Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Tin UBBVQLNVN / Thông cáo chung của 3 Tổ chức Nhân quyền Quốc tế về sức khỏe nguy kịch của Blogger Dân chủ Điều Cày sau 25 ngày tuyệt thực trong tù

Thông cáo chung của 3 Tổ chức Nhân quyền Quốc tế về sức khỏe nguy kịch của Blogger Dân chủ Điều Cày sau 25 ngày tuyệt thực trong tù

Download PDF

PARIS-GENEVE, 10.7.2013 – Đài Quan sát bảo vệ các Nhà bảo vệ Nhân quyền, tổ chức liên đới với Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) và Tổ chức Thế giới Chống Tra Tấn (OMCT) cùng với Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) trong một bản Thông cáo chung phát hành hôm nay từ Paris và Genève, đặc biệt quan tâm đến tình trạng sức khỏe của Nhà Bảo vệ Nhân quyền Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày) đang trải qua một cuộc tuyệt thực trong tù 25 ngày qua.

Điếu Cày, một blogger nổi tiếng, là người sáng lập “Câu Lạc bộ các Nhà báo tự do”, được biết qua những bài viết đưa lên mạng kêu gọi cho sự tôn trọng nhân quyền và cải cách dân chủ, hiện bị giam tại Trại số 6 ở nhà tù huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An miền Trung Việt Nam. Ngày 16.7 vừa qua, bà Dương Thị Tân vợ cũ của Điếu Cày đến thăm nuôi nhưng đã bị quản giáo trại không cho gặp. Một Trung tá quản giáo trại cho bà Tân biết không cho thăm Điếu Cày vì ông “gây rối trật tự” nên “bị kỷ luật”. Bà Nguyễn Thị Nga, vợ tù nhân chính trị Nguyễn Xuân Nghĩa người ở chung phòng với Điếu Cày, đi thăm nuôi cùng ngày với bà Tân vừa hỏi chồng tin tức Điếu Cày, liền bị quản giáo ngăn chận cấm không được nói “chuyện nhạy cảm”. Đến khi gần hết cuộc gặp, anh Nghĩa mới thét lên “em biết không anh Hải Điếu Cày đã tuyệt thực 25 ngày rồi ?”. Lập tức, quản giáo bịt mồm anh và đưa anh đi luôn.

Ba Tổ chức Nhân quyền chúng tôi vô cùng quan ngại cho sức khỏe nguy kịch của ông Điếu Cày tại trại số 6 ở Thanh Chương. Nơi việc chăm sóc y tế rất tồi tệ, trại ở xa trong vùng sâu rừng núi, cách 70 cây số với thành phố Vinh là thành phố gần nhất. Trong tình trạng sức khỏe nguy kịch vì cuộc tuyệt thực dài ngày, ông Điếu Cày sẽ không được chăm sóc trên phương diện y tế.

Trước sự trạng này, ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam tuyên bố rằng : “Ông Điếu Cày không ngừng minh danh sự vô tội của ông, nhưng công lý đã không đến với ông trong hệ thống luật pháp của Việt Nam ngày nay. Bởi thế, phương tiện duy nhất để nói lớn sự vô tội của một tù nhân, là đem sinh mệnh của chính mình qua một động tác bất bạo động để phản kháng. Việc nhà cầm quyền Hà Nội cấm cố Điếu Cày là điều xấu hổ và phi pháp. Hà Nội phải trả tự do tức khắc cho Điếu Cày”.

Chủ tịch Liên Đoàn Quốc tế Nhân Quyền, ông Karim Lahidji, thì nói : “Hoàn cảnh của ông Điếu Cày minh họa cho sự phản kháng rộng rãi trên trường quốc tế cũng như tại Việt Nam trước cuộc đàn áp không ngừng tiếp diễn của nhà cầm quyền chống lại tự do ngôn luận trực tuyến hay ngoài luồng. Chúng tôi kêu gọi trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho Điếu Cày cũng như cho tất cả những nhà bảo vệ nhân quyền và công dân mạng ly khai tại Việt Nam”.

Tổng Thư ký Tổ chức Thế giới Chống Tra Tấn, ông Gerard Staberock, nhấn mạnh rằng : “Ít nhất nhà cầm quyền Việt Nam phải thực hiện Ý Kiến của Tổ Hành động Chống bắt bớ trái phép của LHQ năm 2009, tuyên xưng Điếu Cày đã bị bắt bớ trái phép, việc bắt bớ này vi phạm các điều luật nhân quyền quốc tế. Hãy trả tự do ngay cho Điếu Cày. Đã đến lúc nhà cầm quyền Việt Nam phải chấm dứt mọi cuộc đàn áp chống các nhà hoạt động Internet, các nhà bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam như một phương cách bịt họng mọi tiếng nói phê phán”.

Hàng chục nhà bảo vệ nhân quyền và công dân mạng ly khai gần đây đã phải lãnh những án tù nặng nề (1). Ba bloggers Đinh Nhất Uy, Phạm Viết ĐàoTrương Duy Nhất bị bắt trong hai tháng vừa qua có thể sẽ bị kết án đến 7 năm tù vì tội “lợi dụng tự do dân chủ xâm phạm quyền lợi Nhà nước” theo điều 258 của Bộ Luật Hình sự. Các blogs của họ chỉ nhằm thông tin cho mọi người về các quyền cơ bản cũng như phương cách thăng tiến và bảo vệ nhân quyền. Ngày 16.5. vừa qua, sinh viên Nguyễn Phương Uyên, 21 tuổi, và Đinh Nguyên Kha, 25 tuổi, (em của Đinh Nhật Uy) bị kết án mỗi người 6 năm tù giam và 8 năm tù giam và 3 năm quản chế sau đó vì họ đòi hỏi cho nhân quyền.

Ông Điếu Cày bị kết án lần đầu tiên năm 2009 vì tội “trốn thuế” sau một phiên xử kín, giả trá. Thay vì được trả tự do khi hết hạn tù năm 2010, ông Điếu Cày liền bị gán thêm cho tội “tuyên truyền chống Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo điều 88 của Bộ Luật Hình sự. Điều 88 là một trong một số điều luật mà luật pháp Việt Nam thường sử dụng để khép tội cho tự do ngôn luận và bỏ tù những nhà ly khai ôn hòa. Điếu Cày đã bị biệt giam hơn một năm trời. Cuối năm 2011 ông đã tuyệt thực 29 ngày để phản đối việc giam giữ bất công.

Ngày 24.9.2012, ông bị đem ra xử và kết án 12 năm tù giam và 5 năm quản chế tại tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Một phiên tòa vi phạm mọi tiêu chuẩn và bị công luận thế giới lên án. Phiên xử phúc thẩm tháng 12 năm 2012 giữ y án.

Ba Tổ chức Nhân quyền chúng tôi mạnh mẽ lên án các cuộc đàn áp những nhà hoạt động Internet và các nhà bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam trong mấy năm qua. Chúng tôi thúc đẩy nhà cầm quyền Việt Nam thực thi Quyết nghị được Hội đồng Nhân quyền LHQ thông qua tháng 6 năm 2012 khẳng định quyền tự do ngôn luận trực tuyến phải được bảo vệ, và kêu gọi các quốc gia thành viên LHQ “thăng tiến và tạo mọi sự dễ dãi truy cập Internet”.

Thêm nữa, ba Tổ chức Nhân quyền chúng tôi lập lại lời kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam bảo đảm trong mọi hoàn cảnh để cho các nhà bảo vệ nhân quyền có thể hoạt động mà không phải sợ hãi bị đàn áp chiếu theo Tuyên ngôn Quốc tế Bảo vệ những Người đấu tranh cho Nhân quyền (2) cũng như Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền.


(1) Để biết thêm chi tiết, xem Phúc trình “Bloggers và Công dận Mạng sau chấn song nhà tù : Hạn chế tự do Internet tại Việt Nam” do Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam & Liên Đoàn Quốc tế Nhân Quyền thực hiện, bằng 3 thứ tiếng Anh, Pháp, Việt.

(2) Xem “Những Tuyên ngôn và Công ước Quốc tế của LHQ nhằm bảo vệ các Quyền Con người, Quyền Dân sự và Quyền Chính trị”, do Cơ sở Quê Mẹ & Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam dịch và xuất bản, Paris năm 2001.

Check Also

VCHR và FIDH vạch trần những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Việt Nam trước cuộc xem xét Báo cáo định kỳ của Việt Nam về Công ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc về các quyền dân sự và chính trị

PARIS, ngày 5 tháng 1 năm 2024 (VCHR) – Trong Báo cáo chung gửi Ủy …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *