Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Tin UBBVQLNVN / Tại Hội nghị lần thứ 37 của Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền ở Arménie : 164 tổ chức thành viên trong thế giới lên tiếng tố cáo Hà Nội đàn áp nhân quyền

Tại Hội nghị lần thứ 37 của Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền ở Arménie : 164 tổ chức thành viên trong thế giới lên tiếng tố cáo Hà Nội đàn áp nhân quyền

Download PDF

PARIS, ngày 12.4.2010 (QUÊ MẸ) – 164 tổ chức thành viên của Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền đến từ Á châu, Phi châu, Âu châu, Bắc Mỹ châu và Châu Mỹ La tinh về thủ đô Erevan, Arménie, tham dự Hội nghị lần thứ 37 từ ngày 6 đến 10.4.2010, đã thông qua với đa số tuyệt đối bản Quyết nghị khẩn tố cáo nhà cầm quyền Hà Nội đàn áp nhân quyền tại Việt Nam.

Bản Quyết Nghị tố cáo những cuộc bắt bớ các nhà bảo vệ nhân quyền, các nhà ly khai chính trị hay tôn giáo và kêu gọi Việt Nam chấm dứt những cuộc đàn áp đối với các tổ chức tôn giáo không được thừa nhận như trường hợp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Bản Quyết nghị nói lên mối quan tâm đặc biệt của 164 tổ chức thành viên của Liên Đoàn trước sự vi phạm tự do ngôn luận : “Việt Nam tiếp diễn chiến dịch tàn bạo nhằm bóp nghẹt tư do ngôn luận trên Internet, sách nhiễu và bắt bớ các nhà bloggers, cho tin tặc đánh phá và đóng cửa các Trang nhà phê phán chính phủ, hoặc xâm nhập, cướp phá những nguồn tin Internet”.

Bản Quyết nghị còn biểu tỏ mối thất vọng của các đại biểu tham dự Hội nghị lần thứ 37 của Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền trước những bước dò dẫm của tổ chức mới có tên Ủy hội Liên chính phủ về Nhân quyền (AICHR) của ASEAN do Việt Nam làm chủ tịch, đặc biệt sự kiện “Ủy hội đã từ khước gặp gỡ các xã hội dân sự để xem xét những khiếu nại tại cuộc họp đầu tiên ở thủ đô Jakarta (từ 28.3 đến 1.4.2010) lấy cớ không muốn xâm phạm vào chuyện nội bộ các quốc gia”.

Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền ra đời năm 1922 tại Pháp, là tổ chức nhân quyền quốc tế quan trọng và có quá trình họat động lâu đời. Đại biểu cho Việt Nam, ông Võ Trần Nhật, Thư ký điều hành Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam tham dự Hội nghị. Sau đây là nguyên văn bản Quyết Nghị :

Quyết Nghị khẩn
về tình hình nhân quyền tại Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam

Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền họp Hội nghị lần thứ 37 tại Erevan, Arménie,

Nhận thấy rằng tại cuộc Kiểm điểm Thường kỳ Toàn diện trước Hội đồng Nhân quyền LHQ (tháng 9.2009) Việt Nam đã từ khước bảo vệ và thăng tiến nhân quyền khi bác bỏ hơn 40 lời khuyến thỉnh cụ thể và có lương tri của các quốc gia thành viên LHQ nhằm cải thiện tình hình nhân quyền tại Việt Nam ;

Nhận thấy rằng kể từ ngày 1.1.2010, Việt Nam chủ trì cơ cấu mới của ASEAN là Ủy hội Liên chính phủ về Nhân quyền, nhưng đồng lõa với một số quốc gia thành viên khác, Việt Nam đã áp dụng thứ ngôn ngữ hai mặt, khi nhân danh Ủy hội khước từ gặp gỡ các xã hội dân sự để xem xét những khiếu nại tại cuộc họp đầu tiên ở thủ đô Jakarta (từ 28.3 đến 1.4.2010) lấy cớ không muốn xâm phạm vào chuyện nội bộ các quốc gia thành viên ;

Nhận thấy rằng Việt Nam tiếp tục chiến dịch tàn bạo nhằm bóp nghẹt tư do ngôn luận trên Internet, thông qua việc sách nhiễu và bắt bớ các nhà bloggers, cho tin tặc đánh phá và đóng cửa các Trang nhà phê phán chính phủ, hoặc xâm phạm, cướp phá những nguồn tin Internet (con Ngựa thành Troie vừa được khám phá cuối tháng ba vừa qua trong các phần mềm thuộc chương trình VPS để do thám người sử dụng vi tính) ;

