Trong tình hình hiện nay, do âm mưu của chủ nghĩa đế quốc và bọn phản động quốc tế muốn sử dụng tôn giáo như là một công cụ để thực thi chiến lược diễn biến hòa bình hòng chống phá chủ nghĩa xã hội, nên càng làm cho vấn đề tôn giáo ở bất cứ nước nào cũng như ở nước ta tăng thêm phần phức tạp.
Thời gian qua, việc nhóm tu sĩ cực đoan trong Phật giáo Ấn Quang do Huyền Quang cầm đầu câu kết với bọn phản động lưu vong ở hải ngoại (rõ nét nhất là Võ Văn Ái) từ lợi dụng đám tang cho đến lễ tiểu tường (giỗ đầu) Hòa thượng Thích Ðôn Hậu để chống phá ta… Rõ ràng nó nằm trong âm mưu chung của bọn thù địch lấy vấn đề nhân quyền, đa nguyên chính trị, đa đảng làm mất ổn định xã hội và gây bạo loạn lật đổ chế độ ta.
Ðiều kiện nào đã tạo cho các thế lực thù địch thực hiện những hành động chống phá ta ? Chúng ta đều thấy rõ quan điểm chủ trương chính sách pháp luật của Ðảng và Nhà nước rất rõ ràng, đúng đắn. Song, trên thực tế việc thực hiện còn sơ hở, thiếu sót, chưa thật nghiêm minh cả về phía những người có trách nhiệm thi hành chính sách pháp luật và những người có trách nhiệm quản lý Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nên đã để những vấn đề phức tạp trong Phật giáo nảy sinh, kẻ địch đã dễ bề lợi dụng những kẽ hở đó chống phá ta, làm phương hại đến an ninh và trật tự của đất nước. Vì vậy, việc tìm hiểu thực trạng tình hình Phật giáo nước ta để có giải pháp đi vào ổn định, không để kẻ địch lợi dụng chống phá có một ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Ðạo Phật du nhập nước ta đã gần 2000 năm. Trong quá trình tồn tại và phát triển, Phật giáo Việt Nam luôn gắn với dân tộc tích cực đóng góp công sức cùng đồng bào cả nước chống các thế lực ngoại xâm giành độc lập dân tộc, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
Trước cách mạng tháng Tám 1945 và trong hai cuộc kháng chiến, nhiều nhà chùa, nhiều tăng ni, phật tử đã có công nuôi giấu cán bộ và ủng hộ cách mạng. Phật giáo miền Bắc, từ năm 1960 là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tích cực tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phật giáo miền Nam trước đây, trong tình hình ngụy quyền đưa Thiên chúa giáo di cư từ miền Bắc vào, tạo ra một lực lượng hậu thuẫn cho chúng và âm mưu biến Thiên chúa giáo thành quốc đạo. Phật giáo miền Nam phải tập hợp thành lực lượng đối trọng để tồn tại và phát triển. Quá trình đó phát sinh một số cao tăng muốn chính trị hóa Phật giáo, biến phật tử, tăng ni thành lực lượng hậu thuẫn cho họ và hình thành các thế lực độc tôn ngay trong Phật giáo. Trước tình hình đó, Mỹ-ngụy đã có chính sách lợi dụng Phật giáo. Theo sự chỉ đạo của Mỹ-ngụy, Thích Tâm Châu đã ly khai và phá hoại sự thống nhất Phật giáo Ấn Quang, lập ra “Việt Nam Quốc tự”, sử dụng Nha Tuyên úy Phật giáo tiếp tay cho Mỹ-ngụy. Số lãnh đạo Phật giáo Ấn Quang bị Mỹ-ngụy tác động chia rẽ và do tranh giành địa vị nên chia thành nhiều bè phái, nổi nhất là nhóm Thích Trí Quang và Thích Huyền Quang.
Sau giải phóng miền nam, một số phần tử phản động lợi dụng Phật giáo lộ mặt đã di tản ra nước ngoài như Thích Tâm Châu, Thích Hộ Giác, Thích Mẫn Giác, Thích Quảng Ba. Số còn lại (Thích Thanh Kiểm, Thích Ðức Nghiệp…) đã khôn khéo hiến chùa cho cách mạng nên được số sư kháng chiến cũ cho nhập làm “Phật giáo yêu nước”. Số Phật giáo Ấn Quang trước đây có công trong phong trào Phật giáo chống Mỹ-ngụy, mặc cảm bị nghi ngờ, bạc đãi trong khi Nhà nước ưu ái với nhóm phản động Việt Nam Quốc tự cũ cùng với một số việc như thu tài sản chùa chiền của họ, nên họ đã có những hoạt động chống đối việc thống nhất Phật giáo toàn quốc, chống Nhà nước. Tiêu biểu cho số này là Thích Huyền Quang, Thích Quảng Ðộ, Thích Thiện Minh (chết 1978), Thích Thông Bửu, Thích Nhật Thiện, Thích Thuyền Ấn (đã đi Mỹ theo diện ODP 1993), Thích Không Tánh.
Ta đã quyết định bắt Thích Thiện Minh, đẩy đuổi, buộc cư trú Thích Huyền Quang và Thích Quảng Ðộ. Tình hình tạm ổn định, việc vận động thống nhất Phật giáo cả nước đã được đông đảo tăng ni, phật tử của 9 tổ chức, hệ phái tham gia vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Thực sự phải thừa nhận chỉ có hệ phái Ấn Quang là tổ chức tập hợp được lực lượng đông đảo. Nhưng do trước đây hệ phái này bị Mỹ-ngụy phân hóa nên ta đã cảnh giác với số cầm đầu và tìm mọi cách xóa dẹp. Sau khi thống nhất Phật giáo cả nước, các hệ phái khác vẫn tồn tại sinh hoạt riêng. Do đó mới có một số tăng ni, phật tử thuộc hệ phái Ấn Quang, luôn luôn nuôi dưỡng ý thức đòi Ấn Quang được độc lập tồn tại như các hệ phái khác.
Gần đây, trước biến động của tình hình thế giới và sự tác động của bọn phản động lưu vong, số cực đoan ở trong nước đã lợi dụng chính sách đổi mới của ta, và khai thác các sai sót trong việc thực hiện chính sách đối với Phật giáo để kích động lôi kéo tăng ni phật tử chống đối Nhà nước, đặc biệt từ lễ tang Hòa thượng Thích Ðôn Hậu đến nay nhóm cực đoan quá khích do Thích Huyền Quang đứng đầu đã ráo riết hoạt động đòi phục hồi Phật giáo Ấn Quang. Chúng đã sọan thảo, in ấn, tán phát 45 loại tài liệu có nội dung kích động chia rẽ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chống đối Nhà nước, đòi phục hồi tổ chức Phật giáo Ấn Quang… đồng thời gửi các tài liệu này cho bọn phản động lưu vong để tán phát rộng trong tăng ni, phật tử ở nước ngoài. Kết hợp với sự kích động từ ngoài nước, ở trong nước nhóm Huyền Quang âm mưu lợi dụng lễ tiểu tường của Hòa thượng Thích Ðôn Hậu tại Huế để công khai hóa Phật giáo Ấn Quang, ra mắt Hội đồng Lưỡng viện hòng tiến tới “hiệp thương” với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thực chất là loại bỏ Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Phải thấy đây là cuộc đấu tranh lâu dài.
Về phía ta, phải thừa nhận đã có lúc có những sai lầm đối với Phật giáo (PTTPGQT nhấn mạnh). Từ sau giải phóng đến nay, quá trình đánh giá và đối xử với Phật giáo Ấn Quang có những điểm không đúng như đã coi họ là CIA, phản động trong khi dù hoàn cảnh nào họ cũng là nòng cốt trong phong trào Phật giáo chống Mỹ, ta đã tìm mọi biện pháp hạn chế quyền hạn, vị trí của một số người trong lãnh đạo phái Ấn Quang trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Một số người của Ấn Quang được tham gia và có vị trí trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì lại không phải là những người tiêu biểu có uy tín của Phật giáo Ấn Quang. Ða số còn lại khá đông trong phái Ấn Quang cảm thấy bị nghi ngờ, phân biệt đối xử, bất mãn đó đã tích tụ kéo dài nên ngay từ Hòa thượng Thích Ðôn Hậu đến một số cao tăng Phật giáo Ấn Quang không tham gia Ban vận động thống nhất Phật giáo toàn quốc và Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Măt khác, cũng phải nhìn nhận rõ số cao tăng Phật giáo Ấn Quang tham gia Giáo hội Phật giáo hiện nay nói trên có Hòa thượng Thích Trí Tịnh (Chủ tịch Hội đồng trị sự trung ương), Hòa thượng Thích Thiện Siêu (phó chủ tịch Hội đồng trị sự trung ương), Hòa thượng Thích Minh Châu (Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng trị sự trung ương), Thượng tọa Thích Trí Quảng (trưởng ban Hoằng pháp), Thượng tọa Thích Thiện Hạnh (ủy viên Ban trị sự Phật giáo Thừa thiên Huế). Nói chung họ có tư tưởng, thái độ tốt, nhưng có nhiều tâm trạng khác nhau. Trước đây, họ không có vị trí ảnh hưởng trong Phật giáo Ấn Quang. Hiện nay là lãnh đạo giáo hội mới nên nằm trong thế e ngại không dám đấu tranh. Quá trình hoạt động chia rẽ Phật giáo, chống đối Nhà nước của nhóm Huyền Quang, họ đã né tránh không tham gia trực tiếp giải quyết hoặc lên tiếng phản đối, nên không phát huy được vai trò lãnh đạo của trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, không đủ uy tín và tầm cỡ để tập hợp giáo hội đấu tranh nên ngày càng dựa vào Nhà nước, do đó uy tín càng bị giảm (PTTPGQT nhấn mạnh).
Diễn biến tình hình Phật giáo trong thời gian qua có tác động mạnh mẽ đến tư tưởng hàng ngũ cao tăng – tăng ni và đã dẫn đến sự phân hóa, có ảnh hưởng lớn đến việc đoàn kết, ổn định Phật giáo và tác động xấu đến an ninh chính trị, xã hội. Vì vậy, cần có đánh giá chính xác, đầy đủ để trên cơ sở đó có giải pháp đúng và sớm đi vào ổn định.
Ở trong nước, đại đa số cao tăng, tăng ni các hệ phái tham gia Giáo hội Phật giáo Việt Nam (kể cả cao tăng Phật giáo Ấn Quang) đều không đồng tình với hoạt động của số cực đoan quá khích và nhất trí với cách giải quyết của Nhà nước, nhưng họ có tâm tư về việc chùa chiền, đất đai bị xâm phạm chưa được trả lại, có mặc cảm ta đối xử không công bằng giữa Phật giáo và Thiên Chúa giáo, vì vậy họ còn dè dặt không công khai phản đối số cực đoan.
Gần đây, số cao tăng Phật giáo Ấn Quang tham gia Giáo hội Phật giáo Việt Nam được ta vận động nên một số có tỏ rõ thái độ phản đối với nhóm Huyền Quang, nhưng có người còn né tránh không dám đứng ra giải quyết những vấn đề của nội bộ để ổn định giáo hội.
Số cao tăng Phật giáo Ấn Quang không tham gia Giáo hội Phật giáo Việt Nam như Thích Trí Quang, Thích Quảng Ðộ, Thích Thông Bửu, Thích Quảng Liên, Thích Quảng Long, Thích Ðức Nhuận, Thích Ðức Nghiệp, Thích Trí Dũng, Thích Trí Nghiêm, trước đây phần lớn họ có vị trí lớn trong Phật giáo Ấn Quang, có trình độ và bản lĩnh, có uy tín đối với tăng ni Phật tử Ấn Quang trong và ngoài nước, do không đồng tình với cách làm để thống nhất Phật giáo Việt Nam nên bất mãn không tham gia Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong tâm tư của họ vẫn còn mặc cảm về chính sách của Nhà nước đối với Phật giáo Ấn Quang. Khi ta tranh thủ, tác động họ cũng thấy rõ chính sách của ta nhưng đồng thời họ cũng muốn Nhà nước giải quyết hợp lý tâm tư nguyện vọng của họ kể cả việc có vị trí trong giáo hội mới nếu họ có tham gia.
Nhóm Huyền Quang chủ yếu là Huyền Quang, Long Trí, Hải Tạng, Trí Tựu, Không Tánh tuy lực lượng không nhiều, ảnh hưởng không lớn, nhưng rất cực đoan, xảo quyệt, kiên trì phối hợp được với một số bất mãn nhiều nơi trong nước, câu kết được với bọn phản động lưu vong bên ngoài.
Huyền Quang trước đây do bất mãn cá nhân có các hoạt động chống thống nhất Phật giáo, chống chế độ quyết liệt đã bị ta xử lý đẩy đuổi về Quảng Ngãi. Hiện nay bọn phản động quốc tế đã lập ra các ủy ban bảo vệ Huyền Quang ở nước ngoài. Nhưng ở trong nước gần đây Huyền Quang ngày càng bị cô lập vì các cao tăng phật tử đã rõ bản chất cá nhân của y.
Long Trí trước đây có tham gia ủng hộ cán bộ cách mạng, là phó chủ tịch Mặt trận tỉnh, sau bất mãn, là người điều hành, tham mưu có trình độ nhưng phẩm hạnh tu hành kém, bê bối về đời tư, tuy vậy, Long Trí vẫn còn chi phối được số Gia đình Phật tử ở Quảng Nam cũ.
Không Tánh, Hải Tạng, Trí Tựu là số trẻ mới tu hành bị tác động chi phối của Huyền Quang và bị ảnh hưởng tư tưởng bất mãn của Hòa thượng Ðôn Hậu khi còn sống, nên số này rất hung hăng trong việc thực hiện sự chỉ đạo của Huyền Quang, Long Trí.
Qua gần hai năm hoạt động chống đối và liên tiếp bị thất bại, nhóm Huyền Quang ngày càng bị cô lập, nhưng không thay đổi về bản chất. Do liên kết với bọn phản động Phật giáo lưu vong nên chúng dùng khẩu hiệu đòi phục hồi Ấn Quang, thực chất để biện minh cho việc chống đối về chính trị, đối lập với chế độ. Chúng đã gây được ảnh hưởng ở một số nơi, nhất là trong phong trào Gia đình Phật tử ở Quảng Nam – Ðà Nẵng, một phần ở Huế, Quảng Trị và rải rác ở một số tỉnh phía nam và thành phố Hồ Chí Minh.
Ở nước ngoài bọn phản động lợi dụng Phật giáo lưu vong ở Úc, Pháp chủ yếu là số di tản; trốn ra nước ngoài như Thích Tâm Châu, Thích Mẫn Giác, Thích Hộ Giác, Thích Quảng Ba… và Võ Văn Ái đều thuộc loại đàn em của số cao tăng trong nước, thực lực của chúng không mạnh và thường xuyên có mâu thuẫn với nhau, nhưng chúng lợi dụng các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các phương tiện thông tin để kích động tuyên truyền vu cáo ta đàn áp Phật giáo, vi phạm nhân quyền. Ðại đa số phật tử và cả một số cao tăng ở nước ngoài là tốt nhưng do thiếu thông tin đúng đắn ở trong nước nên đã bị bọn phản động xuyên tạc tình hình làm cho nhiều người lo ngại băn khoăn cho Phật giáo trong nước, do đó có người bị chúng lôi kéo vào những hoạt động chống đối lại đất nước.
Trước tình hình trên Ban Bí thư đã có chỉ thị 21 ngày 18-5-1993, nhưng theo chúng tôi rất cần được chỉ đạo chặt chẽ, đảm bảo việc thực hiện nghiêm minh. Thưc tế ở cơ sở nếu thi hành đúng chỉ thị, nhất là việc trả lại chùa chiền, thay đổi thái độ đối với Phật giáo, cao tăng… sẽ đụng chạm đến quyền lợi của địa phương. Ðây là vấn đề phải giải quyết đúng đắn, dứt khoát, không vì lợi ích riêng mà làm sai chính sách pháp luật, gây thiệt hại chung.
Nếu thực hiện tốt và thống nhất Chỉ thị 21 sẽ tạo ra chuyển biến mới, làm thay đổi thái độ Phật giáo với cách mạng.
Ðể làm chuyển biến nhận thức của các tôn giáo, tăng cường đoàn kết dân tộc, cân bằng mọi biện pháp thực tế làm cho các tôn giáo thấy được chính sách của Ðảng đối với các tôn giáo, họ thấy cần và tự giác thừa nhận sự lãnh đạo chính trị của Ðảng, sự quản lý xã hội của Nhà nước. Riêng với Phật giáo đề nghị Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ xem xét lại thực chất cơ cấu tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay đã thật sự đại diện cho toàn thể Phật giáo Việt Nam chưa (PTTPGQT nhấn mạnh) ; nghiêm túc xem lại những sai sót cũ làm nảy sinh những mầm mống chống đối trong Phật giáo, từ đó ta thật sự đối thoại với số lớn cao tăng từ 17 năm nay đã có thái độ thích nghi ôn hòa, trung lập hoặc đã tỏ ra chịu sự cải tạo. Với tình hình hiện nay nếu ta tranh thủ vận động được họ tự nguyện tham gia vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ rất có lợi trong việc ổn định tình hình Phật giáo, cô lập số cực đoan trong và ngoài nước, kẻ địch không thể lợi dụng sơ hở để kích động chống đối Nhà nước. Trong số cao tăng trên cần đặc biệt vận động tranh thủ lôi kéo Thích Trí Quang, Thích Quảng Ðộ, Thích Thông Bửu, Thích Ðức Nhuận, Thích Quảng Liên xóa bỏ định kiến, tạo điều kiện cho họ ổn định làm phật sự kể cả động viên một số tham gia vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Ðối với nhóm Huyền Quang : Trước hoạt động gây rối ở Huế cần nghiêm trị, mặc dù có thể có tên còn ngoan cố không nhận (Trí Tựu) nhưng đủ chứng cứ có tội ta vẫn xử lý, kết hợp với vận động dư luận trên báo chí, thái độ cao tăng phật tử để xác lập kỷ cương phép nước.
– Với Long Trí cần đẩy mạnh đấu tranh để buộc y đầu hàng và dùng y để đấu tranh lại với Huyền Quang.
– Với Huyền Quang phải tiến hành trên hai mặt : Chính phủ có thái độ rõ ràng cho y biết những sai trái của y, phát động cao tăng lên án việc làm vừa qua thì mới có giá trị thuyết phục dư luận trong nước và quốc tế, đồng thời mở đường cho y làm được việc gì cho phật sự thì khuyến khích để giảm mặt chống đối của y (PTTPGQT nhấn mạnh).
– Mở đợt tấn công đối ngoại : ngoài việc sử dụng các thông tin rộng rãi, cần đi sâu vận động cao tăng trong nước tham gia trận địa dư luận này. Có thể dùng các phương tiện thông tin để truyền mọi tình hình phật sự trong nước, ý kiến các cao tăng tới các chùa, các tăng ni phật tử tiến bộ ở nước ngoài để có lượng thông tin tích cực lành mạnh tác động vào dư luận quốc tế. Ðề nghị Ban Việt kiều liên lạc với các cộng đồng Phật giáo ở nước ngoài, để tổ chức tập họp lực lượng phân hóa cô lập bọn phản động (PTTPGQT nhấn mạnh).
– Phối hợp giữa các ngành : công an, dân vận, mặt trận, tôn giáo để thực hiện đối sách với từng vị cao tăng có địa vị để thống nhất mục đích sử dụng số này (PTTPGQT nhấn mạnh). Cần chọn người đối thoại đủ uy tín và phải cởi mở sòng phẳng, bình đẳng để họ tự giác cảm nhận đi đến cộng tác với ta.
Nhân dịp Ðảng, Nhà nước có chủ trương củng cố các ban tôn giáo từ trung ương đến các tỉnh, đề nghị cần kiên quyết thay đổi những người vừa qua tỏ ra không mẫu mực, do cá nhân đã tham mưu sai lầm, dẫn đến nhiều việc làm đụng chạm đến các tôn giáo gây nên sự hiểu lầm với sự lãnh đạo của Ðảng. Ðồng thời cũng phải luôn quan tâm giáo dục chính trị tư tưởng vì Ban tôn giáo cũng là mục tiêu bọn phản động trong các tôn giáo thường xuyên nghiên cứu tấn công, lung lạc để làm lợi cho họ.
Ðề nghị Ban Bí thư tổ chức họp các ngành dân vận, tôn giáo, nội vụ, ngoại giao, Việt kiều để thống nhất tình hình và chương trình hành động chung đối với Phật giáo.