PARIS, ngày 18.1.2010 (PTTPGQT) – Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế vừa nhận được bản Thông tư về hiện trạng vu khống, chụp mũ hàng Giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) do Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ, Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống kiêm Viện trưởng Viện Hoá Đạo, ký ngày 17.1.2010 để phổ biến.
Đây là hiện trạng đau lòng trên hai phương diện mạ lỵ và văn hoá ứng xử lễ nghi của người Việt. Trong nước thì chế độ Cộng sản chẳng phân biệt tuổi tác, tước vị tôn giáo gọi xách mé chư Tăng bằng thế danh, anh, tên, thằng, y, hắn…, thì nay ở hải ngoại những người tự gọi là Chống Cộng nhưng khi đề cập tới các nhà tôn giáo họ vẫn bắt chước người Cộng sản để mi mày tao tớ với bất cứ ai.
Bản Thông tư nêu rõ hai trường hợp đối với đức Đệ nhất Tăng Thống Thích Tịnh Khiết và đức Đệ tam Tăng thống Thích Đôn Hậu cùng cuộc đấu tranh của Phật giáo đồ năm 1963 và 1966. Xin mời quý độc giả đọc nguyên văn Thông tư dưới đây.
Nhân Thông cáo báo chí hôm nay, Phòng PThông tin Phật giáo Quốc tế xin được trả lời chung một số vị viết thư về hỏi nguồn tin loan trên Mạng là GHPGVNTN trong và ngoài nước “câm miệng hến” trước sự viên tịch của cố Đại lão Hoà thượng Thích Nhật Liên.
Xin thưa rằng, đây là ác ngữ của kẻ tà tâm. Đức Phó Tăng thống Thích Hộ Giác đã ra Thông tư hôm 14.1.2010 “yêu cầu các cấp Giáo hội, tùy theo hoàn cảnh, điều kiện tại mỗi trú xứ, trang nghiêm thiết lễ tưởng nguyện và truy tán công hạnh của cố Đại lão Hòa thượng Thích Nhật Liên”. Thông tư này được Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế loan tải hôm 15.1.2010 với nhiều chi tiết bổ sung về công hạnh của cố Đại lão Hoà thượng Thích Nhật Liên.
Trong nước thì chiều ngày 28 âm lịch (12.1.2010) phái đoàn Hội đồng Lưỡng Viện cùng với một số Ban Đại diện GHPGVNTN miền Trung và miền Nam đã đến phúng điếu Ngài tại Chùa Long Thọ, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Phái đoàn gồm có : chư Hoà thượng Thích Nhật Ban, Thích Không Tánh, Thích Chí Thắng, chư Thượng toạ Thích Viên Định, Thích Nguyên Lý, Thích Nguyên Thành, Thích Quảng Trí, Thích Minh Nguyệt, chư Đại đức Thích Viên Đức, Thích Viên Hỷ, Thích Đồng Minh và Thích Đồng Viên.
VIỆN HÓA ĐẠO
90 Trần Huy Liệu, Phường 15, Quận Phú Nhuận, TP Saigon
Phật lịch 2553 |
Số : 07/VHĐ/VT
|
Kính gửi chư Tôn đức Tăng Ni và Đồng bào Phật tử
về hiện trạng vu khống, chụp mũ hàng Giáo phẩm GHPGVNTN
lưu hành trên Mạng và các cơ quan truyền thông
Trong thời gian qua lưu hành trên một số mạng Internet, cơ quan truyền thông, báo chí, những bài viết vu khống, mạ lỵ, chụp mũ hàng Giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) bằng những lời lẽ thiếu văn hoá. Đặc biệt với những bậc Cao tăng thạc đức đã viên tịch và từng giữ chức vụ lãnh đạo Giáo hội, mà đứng trên lập trường dân tộc và Phật giáo các Ngài chưa hề có hành xử, lời nói, văn viết làm hại đến văn hiến nước nhà hay quyền lợi dân tộc.
Trường hợp mà Ban Chỉ đạo Viện Hoá Đạo muốn nói rõ là những vu cáo đối với đức Đệ nhất Tăng thống, cố Đại lão Hoà thượng Thích Tịnh Khiết và đức Đệ Tam Tăng thống, cố Đại lão Hoà thượng Thích Đôn Hậu.
Vì vậy, qua Thông tư hôm nay Viện Hoá Đạo minh định công đức hai Ngài đối với Phật giáo và dân tộc, đồng thời xác định sự sai trái của những bài viết vu cáo hoặc do thiếu hiểu biết, hoặc vì cố tâm gièm pha Phật giáo cho những mưu đồ phi dân tộc.
Đức Đệ nhất Tăng thống, cố Đại lão Hoà thượng Thích Tịnh Khiết, truyền thừa sự lãnh đạo Phật giáo có từ thời Đinh cách nay mười thế kỷ. Ngài là vị Tăng thống thứ nhất thời cận và hiện đại nối tiếp giai phẩm khởi sự từ thời đại Việt Nam minh định chủ quyền dân tộc sau mười thế kỷ bị Bắc phương uy hiếp. Thế mà nay lại có số người vừa xúc phạm Phật giáo vừa vu cáo cá nhân Ngài khi loan truyền lời điêu ngoa, thất thiệt Ngài là “Việt Cộng”.
Tuy Giáo hội sẵn sàng lắng nghe, tiếp nhận và xem xét thực hư để minh định trắng đen, nhưng khi có những cá nhân, đoàn thể, đảng phái vu cáo đức Đệ nhất Tăng thống, cố Đại lão Hoà thượng Thích Tịnh Khiết, và hàng giáo phẩm GHPGVNTN là “Việt Cộng” thì những người này phải trưng rõ bằng cớ, tư liệu. Phương chi ngôn ngữ của chế độ tại Việt Nam ngày nay xem thường mọi tước hiệu tôn giáo, thứ bậc, tuổi tác, đạo đức, khiếm nhã gọi những bậc cao tăng Phật giáo bằng thế danh, bằng anh, tên, thằng, y, hắn… không tương xứng với văn hoá ứng xử và lễ nghi nước ta kinh qua nhiều đời. Thế mà nay, những cá nhân, đoàn thể thoát ly được nếp sống độc tài, thiếu lễ độ tại Việt Nam ra sống nước ngoài lại duy trì cung cách bất lịch sự khi đề cập đến tên tuổi hàng giáo phẩm Phật giáo.
Đức Đệ Tam Tăng thống, cố Đại lão Hoà thượng Thích Đôn Hậu, dù bao gian truân, bức bách, Ngài vẫn đứng thẳng như núi trước chế độ khủng bố, dìu dắt GHPGVNTN thắng lướt mọi ma chướng, nghịch cảnh sau năm 1975 ; chỉ đạo việc hình thành GHPGVNTN Hải ngoại. Đồng thời Ngài phú chúc cho Đại lão Hoà thượng Thích Huyền Quang nối tiếp sự nghiệp phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của GHPGVNTN trước khi Ngài xả báo thân năm 1992. Thế mà nay lại có số người vừa xúc phạm Phật giáo vừa vu cáo vô bằng cá nhân Ngài khi loan truyền lời điêu ngoa, thất thiệt Ngài là “Việt Cộng”.
Giáo hội chúng tôi đòi hỏi những cá nhân, đoàn thể, đảng phái vu cáo đức Đệ tam Tăng thống, cố Đại lão Hoà thượng Thích Đôn Hậu, và hàng giáo phẩm GHPGVNTN, nếu họ tự tin họ đúng, thì phải trưng đủ bằng cớ, tư liệu cho sự vu cáo nói trên.
Hội đồng Lưỡng Viện còn lưu giữ băng ghi âm Đức cố Đệ tam Tăng thống kể lại thời kỳ Ngài bị Cộng sản đến chùa Linh Mụ, Huế, bắt đưa lên núi hồi Tết Mậu Thân, ép buộc đưa ra Hà Nội, cho đến giai đoạn sau 1975 Ngài lên tiếng phản đối nhà cầm quyền Cộng sản đàn áp Phật giáo, phản đối cố Hoà thượng Thích Trí Thủ nhân danh Giáo hội Phật giáo Nhà nước cưỡng chiếm trụ sở GHPGVNTN tại chùa Ấn Quang, và yêu cầu làm sáng tỏ cái chết trong tù của cố Hoà thượng Thích Thiện Minh tháng 10 năm 1978.
Trong năm 1978, sau mười lần cán bộ các cấp đến ép buộc Hoà thượng ra ứng cử đại biểu Quốc hội nhưng Hoà thượng vẫn một mực khước từ. Hai vị trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội được gửi từ Hà Nội vào Huế năn nỉ và xin Ngài đáp ứng. Nhưng ngài vẫn từ chối, lại còn nói thẳng cho hai vị này biết cuộc đàn áp Phật giáo, phá chùa, phá tượng của nhà cầm quyền Cộng sản tại miền Nam, cũng như nói rõ tâm tư quần chúng đối với nhà nước Cộng sản :
“Tình đoàn kết đó, thương yêu đó, kính trọng đó [đối với người kháng chiến, cách mạng] chỉ được 10 ngày ! Sau 10 ngày đó : tình đoàn kết xưa nay bây giờ rã hết ! Lòng thương yêu đổi thành ghét cay ghét đắng ! Sự kính trọng bây giờ người dân trở lại khinh đáo để ! (…) Phật giáo chúng tôi sống qua bao nhiêu chế độ, bị đàn áp một cách tàn bạo. Người Phật tử luôn luôn trông mong một chế độ nào cởi mở hơn, biết điều hơn, để đem lại cho họ một phần cuộc sống đã bị mất. Nhưng từ khi giải phóng đến nay, Phật giáo chúng tôi chẳng những không được trả lại một phần cuộc sống bị mất, mà lại còn bị mất thêm 30 lần nữa”.
Chúng tôi chưa từng nghe các nhà lãnh đạo tôn giáo hay chính trị nào khác dám nói thẳng nhận định phê phán của mình như thế trước mặt nhà cầm quyền Cộng sản sau năm 1975.
Sau năm 1975, những ai từng được nghe Ngài nói chuyện từ Huế đến Đà Nẵng, hẳn còn nhớ lời đáp uy dũng của Ngài khi có người hỏi : “Hiện nay có nhiều gia đình đã dẹp tượng Phật trên bàn thờ để thờ Bác Hồ, việc ấy có đúng và nên làm không ?” Ngài trả lời : “Việc ấy sai, Phật tử thì phải thờ Phật chứ không thờ ai khác !” Một lời đáp đương nhiên. Nhưng ở thời “đại thắng” không phải ai cũng dám nói công khai trước quần chúng.
Một sự kiện khác chứng tỏ hành trạng bậc cao tăng Phật giáo của Đức cố Đệ tam Tăng thống Thích Đôn Hậu thời Ngài bị quản thúc giữa thủ đô Cộng sản ở Hà Nội. Ngài đã khước từ đứng gác quan tài ông Hồ Chí Minh năm 1969, là đặc ân dành cho lãnh đạo cao cấp Đảng. Các nhà lãnh đạo tôn giáo đều thi hành đứng gác quan tài ông Hồ Chí Minh, rồi sau này quan tài ông Tôn Đức Thắng năm 1980. Nhưng Đại lão Hoà thượng Thích Đôn Hậu quyết liệt từ chối. Bộ Chính trị thắc mắc, thì Hoà thượng nói : “Theo truyền thống đạo Phật, người Tăng sĩ khi xuất gia không còn bái lạy ai khác ngoài đức Phật, cho dù đó là Vua (bất bái quân vương). Tôi là tu sĩ Phật giáo nên không thể làm việc ấy”. Bộ Chính trị lại dồn ép : “Bác tuy Tăng sĩ, nhưng còn là một công dân tham gia cách mạng, đây là nhiệm vụ và bổn phận công dân chứ không là Tăng sĩ”. Hoà thượng liền đáp : “Quý vị nói rất đúng, tuy nhiên, xin quý vị thoả mãn một lời yêu cầu của tôi. Tôi tu học và xuất gia tại Huế, nay xin đảng và chính phủ cho tôi được về Huế xin phép chư Tăng cho tôi xả giới thôi làm Tỳ kheo Đôn Hậu, để có thể trở thành công dân Đôn Hậu. Như thế việc gác quan tài Bác mới danh chính ngôn thuận”. Bộ Chính trị bực mình nhưng không bắt bẽ được, đành than : “Thời buổi Mỹ Nguỵ còn chiếm đóng miền Nam làm sao chính phủ đưa bác về Huế được !”
Với ba ví dụ trên đây người có lương tâm không thể nghĩ gì khác hơn về đức hạnh của bậc tu hành. Nếu phải tố cáo hay quy trách nhiệm, thì phải quy trách nhiệm cho chính quyền Việt Nam Cộng hoà đã không làm tròn nghĩa vụ trong việc bảo vệ dân trong Tết Mậu Thân khiến cho khắp nơi dân chúng bị đối phương tàn sát, đặc biệt ở Huế, khiến cho một bậc cao tăng Phật giáo như cố Đạo lão Hoà thượng Thích Đôn Hậu phải bị bắt đi trong đêm tối vào lúc Ngài đang bị xuất huyết dạ dày trầm trọng.
Gần đây tác nhân chính yếu trong chính tình Việt Nam là Hoa Kỳ vừa giải mật một số hồ sơ phơi bày diễn tiến chính sách Hoa Kỳ tại Việt Nam Cộng hoà thông qua sự thi hành của giới chính trị gia bản địa. Qua đó chưa thấy tài liệu nào cho biết GHPGVNTN hay hàng giáo phẩm lãnh đạo GHPGVNTN dính líu đến Cộng sản. Trái lại, việc rõ như ban ngày là sự xâm nhập của những lưới tình báo chiến lược Cộng sản vào nằm giữa Phủ Tổng thống dưới hai triều Tổng thống Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu, nội tuyến trong các cơ quan quốc phòng, cảnh sát, báo chí, v.v… : những ông Vũ Ngọc Nhạ, Huỳnh Văn Trọng, Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn… Chỉ nêu vài tên điển hình, vì thực tế nhiều vô kể. Chẳng có ai là Phật tử trong đám người này (1).
Năm 1963, chư Tăng Ni, Phật tử đứng lên đòi hỏi tự do tín ngưỡng, huỷ bỏ Dụ số 10 tồn tại từ thời thực dân Pháp xem Phật giáo như một hội đoàn, với nhiều kỳ thị, ức chế dưới thời đệ nhất Cộng hoà. Đây là cuộc đấu tranh chính đáng, với quyền tự do của người công dân sống dưới thể chế dân chủ. Không thể gọi phương thức tranh đấu như thế là bất hợp pháp, hay vu cáo “âm mưu lật đổ chính quyền”, “làm lợi cho Cộng sản” theo kiểu vu vạ phi pháp ngày nay dưới chế độ Xã hội Chủ nghĩa. Nếu người Phật giáo vi phạm luật pháp, “làm lợi cho Cộng sản”, thì Nhà nước pháp quyền thời ấy phải truy tố họ ra trước toà án, xét xử phân minh. Không thể tố cáo suông, vu hãm hồ đồ theo lệnh “toà án rỉ tai và chụp mũ”.
Cuộc tranh đấu của Phật giáo đồ năm 1966 là sự đòi hỏi dân chủ chân chính và bức thiết của mọi công dân mong ước sự ra đời của một Chính phủ dân sự, một Quốc hội Lập Hiến để an bình xã hội, trước những cuộc đảo chính liên miên giữa thiểu số tướng lãnh tranh giành quyền bính, bỏ mặc dân lành khốn đốn trong chiến tranh.
Không thể nào vu cáo hàng giáo phẩm GHPGVNTN “rước Cộng sản vào Tết Mậu Thân Huế” hay “dâng miền Nam cho Cộng sản”, khi ai cũng biết rằng hàng tỉ đô la Hoa Kỳ đổ ra nuôi một bộ máy quốc gia chống Cộng, nuôi hàng triệu binh sĩ, cảnh sát, mật vụ chống Cộng, với sự tiếp tay của nửa triệu binh sĩ Hoa Kỳ. Những tác nhân chính này đã làm gì để bảo vệ Miền Nam ? Trong khi ấy chư Tăng, Ni, Phật tử tay không khí giới, túi không tiền bạc thì làm sao có thể “dâng miền Nam cho Cộng sản” ? Từ đêm 20.8 chính quyền tấn công chùa chiền, bắt bớ Tăng Ni cho đến ngày 2.11.1963 chư Tăng Ni, Phật tử, hàng giáo phẩm lãnh đạo Uỷ ban Liên Phái Bảo vệ Phật giáo (tiền thân của GHPGVNTN) còn nằm trong tù, thì làm sao họ có thể là “chủ lực” lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm đưa tới vụ thảm sát ông và bào đệ ông ?
Cuốn băng ghi âm cuộc nói chuyện giữa ông Kissinger và ông Chu Ân Lai ngày 20.6.1972 được giải mật cho thấy Hoa Kỳ đã bàn giao Miền Nam cho Trung Cộng, nhờ vậy Trung quốc mới chỉ thị cho ông Lê Đức Thọ khai thông Hoà hội Paris đang bế tắc. Cùng với những tài liệu giải mật gần đây cho thấy Hoa Kỳ là tác nhân chính bỏ rơi miền Nam. Rồi tiếp tay cho sự sụp đổ miền Nam là giới lãnh đạo Việt Nam Cộng hoà chứ chẳng ai khác (2).
Qua bản Thông tư hôm nay Ban Chỉ đạo Viện Hoá Đạo kêu gọi chư Tôn đức Tăng Ni, Phật tử, đặc biệt ở hải ngoại có nhiều phương tiện thông tin, tìm kiếm tài liệu, hãy thu tập chứng liệu và tìm phương cách giải hoặc những bài viết hoặc do thiếu hiểu biết, hoặc cố tâm vu cáo GHPGVNTN theo các chủ trương tiêu diệt những sinh lực dân tộc, mà Phật giáo là một, cho những viễn đồ phi dân tộc và phản tổ quốc.
Thông tư hôm nay là lần đầu tiên Giáo hội Trung ương lên tiếng, mà cũng là lần cuối cùng cất lên trước hiện trạng mạ lỵ kéo dài hàng chục năm bằng thứ ngôn ngữ khiếm nhã và lý luận hồ đồ. Không phải để đôi co mà là để phản bác những vu hãm đầy hậu ý đối với Giáo hội bấy lâu nay.
Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống
kiêm Viện trưởng Viện Hoá Đạo, GHPGVNTN
(ấn ký)
Sa môn Thích Quảng Độ
Chú thích của Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế :
(1) Ông Cố Vấn – Hồ sơ một Điệp viên, Hữu Mai, 3 tập, NXB Quân đội Nhân dân, Hà Nội 1989 :
– Xem tư liệu gốc facsimile cạnh trang 17, tập 2, về Vũ Ngọc Nhạ và Hồng y Spellman trao đổi việc chọn Thủ tướng cho VNCH và Tổng thống Thiệu viết thư tay cám ơn Vũ Ngọc Nhạ đã liên lạc các Linh mục và bạn Mỹ để giúp ông Thiệu.
– Xem facsimile cạnh trang 32, tập 2, thư Tổng thống Thiệu giới thiệu Huỳnh Văn Trọng, Phụ tá Tổng thống, sang Mỹ vận động cho VNCH (sic).
– Xem facsimile cạnh trang 33, tập 2, hai bức thư của cựu Cố vấn Tổng thống Tưởng Giới Thạch và Tổng thống Ngô Đình Diệm, và William Colby, Giám đốc CIA ở Saigon, gửi Cố vấn Vũ Ngọc Nhạ và Huỳnh Văn Trọng năm 1968.
Đồng thời xem lại các báo chí tại Saigon tường thuật chi tiết vụ Toà án Quân sự Mặt trận xử “Vụ Tình báo chiến lược Cộng sản” (tức Cụm tình báo A.22), đặc biệt là những công chức cao cấp VNCH như Vũ Ngọc Nhạ (kẻ thân tín của các Đức Cha Lê Hữu Từ, Hoàng Quỳnh), Huỳnh Văn Trọng, Lê Hữu Thuý, Nguyễn Xuân Hoè, Vũ Hữu Ruật, v.v… Báo Đồng Nai ngày 29.11.1969 viết tít lớn ngay trang đầu : “Uỷ viên Chánh phủ buộc tội Vũ Ngọc Nhạ cố ý cài Huỳnh Văn Trọng đi Mỹ để khích động Phong trào Phản chiến tại Hoa Kỳ”.
(2) Trong sách “The Mighty and the Almighty, Reflections on America, God and World Affairs”, (Những Kẻ mạnh và đấng Tối cao, Suy nghĩ về Hoa Kỳ, Thượng đế và Việc Thế giới), NXB HarperCollins, New York 2006, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Madeleine Albright viết về sự sai lầm của Hoa Kỳ tại Việt Nam do xem nhẹ vai trò tôn giáo ở trang 43 và 44, rằng : “Chiến tranh Việt Nam vốn là cuộc tranh chấp giữa một ý thức hệ chính trị với chủ nghĩa quốc gia, nhưng trong đó còn có vai trò tôn giáo. Ngay lúc khởi đầu mục tiêu chống Cộng đã bị suy yếu vì chính quyền Saigon đàn áp Phật giáo, mà Phật giáo là cơ sở không cộng sản lớn nhất tại Việt Nam (PTTPGQT nhấn mạnh). Quyền treo cờ tôn giáo bị cấm trong Ngày Phật Đản, tín đồ phản chống, thúc đẩy quân đội nổ súng, một phản ứng làm cho Phật tử càng thêm chống đối. Một số nhà sư mặc áo vàng tự thiêu trước ống kính các nhà báo quốc tế làm cho dư luận trong nước và quốc tế nổi lên chống chính sách Hoa Kỳ. Tổng thống Diệm, là chính quyền do Hoa Kỳ yểm trợ, ra lệnh thiết quân luật và bắt bớ các lãnh đạo Phật giáo. Bà em dâu của Tổng thống dấn thêm tai hoạ khi tuyên bố sự tự thiêu của chư Tăng như một cuộc“nướng thịt” (a barbecue). Sự kiện đó đã khiến cho chúng ta không thu phục được trái tim và lòng người dân Việt. (…) Rồi khi [Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam] bọn phản chiến ăn mừng. Nhưng những kẻ biết suy nghĩ trong họ đã cảnh tỉnh khi thấy các chính quyền tham nhũng thân Tây phương ở Miền Nam và Cam Bốt bị lật đổ, một chế độ độc tài toàn trị áp đặt lên Miền Nam và để cho Pol Pot tạo ra những cánh đồng thảm sát. Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam gây ra thảm nạn cho hàng triệu Người Vượt biển và sọ người chồng chất thành núi”. (Even the Vietnam War, primarily a struggle over political ideology and nationalism, has a religious component. From the outset, the anti-communist cause was undermined because the government in Saigon repressed Buddhism, the largest noncommunist institution in the country. Denied the right to display religious banners in celebration of Buddhas birthday, worshippers rioted, prompting troops to shoot, a reaction that in turn provoked more riots. Several yellow-robed monks set themselves on fire in front of international news photographers, helping to turn local and world opinion against American policy. President Diem, whose government we were propping up, declared martial law and began arresting Buddhist leaders. Diems sister-in-law made the disaster complete by publicly referring to the immolations as “a barbecue”. This was hardly the way to win the hearts and minds of the Vietnamese people. (…) Once [America withdrew from Vietnam], the activists celebrated. But the best grew somber when the corrupt, pro-western governments in South Vietnam and Cambodia were overthrown by regimes that imposed totalitarian rule in the former and created the killing fields of Pol Pot in the latter. America out of Vietnam was a nightmare of a million boat people and a mountain of skulls).
(The Mighty and the Almighty, Reflections on America, God and World Affairs, Madeleine Albright, HarperCollins Publisher, New York 2006, p. 43-44)