Nhận thấy rằng Việt Nam tiếp tục sử dụng những điều luật mơ hồ và hổ lốn của cái gọi là “an ninh quốc gia” để kết án “gián điệp”, “tuyên truyền chống phá Nhà nước”, hoặc những hành động bị xem như “lật đổ chính quyền”, hoặc “lợi dụng tự do dân chủ”, để đàn áp nặng nề các nhà bất đồng chính kiến, những nhà bảo vệ nhân quyền, hay chỉ là những người tham gia biểu tình, như đã xẩy ra gần đây :

– Tháng 10.2009, chín nhà hoạt động dân chủ bị kết án đến 10 năm tù giam (Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Mạnh Sơn, Nguyễn Văn Tỉnh, Ngô Quỳnh, Nguyễn Kim Nhân, Vũ Văn Hùng, Trần Đức Thạch và Phan Văn Trội) là những người được Tổ Hành động chống Bắt bớ Trái phép của LHQ công nhận bị bắt bớ trái phép (Quan điểm 1/2009 của LHQ hồi tháng 5).

– Qua các ngày 28.12.2009 và 20.1.2010, năm nhà bất đồng chính kiến khác bị kết án đến 16 năm tù giam vì đòi hỏi cho nhân quyền và dân chủ (Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Trần Anh Kim, Lê Công Định và Lê Thăng Long).

Nhận thấy rằng các nhà bất đồng chính kiến đều bị quản thúc tại gia hàng chục năm ròng, khi không bị giam tù, như trường hợp Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, nhà lãnh đạo tối cao Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, là Giáo hội lịch sử và độc lập bị cấm hoạt động từ năm 1981, bị tù đày và quản thúc suốt 28 năm qua ;

Nhận thấy rằng các tổ chức bảo vệ nhân quyền không được quyền hiện hữu tại Việt Nam, nên các cộng đồng tôn giáo không được thừa nhận đang đóng vai trò bảo vệ nhân quyền và bị nhà cầm quyền Việt Nam đàn áp không ngừng.

Kêu gọi Việt Nam và các quốc gia thành viên ASEAN nỗ lực để Ủy hội Liên Chính phủ về Nhân quyền bảo vệ và thăng tiến hữu hiệu cho nhân quyền. Để thực hiện việc này Ủy hội cần trang bị những phương tiện thực hữu để thi hành nhiệm vụ, và các quốc gia thành viên không được nại cớ “chủ quyền quốc gia” để bao che cho những vi phạm nhân quyền.

Kêu gọi Việt Nam thiết lập sự hợp tác chân thành và thực hữu với LHQ trên các lĩnh vực nhân quyền, đặc biệt là mời các Báo cáo viên đặc nhiệm LHQ về tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, về nạn tra tấn, hoặc Tổ Hành động chống Bắt bớ trái phép của LHQ đến thăm Việt Nam, cũng như bãi bỏ các điều luật chống nhân quyền mà LHQ không ngừng kêu gọi.

Yêu cầu Việt Nam trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho tất cả tù nhân bị giam giữ vì họ ôn hòa lên tiếng đòi hỏi cho các tự do cơ bản, như trường hợp Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ và những nhà hoạt động nêu tên trên đây.

Kêu gọi Việt Nam chấm dứt chiến dịch đàn áp tự do ngôn luận mà mục tiêu gây tạo bầu khí sợ hãi thường trực. Yêu cầu Việt Nam ban bố tự do báo chí, tự do thành lập công đoàn độc lập, cũng như các tổ chức Phi chính phủ với quy chế tự do.

Kêu gọi Cộng đồng thế giới cứng rắn trên vấn đề nhân quyền khi trao đổi các quan hệ ngoại giao và doanh thương với Việt Nam.

Check Also

VCHR và FIDH vạch trần những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Việt Nam trước cuộc xem xét Báo cáo định kỳ của Việt Nam về Công ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc về các quyền dân sự và chính trị

PARIS, ngày 5 tháng 1 năm 2024 (VCHR) – Trong Báo cáo chung gửi Ủy …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *