Home / Diễn Đàn / Góp ý kiến / Tính chất Chính trị trong chuyến đi của Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Tính chất Chính trị trong chuyến đi của Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Download PDF

Chuyến đi của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh đã gây xôn xao trong dư luận quần chúng ở trong và ngoài nước. Chưa bao giờ có một sự tranh luận công khai trên giới truyền thông về một chuyến đi của Thiền Sư (TS) như đã xảy ra trong những ngày vừa qua. Thực sự thì dư luận đã bán tán nhiều về chuyến đi này từ khi có thông báo chính thức của Làng Mai. Trong bài phỏng vấn dành cho thông tấn xã AFP, Thiền Sư Thích Nhất Hạnh nói : “Chuyến đi của tôi không có tính chính trị”. Tuy nhiên theo nhận xét của phóng viên AFP, thì “lời nhận xét của thầy dường như cho thấy ngược lai” (1).

Vậy chúng ta hãy xem thử, có thật chuyến đi của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh có tính chính trị hay không ?

Trong bài này, để tránh khỏi bị cho là “trích dẫn ngoài văn mạch (out of context)” (2) người viết sẽ dựa vào băng ghi âm lời phát biểu của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh do chính Đạo Tràng Mai Thôn phát đi trên trang web của Làng Mai, và một ít tài liệu có ghi rõ xuất xứ.

Trước hết, chúng ta hãy nghe Sư Cô Chân Không, người có quyền lực thứ hai ở Làng Mai, người phát ngôn chính thức của Đạo Tràng Mai Thôn, nói :

– Người ta giấu những lá cờ của chế độ cũ ở sau vài ngôi chùa của Giáo Hội đó. Chúng tôi không có tham vọng chính trị.

Trên các chương trình thuyền thông thế giới đã có nhiều bài phân tích về lời tuyên bố này. Để khỏi mất thì giờ và tốn giấy mực, tôi xin trích ý kiến của một độc giả đăng trên Mạng ý kiến :

– Về mặt chính trị, với lời tuyên bố đó, Sư Cô đã trở thành người phát ngôn của nhà cầm quyền Hà Nội, và đồng hoá mình với những người cán bộ của một bộ máy cai trị đã xua đuổi hằng triệu người ra khỏi nước, khiến cho hàng trăm ngàn người chết chìm trong biển Đông, đã đày đoạ hằng trăm ngàn người trong những trại cải tạo kéo dài hàng chục năm, đã đẩy xã hội vào vũng lầy của sự sa đoạ (3).

Đến đây ta hãy nghe những phát biểu của chính Thiền Sư Thích Nhất Hạnh khi trả lời phỏng vấn của các ký giả báo chí Việt Nam.

Nhà báo (nữ) :
– Ở Đạo Tràng Mai Thôn thì các hoạt động tôn giáo có được tự do thoải mái không hay là như thế nào ạ ?

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh :

– Ở bên đó thì … thì … thoải mái lắm rồi. Chúng tôi đi giảng ở bất cứ nước nào dầu là nước Ý cũng không cần phải đi ngang qua một giáo hội nào hết, một tổ chức nào hết, không có xin phép gì hết, giảng ở sân vận động hay là trường đại học hay là rạp hát ! Thì chỉ thuê thôi, thì poster thôi và dán lên thôi (4).

Ngay sau đó, với sự tỉnh giác của một bậc Thiền Sư, TS đã nói tiếp :

– Nhưng tôi hiểu là đất nước mình đang ở trong giai đoạn kiến thiết, mở rộng, thành ra tôi không có đòi hỏi như vậy. Tôi hiểu rằng Nhà Nước cho phép tôi về để chia sẻ sự thực tập, sự giảng dạy và cho phép sách tôi được in… đó là một chuyện rất là tích cực. Nó chứng tỏ nhà nước có thao thức muốn cởi mở ra. Mà cái điều này người quốc tế rất mừng. Ngày hôm qua tôi tới phi trường Paris để qua đây thì báo chí tới rất là đông, trong đó có Agent France Press, có đài truyền hình, có tờ báo Le Monde, tới đông lắm !

– Thì tôi nói rằng là cái chuyện tôi về là một biến cố rất là lớn. Nó chứng tỏ ước muốn của Nhà Nước Việt Nam muốn cởi mở ra, để cho Việt Nam có một cái hình ảnh đẹp ở trên thế giới. Và nếu chúng tôi về kỳ này thì chúng tôi sẽ yểm trợ cái đó. Chúng tôi sẽ yễm trợ cho Phật Giáo, cho đất nước, cho Nhà Nước để cho cái sự mở rộng đó nó càng đi mạnh hơn, càng lớn hơn.

Qua lời phát biểu trên, chúng ta thấy TS ý thức rõ việc TS về lần này là một biến cố không phải là nhỏ, mà là một biến cố “rất là lớn !” Lớn đến mức “người quốc tế rất mừng !”

Tại sao “người quốc tế rất mừng” ? Phải chăng quốc Tế, những hảng thông tấn AFP, các đài truyền hình, tờ báo Le Monde mừng vì một chuyến đi truyền đạo của một vị tu sĩ Phật giáo Việt Nam tại Việt Nam ? Hay người ta quan tâm đến chuyến đi đó vì tính chất chính trị của nó ?

Đó là về mức độ rộng lớn của biến cố, còn về thực chất lãnh vực của biến cố đó là gì, chúng ta hãy nghe TS nói :

– Nó chứng tỏ ước muốn của Nhà Nước Việt Nam muốn cởi mở ra, để cho Việt Nam có một cái hình ảnh đẹp ở trên thế giới.

Đến đây thì rõ ràng với chuyến đi này, TS đã làm theo ước muốn (hay nói theo ngôn ngữ thế gian là theo đơn đặt hàng) của Nhà Nước Việt Nam cho dù TS có cố gắng biện minh cho cái “ước muốn” đó thế nào đi nữa !

– Chúng ta hãy xem xét cái “ước muốn” đó là ước muốn gì ? Thiền Sư Thích Nhất Hạnh nói :

– Nhà Nước Việt Nam muốn cởi mở ra, để cho Việt Nam có một cái hình ảnh đẹp ở trên thế giới.

Nếu Nhà Nước Việt Nam muốn cởi mở ra thì tại sao không để cho các người như luật gia trẻ tuổi Lê Chí Quang, cựu chiến binh nhà giáo Nguyễn Khắc Toàn, bác sĩ Phạm Hồng Sơn, cựu phóng viên Tạp chí Cộng Sản Nguyễn Vũ Bình, cựu đại tá nhà báo Phạm Quế Dương, nhà nghiên cứu văn hoá Trần Khuê, Bác sĩ Nguyễn Đan Quế được tự do phát biểu ý kiến của mình ? Cần nhấn mạnh rằng hầu hết những nhân vật kể trên là những người đã đóng góp vào “sự nghiệp chống Mỹ cứu nước”, đã có những huân chương, huy chương do Nhà Nước Việt Nam trao tặng. Nếu Nhà Nước Việt Nam muốn cởi mở ra thì tại sao họ lại ngăn cấm không cho các ký giả nước ngoài tham dự Diễn Đàn Nhân Dân ASEM 5, để cho báo chí thế giới lên án ?

Nếu “để cho Việt Nam có một cái hình ảnh đẹp ở trên thế giới” thì tôi nghĩ chỉ cần Nhà Nước Việt Nam thực thi tự do, dân chủ, thực thi những điều mà họ đã cam kết với quốc tế về tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, về nhân quyền.

Còn nếu chỉ muốn đơn thuần có “một cái hình ảnh đẹp” không thôi, mà không có những hành động cụ thể, thì thực chất, đó chính là sự lừa mị, không hơn, không kém ! Nhưng ở thời đại khoa học kỹ thuật tân tiến, với những phương tiện truyền thông đại chúng ngày nay, tiếng dử đồn xa mà tiếng lành cũng đồn xa, mọi thủ đoạn lừa mị đều chỉ là lấy vải thưa che mắt thánh mà thôi.

Chúng ta xem tiếp TS NH tham gia vào việc thực hiện “ước muốn đó” như thế nào ?

TS nói :

– Và nếu chúng tôi về kỳ này thì chúng tôi sẽ yểm trợ cái đó. Chúng tôi sẽ yễm trợ cho Phật Giáo, cho đất nước, cho Nhà Nước để cho cái sự mở rộng đó nó càng đi mạnh hơn, càng lớn hơn.

Việc TS yễm trợ cho Phật Giáo, cho Đất Nước chưa thấy đâu, nhưng rõ ràng TS đã yễm trợ cho Nhà Nước một cách rất tích cực ! Báo Thanh Niên số ra ngày 19/01/2005 với tiêu đề “Hoà Thượng Thích Nhất Hạnh : Việt Nam khẳng định chính sách rộng mở” đã trích lời phát biểu của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh với Thông Tấn Xã Việt Nam : “Việc Nhà Nước Việt Nam tạo điều kiện cho đoàn về thăm và thuyết giảng pháp môn tu thiền tại một số cơ sở thờ tự đã khẳng định chính sách mở rộng của Việt Nam đối với tín ngưỡng, tôn giáo” (5).

Không biết khi nói như vậy Thiền Sư Thích Nhất Hạnh có nhớ là Hoà Thượng Thích Huyền Quang, Hoà Thượng Thích Quảng Độ đã bị giam cầm bao nhiêu năm trong nhà tù Cọng Sản và hiện tại đang bị quản thúc tại các chùa của các Ngài không ? Không biết Thiền Sư có biết mới vừa đây thôi Nhà Nước Việt Nam đã huy động một lượng công an và xe cơ giới chưa từng có để ngăn cản Hoà Thượng Thích Quảng Độ ra thăm Hoà Thượng Thích Huyền Quang đang bị bệnh nặng ? Không biết Thiền Sư có biết vừa mới đây, Nhà Nước Việt Nam tuyên án Mục Sư Nguyễn Hồng Quang với tội danh do họ gán ghép một cách bỉ ổi bất chấp dư luận trong nước và trên thế giới ?

TS có biết không ? Chúng ta hãy nghe TS trả lời báo chí trong nước :

Nhà báo :

– Và nếu mà Thầy quan tâm đến một số tờ báo, đài phát thanh thì chắc Thầy cũng biết rằng là các đồng nghiệp của chúng con cũng nói những điều như là ở VN có những chuyện như là đàn áp tôn giáo mà là Phật giáo thì cái chuyện đó các Thầy có nghe được không ? Và các Thầy nhận xét thế nào về cái chuyện đó.

TS Nhất Hạnh :

– Chúng tôi có nghe. Nhưng mà tại vì chúng tôi không phải là những nhà chính trị, thành ra chúng tôi không muốn sử dụng những cái tin như vậy để tạo ra những cái chia rẽ, khó khăn (6).

Đúng là TS không muốn sử dụng sử dụng những cái tin như vậy để tạo ra những khó khăn cho Nhà Nước Việt Nam, nhưng TS có biết rằng khi TS “ca ngợi cuộc mở cửa của (Nhà nước) Việt Nam trong chính sách tín ngưỡng tôn giáo” TS đã tạo ra những khó khăn rất lớn cho GHPGVNTN, cho các vị đại lão Hoà thượng đang bị quản thúc, cho biết bao nhiêu vị tu sĩ các tôn giáo, cho các nhà đấu tranh dân chủ không ?

TS nói :

– Chúng tôi thương nước, thương dân, thương đồng bào.

Tôi không có một chút nghi ngờ nào về tấm lòng thành này của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh ! Tuy nhiên, việc TS ca ngợi “sự mở của của Nhà nước đối với Tín Ngưỡng và Tôn Giáo” làm cho tôi nhớ đến người nho sĩ trong truyện “Bút Máu” của Vũ Hạnh, xuất bản trong thập niên 1960, thời gian có những phong trào chống chiến tranh Việt Nam tại miền Nam Việt Nam.

Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của TS khi TS trả lời một câu hỏi của một ký giả về hai “phạm trù” chính trị và tôn giáo : “Tôi nghĩ chính trị là một phạm vi sinh hoạt của đất nước. Tôn giáo cũng là một phạm vi sinh hoạt của đất nước. Hai cái có thể cộng tác được. Nhưng mà nhà chính trị đừng làm nhà tôn giáo, nhà tôn giáo đừng làm nhà chính trị (cười). Và hai bên không cần xen vào lĩnh vực của nhau. (…) Mình là người tu thì mình phải làm người tu thôi. Mình là người làm chính trị, thì phải làm chính trị thôi, nhưng mà cả hai bên phải có đạo đức” (7).

Vậy thì theo ý kiến của TS, tham gia vào một tổ chức chính trị như là Mặt Trận Tổ Quốc, một tổ chức của đảng Cọng Sản Việt Nam có phải là làm chính trị hay không ?

Chúng ta hãy nghe tiếp phát biểu của Thiền Sư về quan hệ của Thiền Sư với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, một thành viên của Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam :

Nhà báo hỏi : Thưa Thầy ở Việt Nam có một tổ chức giáo hội Phật Giáo Việt Nam (GHPGVN) (giáo hội Nhà Nước – ghi chú của người viết), các Thầy có liên lạc thường xuyên với GHPGVN không ? Thầy nghĩ như thế nào về hoạt động của tổ chức này ở Việt Nam ?

Thiền Sư Nhất Hạnh : Chính GHPGVN đã giúp chúng tôi nhiều lắm trong chuyện tổ chức chuyến đi này. Anh em trong nhà hết thôi mà. (cười)

TS cũng lập đi lập lại rằng chuyến đi của TS chỉ thuần tuý có tính chất đạo học. Nhưng nếu chỉ thuần tuý có tính chất đạo học thôi thì tại sao TS và đại diện đoàn Tăng Thân Làng Mai lại phải đến Ban Tôn Giáo Chính Phủ để diện kiến với ông Trưởng Ban Tôn Giáo Chính Phủ ? Tại sao các vị lại phải đến Học Viện Chính Trị Quốc Gia Hồ Chí Minh, cho dù các vị đến đó để thuyết giảng ?

Tôi cũng đồng ý với TS là nhà chính trị và nhà tôn giáo cả hai bên phải có đạo đức, nhưng cần phải thêm là không phải chỉ có hai hạng người trên mà tất cả mọi người đều cần phải có đạo đức ! Và yếu tố trước tiên và quan trọng nhất của Đạo Đức là Sự Chân Thật ! CHÂN rồi mới đến THIỆN, rồi mới đến MỸ. Lãng tránh sự thật không phải là đạo đức !

So sánh chính sách đàn áp tôn giáo của Thiệu-Kỳ và Cọng Sản Việt Nam, thì Cọng Sản Việt Nam thâm độc và xảo quyệt hơn nhiều. Dưới chế độ Cọng Sản số tăng sĩ bị giết hại, giam giữ, bức bách phải hoàn tục hay phải bỏ nước ra đi lớn hơn dưới thời Thiệu – Kỳ rất nhiều. Số tăng ni Phật tử tự thiêu để phản đối chính sách đàn áp tôn giáo của Cọng Sản cũng không nhỏ. Thời gian các tu sĩ bị giam giữ thì kéo dài hơn rất nhiều. Tuy nhiên, dưới thời Thiệu -Kỳ, chỉ có Phật giáo bị đàn áp còn dưới chế độ Cọng Sản thì tất cả các tôn giáo đều bị bức hại. Đặc biệt, Cọng Sản còn tiến hành thủ đoạn chia rẽ nội bộ các tôn giáo một cách quy mô và có hệ thống bằng cách dựng lên những tổ chức tôn giáo do Nhà Nước chỉ huy. Những điều này, tất cả những ai quan tâm đến tình hình hoạt động của các tôn giáo tại Việt Nam đều biết. Nói rằng quan tâm đến tình hình Phật giáo trong nước mà không biết đến những điều này thì không thể nào nói là có Tuệ Giác. Biết, nhưng vì một lý do nào đó, chẳng hạn như vì một chút ân huệ nào đó, mà không nói thì không phải là đạo đức.

Tôi cũng đồng ý với ý kiến sau đây của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh :

– Mục đích của các nhà tôn giáo không phải là “xoá đói giảm nghèo” (cười). Cái đó là chuyện của các nhà chính trị, các nhà kinh tế (8).

Tuy nhiên, khi đồng bào đang bị chìm đắm trong cảnh lụt lội mà mình vẫn an nhiên toạ thiền thì chắc pháp môn đó không ai cần đến. Chính vì vậy mà nhiều vị tăng ni đã dấn thân vào các hoạt động cứu trợ. Cũng chính vì vậy mà Hoà Thượng Thích Quảng Độ, Cố Ni Sư Trí Hải, Thượng Toạ Tuệ Sĩ đã bị tù đày ! Ngoài ra, nhiều vị tu sĩ của các tôn giáo đã rất tích cực trong các hoạt động từ thiện xã hội. Trong bài phỏng vấn, Thiền Sư Thích Nhất Hạnh cũng đã nhắc đến việc TS và Làng Mai đã góp phần vào công tác từ thiện tại VN. Điều này không có gì trái với mục đích hay giới luật của các tôn giáo. Chỉ có khác một điều là hoạt động từ thiện của các vị tu sĩ như Hoà Thượng Quảng Độ, Ni Sư Trí Hải v.v… là không có điều kiện ; trái lại, “các cô thầy giáo trong hai chương trình Từ Thiện và Cộng Đồng” (do TS và Làng Mai tài trợ) muốn nhận “Trợ tác phí” phải đến “đảnh lễ Sư Tổ Nhất Định, vị Sư Tổ đầu của Môn Phái Từ Hiếu”. (những chữ viết nghiêng trong ngoặc kép được trích từ lá thư của Sư Cô Chân Không gởi từ Làng Mai ngày 25 tháng 12 năm 1999 – muốn biết thêm chi tiết xin xem “Lại Chuyện Mẫu Giáo Huế” và các văn kiện trên trang web www.giaodiem.com)

Tôi là phàm phu, mà phàm phu thì thấy các vị Phật đều là phàm phu. Cho nên tôi hiểu câu nói của TS theo cách phàm phu của tôi. TS nói :

– Khi mà tôi rời quê hương giống như là một tế bào của một cơ thể (…) bây giờ tôi trở về không phải với tư cách một tế bào nữa, mà cả nguyên một cơ thể tại vì bây giờ cái đoàn thể Âu, Mỹ mấy chục nước nó rất là đông. Ví dụ như bên Mỹ chúng tôi có hàng trăm ngàn đệ tử, rồi các nước Aâu chấu cũng vậy, Úc châu, Tân Tây Lan cũng vậy (9).

Tôi hiểu rằng trước đây TS ra khỏi nước như là một cá nhân riêng rẽ, nhưng nay TS trở về với một lượng ; lực lượng đó có khi còn lớn hơn cả Giáo Hội của Nhà Nước và cả GHPGVNTN không phải của Nhà Nước nữa. Vì vậy cho nên TS có đủ tư cách, khả năng và thẩm quyền để hoà giải, kết hợp hai lực lượng đó lại ! Tuy nhiên có lẽ các vị lãnh đạo GHPGVNTN không dám làm nhọc lòng TS đến như vậy ! Nếu TS có thể thuyết phục được Nhà Nước Việt Nam làm theo chủ trương của TS là người làm chính trị thì làm chính trị, đừng xen vào tôn giáo, nghĩa là đừng bắt các tu sĩ phải đứng vào Mặt Trận, đừng tham gia Quốc Hội, thì không những các vị lãnh đạo GHPGVNTN mà tất cả Phật tử và nhân dân Việt Nam biết ơn TS vô cùng ! Chuyện hoà giải hai Giáo hội sẽ rất dễ dàng. Bắt các tu sĩ phải đứng vào Mặt Trận, tham gia Quốc Hội thì thật tội nghiệp cho các vị ấy quá chừng ! Phật tử khi đã phát nguyện quy y, chứ chưa nói đến các vị xuất gia, là đã thệ nguyện quy y Phật, quy Pháp, quy y Tăng. Mà “Quy y tăng, (thì) không quy y tổn hữu ác đảng”. Viết theo chữ quốc ngữ, chữ đảng dù là viết hoa hay viết thường thì chữ nho viết giống nhau gồm có bộ hắc ở dưới và chữ thượng ở trên, có nghĩa là tập đoàn những kẽ ăn trên ngồi trước hưởng mọi đăc quyền trên cơ sở của sự hắc ám. Vậy tu sĩ Phật giáo Việt Nam làm sao mà đi theo Đảng Cọng Sản Việt Nam cho được ! Trong luận Ngữ cũng có câu : “quân tử bất đảng”, nghĩa là người quân tử không a dua theo ai ! Vậy thì người tu sĩ Phật giáo được xem là bậc trượng phu, thì làm sao mà a dua cho được !

Trong bài lời phỏng vấn, TS có đề cập đến chủ trương Bất Bạo Động. Tuy nhiên, nói đến Bất Bạo Động, trước tiên chúng ta phải biết định nghĩa Bất Bạo Động là gì. Bất bạo động không có nghĩa là không dám phản kháng lại sự áp bức của một thế lực mạnh hơn mình. Ngược lại, Bất bạo động có nghĩa là dám chống lại và có khả năng sử dụng bạo lực nhưng không dùng bạo lực để chống lại thế lực bạo động, cho dù phải chịu hy sinh, mất mát, cực hình, thậm chí cả tính mạng của mình. Điển hình của cuộc đấu tranh bất bạo động hiện nay tại Việt Nam là hai vị Hoà Thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ. Nếu đã có những tăng ni, phật tử dám tự thiêu, thì nhất định có đông đảo phật tử sẵn sàng xuống đường biểu tình, thậm chí dùng bom xăng đánh trả lại Công An như Phật tử đã từng làm trước năm 1975, dù tổn thất có thể nhiều hơn, hy sinh có thể lớn hơn, chỉ cần các hoà thượng lên tiếng kêu gọi. Nhưng các vị lãnh đạo GHPGVNTN đã không làm điều đó. Không những thế, các vị đã còn kêu gọi quần chúng Phật tử hãy mở rộng lòng Từ Bi đến cả những người lãnh đạo Cọng Sản đang đày đoạ các vị.

Mặt khác, Bất Bạo Động không thể là một sự lẫn tránh. Một điển hình khác là Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế. Nhà cầm quyền Việt Nam đã đề nghị trả tự do cho ông với điều kiện ông phải đi ra nước ngoài. Ông đã từ chối đề nghị đó của nhà cầm quyền Cọng Sản và sẵn sàng chấp nhận tù đày, giam hãm. Chính vì thái độ bất bạo động và can trường này, ông đã được nhiều tổ chức quốc tế (chứ không phải chỉ một cá nhân) đề cử là ứng viên của giải Nobel Hoà Bình.

Nêu những điển hình của cuộc đấu tranh bất bạo động tôi không có ý nghĩ so sánh các vị với Thiền Sư Thích Nhất Hạnh. Một người chưa từng bị đánh đập, tra tấn, chưa từng bị tù đày, nếu trong tâm khởi lên một ý niệm so sánh mình với Thánh Gandi, tôi cho rằng người đó đã mắc tội “vọng ngữ”.

Thiền Sư nói rất hay : “Vai trò của các nhà tôn giáo khônng phải là để xây đắp một cái ngã, không phải là một cái uy thế cho tôn giáo…”. Và tôi cảm thấy rất có “ấn tượng” khi nghe TS nhắc đi nhắc lại không biết bao nhiêu lần rằng phương pháp mà TS giảng dạy rất thích hợp với người Tây phương, nhất là giới trí thứcgiới trẻ. Tôi lại có ấn tượng hơn khi nghe TS nói : “Bây giờ tăng thân ở hải ngoại rất là lớn, có hàng chục triệu người, tất cả các nước ở châu Âu , nước nào cũng có tăng thân do chúng tôi thiết lập và mỗi tuần họ cũng quy tụ như thế này đây để nghe pháp thoại, để cùng ngồi thiền, để cùng ăn cơm trong chánh niệm, để cùng pháp đàm và họ cũng thực tập giống hệt như chúng ta thực tập hôm nay ở đây. (…) Chúng tôi đã thiết lập được trên dưới một ngàn tăng thân, tức là một ngàn đoàn thể tu học như là cái tăng thân Định Quán này này”.

Trên dưới một ngàn tăng thân, có hàng chục triệu người, nghĩa là mỗi tăng thân có khoảng mười ngàn người (wow !), và mỗi tuần họ quy tụ lại để cùng ngồi thiền, nghe pháp đàm ! Tôi thật là lạc hậu, ở tại Bắc Mỹ, trong thời đại thông tin tiến bộ ngày nay nhưng tôi lại không biết chuyện này ! Không biết bạn có biết không ?

Tuy nhiên tôi có một nhận xét là khi nói điều đó, TS đã làm khác xa với cách hành xử của Đức Thế Tôn mà TS đã kể lại trong Đường Xưa Mây Trắng ! Khi du sĩ Uttiya hỏi :
– Đạo pháp của Sa Môn Gotama có thể cứu độ được bao nhiêu người trên thế giới ?
Bụt ngồi lặng yên không nói.
(…) Đại đức Ananda lên tiếng :
– (…) Sa Môn Gotama không quan tâm mấy tới số lượng những người theo đạo. Sa Môn Gotama chỉ quan tâm tới những pháp môn có hiệu lực ngăn chận và diệt trừ tham dục, bạo động và mê vọng…

Tôi lại càng đặc biệt cảm thấy có “ấn tượng” khi đọc bài tường thuật cuộc thiền hành của tăng thân Làng Mai quanh hồ Hoàn Kiếm (rất tiếc tôi không lưu lại bài này và cũng không còn thấy trên trang web của Làng Mai, cho nên không trích nguyên văn được !) Trong bài tường thuật có đoạn viết người dân Hà Nội trầm trồ : xem kìa, các sư Tây đẹp quá ! Xen lẫn với “ấn tượng” đó, tôi bỗng cảm thấy bùi ngùi ! Tôi hình dung những em bé chạy theo sau các sư Tây, xô đẩy nhau, chỉ chỏ, trầm trồ khen ngợi : các sư Tây đẹp quá. Các em bé đó là hình ảnh của chúng tôi những năm 50 của thế kỷ trước, khi chúng tôi đứng ngoài hàng rào cao thật cao của Câu Lạc Bộ Thể Thao, ngắm nhìn các ông Tây và những người Việt quý tộc mặc quần sọt trắng, áo sọt trắng, mang giày trắng, tất trắng, cái gì cũng trắng đang đánh tơ-nít trên sân xi-măng, xung quanh có những đứa “bé con” đi lượm banh. Có lẽ các em bé Hà Nội ngày nay cũng giống như tôi ngày xưa thầm nghĩ có một lớp người sang trọng, thông minh, trí thức, hiểu biết tất cả mọi điều trên thế giới này, hàng ngày không phải lo lắng đi kiếm sống, một lớp người mà mình không bao giờ với tới được. Tôi bỗng cảm thấy tủi thân cho các em tôi đang ở quê nhà, vì chúng không phải là trí thức và cũng không còn trẻ nữa để có thể có khả năng và điều kiện để tiếp thu cái pháp môn “mầu nhiệm” của Thiền Sư !

Đang miên man với những ý tưởng không đâu, tôi bỗng giật mình trở về với hiện tại và nghe lại nghe lại cuốn băng ghi âm lời của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh :

– Ở bên đó thì … thì … thoải mái lắm rồi. (…) Nhưng tôi hiểu là đất nước mình đang ở trong giai đoạn kiến thiết, mở rộng, thành ra tôi không có đòi hỏi như vậy.

TS nói rất có lý ! TS và Sư Cô Chân Không cần gì đòi hỏi cái “của quý và hiếm” ấy ! Thật vậy, Tự Do Tín Ngưỡng, Tự Do Tư Tưởng, Nhân Quyền là những thứ cực kỳ Quý và Hiếm ở tất cả các nước theo chế độ Cọng Sản ! Sau vài tháng nữa TS và Sư Cô Chân Không v à tăng thân Làng Mai sẽ trở về Bên kia trời Tây, một nơi có tên đầy thi vị “Làng Hồng”, ở vùng đồi núi thơ mộng miền Nam nước Pháp, nơi mùa xuân tràn ngập hoa đào rực rỡ ở Xóm Hạ, nơi có mùa Thu thay lá, có tuyết mùa Giáng Sinh với hơi ấm và mùi thơm của củi thông, buổi ăn sáng có sữa, bơ, fromage và bánh mì các loại, buổi ăn tối trong ánh sáng lung linh của những chiếc đèn cầy trên bàn ăn …. ở Xóm Thượng. Tôi như có thể thấy được hoa nở dưới bước chân thiền hành của Thiền Sư, và như nghe thấy trong không khí mùi nước hoa đắt tiền nơi Sư Cô Chân Không đi qua.

Tôi hiểu rằng TS có Hạnh Phúc thật sự và thật sự an trú trong hiện tại của Làng Hồng !

Đến đây có lẽ chúng ta đã có đầy đủ dử kiện và chứng cớ để kết luận rằng chuyến đi của Thiền Sư Nhất Hạnh không những có tính chất chính trị như là một hệ quả tất yếu của một chuyến đi của một người nổi tiếng thế giới cùng đi với một phái đoàn đông đảo gần 200 người, mà cả về thực chất, chuyến đi này có tính chất chính trị !

Cuối cùng tôi xin được chia xẻ với mọi người, với tất cả những ai quan tâm đến giáo lý của Đức Thế Tôn, người trẻ và người không còn trẻ, người trí thức và người lao động, ở Tây phương và ở phương Đông, ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài về lời cảnh tỉnh của Ngài Đạt Lai Lạt Ma trong cuốn “Nói Chuyện Cùng Ki Tô Hữu Và Phật Tử” do Ni Sư Thích Nữ Trí Hải dịch :

“Tuy nhiên tôi cũng ý thức rằng cuộc tìm kiếm tâm linh này có thể đưa đến một thứ tự mãn cầu an”.

Hữu Vọng

(1) AFP bản tin ngày 18.01.2005 ; toàn văn bản Việt dịch
(2) Đạo Tràng Mai Thôn ; Theo Bước Chân Thầy, www.langmai.org
(3) Bùi Hồng Sơn, Phát Biểu của Sư Cô Chân Không. Ý kiến bạn đọc ; www.ykien.net. 19.01.2005.
(4) Thiền Sư Nhất Hạnh ; “Thiền Sư Nhất Hạnh trả lờI phỏng vấn …” ; www.langmai.org ; Hà Nội ; 12.02.2005.
(5) Báo Thanh Niên ; “Hoà Thượng Thích Nhất Hạnh : Việt Nam khẳng định chính sách rộng mở”. 18.01.2005.
(6) Thiền Sư Nhất Hạnh ; “Thiền Sư Nhất Hạnh trả lờI phỏng vấn…” ; www.langmai.org ; Hà Nội ; 12.02.2005.
(7) Như trên.
(8) Như trên.
(9) Như trên.

Check Also

Tâm sự của một Phật tử trên quê hương Việt Nam

Trong lịch sử hoạt động của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất lần …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *