các nhà bất đồng chính kiến và các nhà đấu tranh bảo vệ quyền làm người. Ông gọi đó là “quản chế”, “quản chế hành chính” hay một cách ngụy tín, là “họ hoàn toàn tự do”, mà trong thực tế là loại nhà tù giam cầm tùy tiện, không thông qua tòa án, những ai hành xử các quyền cơ bản chính đáng của họ. Công an sách nhiễu họ, các giao tiếp, thông tin của họ ra thế giới bên ngoài bị cấm cản hoặc bị cắt đứt bất cứ lúc nào.
“Nhà văn Hoàng Tiến, nhà báo Nguyễn Khắc Toàn, luật sư Nguyễn Văn Đài, giáo viên Dương Thị Xuân, kỹ sư Bạch Ngọc Dương dự tính xuất bản Tạp san “Tự do Dân chủ” đã bị công an câu lưu và thẩm vấn suốt 10 ngày ròng rã kể từ hôm 12.8.06. Nhà họ bị khám soát, máy vi tính, điện thoại di động và hồ sơ, tư liệu, sách báo của họ bị tịch thu. Họ bị cấm cố tại gia, không quyền gặp gỡ nhau hay xuất hành khỏi khóm phường của họ ở Hà Nội. Hiển nhiên là tạp san không thể ấn loát chào đời. Một lần nữa, các quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng bị chà đạp, dù được bảo đảm trên Hiến pháp.
“Còn phía hàng giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Giáo hội lịch sử và độc lập bị ngăn cấm hoạt động từ năm 1981, cũng bị giam hãm trong các Chùa-tù. Đặc biệt là trường hợp của Đức Đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang (87 tuổi) bị quản chế tại Tu viện Nguyên Thiều, tỉnh Bình Định, và Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Đạo, Thích Quảng Độ (78 tuổi) bị quản chế tại Thanh Minh Thiền viện ở thành phố Hồ Chí Minh.
“Theo quy tắc chung, tất cả hàng giáo phẩm thuộc các “Giáo hội không được thừa nhận” đều lâm hoàn cảnh quản chế và bị sách nhiễu. Ấy là chưa nói đến thân phận thảm hại phải đối đầu, như bộ đội chiếm đóng, bắt bớ tùy tiện, cưỡng bức dời làng, đánh đập, tra tấn… mà chính quyền ông đối xử với các tín hữu Tin Lành thuộc các sắc tộc người Thượng.
“Chưa thỏa đủ với công trình biến tư gia thành các nhà tù tiềm tàng, ông còn gia tăng các sắc luật bất công, mơ hồ và thô bạo, trái ngược với luật pháp quốc tế, biến pháp điển lập pháp thành nội quy nhà tù : Chính quyền ông che giấu sau những khái niệm hổ lốn để đàn áp, như “an ninh quốc gia”, “trật tự công cọng”, “phá hoại tình đoàn kết dân tộc”, hay sự kiện “chia rẽ người có tín ngưỡng với người không tín ngưỡng”, v.v… Chính quyền ông và Đảng ông “hợp pháp hóa” những hành xử tùy tiện như việc giam cầm không xét xử (Nghị định quản chế hành chính 31/CP cho phép giam cầm 2 năm những ai bị “nghi” xâm hại “an ninh quốc gia”), cấm nhân dân biểu tình ôn hòa (Nghị định 38/2005.NĐ-CP ban hành ngày 18.3.2005), hạn chế bằng kiểm duyệt và tự kiểm duyệt tự do báo chí (Luật Báo chí) và tự do ngôn luận trên Internet (Nghị định 56/2006/NĐ-CP về “trừng phạt hành chính” hồi tháng 6.2006, v.v…
“Thưa Thủ tướng,
“Những bài diễn văn dối gạt, sự ngụy tín và cuộc đàn áp lén lút sẽ không giúp chính quyền ông hội nhập cộng đồng thế giới, mà trước các quốc gia văn minh, chính quyền ông sẽ mất hết công quyền. Nếu quả thật ông muốn hội nhập vào bản hòa tấu của nhân loại, chúng tôi xin đề nghị ông hãy lợi dụng thời gian tham dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Á Âu lần thứ 6 (ASEM 6) ở thủ đô Helsinki để bố cáo các điều mà những người tiền nhiệm ông chẳng bao giờ dám động tới, kể từ khi chiến tranh chấm dứt vào năm 1975. Đó là :
l “Tổng đặc xá cho tất cả những tù nhân chính trị hay tôn giáo hiện đang ứ đọng trong hơn 800 nhà tù và trại cải tạo ở Việt Nam. Chỉ riêng sự phát hiện của hai cựu tù nhân, là nhà báo Nguyễn Khắc Toàn và Tăng sĩ Phật giáo Thích Thiện Minh, thì đã có 307 tù nhân chính trị và tôn giáo tại hai nhà tù Ba Sao, tỉnh Nam Hà ở gần Hà Nội, và Z30A, tỉnh Đồng Nai ở gần thành phố Hồ Chí Minh. Ấy là chưa kể các nhà tù tại gia, các Chùa-tù nơi giam giữ Đức Tăng thống Thích Huyền Quang, Hòa thượng Thích Quảng Độ, hay trường hợp ông Nguyễn Vũ Bình vẫn còn bị nhốt tù ;
l “Hủy bỏ điều luật “quản chế” (điều 38 trong Bộ luật Hình sự) và tất cả các hình thức giam cầm tùy tiện không thông qua tòa án (như “quản chế hành chính” theo Nghị định 31/CP) và bằng đường lối thích đáng, chấm dứt mọi sự kiểm soát nghiêm ngặt cùng những sách nhiễu đối với các tù nhân vì lương thức được tha tù nhưng mất tự do ;
l “Chấm dứt tức khắc mọi sách nhiễu và những biện pháp bức hiếp đối với các tôn giáo “không được thừa nhận”, như Phật giáo, Hòa Hảo, Cao Đài, Tin Lành, v.v…, và các sắc tộc người Thượng, đặc biệt đối với 17 Ban Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại 17 tỉnh thành ở miền Trung và miền Nam ;
l “Hợp pháp hóa tất cả các tôn giáo “không được thừa nhận”, khởi đầu bằng sự phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và hoàn trả các tài sản của giáo hội bị Nhà nước cưỡng chiếm sau năm 1975 ;
l “Cũng như thực hiện lời đề xuất năm 2000 của Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang, kêu gọi Đảng Cộng sản và Nhà nước XHCNVN tuyên cáo “Ngày Sám hối và Chúc sinh toàn quốc” về những tội phạm của Đảng Cộng sản đối với nhân dân hai miền Nam Bắc suốt 55 năm ròng, nhằm khai mở kỷ nguyên hòa giải dân tộc”.
Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam
kiêm Phó Chủ tịch Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền
VÕ VĂN ÁI